Trong 2 năm qua, có 54 doanh nghiệp được cấp chứng nhận HVNCLC – Chuẩn hội nhập, trong đó có 26 đơn vị thuộc ngành phi thực phẩm. Ngoài ra, có 2 HTX nông nghiệp được 2 tổ chức quốc tế hỗ trợ, tư vấn, huấn luyện để cấp chứng nhận Localg.a.p. Đặc biệt, từ sự lan tỏa và tính thiết thực, Bộ tiêu chí HVNCLC – Chuẩn hội nhập đã được nhiều tổ chức như Ban quản lý ATTP TP.HCM, GMP, GlobalG.A.P.… thừa nhận…
Đây là kết quả của Thỏa thuận giữa Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất Lượng Cao (DN.HVNCLC) và Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) về việc hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp xây dựng tiêu chuẩn HVNCLC – Chuẩn hội nhập, được công bố tại Hội nghị “Tiêu chuẩn mới cho doanh nghiệp và nông dân để khởi động kinh doanh sau cách ly”, do Bộ KH-CN, Tổ chức tiêu chuẩn GlobalG.A.P., VCCI và Hội DN HVNCLC tổ chức vào chiều ngày 9/6 tại Hà Nội. Chương trình nhằm khởi động lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh sau nhiều tháng cách ly xã hội, do do Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh chủ trì.
Trong quá trình thực hiện thỏa thuận này, có 2 công trình nổi bật là xây dựng được tiêu chuẩn localg.a.p. dành cho nông nghiệp và HVNCLC – Chuẩn hội nhập dành cho 5 ngành phi thực phẩm. Chương trình hỗ trợ nông dân sản xuất sạch Localg.a.p., Hội DN HVNCLC cũng đã hợp tác với Trung tâm Đào tạo và Tư vấn Kinh tế hợp tác thuộc Trường Cán bộ Quản lý của NN&PTNT phía Nam để cùng tổ chức các lớp đào tạo, huấn luyện cho nhiều lãnh đạo, xã viên các HTX sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, đã có 02 HTX (sản xuất lúa và trồng nhãn ở Đồng Tháp) được 02 tổ chức quốc tế hỗ trợ, tư vấn, huấn luyện để cấp chứng nhận Localg.a.p. vào tháng 7/2020. Trong tháng 6 tới, Hội DN.HVNCLC sẽ tổ chức một loạt các hoạt động hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp về tiêu chuẩn và thị trường trong bối cảnh “bình thường mới, đặc biệt là tập trung hỗ trợ cho nông dân tại các tỉnh khu vực biên giới phía Bắc thực hiện sản xuất theo tiêu chuẩn Localg.a.p. và nông dân các tỉnh ĐBSCL.
Về chương trình HVNCLC – Chuẩn hội nhập:
HVNCLC Chất lượng cao – Chuẩn hội nhập là một dự án nhằm tạo sức mạnh cho các doanh nghiệp địa phương hội nhập bền vững vào thị trường toàn cầu bằng việc khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư và xây dựng hệ thống quản lý chất lượng và tiêu chuẩn ở mức độ địa phương và quốc tế, sau đó hỗ trợ cho doanh nghiệp trong thương mại và hợp tác quốc tế. Năm 2018- 2019, Hội DN.HVNCLC đã cử chuyên gia đến tận nơi tư vấn, đào tạo, hướng dẫn 10 DN xây dựng và cải tiến hệ thống quản lý chất lượng theo Bộ tiêu chí “HVNCLC – Chuẩn hội nhập” ngành thực phẩm. Cũng trong giai đoạn này, Hội DN.HVNCLC đã tổ chức nhiều buổi tọa đàm, thảo luận với các Hiệp hội và chuyên gia các nhóm ngành phi thực phẩm như Cao su – Nhựa, Hóa mỹ phẩm, Dệt may – Da giày, Kim khí, Gỗ… về tiêu chuẩn.
Hội cũng đã tổ chức các buổi hội thảo về tiêu chuẩn với các chuyên gia của Bureau Veritas, cùng Bộ KH-CN triển khai xây dựng và ban hành Bộ tiêu chí cho các nhóm ngành phi thực phẩm, thành lập Hội đồng chuyên gia trực tiếp xem xét và đánh giá hồ sơ cho các DN.HVNCLC – Chuẩn hội nhập ngành phi thực phẩm, bao gồm các chuyên gia từ Bộ KH-CN, Quacert, Sở KH-CN TP.HCM, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng TP.HCM và các chuyên gia ở các nhóm ngành.
Năm 2019, Ban dự án HVNCLC – Chuẩn hội nhập và Tổ chức Mekong Institute kết hợp tổ chức chương trình tư vấn HACCP miễn phí cho 10 DN thực phẩm vừa và nhỏ. Hội khảo sát thực tế nhà xưởng và tổ chức các lớp đào tạo nhận thức cho doanh nghiệp về các tiêu chuẩn hội nhập với quốc tế.
Về chuơng trình Localg.a.p.
HVNCLC – Chuẩn hội nhập (GIS) với Bộ tiêu chí Localg.a.p. (PFA – CHUẨN CHO NÔNG HỘ CƠ BẢN) là một dự án nhằm tạo sức mạnh cho các doanh nghiệp địa phương hội nhập bền vững vào thị trường toàn cầu. Localg.a.p là chương trình hợp tác giữa Hội DN.HVNCLC với GlobalG.A.P. để tạo thuận lợi cho nông hộ nhỏ, nhóm chiếm hơn 70% trong cơ cấu nông nghiệp của Việt Nam, có thể tham gia vào thị trường. GIS khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư và xây dựng hệ thống quản lý chất lượng và tiêu chuẩn ở mức độ địa phương và quốc tế, sau đó hỗ trợ cho doanh nghiệp trong thương mại và hợp tác trên phạm vi toàn cầu.
Localg.a.p. là một công cụ để nâng cao năng lực sản xuất và được thiết kế đặc biệt bởi GlobalG.A.P. cho chuỗi cung ứng sản phẩm nông nghiệp. Tiêu chuẩn này định hướng để hỗ trợ nông dân, đặc biệt là nông hộ nhỏ cải tiến hiệu quả quản lý trang trại, vùng sản xuất, giảm thiểu rủi ro về ATTP và tuân thủ các quy định về ATTP. Thông qua công cụ này, nông dân có thể đưa sản phẩm của mình thâm nhập vào các thị trường địa phương, khu vực… Localg.ap. cũng là bước đệm cho nông dân có nhu cầu đạt chứng nhận GlobalG.A.P. nhằm đưa sản phẩm của mình vào các thị trường quốc tế – nơi đòi hỏi có chứng nhận Localg.a.p. Mặc khác, công cụ này cũng có thể giúp nhà nhập khẩu nước ngoài bổ sung vào danh sach khách hàng của mình trong mạng lước các nhà sản xuất nông nghiệp tin cậy để mua hàng qua những mã số LGN (localg.ap. number) do GlobalG.A.P. cấp và đăng tải trên Web của mình.
Localg.ap. – PFA có 2 cấp độ là cơ bản và nâng cao, trong đó cấp độ cơ bản bao gồm các tiêu chí về truy xuất nguồn gốc và ATTP, đảm bảo sản phẩm có thể bán ở thị trường địa phương hoặc đây là bước đầu tiên trong quá trình định hướng để có chứng nhận GlobalG.A.P. Tham gia chứng nhận localga.p. thông tin của nông hộ sẽ được cập nhật trên cơ sở dữ liệu của GlobalG.A.P. Phía Hội DN.HVNCLC đã hoàn tất các thủ tục cuối cùng với GlobalG.A.P. và đã sẵn sàng để triển khai chương trình chứng nhận localg.a.p. Như vậy, kể từ năm 2020, bên cạnh chứng nhận VIETG.A.P., nông dân có thể chọn chứng nhận Localg.a.p. như một đảm bảo cho nông sản an toàn. Với uy tín toàn cầu của GlobalG.A.P., chương trình Localg.a.p. sẽ nâng cấp năng lực sản xuất của nông dân Việt, cũng như cấp “thị thực” cho nông sản Việt Nam ra nước ngoài.
Trong năm 2019, đã có 2 HTX (sản xuất lúa và trồng nhãn ở Đồng Tháp) được 2 tổ chức quốc tế hỗ trợ, dự kiến 2 đánh giá chứng nhận đầu tiên sẽ được thực hiện trễ nhất là vào tháng 7/2020. Với dự án này, HTX được tập huấn cho cách xác định vị trí vườn trồng của các hội viên, từ đó người mua hàng dễ dàng biết nhãn, lúa được sản xuất từ vùng nào, quy trình chăm sóc, năng lực cung cấp… Ngoài ra, đối với HTX có hội viên là nông dân trẻ, việc thu thập dữ liệu và thiết lập hệ thống hồ sơ điện tử được hướng dẫn cho nhóm này, để HTX có thể tự thực hiện việc áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý sản xuất.
Theo BSA