Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 17.12.2021
  1. Ra đời từ sáng kiến của mạng lưới liên kết cấp vùng ABCD Mekong (An Giang – Bến Tre – Cần Thơ – Đồng Tháp), được phối hợp tổ chức bởi Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất Lượng Cao (Hội DN HVNCLC) và lãnh đạo 4 địa phương và sự hỗ trợ của Câu lạc bộ Doanh nghiệp dẫn đầu (LBC).
Mekong Connect là Diễn đàn thường niên dành cho doanh nhân, nông dân, HTX, nhà quản lý chính quyền, các chuyên gia trong ngoài nước và các đối tượng quan tâm và lợi ích liên quan đến ĐBSCL và các các mối liên kết mở rộng vùng…
Mekong Connect được khởi động vào năm 2015 với chủ đề “Liên kết – Hội nhập – Phát triển”. Sau 5 lần diễn ra, đây là lần đầu tiên Mekong Connect được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM), đánh dấu bước phát triển mới trong việc mở rộng liên kết vùng của Diễn đàn.
Đồng chủ trì Diễn đàn năm nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), UBND TP.HCM, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN). Phố hợp thực hiện là Sở Công thương TP.HCM, Hội DN HVNCLC, VCCI Cần Thơ. Đồng hành là các tỉnh An Giang – Bến Tre – Cần Thơ – Đồng Tháp.
“Mong muốn đẩy mạnh liên kết với các tỉnh miền Tây được đặt ra sau khi TP.HCM chứng kiến sự đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa trong khu vực thời gian qua” – ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TP.HCM giải thích một trong những lý do TP.HCM đăng cai tổ chức sự kiện này. Và ông Vũ cho biết thêm: Thành phố vừa là nơi tiêu thụ sản phẩm nông sản, vừa chế biến thực phẩm cho các địa phương này. Vì vậy, TP.HCM và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) xuất hiện thương mại hai chiều với mối quan hệ khăng khít. Diễn đàn “Liên kết phát triển TP.HCM và các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long 2021” khai mạc ngày 17/12, TP.HCM tham gia với tư cách một thành viên chính thức, xuất phát từ nhu cầu liên kết trong phát triển kinh tế”.
Còn theo bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN HVNCLC, với nội dung, thành phần tham dự đa dạng từ lãnh đạo các bộ ngành, nhà khoa học, chuyên gia, nông dân, doanh nghiệp trong và ngoài nước…, diễn đàn năm nay ngoài vai trò kết nối, hợp tác, còn là cơ hội để các tổ chức, cá nhân học hỏi, tìm ra giải pháp để thúc đẩy liên kết, hội nhập.
Bà Vũ Kim Hạnh cho biết các đề tài thảo luận tại Diễn đàn năm nay khá phong phú và sát thực tiễn dước góc nhìn liên kết TP.HCM và các tỉnh thành ĐBSCL, như:
  • HCM liên kết với các tỉnh đồng bằng, cùng phát triển bền vững.
  • Chia sẻ kinh nghiệm đầu tư lĩnh vực nông nghiệp của một số Doanh nghiệp nước ngoài: Đầu tư công nghệ vào nông nghiệp – Câu chuyện Việt Nam và khu vực Đông Nam Á
  • Phát huy mạng lưới y tế cơ sở trong công tác phòng chống dịch COVID-19 và đảm bảo an toàn phòng chống dịch trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
  • Phục hồi kinh tế và chuỗi cung ứng hàng hoá giữa TP.HCM và các tỉnh, thành ĐBSCL.
  • Nguồn lực cho ngành nông nghiệp và ĐBSCL.
  • Chính sách và các vấn đề liên kết giữa TP.HCM và các tỉnh, thành ĐBSCL.
Song song đó là các hoạt động song hành với các phiên thảo luận, như:
  • Các hoạt động thực chiến (trao đổi, tư vấn trực tiếp) liên quan đến hoạt động tham gia chuỗi cung ứng hiện đại và xuất khẩu: Chuyên gia tư vấn cho các Doanh nghiệp, HTX nông nghiệp… về các Tiêu chuẩn, Quy chuẩn, công nghệ chế biến nông sản. Chuyên gia giới thiệu về hợp tác công tư – công nông, liên minh các ngành. Diễn biến thị trường và sức mua sau mùa dịch – Đại diện Kantar Việt Nam và doanh nghiệp
  • Hoạt động triển lãm giới thiệu sản sản phẩm: Thiết bị, máy móc, công nghệ nông nghiệp của TP.HCM và các tỉnh, thành ĐBSCL; Sản phẩm chủ lực của TP.HCM; Sản phẩm đặc trưng, OCOP của các tỉnh, thành ĐBSCL, sản phẩm doanh nghiệp khởi nghiệp; Các Quy chuẩn, Tiêu chuẩn Việt Nam và Quốc tế về nông sản, thực phẩm.
  • Giao lưu với các bạn trẻ khởi nghiệp nông nghiệp xuất sắc Việt Nam về đề tài: “Chúng tôi Duy trì kinh doanh và vượt qua mùa dịch như thế nào?”
 PHƯƠNG PHÁP TIẾP CẬN CỦA MEKONG CONNECT 2021
Thứ nhất: Xem Diễn đàn Mekong Connect không chỉ là một hoạt động thường niên hàng năm để thảo luận, đưa ra những cam kết chung trong hành động nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế Vùng mà còn là “cơ hội”, tạo động lực phát triển kinh tế của từng địa phương.
Do đó, tại Diễn đàn lần này, các bên cùng thảo luận hết sức cụ thể, cùng rà soát lại những vấn đề quan tâm đến lợi ích và tác động đến mối liên kết phát triển giữa các địa phương để cùng kiến nghị Trung ương có chính sách phù hợp, đảm bảo sát với thực tiễn triển khai.
Các bên cũng cùng đánh giá lại các hoạt động liên kết giữa TP.HCM và các tỉnh, thành ĐBSCL trong thời gian qua; cùng xem nhau là đối tác phát triển; khơi dậy và phát huy tiềm năng của các địa phương, cùng tháo gỡ những nút thắt trong các điểm yếu về thể chế, chính sách trong liên kết Vùng để từ đó cùng xác định tầm nhìn chung cho phát triển kinh tế Vùng cũng như chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau trong giai đoạn phục hồi phát triển kinh tế.
Thứ hai: Sau kết quả của các phiên thảo luận và tổng kết, Diễn đàn sẽ cùng đưa ra những cam kết, tuyên bố chung bằng những sản phẩm, hoạt động hết sức cụ thể để cùng thống nhất hành động sau Diễn đàn.
Với thuận lợi về vị trí địa lý, kết nối giao thông, TP.HCM là nơi tập trung các nguồn lực phát triển, cả nhân lực, vật lực, cả tại chỗ và bên ngoài; TP.HCM luôn xem các tỉnh, thành ĐBSCL là đối tác phát triển và luôn sẵn sàng hỗ trợ các địa phương để thúc đẩy phát triển kinh tế Vùng; và mong muốn từ năm 2021, TP.HCM sẽ tham gia chính thức là thành viên của Mekong Connect.
Thứ ba: Cùng thống nhất Kế hoạch triển khai các hoạt động cụ thể sau Diễn đàn; phân công đầu mối triển khai của TP.HCM và các tỉnh, thành ĐBSCL; định kỳ hàng quý tổ chức sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm kết quả triển khai; kịp thời cập nhật, điều chỉnh các vấn đề chưa phù hợp, bất cập trong quá trình thực thi trên cơ sở phát huy cao nhất nội lực của các địa phương, khai thác hiệu quả sự hợp lực của các địa phương trong Vùng để thúc đẩy kinh tế Vùng nói chung và từng địa phương nói riêng. 
Ý KIẾN LÃNH ĐẠO CÁC CƠ QUAN ĐỒNG CHỦ TRÌ DIỄN ĐÀN MEKONG CONNECT 2021

Ông Phan Văn Mãi, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM:

TP.HCM và các tỉnh, thành ĐBSCL vừa trải qua những giai đoạn khó khăn nhất, chống chọi với dịch bệnh COVID-19. Nhiều tổn thương, hy sinh, mất mát và cả những ảnh hưởng nặng nề trên các mặt kinh tế – xã hội. Đến nay, khi dịch bệnh được cơ bản kiểm soát, chúng ta vẫn cùng làm một công việc quan trọng – vừa cố gắng duy trì kiểm soát dịch, vừa lo phục hồi kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội bền vững. Mục tiêu của Diễn đàn Mekong Connect 2021 là cùng trao đổi tìm giải pháp phục hồi kinh tế cho năm 2022 và liên kết phát triển trong điều kiện bình thường mới; mà ở đó, hai chữ “phục hồi” và “liên kết” đã nói lên quyết tâm mạnh mẽ của các bên về sự liên kết hợp lực, tạo sức mạnh đưa kinh tế Vùng và các địa phương phát triển sau những khó khăn do tác động của dịch COVID-19. 
Trong quá trình phát triển kinh tế của mình, TP.HCM luôn đánh giá cao mối liên kết với các tỉnh, thành ĐBSCL. Với “địa kinh tế” của khu vực Mekong, dồi dào nguồn tài nguyên năng lượng tái tạo, có lợi thế phát triển kinh tế biển, có hệ sinh thái khởi nghiệp mạnh, còn TP.HCM là trung tâm thương mại lớn của cả vùng với 80% nguồn cung cho thị trường đến từ đồng bằng sông Cửu Long; chúng ta đã có mối liên kết phát triển về hạ tầng giao thông, về nguồn nhân lực, về chuỗi sản xuất kinh doanh, về kinh tế biển, về kết nối năng lượng-du lịch-hàng không, về hệ sinh thái khởi nghiệp, và liên kết công nghiệp hỗ trợ, về bình ổn và phát triển thị trường…
Đặc biệt, trong giai đoạn khó khăn nhất của đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 vừa qua, sự liên kết này lại càng được phát huy chặt chẽ. Chúng ta cùng chia sẻ kinh nghiệm trong công tác phòng, chống dịch, cùng giúp nhau các nguồn lực y tế,

nhân lực, thống nhất trong cách ứng xử phòng, chống dịch để nhanh chóng kiểm soát tình hình dịch bệnh, ổn định và phục hồi kinh tế.
Đúc kết lại, từ thực tế khách quan và nhu cầu của mỗi địa phương, chúng ta càng nhận ra rằng: Liên kết cùng phát triển giữa TP.HCM và các tỉnh, thành ĐBSCL là nhu cầu cấp thiết. Vì vậy khi thiết kế nội dung của Mekong Connect  năm nay, BTC chọn chủ đề chính là: Phục hồi kinh tế và liên kết phát triển, với kỳ vọng Diễn đàn lần này không chỉ tạo được động lực lớn, mang lại hiệu quả phục hồi phát triển kinh tế xã hội của cả Vùng nói chung, từng địa phương nói riêng; mà còn mở ra một bước phát triển mới, mở rộng hơn trong liên kết giữa TP.HCM và các tỉnh, thành ĐBSCL.
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp, với việc thực hiện đồng thời nhiều mục tiêu, Diễn đàn là một trong những hoạt động rất đáng trân trọng, để các bên liên quan tiếp tục quy tụ được nhiều ý kiến đóng góp, tập hợp được tiếng nói và sáng kiến của các doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhà khoa học, các chuyên gia trong và ngoài nước. Đây sẽ là những khuyến nghị hết sức quý báu giúp TP.HCM và các tỉnh, thành ĐBSCL trong hợp tác liên kết để thúc đẩy kinh tế Vùng phát triển.
Qua Diễn đàn lần này, TP.HCM và các tỉnh, thành ĐBSCL sẽ có sự liên kết với nhau một cách chặt chẽ hơn nữa, cùng nhau xây dựng những cơ chế, chính sách thu hút và thúc đẩy đầu tư, phát triển mang tính liên vùng, khai thác thật tốt tiềm năng, thế mạnh nông nghiệp của Vùng, huy động cao nhất các nguồn lực bên trong và bên ngoài, sớm mang lại hiệu quả thiết thực trong phát triển kinh tế – xã hội bền vững. 

Ông Lê Minh Hoan, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT:

Nền nông nghiệp không thể thoát ly khỏi bốn thuộc tính chung của thế giới hiện tại. Trong thế giới như vậy, nếu chúng ta không chịu tiếp cận, nắm bắt thông tin, không chịu học hỏi, nếu cứ nghĩ rằng nền nông nghiệp sẽ mãi mãi là như vậy, thì sẽ phải đánh đổi bằng những hậu quả khôn lường.  “Ngoài kia gió đang thổi, thế giới đang thay đổi, chúng ta không thể tiếp tục mãi thế này”.

Ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ, lãnh đạo các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có cách tiếp cận mới, về những xu thế mới. Biết cách tiếp cận đôi khi còn quan trọng hơn là chuyên môn, vì chuyên môn thì có thể có bộ phận chuyên môn đảm trách. Còn người làm quản lý thì cần tiếp cận thông tin, bổ sung kiến thức nhiều hơn. Tiếp cận cách đặt vấn đề, giải quyết vấn đề và cách thế giới họ vận động như thế nào. Lãnh đạo ngành nông nghiệp địa phương là người kết nối vòng tròn những mối quan hệ. Trong đó, cần lưu ý việc kết nối người nông dân với doanh nghiệp. Một nền nông nghiệp không cùng nhau hành động tập thể sẽ khó phát triển, phải cùng nhau định nghĩa, định vị lại, phải quan tâm tới “hợp tác và liên kết”.
Nền nông nghiệp của chúng ta xưa nay thiên về sản xuất, năng suất, sản lượng, quan tâm nhiều đến kế hoạch đầu vào, chứ chưa chú trọng kết nối đầu ra, tìm kiếm thị trường, thì vẫn còn phải giải cứu. Bây giờ, cần cung ứng cái thị trường cần, sản lượng bao nhiêu, chất lượng như thế nào, tiêu chuẩn, giao hàng ra sao,… Cần bắt đầu từ đầu ra để quyết định đầu vào, cần chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp.
Doanh nghiệp là người gần gũi thị trường nhất sẽ tường tận nhiều nội dung, thông tin về tiếp cận thị trường. Chuyển từ theo đuổi giá sang vừa tạo ra giá trị gia tăng vừa giảm thiểu chi phí sản xuất, chi phí xã hội, chi phí môi trường. Bài toán kinh tế hợp tác giúp giảm chi phí đầu vào. Lâu nay, tư duy trúng mùa, được giá chứ ít nhắc tới việc giảm chi phí đầu vào bao nhiêu. Phải thống kê, phân tích chi tiết tất cả các chi phí, để từ đó thay đổi suy nghĩ và hành vi. Đầu ra không quyết định được, thì ít nhất phải tăng thêm sự chủ động đối với các yếu tố đầu vào”.
Tại sao doanh nghiệp chưa mặn mà đầu tư vào nông nghiệp dù có nhiều chính sách? Phải chăng đầu tư vào nông nghiệp sẽ gặp rủi ro nhiều (phụ thuộc nhiều yếu tố thời tiết, thiên tai, dịch bệnh,…)? Phải chăng thu lợi nhuận chậm so với các ngành khác? Phải chăng bản chất các ngành hàng nông sản không tạo được niềm tin để doanh nghiệp có thể đầu tư bền vững (quy mô nhỏ, mối liên kết thiếu bền chặt, vùng nguyên liệu không ổn định, chuỗi liên kết không ổn định)? Bên cạnh các báo cáo về diện tích, sản lượng, cần đánh giá về tác động như thế nào, giá trị gia tăng, có sáng kiến gì mới, đột phá, giá trị cộng hưởng,… Chúng ta cần ý nghĩa về mặt kinh tế xã hội hơn là các số liệu báo cáo đơn thuần.
Về tư duy liên kết vùng, chúng ta vẫn đang làm bài toán chia. Nếu xem ĐBSCL là một thực thể kinh tế chứ không phải địa giới hành chính 13 tỉnh thì mọi việc sẽ khác. TP.HCM có rất nhiều chương trình hợp tác với các tỉnh miền Tây. Chính tôi ngày xưa cũng từng cùng Đoàn Doanh nghiệp lên TP.HCM ký kết hợp tác. Sao mình không hợp tác cả đồng bằng với TP.HCM và miền Đông. Đã đến lúc quan tâm nhiều hơn đến thương hiệu vùng và thương hiệu quốc gia”.
Chuyển từ mục tiêu “đơn giá trị” sang mục tiêu “tích hợp đa giá trị”. Tích hợp giá trị tài nguyên bản địa để làm ra giá trị cao hơn. Giới thiệu cả phần hồn của vùng đất chứ không chỉ là bán một trái quýt, trái cam. Yếu tố hữu hình tích hợp với giá trị vô hình (văn hóa, lịch sử của cả một vùng đất). Cần gửi gắm “giá trị”, chứ không phải bán vì “giá cả” như trước đây. Chúng ta đang theo đuổi giá trị thấp nhất (bán ở tầng đáy) của tầng giá trị, của nền kinh tế trải nghiệm.
Các mô hình “Cụm liên kết ngành trong nông nghiệp”, du lịch nông nghiệp nông thôn cần được quan tâm. Các địa phương đừng chỉ săn đón đại bàng mà quên chăm sóc, lót ổ cho chim sẻ. Trung Quốc đi lên từ xí nghiệp nho nhỏ hương trấn, rồi mới lên công ty lớn. Chúng ta chỉ nhìn một khía cạnh mà không nhìn chiều sâu, xa hơn ở 5-10 năm nữa. Chúng ta không thiếu đất mà thiếu tầm nhìn để cho kinh tế nông thôn phát triển. Cần định vị lại nông thôn mới, nâng cao năng lực cho địa phương”. 

Bộ KH&CN: 

Diễn đàn Mekong Connect 2021 có chủ đề “Phục hồi kinh tế và liên kết phát triển trong bình thường mới”, Bộ KH &CN chia sẻ 2 nội dung có mối liên hệ rất gần gũi với chủ đề này:
Một là, hình thành và phát triển của Đổi mới sáng tạo mở. Theo đó “Đổi mới sáng tạo Mở” – OI (Open Innovation) là khái niệm không có tính chính xác tuyệt đối khi nó đang trong quá trình tự tiến hóa, đặc biệt là trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0. Đây là khái niệm bắt đầu được diễn giải vào năm 2003, theo đó, các công ty đang ngày càng suy nghĩ lại những cách thức họ tạo ra các ý tưởng và mang chúng tới thị trường – khai thác các ý tưởng bên ngoài, hoặc tận dụng nghiên cứu và phát triển trong nội bộ về những vấn đề nằm ngoài các hoạt động hiện hành của doanh nghiệp.
Nói một cách khác, đổi mới sáng tạo mở là khái niệm kinh doanh khuyến khích các công ty khai thác được các nguồn đổi mới sáng tạo (ĐMST) từ bên ngoài để cải thiện các dòng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ và rút ngắn thời gian cần thiết để mang sản phẩm tới thị trường và thương mại hóa, hoặc phát hành kết quả ĐMST phát triển trong nội bộ mà chưa phù hợp với mô hình kinh doanh của công ty nhưng có thể được sử dụng hiệu quả ở đâu đó.
Như vậy, ĐMST Mở được nhìn nhận như kết quả đầu ra của một quy trình đồng sáng tạo phức tạp có liên quan tới các dòng chảy tri thức xuyên khắp toàn bộ môi trường kinh tế và xã hội đòi hỏi trao đổi tri thức cũng như năng lực hấp thụ từ tất cả các tác nhân tham gia, bất kể là doanh nghiệp, viện nghiên cứu, cơ sở tài chính, chức trách nhà nước hay công dân. Do vậy, ĐMST không thay thế cho quy trình ĐMST Truyền thống (ĐMST Đóng), mà được nhìn nhận như một bổ sung cần thiết nhằm giúp đỡ các công ty luôn cập nhật được với xu thế công nghệ mới nhất, giúp đỡ giải quyết những vấn đề trong quá trình tìm tòi và phát triển sản phẩm.
Đối với ĐBSCL, trong bối cảnh liên kết với TP.HCM, hay liên kết với Vùng Đông Nam Bộ, hay với các vùng, miền, lãnh thổ khác, đổi mới sáng tạo mở có thể là 1 giải pháp để huy động tối đa các nguồn lực nhằm phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của Vùng. Bản thân Diễn đàn này có thể coi là 1 cấu phần quan trọng, góp phần xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở của Vùng, từng bước tạo dòng chảy tri thức trong môi trường kinh tế – xã hội của Vùng.
Hai là, cần thiết phải hình thành thị trường khoa học và công nghệ cho ĐBSCL. Đây là nhiệm vụ đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ KH&CN. Thời gian qua, hệ thống cơ chế, chính sách về thị trường KH&CN cơ bản được hoàn thiện với 04 Luật, 06 Nghị định và 12 thông tư đã dược ban hành. Đối với Đồng bằng sông Cửu Long, thời gian tới cần tập trung thực hiện 1 số giải pháp phát triển thị trường KH&CN sau:
(i) Ưu tiên đầu tư ngân sách để hình thành sàn giao dịch thiết bị và công nghệ Đồng bằng sông Cửu Long, lấy hạt nhân nòng cốt là sàn giao dịch thiết bị và công nghệ Cần Thơ và sàn giao dịch thiết bị và công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh.
(ii) Hình thành và phát triển các tổ chức trung gian của thị trường KH&CN khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trên cơ sở kết nối các sàn giao dịch công nghệ, các tổ chức dịch vụ KH&CN tại các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp với các trung tâm ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN.
(iii) Triển khai các biện pháp thúc đẩy chuyển giao công nghệ; nhập khẩu, giải mã các công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch, ưu tiên công nghệ từ các nước phát triển, có tiềm năng tác động lớn và lan tỏa, trước hết là đối với một số lĩnh vực công nghiệp/chuỗi ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Vùng như: chuỗi tôm, chuỗi cá tra, chuỗi lúa gạo,…
(iv) Hỗ trợ thương mại hoá kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ; ưu tiên hỗ trợ các kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp phụ trợ, cơ giới hoá, chế biến sâu trong nông nghiệp, phục vụ yêu cầu phát triển của vùng trong bối cảnh các tác động của biến đổi khí hậu ngày càng gia t
Ký kết các thỏa thuận hợp tác:
1 – Hội DN HVNCLC ký với Bộ KHCN: Thỏa thuận chương trình hợp tác hỗ trợ nông dân và DN xây dựng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm.
2 – Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) ký kết với 4 tỉnh ABCD Mekong biên bản ghi nhớ về phối hợp về xúc tiến thương mại: Kết nối thị trường và triển lãm các sản phẩm đặc trưng của An Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp.
3 – Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp (BSA) ký với Trường Cán bộ QLNN và PTNN 2 (CMARD2) về: Hỗ trợ đào tạo và xây dựng tiêu chuẩn Việt Nam và quốc tế; Hỗ trợ các DN và đơn vị được công nhận OCOP về năng lực thị trường.
– Trao 10 giấy chứng nhận “HVNCLC – Chuẩn Hội Nhập” cho doanh nghiệp và HTX.
MEKONG CONNECT 2021 DIỄN RA TRỌN NGÀY 17.12.2021 TẠI HỘI TRƯỜNG THỐNG NHẤT TP.HCM
 – Địa chỉ trang thông tin chính thức của Diễn đàn: https://mekongconnect.vn/
– Địa chỉ Fanpage: https://www.facebook.com/mekongconnectforum
Thông tin liên hệ:  Phòng Truyền Thông – Truyền hình
HỘI DOANH NGHIỆP HÀNG VIỆT NAM CHẤT LƯỢNG CAO – TRUNG TÂM BSA
60/2 Lý Chính Thắng, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP.HCM
Anh Trần Quỳnh
ĐT: 0985.434.077
Mail: tranquynh@bsa.org.vn; Website: www.bsaonline.vn; https://hvnclc.vn/