(Cafenews)- Thượng nghị sĩ Mỹ “có duyên với Việt Nam” John McCain và Thượng nghị sĩ Jeanne Shaheen của đảng Dân chủ ngày 19/3 đã gửi thư tới Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer, nói rằng chương trình thanh tra cá da trơn của Bộ Nông nghiệp Mỹ đang đe dọa trao đổi thương mại nông nghiệp với Việt Nam, quốc gia Đông Nam Á lớn thứ 10 về thị trường xuất khẩu nông nghiệp của Mỹ. 

Lá thư của hai Thượng nghị sĩ Mỹ được đưa ra vài ngày sau khi Bộ Thương mại Mỹ (DOC) ngày 15/3 ban hành kết luận cuối cùng trong vụ việc rà soát hành chính lần thứ 13 (POR 13) biện pháp chống bán phá giá cá tra-basa của Việt Nam (giai đoạn rà soát từ 1/ 8/2015 tới 31/7/2016), với mức thuế tăng cao nhất từ trước đến nay.

Căn cứ kết luận này, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra-basa của Việt Nam sẽ bị áp dụng mức thuế chống bán phá giá từ 2,39 USD/kg – 7,74 USD/kg cho giai đoạn rà soát nói trên. Mức thuế cao “chưa từng có tiền lệ” này được cho là đã chặn đường vào thị trường Mỹ của cá da trơn Việt Nam trong thời gian tới.

Đoạn mở đầu lá thư của Thượng nghị sĩ McCain và Shaheen đề cập đến việc Việt Nam và Mỹ đã bình thường hoá quan hệ hơn 20 năm, mối quan hệ đối tác toàn diện giữa Mỹ và Việt Nam đang tiến triển đáng kể. Hai thượng nghị sĩ kêu gọi việc tiếp tục vun đắp cho sự tiến triển đã có, trong lúc giải quyết các vấn đề thương mại quan trọng như tranh chấp hiện nay về việc nhập khẩu cá da trơn Việt Nam.

Cuối tháng trước, Việt Nam đệ đơn kiện lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về quy trình thanh tra cá da trơn của Mỹ, nói rằng việc Mỹ áp thuế chống bán phá giá lên cá tra, cá ba sa của Việt Nam nhằm hạn chế nhập khẩu là “thiếu công bằng” và “thiếu cơ sở khoa học”. Việt Nam yêu cầu WTO giải quyết tranh chấp nếu Mỹ không giải quyết trong vòng 60 ngày.

Trong thư gửi cho Đại diện Thương mại Mỹ, hai thượng nghị sĩ kêu gọi ông Robert Lighthizer ủng hộ đề nghị hủy chương trình thanh tra thủy sản trước khi thời hạn tham vấn 60 ngày của WTO.

USDA chính thức tiếp quản chương trình thanh tra cá da trơn từ Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ vào tháng 9 năm ngoái, sau giai đoạn chuyển tiếp 18 tháng, dẫn đến số lượng các sản phẩm nhập từ Việt Nam sang Mỹ suy giảm mạnh vào năm ngoái.

Theo Thượng nghị sĩ John McCain và Jeanne Shaheen, sáng kiến của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), bắt nguồn từ Luật Nông trại năm 2008, “đã chẳng làm được gì ngoài việc tạo ra một rào cản thương mại tai hại cho việc nhập khẩu cá da trơn từ châu Á nhằm bảo vệ một số nông dân nuôi cá da trơn trong nước”, lá thư viết.

USDA chính thức tiếp quản chương trình thanh tra cá da trơn từ Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ vào tháng 9 năm ngoái, sau giai đoạn chuyển tiếp 18 tháng, dẫn đến số lượng các sản phẩm nhập từ Việt Nam sang Mỹ suy giảm mạnh vào năm ngoái.

Phía Việt Nam cho biết trong số 62 công ty đã đăng ký xuất khẩu cá da trơn sang Mỹ, chỉ còn có 10 công ty tiếp tục xuất khẩu sản phẩm sau khi USDA tiếp quản chương trình này.

Hai thượng nghị sĩ cảnh báo trong thư, nếu Mỹ thua trong trận chiến mới nhất ở WTO, điều đó có thể gây tác động tiêu cực lên xuất khẩu của Mỹ sang Việt Nam, bao gồm bông, lúa mì, thịt lợn, đậu nành, thịt bò, thịt gà, trứng và hoa quả”. Hai thượng nghị sĩ cho biết thêm rằng có đến hơn 525.000 công ăn việc làm ở Mỹ phụ thuộc trực tiếp vào thủy sản nhập khẩu, và ngư nghiệp nội địa Mỹ không thể đáp ứng đủ nhu cầu của người tiêu dùng trong nước.

Trước đó hôm 19/3, Bộ Công Thương Việt Nam chỉ trích mức thuế chống bán phá giá mới của Mỹ đối với cá tra, cá ba sa nhập từ Việt Nam là “không khách quan” và “mang tính bảo hộ quá mức”.

Với mức thuế này, Việt Nam không hy vọng đạt được mục tiêu xuất khẩu ca tra 2-2,2 tỷ USD cho năm 2018 vì Mỹ hiện đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất của loại cá này.

Theo TTXVN