Một trái dưa lưới trồng hữu cơ quy trình Nhật Bản, tốn biết bao công sức, thời gian và tiền bạc, giá bán ở hệ thống siêu thị Big C khoảng 100.000 đồng/kg. Nhưng cũng siêu thị này, ngay gian hàng bên cạnh, cũng có loại dưa lưới dán nhãn hữu cơ lại chỉ bán với giá hơn 40.000 đồng.

Công ty TNHH FrieslandCampina (Cô gái Hà Lan) vừa tung ra thị trường sản phẩm sữa tươi organic nhập khẩu từ Hà Lan.

Sữa tươi organic nhập khẩu của Cô gái Hà Lan đóng hộp loại 200ml, không xài đường, theo giải thích là muốn giữ nguyên hương vị organic tự nhiên 100%. Gần đây, sản phẩm hữu cơ dần nở rộ trên thị trường, an tâm chưa thấy, nhiều người tiêu dùng rơi vào vòng xoáy phân định thật, giả…

Người tiêu dùng (NTD) có thể đặt câu hỏi sản phẩm sữa tươi có đường khi dán nhãn hữu cơ thì nguyên liệu đường sử dụng trong sữa có hữu cơ hay không? Nếu là đường bình thường, sản phẩm sữa đó có nên được dán nhãn organic. Tương tự, hàng loạt sản phẩm hữu cơ đã qua chế biến, như các loại trái cây sấy, bột, gia vị… dù nhà sản xuất sử dụng nguyên liệu chính organic, nhưng các phụ liệu, không có nguồn gốc hữu cơ, có nên gọi đó là sản phẩm organic 100%, giá bán cao hơn gấp nhiều lần sản phẩm thông thường?

Đó là câu chuyện của sản phẩm chế biến, còn sản phẩm tươi thì sao.Cách nay chưa lâu, giám đốc một doanh nghiệp trồng dưa lưới hữu cơ xuất khẩu đi Nhật, kể vừa mất trắng gần 3 tỷ đồng vì sâu bệnh.

Chuyện là vụ dưa rồi lúc gần thu hoạch thì trời đổ mưa liên tục, ruộng dưa bị sâu tấn công, các kỹ sư tìm đủ mọi chế phẩm sinh học trừ sâu mà không được, cuối cùng anh bấm bụng huỷ toàn bộ để sâu không lây qua các ruộng khác. Vị giám đốc này nói, nếu thời điểm đó chọn thuốc bảo vệ thực vật, chọn hoá chất trừ sâu thì đã cứu được ruộng dưa, khỏi mất số tiền lớn.Nhưng anh không làm vì lương tâm người sản xuất hữu cơ không cho phép.

“Người làm hữu cơ phải có cái tâm, kiên trì, dám chấp nhận khó khăn, chấp nhận sửa sai, chấp nhận thiệt hại, còn nếu chạy theo lợi nhuận sẽ không thể nào làm được”, vị này tâm sự.

Quy trình trồng sản phẩm hữu cơ tuy gian nan như vậy, nhưng khi đưa ra thị trường, vị giám đốc này lại băn khoăn, hiện nay sản phẩm hữu cơ đang có quá nhiều lộn xộn về chất lượng, lẫn giá bán. Một trái dưa lưới trồng hữu cơ quy trình Nhật Bản, tốn biết bao công sức, thời gian và tiền bạc, giá bán ở hệ thống siêu thị Big C khoảng 100.000 đồng/kg.

Nhưng cũng siêu thị này, ngay gian hàng bên cạnh, cũng có loại dưa lưới dán nhãn hữu cơ lại chỉ bán với giá hơn 40.000 đồng, ngang giá với dưa thường. Anh bạn giám đốc bảo, lúc đầu cũng gặp rất nhiều khó khăn, vì giá hai loại dưa lưới cùng chứng nhận organic chênh lệch quá lớn, nhưng dần dà, NTD ăn và bắt đầu cảm nhận đâu là loại dưa trồng hữu cơ thật sự, đâu là dưa có sử dụng phân hoá học, thuốc trừ sâu…

Không chỉ dưa, đang có quá nhiều loại rau củ dán mác hữu cơ, của các cơ sở, trang trại khiến NTD nghi ngờ. Ông Trần Bằng Việt, tổng giám đốc Dong A Solutions (cung cấp giải pháp phát triển tổ chức và cá nhân), cho rằng nông nghiệp hữu cơ, được coi là lĩnh vực khởi nghiệp cực kỳ tiềm năng; nhưng cũng là lĩnh vực khó khăn nhất, mất nhiều thời gian nhất. Mấu chốt trong lĩnh vực này là sự hạn chế về kết nối.Cái “đau lòng” nhất là khi sản phẩm ra thị trường lại bị trộn lẫn cái tốt với cái chưa tốt, cái thật với cái gần thật, “vàng thau lẫn lộn”.

Vì vậy, chi phí lớn nhất đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp đôi khi không nằm ở công đoạn sản xuất, chế biến hay nghiên cứu phát triển, mà nằm ở việc làm sao để thuyết phục được khách hàng rằng đó là sản phẩm hữu cơ, an toàn. Ngay cả những doanh nghiệp lớn, mạnh về tài chính cũng khó làm.

Cho đến nay, Việt Nam mới chỉ có 71 chứng nhận hữu cơ của USDA cho các trang trại canh tác nông nghiệp và nhà máy chế biến thực phẩm, theo bộ Nông nghiệp Mỹ. Phần lớn những chứng nhận trên thuộc về các vùng dừa và sản phẩm liên quan đến dừa, lúa gạo, khoai mì, trà, mía đường… Số lượng các trang trại trồng rau quả đạt chứng nhận hữu cơ của USDA chỉ đếm đầu ngón tay.

Theo ông Lê Văn Toàn, quản lý trang trại hữu cơ tại Long Thành, Đồng Nai (thương hiệu Organica), sản phẩm đạt chuẩn hữu cơ phải trải qua nhiều giai đoạn như chọn đất sạch không bị ô nhiễm hoá chất, kim loại nặng hay xung quanh có các khu công nghiệp, vùng sản xuất hoá học…

Các chỉ tiêu này phải lấy mẫu và phân tích trước khi canh tác. Quá trình canh tác phải đảm bảo không sử dụng phân bón hoá học, không thuốc trừ sâu, trừ cỏ hoá học, không chất kích thích tăng trưởng, không được dùng giống biến đổi gien (GMO)…

Bảo Anh