Nhiều chia sẻ từ các chuyên gia, doanh nghiệp thành viên câu lạc bộ Doanh nghiệp dẫn đầu (LBC) đã đưa ra liên quan đến chủ đề: “Xu hướng & thay đổi của người tiêu dùng sau đại dịch – Doanh nghiệp sẽ định hình lại như thế nào?”, tại chương trình “Ăn trưa làm việc” của câu lạc bộ vào ngày 16/6, tại TP.HCM.
Nước giàu ngày càng đòi hỏi tiêu chuẩn cao về thực phẩm
Tại chương trình, Tiến sĩ Philip C. Zerrillo, giảng viên tại Đại Học Thammasat Thái Lan, người có nhiều năm là cố vấn cho LBC có bài chia sẻ trực tuyến về: “An ninh của chuỗi thực phẩm của tương lai và ảnh hưởng kinh tế có thể xảy ra trong  khu vực”.
Tiến sĩ Philip C. Zerrillo cho biết, Thái Lan dù rất mạnh về ngành thực phẩm, nhưng hiện nay đã khan hiếm hơn, nhất là thịt gà.
Ông Philip C. Zerrillo cho rằng, an ninh lương thực rất quan trọng từ trước khi Covid-19 xảy ra, nhất là những nơi bị xung đột.
Ông Philip C. Zerrillo dẫn chứng, lạm phát trong 15 – 18 tháng qua đã tăng vọt, ngày 5/5/2022 vừa qua chỉ số giá cả, các mặt hàng nông sản đã tăng cao tới 41% so với tháng 1/2021. Các sản phẩm nông sản từ bắp, lúa mì, tăng từ trên 54 – 60% so với tháng 1/2021. Một trong những yếu tố thúc đẩy sự gia tăng này là nhiên liệu, nhất là với các quốc gia nhập khẩu. Vấn đề này quan trọng hơn nhiều với những quốc gia có đồng tiền nội địa yếu.
Bên cạnh đó, các yếu tố về khí hậu, xung đột, lạm phát, năng lượng gia tăng… làm cho an ninh lương thực càng khó khăn với các quốc gia.
Yếu tố bên ngoài không kiểm soát được là giá phân bón gia tăng, Ukraine, Nga chiếm tới 40% sản xuất phân bón thế giới, nguồn cung hạn chế khiến nông dân có ít lựa chọn trong sản xuất nông nghiệp, giá  lương thực tăng, trong đó có yếu tố phân bón tăng.
Những điều trên đã gây ra sự bất định trong chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu hiện nay và cho cả tương lai….
Chính vì thế các nước giàu họ xét các tiêu chuẩn của các nước nghèo nhiều hơn trong vấn đề lương thực, thực phẩm. Còn các nước nghèo thường không đưa ra những đòi hỏi về tiêu chuẩn cao.
Nên sẽ có nhiều xu hướng về lương thực thực phẩm trên thế giới, như là lương thực thực phẩm của Ukraine không thể đáp ứng các tiêu chuẩn nhập khẩu của EU, nhưng họ lại là vựa lúa mì cho khu châu Phi, Trung Đông…
“Như vậy, các quốc gia thu nhập thấp, trung bình sẽ thay thế các thực phẩm hàng ngày bằng thực phẩm có chất lượng thấp hơn. Đó là điều tôi cực kỳ lo lắng”, ông Philip C. Zerrillo bày tỏ.
Lương thực sẽ là lực lượng về địa chính trị trong thời buổi hiện nay. Như Ấn Độ đã cấm xuất khẩu lúa mì, Indonesia cấm xuất khẩu dầu, Malaysia cấm xuất khẩu gà…
Cũng tại sự kiện, ông Phạm Đình Huỳnh – Giám đốc Bộ phận Deloitte Private đã có bài chia sẻ về Chương trình Best Managed Companies (BMC) – Doanh nghiệp được Quản trị Tốt. Mời xem thêm thông tin về chương trình này tại đây.
Các doanh nghiệp thành viên LBC tham dự chương trình
 
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN HVNCLC phát biểu tại sự kiện
Thực phẩm an toàn, bán trên nền tảng online sẽ ngày càng phổ biến
Chia sẻ bên lề cuộc Ăn trưa làm việc, ông Nguyễn Thanh Mỹ – Chủ tịch Câu lạc bộ doanh nghiệp dẫn đầu LBC cho hay, trong thời gian dịch Covid-19 diễn ra, người tiêu dùng đã quen và chú trọng việc mua sắm online, TMĐT vì tính dễ dàng, tiện lợi. Vì thế, đây là thời gian mà các doanh nghiệp ngành thực phẩm cần quan tâm, chú trọng hơn việc đóng gói bao bì, sắp xếp lại sản phẩm sao cho phù hợp với hình thức bán online, hoặc bán qua hình thức máy bán thực phẩm thông minh.
“Dù cách đóng gói bao bì mới để bán trong máy bán hàng tự động có thể sẽ đắt hơn, nhưng an toàn, tiện dụng và bán trực tiếp tới người tiêu dùng”, ông Mỹ nói
Để đáp ứng điều này, theo ông Mỹ, doanh nghiệp ngành thực phẩm phải đảm bảo về vùng nuôi trồng minh bạch hơn, truy xuất được nguồn gốc, biết mã vùng trồng, sử dụng cây con, giống như nào, thuốc bảo vệ thực vật gì… doanh nghiệp cần tập trung điều này cho tốt.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn An, Tổng giám đốc công ty Vissan thông tin rằng, đơn vị này có phòng nghiên cứu phát triển sản phẩm, và luôn quan tâm đến nguồn gốc mang tính tự nhiên từ các vùng nguyên liệu trong nước.
“Chúng tôi tạo ra các dòng sản phẩm mới, như há cảo thanh long, hay đưa ra thị trường loại thịt heo thảo mộc, thơm ngon, nhiều dinh dưỡng cho người dùng có thể cải thiện hơn cho sức khỏe của mình.
Theo ông An, đó cũng là những sản phẩm của Vissan trong những năm Covid-19 vừa qua và đáp ứng tốt nhu cầu thay đổi của người tiêu dùng khi muốn sản phẩm đến từ thiên nhiên, sạch, tốt cho sức khỏe…
Ông An cho biết thêm, Vissan hiện nay chuyển mình mạnh mẽ ở mạng bán hàng online, trên các sàn TMĐT hay các website mà doanh nghiệp xây dựng trong thời điểm dịch bệnh bùng phát mạnh, và cho đến thời điểm này, người tiêu dùng vẫn quen với việc mua sắm này.
Ông Phạm Đình Huỳnh – Giám đốc Bộ phận Deloitte Private chia sẻ về chương trình mong muốn hợp tác cùng LBC
Bài & ảnh: Trần Quỳnh