Tổn thất và lãng phí thực phẩm trên toàn cầu đã lên đến con số 940 tỷ USD mỗi năm. Liên hiệp quốc đặt mục tiêu giảm một nửa khối lượng thực phẩm bị lãng phí vào năm 2030. Ngày 29.9 được chọn là Ngày quốc tế nhận thức về thất thoát và lãng phí thực phẩm.

Bắt nguồn từ nhãn ghi

Phần lớn người tiêu dùng không thể phân biệt được sự khác biệt giữa hai nhãn ghi“Use by” và “Best-by” – theo Chương trình môi trường Liên hiệp quốc (UNEP).

Các khảo sát cho thấy ít nhất, 90% người dùng đã vứt bỏ thức ăn khi đến ngày ghi trên nhãn. Nhưng hầu hết không biết đó là những ghi nhận về thời điểm sản phẩm sẽ duy trì ở chất lượng cao nhất, chứ không có nghĩa là sản phẩm sẽ kém sau ngày đó (trừ một số sản phẩm như thịt nguội và các sản phẩm từ sữa chưa được tiệt trùng rất dễ hư và nguy hiểm khi tiêu thụ ngay sau khi hết hạn sử dụng).

Chương trình môi trường Liên hiệp quốc (UNEP) ước tính lượng thức ăn, thực phẩm dư thừa và đổ bỏ từ hộ gia đình, cơ sở bán lẻ và ngành dịch vụ ăn uống trên toàn cầu đạt khoảng 931 triệu tấn mỗi năm, trong đó gần 570 triệu tấn trong số này từ hộ gia đình. Các báo cáo cũng cho thấy trung bình toàn cầu mỗi người lãng phí 74kg lương thực mỗi năm. Chưa kể 14% sản xuất lương thực toàn cầu bị mất trong chuỗi cung ứng. Có nghĩa là con số này ngày càng tăng.

Các nhà kinh tế học tính toán khoảng 2/3 lượng thực phẩm làm ra để phục vụ nhu cầu của con người bị thất thoát  trong quá trình thu hoạch, chế biến và vận chuyển hoặc lãng phí trong chuỗi cung ứng từ nông trại đến bàn ăn. Thất thoát và lãng phí thực phẩm gây ra thiệt hại kinh tế khoảng 940 tỷ đô la mỗi năm. Điều này khiến cho tình trạng mất an ninh lương thực và suy dinh dưỡng càng thêm trầm trọng.

Thế giới có tới 1 tỷ người bụng đói meo trước khi đi ngủ và khoảng 2 tỷ người sử dụng thực phẩm không đúng cách dẫn tới những hệ lụy khác… Tình trạng bị thất thoát hoặc lãng phí trên toàn cầu sẽ phức tạp hơn trong bối cảnh đứt gãy chuỗi cung ứng và tình trạng đói kém tăng lên do Covid-19, theo FAO.

Tại Việt Nam, có hai loại thực phẩm lãng phí chính: thực phẩm hao hụt và lãng phí thực phẩm. Tại Việt Nam, tỷ lệ thất thoát ở nhóm rau quả cao nhất với khoảng 32% sản lượng, tương đương khoảng 7,3 triệu tấn rau quả bị thất thoát mỗi năm. Đối với ngành thịt, tỷ lệ thất thoát lên tới 14%, tương đương khoảng 694.000 tấn mỗi năm. Nhóm cá và thủy sản có tỷ lệ thất thoát khoảng 12% sản lượng, tương đương 804.000 tấn mỗi năm.

Theo Foodbank Việt Nam, có tới 87% hộ gia đình người Việt thừa nhận đã lãng phí ít nhất hai dĩa thức ăn mỗi tuần. Theo định nghĩa của Tổng cục thống kê Việt Nam: Hộ “thiếu đói” là hộ có nguồn dự trữ lương thực và dự trữ bằng tiền, trị giá hàng hóa, tài sản có thể bán được để mua lương thực tính bình quân đầu người đạt dưới 13kg thóc (lúa) hay 9kg gạo một tháng. Như vậy, từ năm 2013 – 2017, nước ta có khoảng 283.200 lượt hộ trải qua thời gian đói, 1.185.000 lượt người thiếu đói bình quân hàng năm. Nói cách khác, người tự xoay xở mà không đủ tiền mua được 9kg gạo mỗi tháng mới được xem là người thiếu đói. Tuy nhiên, cuộc sống của một con người đâu chỉ có gạo. Con người cần cả thức ăn nữa, theo Foodbank Việt Nam.

Thất thoát và lãng phí thực phẩm tại Việt Nam lên đến 32%

Ô nhiễm và tác hại môi trường

UNEP định nghĩa “chất thải thực phẩm” là thực phẩm và các phần liên quan không ăn được bị loại bỏ khỏi chuỗi cung ứng thực phẩm cho con người trong các lĩnh vực sau: bán lẻ, dịch vụ ăn uống và hộ gia đình. Loại bỏ có nghĩa là thực phẩm sẽ tới điểm đến cuối cùng sau đây: bãi rác; quá trình đốt bỏ có kiểm soát; cống; xả rác / vứt bỏ / từ chối; đồng / phân hủy kỵ khí; phân trộn / hiếu khí tiêu hóa hoặc sử dụng đất đai chôn lấp.

Vấn đề chất thải thực phẩm được xem như một vấn nạn tiếp theo của những đại dịch. Ở châu Âu và Bắc Mỹ, tính trung bình mỗi người lãng phí từ 95 – 115 kg thực phẩm/ năm. Ở châu Âu, 29 triệu tấn sản phẩm từ sữa bị lãng phí mỗi năm và riêng ở Anh, tổng lượng rác thải thực phẩm lên tới 7,3 triệu tấn mỗi năm, theo UNEP.

Theo bà Inger Andersen, giám đốc điều hành UNEP, rác thải thực phẩm tạo gánh nặng cho hệ thống quản lý chất thải, làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực, khiến nó trở thành một nguyên nhân chính gây ra ba cuộc khủng hoảng trên hành tinh do biến đổi khí hậu, mất mát tự nhiên – đa dạng sinh học, ô nhiễm – chất thải…

Các nhà kinh tế môi trường cho rằng khoảng 21% lượng nước tiêu thụ để sản xuất nông nghiệp và 2,6% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính có liên quan đến chất thải thực phẩm. Việc đổ bỏ vào thùng rác không chỉ gây lãng phí tiền bạc, mà còn tạo ra 9% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu, làm tổn thất kinh tế  (tại Mỹ là 218 tỷ USD và 31 tỷ USD ở Canada).

Việc chuyển đổi thực phẩm thành bữa ăn chính, đồ ăn nhẹ và đồ uống chế biến sẵn đòi hỏi một lượng năng lượng khổng lồ. Việc đóng gói và đóng hộp các loại thực phẩm này cũng vậy. Quá trình chế biến và đóng gói cho phép ngành công nghiệp thực phẩm xếp chồng lên nhau trên các kệ hàng của các siêu thị và cửa hàng tiện lợi với hàng trăm định dạng và nhãn hiệu khác nhau, nhưng nó cũng tạo ra một lượng lớn khí thải nhà kính – khoảng 8 đến 10% tổng lượng toàn cầu.

Ở các nước, sản phẩm bị tổn thất hoặc lãng phí vì nhiều lý do: thời tiết xấu, vấn đề chế biến, sản xuất thừa và thị trường không ổn định khiến thực phẩm bị thất thoát rất lâu trước khi đến cửa hàng tạp hóa. Trong khi mua quá nhiều, không có kế hoạch và nhầm lẫn về nhãn mác và độ an toàn góp phần gây lãng phí thực phẩm tại các cửa hàng và các gia đình. Hành động toàn cầu để chống lãng phí thực phẩm yêu cầu kiểm soát từ việc ngoài đồng tới bàn ăn, hoàn toàn có nội dung chứ không phải lời sáo rỗng.

Ở nước ta, có vẻ mọi nỗ lực chỉ dồn sức cho tăng năng suất, nâng sản lượng. Trong khi đó, việc bảo quản, tồn trữ, chế biến, chống thất thoát sau thu hoạch có vẻ là “nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ”.

Hoàng Lan

Ở phường Phú Thứ, quận Cái Răng, Cần Thơ, có một xóm chuyên nuôi heo từ cơm thừa cá cặn của các quán ăn, nhà hàng. Ban đầu chủ tiệm cho đặt thùng chứa, chiều tối chở về, coi như có người lo thanh toán cơm thừa cá cặn, nhưng khi khối lượng cơm thừa cá cặn tăng lên và có nhiều người xin đặt thùng chứa, mỗi tiệm quán thu từ 120 đến 180.000 đồng/ngày ( không kể số thùng). Khi dịch tả heo châu Phi tràn tới, dịch Covid 19 bồi thêm… tiệm quán, nhà hàng kinh doanh ăn uống teo tóp, cái xóm này cũng tan rã.

Không có những người thu gom đồ thừa cho heo ăn thì các tiệm quán làm gì với cơm thừa cá cặn? “Trút hết xuống cống hoặc tìm nơi đổ rác”, một nhân viên cho biết.

Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam, ông Kim Hjlund Christensen, nói rằng thất thoát và lãng phí thực phẩm là một vấn đề nghiêm trọng trên toàn cầu, nhất là trong thời kỳ Covid-19 hiện nay. Đại sứ Christensen nói kể từ năm 2010 ngăn ngừa thất thoát và lãng phí thực phẩm đã trở thành ưu tiên quốc gia của Đan Mạch. Đan Mạch đang thực hiện chương trình hỗ trợ Việt Nam để đạt được các mục tiêu phát triển của Liên hiệp quốc. Các chuyên gia Đan Mạch sẵn sàng chia sẻ những ý tưởng sáng tạo và công nghệ tiên tiến đã đạt được trong 10 năm qua để truyền cảm hứng không chỉ cho các nhà sản xuất và chế biến thực phẩm mà cho cả người tiêu dùng ở Việt Nam.

Tiềm năng nhưng khó phát triển ồ ạt trong tương lai gần