Bà Nguyễn Phương Nga – Giám đốc phát triển thị trường – Công ty chuyên nghiên cứu thị trường Kanta Việt Nam

Sự tiện lợi là một trong ba động lực chọn kênh mua sắm của người Việt Nam vì mua sắm trực tuyến đáp ứng tốt nhu cầu này do người mua.

Tại hội thảo: “Chiến lược kinh doanh thời đại số”, do Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao (DN HVNCLC) phối hợp cùng cộng đồng CIO Vietnam tổ chức ngày 18/7, bà Nguyễn Phương Nga – Giám đốc phát triển thị trường – Công ty chuyên nghiên cứu thị trường Kanta Việt Nam đã có nhiều chia sẻ về xu hướng tiêu dùng trong thời đại số.

Theo chia sẻ của bà Phương Nga, sự tiện lợi là một trong ba động lực mua sắm chọn kênh mua sắm của người Việt Nam. Và mua sắm trực tuyến đáp ứng tốt nhu cầu này do người mua có thể tiết kiệm thời gian và mua sắm mọi lúc mọi nơi, nhất là với người trẻ. Các sản phẩm được lựa chọn chủ yếu khi mua sắm online là sản phẩm chăm sóc em bé và làm đẹp.

Theo bà Nga, ngay trong một gia đình, giữa ông bà, cha mẹ và các cháu, việc sử dụng internet có sự khác biệt lớn. Trong đó, nhóm Gen Z (sinh sau năm 1997) bạn trẻ nào cũng tiếp cận internet, người lớn tuổi tỉ lệ dùng thấp hơn.

Bà Nga dẫn một nghiên cứu của Kanta cho thấy, trong thời gian Gen Z thức, hết 1/3 thời gian họ lướt web. Nhóm này sử dụng nhiều ứng dụng, mạng xã hội khác nhau để trò chuyện, mua sắm, và có sự khác biệt lớn về xu hướng, suy nghĩ khi mua sắm.

Trong khi đó, người lớn tuổi tiếp cận internet thời lượng ít và đơn giản. Dù vậy, cơ hội để doanh nghiệp làm truyền thông số, bán hàng trên mạng cho độ tuổi này vẫn có.

Bà Nga giải thích: “Có thể họ mua nước tương, nước mắm, mì gói vẫn ra chợ truyền thống, siêu thị. Nhưng những sản phẩm chăm sóc sức khỏe cao cấp hơn, cần nhiều thông tin hơn lại tiếp cận internet tìm hiểu trước khi ra quyết định mua sắm”.

Ngoài ra, theo bà Nga, khi doanh nghiệp tập trung vào người lớn tuổi, cần hiểu sản phẩm họ mua hay con mua cho. Nếu con mua, đó là những người trẻ, vì thế truyền thông qua internet sẽ phù hợp.

“Còn với người trẻ, thời gian trên internet nhiều, cơ hội rõ ràng cho doanh  nghiệp, nên bán gì cũng truyền thông bằng kỹ thuật số”, bà Nga nói.

Riêng về thị trường nông thôn, những người trẻ vẫn tiếp cận internet nhiều và nắm bắt xu hướng nhanh như ở thành phố. Doanh nghiệp khi làm chiến dịch truyền thông kỹ thuật số, nên tập trung vào người trẻ, thế hệ 8x, 9x.

Bà Nga khuyên, bán hàng ở nông thôn phải có sự khác biệt, bởi giới trẻ ở đây thu nhập không cao, do đó, doanh nghiệp nên bán những mặt hàng có giá trị thấp hơn so với ở thành phố.

Chương trình với sự tham dự của nhiều giám đốc công nghệ trẻ

Internet và điện thoại thông minh đang có tác động sâu sắc đến người tiêu dùng trên nhiều lĩnh vực. Điều này đưa đến cho các nhà sản xuất và bán lẻ cơ hội cũng như thách thức trong việc truyền thông hiệu quả và nắm bắt xu hướng mua sắm mới.

E-commerce đang phát triển nhanh chóng tại Việt Nam, đặc biệt trong ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) với tốc độ >100%. Với đà tăng trưởng này, 5 năm tới E-commerce có thể chiếm thị phần 4% trong ngành FMCG.

3 động lực tăng trưởng chính của E-commerce gồm: Sự phát triển của Internet và điện thoại thông minh; Sự đầu tư từ các trang thương mại điện tử và sự năng động của người bán lẻ cá nhân; Xu hướng ưa chuộng sự tiện lợi.

Trần Quỳnh