Dẫn theo 4 bạn sinh viên Khoa Môi trường và Tài nguyên – Trường Đại học Đà Lạt, tham dự bán kết cuộc thi khởi nghiệp nông nghiệp lần thứ 4 do Trung tâm BSA tổ chức tại TPHCM, TS. Nguyễn Công Nguyên cho biết, đây là những sinh viên năng động, nhiệt tâm cùng anh làm ra “máy lọc nước biển thông minh phục vụ cho ngư dân đi biển”.

Tiến sĩ Nguyên còn rất trẻ, cho biết dự án này nhóm anh đã ấp ủ gần 5 năm mới hoàn thành.

Máy lọc nước biển thông minh thiết kế và chế tạo dựa trên công nghệ màng MD (Membrane Distillation).

Nhóm dự án chụp hình cùng doanh nghiệp tới tham dự vòng bán kết

“Việc sử dụng công nghệ chưng cất màng để thiết kế máy lọc nước biển chúng tôi tin chắc rằng có thể khắc phục được những nhược điểm của công nghệ RO mà ngư dân dùng khi đi biển hiện nay”, TS. Nguyễn Công Nguyên cho biết.

Nước từ máy lọc nước biển này tạo ra, theo nhóm nghiên cứu cho biết, đây là nước tinh khiết, đã loại bỏ được các vi khuẩn và các mầm bệnh…

Khi áp dụng công nghệ này trên tàu đánh cá, hơi nước nóng sẽ được tận dụng từ bầu két nước của máy nổ (hay máy phát điện) có sẵn ngay trên để vận hành thiết bị…

Từ thực tiễn thiếu nước ngọt khi đi biển của ngư dân

Nhiều người đến xem các sản phẩm do các bạn khởi nghiệp trưng bày tại cuộc thi

Theo thống kê của tổng cục hải sản, năm 2015 cả nước có trên 128.000 tàu cá trong đó tàu đánh bắt hải sản xa bờ (công suất > 90CV) khoảng 24.000 chiếc. Trước thực trạng thiếu nguồn nước ngọt cho ngư dân đi biển cũng như bất tiện khi mang theo nước ngọt từ đất liền, việc tạo ra nguồn nước ngọt sử dụng cho nhu cầu sinh hoạt được xem là một nhiệm vụ cấp bách.

Trước mắt dự án máy lọc nước biển thông minh sẽ nhắm đến 5 tỉnh có ngư dân là Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Quảng Ngãi với hơn 10.000 tàu cá để tiếp cận ngư dân.

Nhiều khách tham quan ấn tượng với mô hình sản phẩm máy lọc nước thông minh của sinh viên ĐH Đà Lạt

Nhưng dự án này gặp phải sự “tra khảo”, đeo bám quyết liệt của ban giám khảo, nhất là Tiến sĩ Phan Văn Minh – Trưởng phòng Nghiên cứu Công nghệ sinh học môi trường – Viện Nghiên cứu Công nghệ Sinh học và Môi trường – ĐH Nông lâm TP.HCM.

Xin lược đăng sơ qua một số câu hỏi dưới đây

Giám khảo Phan Văn Minh: Hiện nay trên thế giới người ta đang xử lý theo công nghệ RO hay còn cái khác nữa không? Đối thủ có những giải pháp gì mới hơn trong ngành này không?

Nhóm dự án: Hiên nay, ngư dân đa phần sử dụng máy lọc nước RO – công nghệ có thể nói là tối ưu nhất ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên khi nghiên cứu nhóm nhận ra 3 vấn đề lớn khi tàu thuyền sử dụng công nghệ này là:

Giá thành của thiết bị này khá đắt (70 đến 100 triệu đồng tùy thuộc vào công suất – máy của nhóm dự án có giá khoảng 40 triệu đồng); Bắt buộc phải sử dụng điện liên tục để cung cấp năng lượng lớn cho vận hành thiết bị RO (phải dùng bơm áp lực cao để đưa nước qua màng); Tiêu tốn nhiều hóa chất (axít và bazơ) để thường xuyên rửa màng lọc RO do đó chi phí vận hành của hệ thống RO cho lọc nước biển là cao; Tuổi thọ của màng lọc RO ngắn do sự bẩn màng cao bởi các ion muối và tảo biển.

Thầy Nguyên cùng nhóm sinh viên trả lời những câu hỏi từ Ban giám khảo cuộc thi

Giám khảo Phan Văn Minh: Hiện nay trên thế giới Singapore dùng công nghệ RO để biến nước biển hành nước ngọt, 25% nước ngọt từ Singapore được lọc từ nước biển.

Mỗi công nghệ có những ưu điểm và khuyết điểm. Công nghệ các bạn đang làm từ xưa người ta đã có, kiểu như đun lên lấy hơi nước bốc hơi. Cái khác ở dự án này là màng MD. Màng này có nhiệm vụ ngăn lại những chất rắn, hoặc ngăn vi khuẩn…

Màng này phụ thuộc vào nước biển, khí hậu, vậy làm sao để giữ nó ổn định?

Nhiệt lượng cần để cho bốc hơi 1 khối nước biển là 3 kw điện, vậy bạn tốn bao nhiêu nhiệt?

Nhóm dự án: RO chỉ tốn 8kw/1 khối nước sạch, MD tốn 3kw/1 khối nước sạch, ít tốn điện hơn gấp gần 3 lần

Giám khảo Phan Văn Minh: Vậy bạn lấy nhiệt ở đâu?

Nhóm dự án: Ngoài téc nước thì chúng em còn tận dụng một số nguồn khác mà chúng em không tiện chia sẻ ở đây.

Giám khảo Ngô Đình Dũng: Công nghệ này phần nào chiếm giá thành cao nhất trong đó?

Nhóm dự án: Đó là màng MD (chiếm khoảng 40 –  50%), hiện nay nhóm nhập từ Đài Loan về.

Giám khảo Ngô Đình Dũng: Vậy thì trong tương lai người sản xuất màng MD này mới là người nắm thị trường trong tương lai

Giám khảo Trần Anh Tuấn: Làm sao để bạn thuyết phục ngư dân mua sản phẩm của mình, kênh bán hàng nào các bạn chọn…?

Nhóm dự án: Cho ngư dân dùng thử trước. Tiếp cận các hội ngư dân, các sở Nông nghiệp các tỉnh.

Giám khảo Trần Anh Tuấn: Tiếp thị trong lĩnh vực này thì rất khó vì đòi nguồn lực rất lớn…

Trong tương lai, nhóm dự án chia sẻ, họ sẽ tiến hành cải tạo thiết kế máy để đưa ra các đảo giúp cho người dân cũng như các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ nơi đây giải quyết được nỗi lo thiếu nước ngọt; Mở rộng thị trường đưa máy đến với người dân sống gần biển khi lượng nước ngọt ở đất liền ngày càng khan hiếm và cạn kiệt.

Trần Quỳnh