UBND tỉnh Tiền Giang vừa cho biết, sẽ trích ngân sách hỗ trợ nông dân sản xuất vú sữa, thuốc trừ sâu sinh học, túi bao trái và cây bao trái, nhằm chuẩn bị kỹ càng cho lần thứ 2 tỉnh này xuất khẩu vú sữa Lò Rèn sang Mỹ.
Nghoài ra, trong quá trình sản xuất, nông dân thường xuyên được thông tin, tuyên truyền và tham gia các buổi chuyển giao kỹ thuật về quản lý dịch hại theo yêu cầu của Cơ quan Kiểm dịch động vật Mỹ hướng dẫn sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc trừ bệnh có nguồn gốc sinh học, ghi nhật kí sản xuất, nhất là phải tuân thủ việc bao trái.
Để đạt kết quả cao nhất trong năm thứ hai thực hiện chương trình xuất khẩu vú sữa sang thị trường Mỹ, hiện tỉnh Tiền Giang đã chuẩn bị xong nguồn nguyên liệu khoảng 400 tấn trái vú sữa, sản xuất theo yêu cầu của đối tác cao cấp này, tăng gấp 2,5 lần so với vụ đầu tiên xuất khẩu vú sữa sang Mỹ.
Theo đó, hơn 270 nông dân ở các huyện: Cái Bè, Cai Lậy và Châu Thành tham gia chương trình sản xuất vú sữa xuất khẩu sang Hoa Kỳ mùa thứ 2 năm 2018, với diện tích 102,8 hecta, đã được ngành chuyên môn thẩm định và cấp mã code vùng trồng truy nguyên nguồn gốc.
Mới đây, trong cuộc gặp mặt với doanh nghiệp tiêu thụ và nông dân trồng vú sữa nhằm chuẩn bị cho lần thứ 2 xuất khẩu vú sữa sang thị trường Mỹ, ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, yêu cầu không thu mua vú sữa bên ngoài mô hình trà trộn chung để xuất khẩu, làm ảnh hưởng đến uy tín vú sữa Tiền Giang và trái cây Việt Nam.
“Chính quyền địa phương và ngành chuyên môn sẽ giám sát chặt chẽ quy trình kỹ thuật sản xuất trái vú sữa xuất khẩu sang Mỹ, nhằm bảo đảm 100% sản phẩm đạt tiêu chuẩn phía đối tác yêu cầu”, ông Hưởng khẳng định.
Ông Hưởng yêu cầu chính quyền địa phương cần tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi phương thức sản xuất cũ, phối hợp với doanh nghiệp thực hiện chương trình sản xuất vú sữa đạt chuẩn xuất khẩu và ngành nông nghiệp tăng cường tập huấn, hội thảo, chuyển giao kỹ thuật sản xuất cho nông dân,… để vụ vú sữa thứ hai xuất khẩu sang thị trường Mỹ của tỉnh Tiền Giang đạt hiệu quả cao nhất.
Được biết, lần xuất khẩu đầu tiên gần 200 tấn vú sữa sang Mỹ, một số doanh nghiệp đã trộn hàng không đạt chuẩn, chưa được cấp mã code (mã số vùng trồng) gây ảnh hưởng lớn đến thương hiệu của loại trái cây đặc sản này.