Gia Bảo (phải) vai ông Tư trong vở kịch Sài Gòn anh chờ em - Ảnh: BÌNH MINH

(Cafenews) – ‘Sài Gòn không của riêng ai. Sài Gòn là của chung, nơi dành cho những người thương Sài Gòn thực sự. Bao nhiêu khóc cười, bao nhiêu tình yêu mà con người ta dành cho Sài Gòn cứ đong đầy theo năm tháng…’

8h tối ngày cuối tuần, trên tầng thượng một quán cà phê ở Q.Tân Phú (TP.HCM), đoạn mở màn của vở Sài Gòn, anh chờ em do nhóm Mộc biểu diễn bắt đầu vang lên.

Chân thực, gần gũi

Từ trong cánh gà, nhân vật ông Tư chậm rãi bước ra. Thỉnh thoảng ông ho sù sụ. Vầng trán hằn rõ nếp thời gian.

Quan sát từng cử chỉ, dáng vẻ, giọng nói, khó ai biết ông Tư chỉ mới… 24 tuổi. Đó là Nguyễn Gia Bảo, trưởng nhóm Mộc.

Khác với sân khấu chuyên nghiệp, nơi khán giả ngồi cách diễn viên từ 4-5m, kịch cà phê sử dụng chính không gian nhỏ, hẹp tại quán làm nơi diễn xuất.

Khán giả vừa nhấm nháp cà phê, vừa dõi theo vở kịch ở khoảng cách 1-2m. Vì vậy, nhất cử nhất động của diễn viên đều được khán giả quan sát ở cự ly rất gần. Thậm chí, một số nhóm kịch còn mời cả khán giả vào diễn cùng để tăng tính tương tác.

Nhờ sự chân thực và gần gũi này mà nhiều khán giả, đặc biệt là các bạn trẻ tìm đến kịch cà phê. Kim Long (26 tuổi) chia sẻ bạn biết đến loại hình kịch này lần đầu tiên vào năm 2014, khi họp mặt cùng bạn bè tại một quán cà phê. Cả nhóm rủ nhau mua vé xem thử vì tò mò trước lời mời của chủ quán.

“Tuy không phải là những tên tuổi nổi tiếng, song các diễn viên ở kịch cà phê vẫn rất đa tài, kịch bản được đầu tư kỹ lưỡng. Hơn nữa, vừa ngồi uống cà phê vừa xem diễn kịch cũng là cách thư giãn thú vị, nhẹ nhàng” – Long cho biết.

Theo Gia Bảo, điểm yếu của các bạn trẻ khi dựng các vở kịch là còn “non” tay nghề nên mỗi người phải tự biết lượng sức, xây dựng kịch bản trong thời lượng vừa đủ để khán giả thích thú và tập trung theo dõi, không kéo dài hàng giờ như trên sân khấu chuyên nghiệp.

Giữ “lửa nghề”

Ban ngày các thành viên trong nhóm Mộc đi học hoặc đi làm. Đúng 19h, cả nhóm bắt đầu diễn tập. Mỗi vở kịch các bạn tập trước khoảng một tuần. Họ tự viết kịch bản, tự chuẩn bị ánh sáng, âm thanh, đạo cụ để tiết kiệm chi phí.

“Dù đã 60 tuổi nhưng hai vợ chồng tôi vẫn dành thời gian đến tập kịch chung với các bạn. Họ nhiệt huyết và tài năng quá nên truyền cảm hứng cho cả chúng tôi. Có hôm tập đến 3h sáng” – cô Hoa Liên, thành viên lớn tuổi nhất nhóm Mộc, kể lại.

Chị Hồng Trang, trưởng nhóm kịch cà phê Đời, cho biết tuy tiền catsê chỉ ở mức vài trăm ngàn đồng nhưng kịch cà phê lại là môi trường giúp nhiều bạn trẻ rèn luyện và giữ lửa nghề, đồng thời thử sức với các vai diễn đa dạng – điều khó có thể làm được nếu như tham gia các sân khấu kịch chuyên nghiệp.

Thành lập từ năm 2010 đến nay, nhóm Đời đã diễn được gần 50 vở, hoạt động chủ yếu tại các quán cà phê ở TP.HCM. Mỗi buổi diễn thu hút từ 90-100 người xem. Với lợi thế cạnh tranh về giá vé, chỉ từ 50.000-70.000 đồng/suất, nhiều khán giả chọn đến kịch cà phê thay vì đến các sân khấu chuyên nghiệp.

Trung bình mỗi vở kịch kéo dài từ 45 phút đến hai tiếng tùy theo nội dung. Có khi là những câu chuyện cuộc sống nhẹ nhàng, hài hước dành cho khán giả trẻ; lúc lại khai thác chiều sâu tâm lý dành cho khán giả trung niên.

Theo đạo diễn Lê Văn Tĩnh, người có nhiều kinh nghiệm trong dàn dựng truyện dân gian và các vở kịch nói, kịch cà phê xuất hiện lần đầu vào cuối những năm 1980, sau đó thoái trào và bắt đầu quay lại trong khoảng 10 năm gần đây.

Tuy nhiên, nhiều nhóm kịch cà phê hiện nay vẫn khá chật vật trong việc đi tìm bản sắc riêng.

“Nhiều nhóm kịch trẻ hiện nay chọc cười cường điệu là chính chứ không hiểu rằng sân khấu là phải mang tính tư tưởng, tính triết học của xã hội. Các bạn trẻ nên chịu khó sáng tạo, tìm cái mới nhưng đừng bát nháo, đừng cường điệu hay làm quá để gây mất cảm tình” – đạo diễn Tĩnh nói.

“Kịch cà phê hiện đang phát triển và vẫn có nhiều cơ hội. Hiện nay loại hình này chỉ xuất hiện tại TP.HCM nhưng nếu biết cách xây dựng kịch bản khéo léo, nêu bật được các vấn đề xã hội thì loại hình này có thể được áp dụng ở Hà Nội” – ông dự báo.

“Kịch cà phê cần sự mộc mạc, gần gũi miễn là diễn viên tưởng tượng được chứ không sử dụng âm thanh, cảnh trí hay đạo cụ như sân khấu chuyên nghiệp. Diễn viên cần diễn thật tinh tế, nhất là trong các phân đoạn bộc lộ cảm xúc” – Nguyễn Gia Bảo


Thỏa đam mê làm nghề

Tại TP.HCM hiện có khoảng 15 nhóm kịch cà phê như nhóm Mộc, Ví Dầu, Tía Lia, Chuồn Chuồn Giấy, Bách Niên, Sao Biển…

Hầu hết thành viên trong nhóm là các bạn trẻ vừa tốt nghiệp tại những trường sân khấu, điện ảnh chưa tìm được môi trường làm việc chuyên nghiệp hoặc những bạn đã rẽ sang hướng khác nhưng vẫn nhớ nghề, muốn tìm nơi để thỏa đam mê diễn kịch.

Thậm chí, nhóm còn thu hút cả những cô chú lớn tuổi yêu bộ môn kịch nói, đảm nhận những vai đòi hỏi kinh nghiệm diễn xuất.

Bình Minh 


Theo TTO