Tuyền ơi, làm sao mà Tuyền gặp được anh Luận vậy?

Dạ con gặp mà không ngờ nữa cô. Con bị cách ly chồng lên giãn cách, chỗ con ở nè, quận Bình Tân này, nổi tiếng là căng thẳng nên con thành “Thánh” cách ly rồi. Tự nhiên một hôm thấy ảnh chở nguyên xe cá nục từ Quảng Bình tới cho. Con phụ đi phát vui quá trời, phát hăng, quên chụp hình tặng ảnh. Bà con chung quanh mới chụp gửi tặng ảnh. Ảnh còn đem rau từ Đắk Lắk về đây. Không biết phải do nhóm thiện nguyện của ảnh không, mà chiều nay, mưa ầm ầm thiệt là dai, con ra đóng cửa sợ tạt thì thấy ai treo sẵn cái gói rau củ tặng cho nhà con. Ai dị trời, nè cô, miếng bí đỏ, mấy củ năng và mớ rau.

Thương ai đó quá trời. Thương mấy anh chị doanh nghiệp quá trời…

Tôi giật mình, là thần giao cách cảm chăng Luận ơi? Chiều nay giữa cơn mưa dầm, tự nhiên thấy điện thoại Luận kêu. “Cô ơi, tuần này con đóng cửa công ty rồi. Con buồn quá, kêu điện thoại nói chuyện với cô. Biết là vì dịch, mỗi người hi sinh môt chút, mà buồn không chịu nỗi cô ơi. Công ty con chỉ được báo trước một ngày, bảo phải “3 tại chỗ”, chỗ nào sản xuất, chỗ nào ăn uống, chỗ nào ngủ nghỉ, làm sao lo tất cả trong một ngày. Nghĩ tới 100 con người sáng dậy xếp hàng đi vệ sinh, khi ngày thường con chỉ có 6 nhà vệ sinh, giờ họ xếp hàng, là con rùng mình, sợ quá. Đành đóng cửa công ty.

Tạm một tuần, nghỉ sản xuất, con quay qua đi lo cho người nghèo, con đi kêu gọi bạn bè khắp nơi, người cho gạo, cho cá, cho rau, rồi con tự bỏ tiền, tự chở về, tự đem đi cho, tìm tới nơi đang nghèo khó, căng thẳng nguy hiểm nhất. Buồn quá, mà dịch, biết sao? Cho công nhân nghỉ là đứt ruột đó cô, nhiều công ty bạn con cũng cùng cảnh ngộ. Mà phải chi cho biết sớm hơn rồi hãy quyết định?”

Tôi lại chạnh lòng nghĩ tới câu cuối trong status của anh Nguyễn Thái Hùng, từng là giám đốc thương hiệu may Tây Đô lừng lẫy một thời, vừa viết trên phây về yêu cầu “3 tại chỗ” với các nhà máy: “Các nhà máy sản xuất đã khóc cạn nước mắt rồi, lực bất tòng tâm, vì an toàn của người dân, đành gác kiếm”.

Trong trận chiến kinh doanh, họ đang bí lối, phải tạm đóng cửa công ty, thì chẳng có thời gian nào than thở, ngay lập tức họ xông pha vào nơi nguy ngập nhất, đang cần mọi người giúp đỡ nhất. Đó là quận Bình Tân, là nhiều khu phong tỏa nữa. Vì đó là nơi gian lao nhất nên cô Tuyền chuyên đi chợ online của Phiên chợ Xanh – Tử tế của BSA bỗng gặp doanh nhân cang trường Richard Luận?

Tôi cũng vừa đọc thấy Tuyền “còm” trên một bài tôi viết gần đây, khi tôi nhắc món khô cá lóc mà các kỹ sư IT của Rynan Technologies (một công ty Nông nghiệp Công nghệ cao của tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ đang hoạt động ở Cù lao Long Trị, ở Trà Vinh), tự nuôi cá, phơi làm khô gửi tặng người Sài Gòn.

Tuyền viết em vừa in tấm hình khô cá lóc lên là có khách của Phiên chợ Xanh hỏi mua, vì thấy ngon quá, thấy thèm quá. Thì ra món khô cá lóc này, hay là món khô cá ba sa mà mai này chị Vân Loan, chủ tịch Công ty XNK thủy sản Cửu Long mang từ An Giang lên cho Sài Gòn, trông rất hấp dẫn, đúng là những món cá rất ngon, song lại rất lạ, rất quí nữa, vì chỉ dành cho những người… lâm cảnh bị phong tỏa, cách ly thì mới… được nhận, vì không có bán,chưa từng được bán.

Như gói rau củ quả sấy của Vinamit, với hình thức hoàn toàn lạ lẫm mà anh Nguyễn Lâm Viên quyết định làm chỉ trong một ngày, để có đủ số lượng gần 20.000 gói mỗi ngày sắp tới, gửi tặng cho các bệnh viên dã chiến TP mà Vòng Tay Việt chuẩn bị đợt trao ngay vào ngày mai. Mới thấy các doanh nghiệp trân trọng việc hỗ trợ người yếu thế khó nghèo như thế nào.

Lần này, sau khi anh Viên đã chi 1,5 tỷ cho chương trình, thì chúng tôi nhất quyết xin mua rau quả sấy của Vinamit chứ không đồng ý nhận quà tặng của anh nữa.

Anh nói, vậy thì tôi sẽ lấy tiền và không biếu tặng. Hơi an tâm, tôi lại… đòi (như bài tôi viết hôm qua, “đã xin còn đòi”) rằng liệu là thay vì gửi đến từng bệnh nhân của bệnh viện cả hủ bột mía sấy đông khô thì anh san ra thành nhiều gói dạng que (kiểu stick) để vừa cho mỗi lần pha nước uống, thì hợp hơn chăng?.

Anh chỉ nói: Để tôi tính xem. Chà, chưa bao giờ mình làm hình thức đó. Và sáng hôm sau, anh gửi lại những gói bao bì nhựa trong này, có chứa rau củ sấy, cả những gói trà gừng và mía sấy đông khô bên trong luôn, và bên ngoài còn có cả logo của Vòng Tay Việt luôn.

Những chi tiết nhỏ xíu “không nói ra thì không ai biết” này, dù kể vội có khi thô vụng, nhưng tôi không thể bỏ qua: Những chuyến xe chở đầy hy vọng gồm cá biển Quảng Bình, rau tươi Đắk Lắk, cá lóc khô Trà Vinh, cá ba sa khô An Giang, rau quả sấy từ Bình Dương, và…

Doanh nhân, những người ta quen nghĩ cả đời họ kinh doanh chỉ để kiếm lợi nhuận, thì những lúc này, ta hiểu họ hơn, họ sống và kinh doanh, thực chất còn vì cái gì.

Nên tôi cảm thông liền câu tán thán ngộ nghĩnh của cô “thánh” cách ly Lê Tuyền: “Thương mấy anh chị doanh nghiệp quá trời !”

Vũ Kim Hạnh