(Cafenews)-Mỗi năm hợp tác xã (HTX) Thuý Giang bán ra thị trường 6.000 nhánh thanh nhãn. Mùa này thanh nhãn không đủ bán, dù giá 120.000 đồng/kg.
Nhãn xuồng cơm vàng, nhưng với số lượng nhánh chiết làm giống như vậy, không bao lâu nữa cuộc cạnh tranh giữa những nhà vườn sẽ khốc liệt hơn. “Điều đó không quan trọng, vì chúng tôi đã biết trước.
Nhiều người trồng, sẽ có nhiều nhà vườn cải thiện thu nhập và nhiều người thưởng thức được trái ngon”, ông Phạm Quang Đạm, giám đốc HTX Thúy Giang (phường Tân Phú, Cái Răng, Cần Thơ), chủ vườn thanh nhãn rộng 32 công và là nhà khởi nghiệp thanh nhãn, nói.
Nhân giống và chia sẻ
Không chút lo lắng, ông Đạm chia sẻ, nguồn cây giống cho các thành viên HTX mở rộng diện tích thêm 40 công thanh nhãn, vị chi là 72 công. Quận Cái Răng thấy triển vọng thanh nhãn ở đây: trái to, ráo cơm, ngọt thanh, không bị chổi rồng…, nay muốn nhân nhanh diện tích trồng thanh nhãn và kéo thành vệt nhà vườn làm du lịch ở Tân Phú, kết nối với chợ nổi Cái Răng.
Nhưng tới nay ít người làm, theo ông Đạm vì hai lý do: nếu đã tham gia mạng lưới này phải trồng theo quy trình hữu cơ và chợ nổi bây giờ tàu bè làm dịch vụ nhiều hơn dân thương hồ, đi một vòng là hết chuyện. Chưa kể chuyện giá đất đang tăng, sẽ làm diện tích vườn nhãn khó mở rộng do nhà vườn không yên tâm, còn người muốn đầu tư làm vườn do dự. Ở khu vực đường láng nhựa, giá đất là 2,5 tỷ đồng/công, đất ven đường nhánh cũng đã đổ bê tông giờ giá trên 1,2 tỷ đồng/công, gấp ba lần năm ngoái.
Nhưng ông Đạm vẫn làm những việc cần làm. Ông đang phiêu lưu cùng cây nhãn và quy trình sản xuất hữu cơ, một cuộc bứt phá để những nhà vườn mở con đường sống với du lịch… Ông tâm sự: “Chỉ có cách đó mới lay chuyển suy nghĩ nhà vườn ở đây. Họ nhìn thấy cách làm khác, không cần dựa vào hoá chất để kiếm tiền bằng bất cứ giá nào”.
Mỗi ngày, ông Đạm vẫn hăng hái động viên các thành viên trong HTX của mình: “Đến năm thứ ba, mỗi cây hái được 20kg, khi nào 30 kg/cây là có lời. Hiện nay các bác đã tới năm thứ hai rồi”. Trồng thanh nhãn không cần xài thuốc kích thích ra hoa, chỉ bón phân hữu cơ, cắt tỉa tán, nuôi cây lúc trổ bông, đậu trái, nuôi trái và chăm sóc sau thu hoạch đúng kỹ thuật, mức độ thành công rất cao, ông Đạm cho biết thêm.
Mùa thanh nhãn chín đang bắt đầu, mỗi ngày ông Đạm hái được 40 – 50kg, việc thu hái kéo dài tới tháng 10. 3.500 gốc nhãn như tằm, đang nhả tơ từ từ… Ông Đạm nói: “Vẫn còn xa điểm hoà vốn, vì đã đầu tư vào khu vườn 32 công này trên 2,5 tỷ đồng”.
Những thùng nước lạnh!
Lòng tin của một ông chủ vườn, một giám đốc HTX thừa nhiệt huyết vẫn sôi sục, dù nhiều lần ông Đạm đã bị dội “những thùng nước lạnh”!
Thùng nước đầu tiên là món vay theo gợi ý để phát triển du lịch. Bất kể giá đất tăng cỡ nào, cán bộ ngân hàng cứ ấn định mức cho vay thế chấp là 70% theo khung giá đất 140.000 đồng/m2.
Giấy tờ trong ngân hàng mà món vay không đủ làm hệ thống tưới tiêu, sao làm du lịch?
Kế đó là hệ thống tưới tiêu có mức hỗ trợ 40%/tổng chi phí, với điều kiện nhà vườn làm dự toán và phải có ba bảng báo giá, ai chào giá thấp nhất được xem như trúng thầu cung cấp. Các nhà thầu xem đây là cơ hội làm ăn nên đưa ra bảng chiết tính thấp, viết chung chung với thiết kế không đúng thông số kỹ thuật. Nếu nhà vườn chấp nhận cuộc chơi, đồng ý lắp hệ thống không đủ thông số rồi làm lại vì không thể tưới được.
Chương trình hỗ trợ giống là thùng nước lạnh thứ ba, cũng phải có ba bảng báo giá từ ba HTX. Một HTX trong số này báo giá rẻ hơn giá thị trường 20.000 đồng/cây, nhưng hỏi ra, họ không có bất kỳ cây giống nào.Nếu được chọn, họ sẽ mua ở đâu đó giao lại.
Ông Đạm “nhức đầu” với cách làm không thật lòng của các đối tác. Nông dân trồng cả năm để rồi nhìn thấy cây èo uột, lại mang tiếng nhận tiền hỗ trợ! Trồng theo quy trình hữu cơ mà cây bệnh phải dùng thuốc ai tin mình? Từ hồi làm vườn nhãn theo chuẩn hữu cơ tới giờ không cơ quan chức năng nào tới hướng dẫn, ông Đạm tiết lộ như vậy. Khi ban chủ nhiệm tới quận hỏi mới biết có lớp học kéo dài ba tháng, để được cấp chứng nhận sản xuất an toàn.
bài, ảnh Khánh An (theo TGTT)