Thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam thua xa các quốc gia trong khu vực như Indonesia có doanh số 100 tỷ USD, Thái Lan (43 tỷ USD)…

Giới kinh doanh TMĐT Việt Nam cho rằng, lĩnh vực này đang “ăn nên làm ra” nhưng vẫn còn chông chênh!

Năm 2018 tăng hơn 30%

Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho rằng, doanh số của TMĐT năm 2018 là 7,8 tỷ USD với tỷ lệ tăng trưởng hơn 30%. Trong khi đó, theo báo cáo “e-Conomy SEA 2018” của Google và Temasek, con số đó là 9 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng là 25%/năm. Ông Nguyễn Thanh Hưng, chủ tịch VECOM, nói: “Với tốc độ tăng trưởng thực tế và từ những dự báo của các tổ chức, vào năm 2020 quy mô thị trường TMĐT Việt có thể đạt được con số 13 tỷ USD”. Khác với những lần trước, ở diễn đàn lần này, TMĐT được chỉ rõ bao gồm các hoạt động trực tuyến: bán lẻ, du lịch, tiếp thị, giải trí… Trong đó, chỉ riêng phần bán lẻ có doanh số ước chừng 2,5 tỷ USD. Ông Nguyễn Hữu Tuấn, trưởng phòng quản lý hoạt động TMĐT (cục TMĐT và kinh tế số, bộ Công thương) chia sẻ thêm: TMĐT phát triển nên trong năm 2018, dịch vụ giao hàng tăng từ 60 – 200%, 25% thanh toán trực tuyến…

Theo bà Nguyễn Thị Thuỳ Trang, giám đốc khối bán lẻ của Nielsen Việt Nam, với 58 triệu dân có kết nối internet với thời gian trên 7 tiếng/ngày, Việt Nam là quốc gia có chỉ số trực tuyến cao của khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

“Dù đóng góp còn thấp trong lĩnh vực bán lẻ, nhưng nhìn vào tốc độ tăng trưởng, tôi có niềm tin về TMĐT Việt trong tương lai. Hiện tại, các nhóm hàng: quần áo, mỹ phẩm, công nghệ… được lựa chọn nhiều, còn trong tương lai sẽ là những mặt hàng dược phẩm, du lịch, vé sự kiện…”, bà Trang nói. Vị chuyên gia này còn chỉ ra, “hiện nay, người tiêu dùng Việt Nam được tiếp cận đa kênh: mạng xã hội, website…; dịch vụ giao hàng tin cậy hơn, hình thức trả tiền phong phú (tiền mặt, thẻ, ví điện tử)… là những yếu tố để TMĐT phát triển nhanh hơn những năm trước đây”.

Bà Trương Lý Hoàng Phi, giám đốc trung tâm Khởi nghiệp thanh niên, nói: “TMĐT Việt vẫn là mảnh đất tiềm năng. Mỗi ngành hàng có mức độ tăng trưởng khác nhau, có những đối tượng có nhu cầu mua sắm khác nhau; nên nhà bán lẻ online cần linh động trong chiến lược kinh doanh, đừng quá chú ý đến công nghệ, vì đó chỉ là công cụ hỗ trợ”.

Còn nhiều nỗi lo

Nỗi lo lớn nhất mà nhiều chuyên gia, giới kinh doanh TMĐT quan tâm chính là hiện tượng hàng gian, hàng giả đang tràn lan tại các công cụ kinh doanh TMĐT, làm niềm tin vào hoạt động này còn quá thấp. Ông Hữu Tuấn cho biết: “Có nhiều mặt hàng xuất xứ từ Trung Quốc nhưng nhà bán lẻ cứ hô sản xuất tại Hàn Quốc, Nhật Bản… Đến khi phát hiện đúng là hàng giả, người tiêu dùng phải chịu thiệt, chưa có biện pháp chế tài hữu hiệu để phát hiện và ngăn chặn hiện tượng gian dối này”. Nhiều khách hàng chuyên mua hàng online cũng xác nhận: có nhiều trang web bán hàng ở tận Nhật, Mỹ vậy mà yên tâm; vì hàng hoá của họ là hàng thật, đúng như thông số quảng cáo; trong trường hợp khách mua đổi ý, cũng có thể được đổi trả hàng.

“Trong khi đó, tại nhiều trang bán hàng online tại Việt Nam, quảng cáo một đường, hàng đến tay có chất lượng một nẻo, muốn đổi hàng, phải tốn nhiều thời gian.Mệt mỏi lắm”, bà Khánh Trúc (Q.3, TP.HCM) cho biết.

Nỗi lo thứ hai là thiếu cơ sở dữ liệu. Ông Nguyễn Ngọc Dũng, phó chủ tịch VECOM, nói phải làm dữ liệu mới “đủ và đúng”, may ra các nhà bán lẻ online trong và ngoài nước mới tìm được cơ hội. Còn như hiện nay, có làm được chăng hay chớ”.Theo ông Dũng và bà Trang, sắp tới hai tổ chức này sẽ cùng hợp tác xuất bản cơ sở dữ liệu về TMĐT dựa trên khảo sát thực tếcủa doanh nghiệp.

Nỗi lo thứ ba là giá trị đơn hàng còn quá nhỏ. Ông Đỗ Hữu Hưng, giám đốc Accesstrade Việt Nam nói rằng, TMĐT Việt đang đứng trước sáu thách thức: hạ tầng, thanh toán, khách hàng, vốn, nhân lực và kho vận. “Dù doanh số tăng, nhưng giá trị đơn hàng có thấp (theo khảo sát của VECOM trong năm 2018, 80% đơn hàng mua online có giá dưới 30 USD/đơn hàng), niềm tin của khách hàng với kênh bán hàng online còn mong manh… nên Việt Nam chưa thu hút được nguồn đầu tư từ các đối tác nước ngoài. Năm 2018, có 9 tỷ USD đầu tư vào khu vực ASEAN, nhưng trong đó hơn 6 tỷ USD đầu tư vào Singapore, gần 2 tỷ USD vào Indonesia… Phần còn lại, có Việt Nam vậy là quá ít”, ông Hưng nói.

Nỗi lo thứ tư là chính sách và pháp luật còn thiếu tính đồng bộ. Nhà nước đã có nhiều văn bản quy phạm bảo vệ thông tin cá nhân; nhưng tình trạng thu thập, sử dụng, phát tán và kinh doanh thông tin cá nhân vẫn “nghênh ngang trên mạng” mà không thấy các cơ quan chức năng xử lý. Thương mại “xuyên biên giới” cũng còn nhiều điểm nghẽn: xuất khẩu và nhập khẩu hàng hoá, mua bán ngoại tệ, nhiều loại giấy tờ phức tạp… Nhiều giải pháp công nghệ mới như blockchain… vẫn chưa có quy định rõ ràng, nên nhiều người “vừa làm vừa run”…


Nông sản lên sàn TMĐT

Một thông tin hấp dẫn tại diễn đàn 2019 là chuyện VECOM kết hợp với các địa phương đưa đặc sản các vùng miền như dừa Bến Tre, tre luồng Thanh Hoá, thổ cẩm Hà Giang, sen Đồng Tháp… lên sàn giao dịch TMĐT bằng dự án “Làng nghề online”. Ông Dũng cho biết: “Khu vực nông thôn là nơi cung cấp đặc sản. Muốn TMĐTphát triển nhanh, phải thu hẹp khoảng cách số giữa các địa phương, đặc biệt phải hỗ trợ nông thôn bán hàng trực tuyến”.

Mở đầu dự án này là “Ngày của làng dừa Bến Tre” trên Lazada được tổ chức vào ngày 25/4/2019, với khoảng 15 – 20 gian hàng với các mặt hàng cơm dừa nạo sấy, sữa dừa, dầu dừa, nước dừa đóng hộp, thạch dừa… Ông Vũ Quốc Tuấn, giám đốc truyền thông của Lazada Việt Nam cho biết, khi được tuyển chọn, các cửa hàng sẽ được: mở gian hàng miễn phí, miễn phí hoa hồng suốt đời, trả tiền hằng tuần… Phó chủ tịch Bến Tre Nguyễn Hữu Lập cho biết địa phương có 72.000ha dừa, trong đó có 2.500ha dừa hữu cơ, cung cấp hơn 720 triệu trái mỗi năm. Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm từ dừa đạt hơn 215 triệu USD, chiếm 22,4% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Dừa Bến Tre xuất khẩu đến 85 quốc gia.

Dịch vụ giao hàng – Lối thoát của nhiều doanh nghiệp  vận chuyển

Khi TMĐT gia tăng doanh số, dịch vụ giao hàng là cơ hội sống cho nhiều nhà vận chuyển hàng hoá. Theo khảo sát có giới hạn của VECOM, trong lĩnh vực vận chuyển hàng hoá cho hoạt động TMĐT trên toàn quốc, Vietnam Post (tổng công ty Bưu điện Việt Nam) là doanh nghiệp chiếm thị phần lớn, với 61% đơn hàng của các nhà bán hàng trực tuyến thuê (đối tượng khảo sát của VECOM), tiếp đó là Viettel Post (công ty bưu chính Viettel) tỷ lệ 25%, Giao hàng nhanh và Giao hàng tiết kiệm mỗi nhà chỉ chiếm 1%. Các doanh nghiệp chuyển phát còn lại chiếm 12%.Nhưng tại TP.HCM, Vietnam Post chỉ chiếm 15%, còn ViettelPost là 28%.

Bài, ảnh Minh Tú (theo TGTT)