Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, ông Phạm Minh Thiện, Tổng giám đốc Công ty TNHH Cỏ May, thẳng thắn chia sẻ những thất bại trên thương trường cũng như khát khao cháy bỏng đưa thương hiệu nông sản Việt có chỗ đứng trên thị trường quốc tế.
Tại sao ông lại quyết định chọn Singapore là nơi đầu tiên xây dựng thương hiệu gạo Cỏ May để làm bàn đạp đưa hạt gạo ra thị trường quốc tế?
– Thị trường Singapore khá phát triển, dân thích ăn cơm, cự ly cũng gần với Việt Nam. Do vậy tôi chọn Singapore là phép thử đưa gạo vào thị trường cao cấp.
Khi xác định như vậy, cách làm sẽ khác, nguyên liệu chọn kỹ lưỡng, gạo có tính dẻo, thơm và mới. Đặc tính mới rất quan trọng vì người Singapore cũng ăn gạo Thái Lan nhưng gạo Thái bán tại Singapore thường là gạo cũ.
Với việc bán hàng thẳng qua Singapore, không thông qua nhà phân phối nào, chúng tôi thu lợi là phát triển được thương hiệu gạo và có thể điều chỉnh cho phù hợp theo nhu cầu khách hàng do nắm bắt nhanh xu hướng thị trường.
Như vậy, gạo của công ty ông bán ở Singapore lời lớn so với kiểu bán gạo không thương hiệu?
– Tôi bán gạo giống Nàng Hoa 9 có tính chất dẻo, thơm, tiệm cận gạo cao cấp với giá khoảng 2 USD/kg, tính ra tiền Việt đâu đó hơn 40.000 đồng/kg. Tuy vậy, nếu bán từng bịch gạo thì có lời nhưng tổng thể lại là lỗ, tiền bán ra không bù được chi phí. Lỗ vì để duy trì công ty bên Singapore, mọi chi phí như thuê mặt bằng, nhân sự… đều tính theo mặt bằng giá tiền Singapore. Tính chung mỗi năm chúng tôi lỗ vài trăm triệu đồng.
Thật ra bài toán đơn giản là lỗ thì bỏ hết đi về nước, nhiều người cũng khuyên tôi như vậy. Nhưng tôi tính con đường khác, đó là việc duy trì lâu dài công ty tại Singapore có lợi về lịch sử tồn tại mang tính chất quốc tế và từ đó tạo ra độ nhận diện thương hiệu càng lâu càng tốt. Nếu từ bỏ sẽ mất trắng công sức đầu tư mấy năm nay.
Người Thái xếp hàng ăn cơm Việt
Có một câu nói dường như đã thành cửa miệng rằng “gạo Việt Nam luôn thua gạo Thái Lan”. Ông nghĩ gì về nhận xét này?
– Cách đây không lâu, tôi mang gạo sang Thái Lan tham gia một hội chợ do nước này tổ chức. Đi để xem cái xứ hơn mình về gạo ra sao. Tôi chọn giống gạo ST của TS Hồ Quang Cua (Sóc Trăng) mang sang chào mời và bán cho người dân nước bạn.
Trong mấy ngày diễn ra hội chợ, chúng tôi mang gạo ST ra nấu. Mùi thơm lừng, thêm chút nước mắm, nấm rơm, chà bông…, mọi người xếp hàng thưởng thức. Nhiều đối tác đến chào mua, đặt hàng ngay. Trong phạm vi hội chợ đó, tôi quan sát và thấy rằng chẳng việc gì gạo Việt Nam phải sợ gạo nước nào, kể cả Thái.
Có một sự kiện tôi nhớ hoài. Đó là trong buổi hội thảo tại hội chợ trên, GS Võ Tòng Xuân có bài phát biểu và ông chứng minh gạo Việt có ưu thế hơn gạo Thái. Gạo Việt làm một năm 2-3 mùa, gạo Thái một năm có một vụ, cho nên mình có gạo mới hoài.
Từ đó tôi có niềm tin rằng ra nước ngoài bán gạo Việt không lo sợ gì hết. Không phải là mình điếc không sợ súng mà rõ ràng hạt gạo Việt mình có nhiều lợi thế, do vậy không nên bước ra thế giới bên ngoài với tâm thế mặc cảm, tự ti.
Vậy ngoài những thị trường hiện có, ông có khát khao muốn đưa hạt gạo Việt ra những nước khác, nhất là Mỹ?
– Tôi cũng đã đi Mỹ khảo sát thị trường hồi đầu năm nay. Tôi biết tại thị trường Mỹ có nhiều người châu Á, đặc biệt là người Việt cũng nhiều và họ thích ăn gạo. Tôi cũng gặp một thương nhân người Việt đang làm chủ một hệ thống siêu thị tại Mỹ và ông đồng ý mua gạo Việt Nam. Có nghĩa là tới đây gạo của công ty tôi có thể sẽ sang bên Mỹ, nằm trên kệ hàng và cạnh tranh sòng phẳng với gạo Thái.
Nhưng để bán được vào thị trường Mỹ đâu có dễ?
– Đúng! Để có gạo xuất đi Mỹ phải giải quyết nguồn nguyên liệu trước. Ngay cả vị thương nhân muốn đặt mua gạo Việt mà tôi vừa đề cập cũng chia sẻ sự khó khăn của gạo Việt xuất khẩu sang Mỹ. Bản thân vị này từng tìm cách đưa gạo Việt qua Mỹ nhưng không thành công vì muốn vào đây phải đáp ứng hơn 200 chỉ tiêu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng.
Tôi có nói với ông là tôi hiểu và biết câu chuyện về những rào cản kỹ thuật khắt khe của Mỹ. Đúng là để đạt hết chỉ tiêu của Mỹ cực khó nhưng tôi tin là làm được.
Quan trọng là sau thất bại học được gì
Có người nhận xét ông khá “lì đòn” trước các thất bại trong kinh doanh?
– Có ngay trường hợp điển hình (cười to). Năm 2015, tôi quyết định làm dầu cám. Tôi nghĩ đơn giản thôi, mình có nhà máy chế biến gạo, cám có sẵn, có cả nhà máythức ăn thủy sản, nhu cầu cám có luôn, chỉ việc trích dầu trong cám ra để kiểm soát chất béo cho cá. Vậy chỉ cần mua cái máy trích dầu cám ra, cám lấy xài, còn dầu mang bán. Thứ đơn giản nhất giờ tìm công nghệ để sản xuất.
Tôi tìm hiểu và nhắm đến công nghệ mới nhất của phương Tây là máy trích dầu cám theo phương pháp CO2chưa tới hạn. Tìm đúng thứ mình thích, tôi mừng, mất ngủ mấy đêm và lên kế hoạch xách cám đi sang châu Âu thử nghiệm. Khi thành phẩm chạy ra, mọi thứ hoàn hảo. Vậy là ký hợp đồng mua máy liền tay.
11 tháng sau lần xách cám qua trời Âu thử nghiệm, chiếc máy chạy thương mại giá khoảng 200 tỉ đồng cập cảng Việt Nam. Tôi chạy thử, ra y sản phẩm như thử nghiệm nhưng không cách nào chạy thương mại được. Thất bại!
Dường như ông thích thử và sai trong kinh doanh?
– Quan điểm của tôi là trong quá trình tìm hiểu, thử nghiệm sẽ có những thứ gọi là rất “khùng điên”. Nhưng mình nghĩ ra ý tưởng gì thì cứ mạnh dạn làm thử, làm không được thì thôi.
Tôi quan niệm người trẻ khởi nghiệp cần nếm trải thất bại, vì có khi thất bại lại có giá trị nhiều hơn thành công. Sau mỗi thất bại giúp mình thận trọng hơn, có nhiều trải nghiệm hơn.
Phạm Minh Thiện: “Tôi vẫn tiếp nối sự nghiệp của ba”
Từ năm 2014 ba (nhà sáng lập ra thương hiệu Cỏ May, ông Phạm Văn Bên) đã để tôi chủ động quyền kinh doanh, ông không tham gia. Tôi cũng không biết ông có ngờ vực các kế hoạch kinh doanh tôi làm hay không nhưng không thấy ông nói gì. Có thể ông thấy tôi làm có lý nên không nói, cứ để làm, hoặc cứ để đó cho làm để có bài học nếu thất bại.
Nhiều thứ ba tôi để lại là di sản. Thương hiệu Cỏ May là điển hình. Như vừa rồi Cỏ May bị sự cố tin đồn là bán gạo nhựa, tôi chưa kịp lên tiếng, các khách hàng trung thành đã bảo vệ Cỏ May. Đó là những gì ba đã làm trước đó, ông đã tạo dựng thương hiệu, uy tín, niềm tin nên mọi người thương mình.
Tôi vẫn tiếp nối sự nghiệp của ba và tuân thủ theo những lời ông dặn rằng “văn hóaCỏMaytrước hết là mọi người phải được tôn trọng” và “chất lượng thay cho lời nói”.
Năm 2016 tôi xây dựng kế hoạch lập 1.000 điểm bán gạo tại Sài Gòn, sau đó thất bại. Một người anh thấy tôi buồn rầu đã chia sẻ rằng sau thất bại quan trọng là mình học được cái gì hay không. Nếu sau thất bại mình học được kinh nghiệm, tiếp tục đứng lên thì không thất bại. Sau thất bại mà dẹp bỏ, không rút ra được bài học gì mới là thất bại thực sự.
Do đó sau này tôi hay nói đùa “được cũng tốt, mà không được cũng tốt”. Nếu thấy cơ hội thì tái khởi động, không có lý do gì phải sợ thất bại rồi bỏ chạy. Song tôi nói không đầu hàng không có nghĩa là cố chấp, ngông cuồng mà phải có tính toán.
Theo PLO