Bên trong nhà máy chế tạo xe Vinfast ở Hải Phòng. Ảnh: Vingroup

Con số gần 4.000 người đặt cọc mua xe điện VinFast vào cuối tháng 3 vừa qua cho thấy sự hào hứng của người tiêu dùng Việt với xe điện. Các hãng xe lớn trên thế giới cũng lên kế hoạch ra mắt những mẫu xe điện mới tại thị trường trăm triệu dân này. Liệu đây có phải là những dấu hiệu cho sự lên ngôi của xe điện ở Việt Nam?

Bùng nổ xe điện

Thế giới ngày càng ô nhiễm, xu hướng phát triển sản phẩm sạch vì thế cũng lan nhanh. Tại Việt Nam, xu hướng phát triển năng lượng sạch như điện gió hay điện mặt trời đã thật sự tăng mạnh trong khoảng 5 năm gần đây. Xe điện nhập về Việt Nam cũng có nhưng chưa nhiều. Xe điện VinFast ra đời đúng xu hướng ấy nên được đón nhận nồng nhiệt cũng là điều dễ hiểu. Xe điện VF e34 của VinFast  là dòng xe thuần điện. Hãng này cho biết sẽ bán với giá 690 triệu đồng/chiếc. Xe sử dụng pin dung lượng 42kWh, có thể đi được quãng đường 300km, sạc nhanh 15 phút, đi được 180km.

Trước VinFast, đã có vài hãng xe ra mắt xe điện tại Việt Nam, dù khá ít ỏi. Năm 2017, hãng Toyota chính thức nhập chính hãng về Việt Nam mẫu xe Toyota Prius thuộc dòng xe hybrid với giá khá đắt. Trước đó, một số xe sang hybrid như Audi hay Mercedes cũng được các nhà nhập khẩu tư nhân đưa về với số lượng vài chục chiếc mỗi năm. Cuối năm 2020, hãng xe thể thao Porsche của Đức cũng ra mắt xe thuần điện Taycan tại Việt Nam.

Năm 2035 – hồi kết của xe xăng

Giới chuyên gia xe cho rằng, ưu điểm của xe điện nói chung là tiết kiệm nhiên liệu hơn xe dùng động cơ đốt trong, vận hành mượt mà và mạnh mẽ. Đặc biệt, xe điện giảm lượng khí thải CO2 khoảng 1,5 – 2 lần so với các xe thông thường.

Theo Bloomberg, đến 2030, thị trường toàn cầu sẽ có hơn 90 triệu xe điện, trong đó xe hybrid MHEV và PHEV sẽ là xu hướng chính của dòng xe điện hoá trước khi chuyển dần sang xe điện hoàn toàn (BEV) và xe nhiên liệu hydro (FCEV).

Xu hướng chuyển dịch từ xe chạy bằng xăng, dầu sang xe điện được cho là giúp thế giới tiết kiệm 250 tỷ USD mỗi năm, đồng thời khiến nhu cầu sử dụng dầu trên toàn cầu giảm 70% trong 10 năm tới. Nhóm nghiên cứu quốc tế Carbon Tracker (London, Anh) đánh giá, việc chuyển đổi dần từ xe chạy xăng, dầu sang xe điện có thể giúp Trung Quốc – thị trường xe lớn nhất thế giới hiện nay tiết kiệm được khoảng 80 tỷ USD mỗi năm. Sản lượng xe điện tăng lên sẽ góp phần làm giảm đáng kể chi phí nhập khẩu dầu, vốn chiếm 1,5% GDP của Trung Quốc và 2,6% của Ấn Độ.

Trong báo cáo nghiên cứu công bố đầu tháng 5.2021, tổ chức Bloomberg New Energy Finance (BNEF) và tổ chức phi chính phủ Transport and Environment dự đoán đến năm 2035 tất cả xe bán ra ở châu Âu sẽ là xe điện. Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản cũng lấy mốc 2035 để chấm dứt việc sản xuất xe chạy động cơ xăng…

Theo đó, giá pin sẽ giảm tới 58% trong giai đoạn 2020 – 2030, rơi vào khoảng 58 USD cho mỗi kWh. Việc giá pin xuống dưới 100 USD cho mỗi kWh sẽ là bước ngoặt “lịch sử” với xe điện, đánh dấu sự kết thúc của xe dùng động cơ đốt trong và xe hybrid.

Tăng trưởng nhờ trợ cấp

Hầu hết các tên tuổi lớn của ngành công nghiệp xe đều có chiến lược phát triển xe điện rõ ràng. Cuối năm 2020, hãng General Motors của Mỹ cho biết sẽ đầu tư 27 tỷ USD cho việc phát triển các sản phẩm xe “xanh”. Hãng Volkswagen của Đức nói sẽ chi tới 86 tỷ USD để phát triển xe điện. Daimler AG của Đức cũng xác nhận rằng thế hệ tương lai của dòng xe địa hình Mercedes Benz G-Class sẽ được trang bị động cơ điện. Trước mắt, hãng sẽ đầu tư 11 tỷ USD cho việc phát triển công nghệ xe điện với thương hiệu Mercedes Benz. Mục tiêu của Mercedes là những chiếc xe chạy bằng pin hoàn toàn sẽ đóng góp hơn một nửa doanh số vào năm 2030.

Xa hơn, nhiều hãng còn tuyên bố ngừng phát triển động cơ đốt trong, thậm chí chấm dứt kinh doanh các loại xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong vài năm tới, trong đó có thể kể tới Audi, Daimler, Volvo, GM, BMW… Ford còn mạnh dạn khẳng định 100% xe du lịch bán ra từ năm 2026 sẽ được điện hóa một phần hoặc toàn phần. Nhờ sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính phủ, châu Âu trở thành khu vực tiêu thụ xe điện nhiều nhất thế giới. Năm 2020, doanh số xe điện ở châu Âu tăng 137% đạt 1,4 triệu xe, cao hơn nhiều so với mức tăng 12% với 1,3 triệu xe ở Trung Quốc. Tại Mỹ, chỉ riêng Tesla đã bán được 500.000 chiếc trong năm 2020. Doanh số xe điện trên toàn cầu trong năm 2020 đã tăng hơn 43% so với năm trước đó, với hơn 3 triệu xe. Nguyên nhân là nhiều quốc gia trợ cấp giúp mở rộng thị trường xe điện, thay thế dần các loại xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Chẳng hạn, bang California (Mỹ) dành riêng làn xe ưu tiên cho dòng xe điện để không tắc đường. Tại Trung Quốc, người mua xe điện được hỗ trợ khoảng 2.800 USD/xe kèm theo nhiều ưu đãi như giảm thuế giá trị gia tăng hoặc các khoản vay lãi suất thấp. Trong năm 2020, Chính phủ Đức cũng đã chi hơn 652 triệu euro để trợ giá cho xe điện, tăng gấp 6,5 lần so với năm 2019 (98 triệu euro). Tại Hàn Quốc, kể từ năm 2013, tất cả các loại xe điện được trợ giá. Từ năm 2020, xe chạy được quãng đường dài hơn sau mỗi lần sạc sẽ được trợ giá nhiều hơn. 

Riêng ở Việt Nam, bên cạnh việc siết chặt tiêu chuẩn khí thải, chính phủ cũng tạo điều kiện cho nền sản xuất xe điện phát triển. Nghị định 57/2020 có hiệu lực từ ngày 10.7.2020 đã mở cửa thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất xe điện, xe hybrid, xe sử dụng nhiên liệu sinh học và khí thiên nhiên (gọi chung là xe xanh) tại Việt Nam. Cụ thể, linh kiện nhập khẩu phục vụ sản xuất xe xanh được hưởng thuế 0%, đồng thời áp dụng cho cả các công ty sản xuất linh kiện và phụ tùng.

Những chính sách này đã giúp các doanh nghiệp sản xuất xe mạnh dạn chuyển hướng. Tại Việt Nam, VinFast nhanh chóng ra mắt ba dòng xe điện sau một thời gian ngắn nghiên cứu.

Trạm sạc đi trước

Lãnh đạo một hãng xe ở Việt Nam đánh giá, để phát triển được xe điện tại Việt Nam trước tiên cần phát triển các trạm sạc trên toàn quốc. Mà điều này cần khá nhiều chi phí.

VinFast cho biết, hãng này đang tìm kiếm đối tác để triển khai hơn 2.000 trạm sạc với hơn 40.000 cổng sạc cho xe máy điện và xe điện tại các bãi đỗ xe ở các trung tâm tỉnh thành lớn. Hãng Porsche đến nay cũng mới chỉ có trạm sạc tại Hà Nội và TP.HCM để phục vụ cho dòng xe thuần điện Taycan.

Ngoài trở ngại cơ sở hạ tầng, thực tế xe điện hẳn còn phải “chiến đấu” với xe xăng vì một số yếu tố khác. Chẳng hạn, các mẫu xe hybrid nhập về Việt Nam chưa nhiều, việc sửa chữa sẽ khó khăn. Việc phải sạc điện liên tục sẽ gây bất tiện cho người dùng muốn đi xa hay đi dã ngoại. Ngoài ra, thực tế xe hybrid cắm sạc (PHEV) xả ra lượng khí thải ngang bằng thậm chí cao hơn xe truyền thống, theo Viện Fraunhofer ISI và Hội đồng quốc tế về giao thông xanh (ICCT) tại Đức.

Đổi lại, giá xe điện hiện nay đã giảm khá nhiều và có phiên bản điện ở tất cả các dòng, từ bình dân đến cao cấp. Sắp tới, khi hệ thống trạm sạc phát triển rộng khắp và các hãng xe nhập xe điện vào Việt Nam nhiều hơn sẽ giúp thị trường xe điện phát triển mạnh mẽ. 

4 loại xe điện: Một là xe thuần điện (BEV) tức xe chỉ sử dụng nguồn điện từ pin được sạc tại các trạm sạc hoặc ở nhà. Hai là xe hybrid nhẹ (MHEV) tức xe có động cơ đốt trong sử dụng xăng dầu và môtơ điện hỗ trợ lẫn nhau; và pin được sạc tự động khi xe chuyển động, không phải sạc ngoài. Ba là xe hybrid sạc ngoài (PHEV) tức xe có động cơ đốt trong và môtơ điện hoạt động độc lập, pin sạc ngoài và khi di chuyển. Cuối cùng là xe nhiên liệu hydro (FCEV) với điện được tạo ra bằng phản ứng hóa học của hydro với oxy.

Dương Nguyễn (Theo TGHN)

Gas South: Sản phẩm tốt nhất cho người tiêu dùng