Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu cũng như một số khu vực kinh tế bất định, có một số rủi ro doanh nghiệp cần quan tâm, đó là nguy cơ suy thoái và khủng hoảng có thể xảy ra trong giai đoạn 2020 – 2021. Cụ thể, những dấu hiệu chỉ ra nguy cơ suy thoái như tăng trưởng âm hoặc bằng 0 đối với các nước phát triển. Đó là chưa kể sự “gãy khúc” chuỗi giá trị, ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế Việt Nam”. Tiến sĩ Võ Trí Thành chuyên gia kinh tế, đã đánh giá như vậy khi trò chuyện với Câu lạc bộ doanh nghiệp dẫn đầu LBC tháng 11. 

Tiến sĩ Võ Trí Thành, cho biết: Ghi nhận thực tế trên thị trường toàn cầu, thương mại tự do không chỉ giúp các nước ngày càng mở rộng cửa, mà còn phá vỡ rào cản địa lý và giao dịch xuyên biên giới. Tuy nhiên, diễn biến của nền kinh tế thế giới được các chuyên gia hàng đầu, cũng như nhiều báo cáo khảo sát nghiên cứu chỉ ra rằng không lạc quan trong thời điểm hiện tại và trung hạn.

Cụ thể, vừa qua Báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới đã điều chỉnh dự báo tốc độ tăng trưởng nền kinh tế giảm so với con số dự báo đã đưa ra trước đó. Còn IMF tháng 10/2019 đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2019 sẽ là 3% và năm 2020 là 3,4. Tương tự, có khoảng 70% trong tổng số nhà kinh tế được khảo sát ý kiến, đánh giá nền kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục giảm.

Mặt khác, yếu tố làm cho tốc độ tăng trưởng nền kinh tế toàn cầu giảm được chỉ ra đầu tiên là giảm theo chu kỳ. Tiếp theo, những nền kinh tế lớn như Trung Quốc, EU… đang bị giảm tốc. Bên cạnh đó, những lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng giảm có thể kể đến là đầu tư, thương mại… Đáng chú ý hơn thế nữa, dự báo tốc độ tăng trưởng thuơng mại có thể nhỏ hơn tốc độ tăng trưởng GDP. Mức giảm của nền kinh tế thế giới như thế nào, mức bao nhiêu bên cạnh tính chu kỳ, thì phụ thuộc vào 4 yếu tố, gồm: cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, căng thẳng giữa Hàn Quốc và Nhật Bản; bất ổn về chính trị tại một số khu vực Trung Đông; Đông Bắc Á, biển Đông; chính sách tiền tệ các nước với 30 – 40 nước nới lỏng và giảm lãi suất; biến động giá hàng hóa cơ bản như mặt hàng dầu dự báo giảm.

Riêng đối với chính sách tiền tệ đang có hai xu hướng, một là giảm (thiếu tiền) và hai là bong bóng lớn (quá nhiều tiền). Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến nguy cơ suy thoái kinh tế và gây ra rủi ro cho doanh nghiệp. Song đó đó, hiện nay có xu thế nhiều quốc gia như Trung Quốc, Thái Lan, Singapore… đặt mục tiêu tăng trưởng và dự báo mục tiêu tăng trưởng dao động trong một khoảng cách nhất định và điều chỉnh thường xuyên (phổ biến 3 tháng các nước lại điều chỉnh một lần) gây rủi ro và bất định cao cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Ngoài ra, chưa nói về những thay đổi công nghệ, mà diễn biến thị trường biến động nhanh chóng đòi hỏi doanh nghiệp phải linh hoạt bám theo. Với thực trạng này, kế hoạch dài hạn nhất cho doanh nghiệp chỉ nên là 3 năm.

Trong các mối tương quan đó, theo ông Việt Nam được lợi gì? 

Tiến sĩ Võ Trí Thành: Mỹ – Trung đều là hai đối tác thương mại lớn của Việt Nam. Trong đó, cứ 4,5USD Việt Nam làm ăn với thế giới ở lĩnh vực thương mại thì có 1USD với Trung Quốc. Thị trường Mỹ là một trong những thị trường thặng dư thương mại cao nhất của xuất khẩu Việt Nam. Còn ở lĩnh vực đầu tư, Mỹ – Trung là hai nhà đầu tư nằm trong top 10 dẫn đầu tại Việt Nam. Theo đó, Việt Nam trong dài hạn không có lợi, chỉ có lợi trong ngắn hạn, nhưng ngay trong ngắn hạn chưa chắc “lợi nhiều hơn hại”, bởi bình thường tăng trưởng xuất khẩu Việt Nam trên 2 con số, nhưng 9 tháng đầu năm 2019 chỉ đạt 8,2%.

Con số này cho thấy, về tổng thể Việt Nam chưa có lợi mà thậm chí là giảm, do “gãy khúc” chuỗi giá trị, đối tác chính của Việt Nam bị tác động của tăng trưởng toàn cầu. Điển hình, đầu tư từ Trung Quốc không lớn như dự báo, mà còn xuất hiện dòng đầu tư “lách” nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, đầu tư vào Việt Nam theo cách dùng người Việt thành lập công ty Việt, M&A và nhiều hình thức tinh vi khác. Trong ngắn hạn, Việt Nam cần chuyển từ thu hút FDI bằng số lượng sang chất lượng và có tính bền vững.

Thưa ông, trong bối cảnh nền kinh tế bất định” như vậy thì doanh nghiệp cần quan tâm đến những rủi ro gì?

Doanh nghiệp cần nắm rõ nguyên tắc hoạt động xuất khẩu gắn liền với đối tác, cụ thể là nhờ vào thị trường Mỹ và những thị trường có Hiệp định Thương mại tự do (FTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); còn EU, Trung Đông giảm; ASEAN không đáng kể. Riêng với thị trường Trung Quốc, bên cạnh tăng trưởng giảm, còn có hơn 50% nông sản phục vụ thị trường này lại vướng quy định tiêu chuẩn nhập khẩu mới và tình hình biển Đông.

Nguyên nhân tại sao thời điểm này, Trung Quốc lại thắt chặt quy định nhập khẩu nông sản, có phải vì ghét Việt Nam hay cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung… mà là do thị trường bắt đầu chuyển hướng tiêu dùng và người dân quan tâm đến lĩnh vực an toàn thực phẩm ngày càng nhiều hơn. Ngược lại với hoạt động xuất khẩu, lĩnh vực nhập khẩu cũng là vấn đề quan trọng mà doanh nghiệp làm thương mại cần quan tâm hàng đầu, bởi hàng hóa sản xuất của doanh nghiệp có thể đầu vào là từ đối tác nhập khẩu. Chính vì vậy, khi nhận diện đối tác nhập khẩu có thể thấy Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc tăng rất mạnh. Những vấn đề này, minh chứng cho những tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung đối với Việt Nam là không hề nhỏ trong thời gian vừa qua và sẽ tiếp tục trong tương lai.

Riêng nhìn từ chuỗi giá trị, mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam tăng đến từ điện tử, linh kiện, điện thoại, dệt may, giày dép, gỗ… Chính vì vậy, vấn đề lớn nhất của Việt Nam trong cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, là Việt Nam phải tiếp tục giải trình với Mỹ có thao túng tiền tệ không? Và năm nay, Việt Nam đứng thứ 6 trong 8 nước thặng dư lớn nhất với Mỹ. Trong khi đó, thao túng tiền tệ không chỉ câu chuyện tỷ giá tăng – giảm, vì Việt Nam điều hành khá ổn định, vấn đề ở chỗ cách thức can thiện, điều hành mua – bán (Việt Nam có nguy cơ bị xem xét mua vào 1 chiều).

Trước tình hành này, trong những tháng vừa qua Việt Nam đã triển khai rất quyết liệt khâu kiểm tra, giám sát và giám định nguồn gốc xuất xứ hàng hóa; trong đó xác định những lĩnh vực, ngành nghề, sản phẩm “nhạy cảm”. Nếu trong năm tới được phê chuẩn, thì Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVIPA) sẽ tác động rất tích cực đến kinh tế Việt Nam nói chung và lĩnh vực thương mại nói riêng. Dù vậy, doanh nghiệp nên chuẩn bị sẵn sàng đáp ứng những tiêu chuẩn cao về nhân quyền, môi trường, lao động… Tương tự, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đàm phán từ giai đoạn năm 2015 – 2019 nhưng lỡ hẹn và chưa kết thúc, nên khả năng có ký kết cũng sẽ không trọn vẹn, mà có thể chỉ là khung nguyên tắc.

Hiệp định này khó là do Ấn Độ không mở cửa thị trường, Trung Quốc lại là nền sản xuất mạnh, còn Nhật Bản và Hàn Quốc chưa có FTA… Để đi vào thực thi trong ngắn hạn, RCEP chưa tác động mạnh đến kinh tế Việt Nam, cũng như phần lớn những nước thành viên trong RCEP. Việt Nam nhập siêu đối với nhiều thành viên trong RCEP, còn ngược lại Việt Nam xuất khẩu đối với các thành viên CPTPP hay những FTA khác.

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu, cũng như một số khu vực kinh tế bất định nêu trên, có một số rủi ro doanh nghiệp cần quan tâm, đó là nguy cơ suy thoái và khủng hoảng có thể xảy ra trong giai đoạn 2020 – 2021. Cụ thể, những dấu hiệu chỉ ra nguy cơ suy thoái như tăng trưởng âm hoặc bằng 0 đối với các nước phát triển. Điều này đến từ nguyên nhân bong bóng tài chính do nhiều nước bơm tiền ra, nới lỏng chính sách tiền tệ, nhưng không giúp ít cho tăng trưởng. Trong nền kinh tế bất ổn, sẽ tăng xu thế tìm kênh trú ẩn hoặc đầu cơ ở những kênh như bất động sản, vàng; sự phát triển của ngân hàng “ngầm” không thể biết đằng sau là ai, dòng tiền đi như thế nào và con số thật khi được đi qua những thiên đường thuế…

Cùng với đó, kỳ vọng của nhà đầu tư trong tương lai là kinh tế đi xuống thể hiện qua yếu tố lãi suất 10 năm trái phiếu Mỹ thấp hơn trái phiếu ngắn hạn. Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung đã được đẩy lên thành cuộc chiến công nghệ, nhưng trong tương lai có thể trở thành cuộc chiến về mô hình phát triển nên khả năng còn diễn biến phức tạp. Về phía Trung Quốc đưa ra tuyên bố thỏa thuận như thế nào cũng không từ bỏ những nguyên tắc cơ bản mô hình phát triển của nước này.

Ông dự đoán thế nào về tăng trưởng kinh tế Việt Nam nói chung trong năm 2019? 

Thống kê 9 tháng năm 2019, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 6,98%, cho thấy mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn 5 năm hơn 6,5% sẽ được đảm bảo. Mặt khác, các tổ chức đưa ra dự báo tăng trưởng GDP trong cả năm 2019 đạt từ 6,9 – 7,05%, nhưng Chính phủ chỉ đưa ra con số đạt vượt trần của mục tiêu đề ra từ đầu năm. Như vậy, nguyên nhân dẫn đến việc dự báo tăng trưởng GDP có phần “rụt rè” của Chính phủ, có thể đến từ nhiều lý do.

Cụ thể, một số góc nhìn để có thể dự báo được tăng trưởng GDP, đó là theo ngành hoặc theo tổng cầu. Thống kê tăng trưởng ngành nông – lâm – thủy sản đạt 2%, khai khoáng tăng trưởng 2,68%… Nhưng trong quý 4/2019, hai lĩnh vực này khó đạt tốc độ tăng như những quý vừa qua. Tiếp theo, một số ngành chế biến chế tạo tăng trưởng 8,9% nhưng chủ yếu do khu vực FDI, dịch vụ tăng trưởng khoảng 6,85%…

Còn về tổng cầu, chỉ số bán lẻ tăng thực 9%, niềm tin cao; du lịch nội và ngoại khá… Lĩnh vực đầu tư trong chờ vào đầu tư tư nhân, nhưng đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp. Điển hình, đầu tư công vẫn tồn tại những căn bệnh không mới, nhưng năm nay có điểm mới là hành lang pháp lý và “tâm lý” cơ quan quản lý Nhà nước, nên đầu tư sẽ tăng từ việc giải ngân đầu tư công nhanh hay chậm. Đây là những lý do mặc dù nền kinh tế Việt Nam được dự báo tăng trưởng GDP là 6,9 – 7,05%, nhưng Chính phủ chỉ đảm bảo trên mức 6,8%.

Khi nói đến kinh tế vĩ mô, doanh nghiệp cần quan tâm đến cơ chế chính sách, nhất là trong bối cảnh lãi suất vẫn ổn định và không giảm, nhưng hệ thống ngân hàng vẫn huy động để đáp ứng cho vay ngắn hạn, vay trung và dài hạn rất khó. Đặc biệt, có một số tín hiệu tích cực như dự báo mức lạm phát thấp, Ngân hàng Nhà nước sẽ bơm ra – bơm vào đảm bảo thanh khoản thị trường tiền tệ.

Ngoài ra, hoạt động cải cách cơ cấu trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng có thể thấy là quyết liệt nhất. Tuy nhiên, còn một vài vấn đề mà ngành tài chính – ngân hàng cần khắc phục là đảm bảo đáp ứng tiêu chuẩn thông lệ quốc tế và tồn tại những vấn đề khó khăn bởi những ngân hàng 0 đồng. Chính vì vậy, doanh nghiệp nên tăng cường hội nhập, tìm kiếm thị trường mới, đa dạng hoạt động sản xuất kinh doanh để tăng nội lực về tài chính, năng lực hội nhập.

Còn viễn cảnh 2020?

-Năm 2020, vừa được xem là thời điểm cho khởi đầu 10 năm tới và vừa đảm bảo thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình phải đạt tăng trưởng kinh tế trên 7%. Tuy nhiên, nhiều dự báo được đưa ra trong thời gian gần đây cho thấy tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020 không đạt được mức 6,7 – 6,9%, tức là thấp hơn năm 2019.

Vì vậy, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại cần nhớ con số tổng cầu, chỉ có một tín hiệu tích cực từ năm 2018 đến năm 2019 là tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tốt. Đồng thời, so với các nước phần lớn, Việt Nam nổi lên như một điểm sáng. Trên thực tế hiện nay, thị trường thương mại tự do với nền tảng các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đã tạo điều kiện cho lĩnh vực thương mại hưởng lợi, nhưng lĩnh vực đầu tư lại có nhiều rào cản hơn.

Doanh nghiệp cần cân nhắc thị trường dựa vào 3 vấn đề chủ chốt, gồm: nhà đầu tư quan tâm thể chế, chính sách, nhân lực để tạo nên sự hấp dẫn. Đặc biệt, hội nhập sâu rộng, nên nền kinh tế Việt Nam cũng dễ bị tác động bởi cả yếu tố bên ngoài lẫn bên trong, nên mức độ dễ tổn thương trước các “cú sốc” là rất đáng kể.

NHÂN PHƯƠNG ghi