Trong hai ngày 17 và 18/12/2024, tại Đại học An Giang, TP Long Xuyên, Diễn đàn Mekong Connect 2024 đã diễn ra thành công tốt đẹp. Với chủ đề: “Đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại và công nghệ vùng ĐBSCL – TP.HCM và cả nước, hướng tới phát triển bền vững trong bối cảnh cạnh tranh mới”, sự kiện đã quy tụ sự tham dự của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, chuyên gia, doanh nghiệp và đối tác quốc tế. Mekong Connect 2024 một lần nữa khẳng định vai trò tiên phong trong việc thúc đẩy liên kết vùng, phát huy tài nguyên bản địa và lan tỏa các sáng kiến phát triển bền vững.
LỄ KHAI MẠC VÀ KHÔNG GIAN TRIỂN LÃM
Ngày 17/12, Diễn đàn chính thức khai mạc trong không khí trang trọng với sự tham dự của lãnh đạo các cơ quan trung ương, lãnh đạo các tỉnh thành, các chuyên gia – doanh nghiệp trong và ngoài nước vả đông đảo các cơ quan báo đài
Không gian triển lãm năm nay mang chủ đề “Doanh nghiệp TP.HCM và ĐBSCL tăng cường liên kết, phát huy nội lực hướng tới phát triển bền vững”, đã thực sự trở thành điểm nhấn ấn tượng. Bước chân vào không gian này, khách tham dự có thể cảm nhận rõ hơi thở của vùng đất Mekong, nơi những sản phẩm đặc trưng An Giang, TP.HCM, Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang, Vĩnh Long. Bên cạnh đó là không gian của các doanh nghiệp tiên phong trong chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, thích ứng biến đổi khí hậu…
Triển lãm không chỉ trưng bày các sản phẩm đặc trưng từ tài nguyên bản địa, ứng dụng công nghệ mới mà còn là nơi thể hiện hệ sinh thái khởi nghiệp xanh. Hàng trăm sản phẩm sáng tạo từ cộng đồng Khởi nghiệp xanh BSA đã được giới thiệu, minh chứng cho sức sống mạnh mẽ và tiềm năng của tài nguyên bản địa khi được khai thác một cách bền vững và sáng tạo.
Đặc biệt, hai công trình kết nối tiêu biểu trong năm 2024 đã nhận được sự quan tâm lớn:
-
Công trình đưa cây trồng chống biến đổi khí hậu vào chuỗi kinh tế
-
Bộ tài liệu số hướng dẫn trồng sầu riêng bền vững
Phiên giao lưu quốc tế: Những câu chuyện khởi nghiệp xanh – Hành trình truyền cảm hứng
Sáng 17/12, Mekong Connect 2024 ghi dấu với buổi giao lưu mang tên “Hành trình khởi nghiệp xanh”. Đây không chỉ là nơi gặp gỡ mà còn là diễn đàn để lắng nghe những câu chuyện chân thực và đầy cảm hứng từ các chuyên gia và doanh nhân.
-
Nguyễn Quân, với kinh nghiệm sâu rộng về khoa học và công nghệ, đã nhấn mạnh vai trò của tự động hóa trong khởi nghiệp xanh. Bà Nguyễn Phi Vân, chuyên gia xây dựng thương hiệu quốc tế, chia sẻ cách đưa sản phẩm Việt Nam vươn ra thế giới. Đặc biệt, câu chuyện thành công của OTOP Thái Lan do TS. Thapana Boonlar và ông Watcharapong Radomsittipat trình bày, đã mang đến góc nhìn mới mẻ về cách phát triển sản phẩm bản địa trở thành thế mạnh kinh tế.
Không chỉ dừng lại ở lý thuyết, các doanh nghiệp khởi nghiệp như Sokfarm, FoodMap Asia và C2T đã kể lại hành trình đầy nỗ lực của mình: từ việc xây dựng thương hiệu, tiếp cận thị trường quốc tế cho đến việc giành được giải thưởng quốc tế danh giá như Kotler Awards 2024. Mỗi câu chuyện là một minh chứng sống động cho tinh thần đổi mới và sáng tạo trong kinh doanh xanh.
HỘI THẢO CHUYÊN ĐỀ: PHÁT TRIỂN TÀI NGUYÊN BẢN ĐỊA VÀ KINH TẾ ĐỊA PHƯƠNG – NHỮNG GIẢI PHÁP LIÊN KẾT BỀN VỮNG
Mekong Connect 2024: Khai phóng tài nguyên bản địa và sinh kế địa phương
Buổi chiều ngày 17/12, trong khuôn khổ Diễn đàn Mekong Connect 2024, Hội thảo chuyên đề “Phát triển tài nguyên bản địa và kinh tế địa phương qua liên kết vùng trong bối cảnh cạnh tranh mới” đã diễn ra sôi nổi với nhiều góc nhìn đa chiều và các giải pháp thiết thực từ các chuyên gia, nhà quản lý và doanh nghiệp.
Mở đầu từ An Giang, ông Hồ Thanh Bình, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang, nêu bật tiềm năng của ngành dược liệu – một thế mạnh của địa phương cần được khai thác hiệu quả và bài bản để vừa tạo sinh kế cho người dân vừa gia tăng giá trị kinh tế bền vững.
Từ TP.HCM, bà Phạm Thị Xuân Hương, Tổng Giám đốc Công ty Dược phẩm OPC, đã có những phân tích sâu sắc về thực trạng và tiềm năng phát triển kinh tế dược liệu Việt Nam. Bên cạnh đó, bà Hương đề xuất các chính sách cụ thể nhằm thúc đẩy ngành dược liệu phát triển bền vững, góp phần gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.
Bến Tre tiếp tục khẳng định vai trò là “thủ phủ dừa” của Việt Nam với phần trình bày của ông Trần Văn Đức, Chủ tịch Beinco. Ông Đức chia sẻ cách nâng cao chuỗi giá trị dừa thông qua công nghệ chế biến hiện đại, mở ra hướng đi mới cho sản phẩm chủ lực này trong xuất khẩu.
Từ Đồng Tháp, ông Hoàng Sơn Công, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp và Chuyển giao công nghệ ngành Bán lẻ, giới thiệu mô hình IMO (Nông nghiệp – Môi trường – Khởi nghiệp). Đây là mô hình kinh tế tuần hoàn tiêu biểu, kết hợp hài hòa giữa bảo vệ môi trường và phát triển nông nghiệp, mở ra nhiều cơ hội khởi nghiệp bền vững cho người dân địa phương.
Một điểm nhấn đặc biệt của Hội thảo là phần trình bày về công trình kết nối giữa TP.HCM và ĐBSCL:
-
Công trình thứ nhất: Ông Trần Lam Sơn, UV BCH Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), chia sẻ dự án đưa cây trồng chống biến đổi khí hậu – cây năn tượng – vào chuỗi kinh tế, mở ra triển vọng lớn trong việc thích ứng với biến đổi khí hậu tại vùng ĐBSCL.
-
Công trình thứ hai: Chuyên gia Huỳnh Quới công bố bộ tài liệu số là công trình cộng đòng với sự tham gia của các Doanh nghiệp TP.HCM như Vinamit, Maybe, BSA – với sự hướng dẫn miễn phí của “Bác sĩ sầu riêng Huỳnh Quới” với nông dân trồng sầu riêng bền vững cho người dân ĐBSCL. Dự án mang ý nghĩa cộng đồng sâu sắc, hướng tới nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng theo mô hình nông nghiệp bền vững.
Từ góc độ thích ứng biến đổi khí hậu, bà Lưu Thị Lan, Quản lý dự án Mekong NbS, WWF Việt Nam, đã cung cấp các giải pháp sinh kế thuận thiên nhằm tăng khả năng phục hồi và thích ứng của người dân ĐBSCL trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp.
Bổ sung thêm một góc nhìn về canh tác truyền thống, ông Trương Linh Ân, Giám đốc Tập đoàn Khải Nam, chia sẻ tiềm năng và những thách thức trong việc nhân rộng mô hình lúa mùa nổi. Đây là một giải pháp canh tác cổ truyền không chỉ phù hợp với điều kiện tự nhiên mà còn mang lại giá trị kinh tế và sinh thái cao.
Ông Phạm Trọng Chinh, chuyên gia cấp cao về Hệ thống phân phối và Trade Marketing, đã trình bày nội dung về tái thiết kế chiến lược phân phối. Trong bối cảnh thị trường biến động mạnh, các doanh nghiệp cần tối ưu hóa kênh phân phối để nâng cao khả năng cạnh tranh và thích ứng với xu hướng thị trường mới.
Cuối cùng là phần toạ đàm đã tạo nên một không gian trao đổi mở, nơi các địa phương, doanh nghiệp và chuyên gia cùng bàn thảo, chia sẻ sáng kiến và giải pháp liên kết hiệu quả. Đây là tiền đề quan trọng để phát huy tối đa tiềm năng của tài nguyên bản địa, thúc đẩy kinh tế địa phương và gia tăng khả năng cạnh tranh trong bối cảnh mới.
Mekong Connect 2024: Kinh tế dược liệu – ‘nàng công chúa còn đang ngủ trong rừng’
PHIÊN MEGA LIVESTREAM: THÚC ĐẨY THƯƠNG MẠI BỀN VỮNG QUA NỀN TẢNG SỐ
Chiều tối ngày 17/12, Diễn đàn tiếp tục sôi động với phiên Mega Livestream bán hàng trực tuyến trên nền tảng TikTok. Phiên livestream hơn 5 giờ đồng hồ không chỉ là một hoạt động thương mại mà còn là một sự kiện kết nối hiệu quả giữa doanh nghiệp, nhà bán hàng và người tiêu dùng. Với sự tham gia của MCN House of Deera và các nhà sáng tạo nội dung nổi tiếng như Hana Ba Mê, Huỳnh Bảo, Võ Thành Luân, phiên livestream đã giới thiệu thành công hơn 40 sản phẩm nông sản và chế biến đặc sắc từ các tỉnh ĐBSCL, góp phần tạo đầu ra cho tài nguyên bản địa. Phiên livestream không chỉ quảng bá sản phẩm hiệu quả mà còn mở ra cơ hội thương mại trong kỷ nguyên số.
PHIÊN TOÀN THỂ: TẦM NHÌN CHIẾN LƯỢC VÀ CAM KẾT HÀNH ĐỘNG VÌ LIÊN KẾT BỀN VỮNG
Phiên toàn thể Diễn đàn Mekong Connect 2024 đã diễn ra vào sáng 18/12 với hơn 600 đại biểu là các đại diện ngoại giao, lãnh đạo trung ương, địa phương, các doanh nhân và các nhà khoa học, các chuyên gia đa lĩnh trong và ngoài nước.
Phiên toàn thể có sự tham dự của nhiều lãnh đạo trung ương và địa phương: Ông Huỳnh Thành Đạt – Uỷ viên TW Đảng, Bộ trưởng KHCN; Ông Phan Văn Mãi – Uỷ viên TW Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM; Ông Trương Quang Hoài Nam – Phó Trưởng ban đối ngoại TW; Ông Kayzad Namdarian, Lãnh sự Kinh tế, Tổng Lãnh sự quán Australia tại TP.HCM; Ông Nguyễn Quân – Nguyên Bộ trưởng KHCN, Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam; Ông Phan Thanh Bình – Nguyên uỷ viên TW Đảng, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; Bà Phạm Chi Lan – Chuyên gia kinh tế cao cấp; Bà Vũ Kim Hạnh – Chủ tịch Hội DN HVNCLC, Giám đốc Trung tâm BSA… Cùng lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND An Giang, lãnh đạo UBND các tỉnh thành ĐBSCL, hơn 50 cơ quan báo chí, truyền thông.
Đây là phiên làm việc quan trọng nhất của Diễn đàn, thể hiện tầm nhìn chiến lược, tinh thần hợp tác và cam kết hành động của các bên nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, thương mại và công nghệ bền vững cho vùng ĐBSCL, TP.HCM và cả nước trong bối cảnh mới.
Mở đầu phiên toàn thể là nghi thức khai mạc trang trọng, với bài phát biểu từ Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng
Kế đến là phát biểu của Uỷ viên Trung ương Đảng – Bộ trưởng KHCN Huỳnh Thành Đạt
Thứ ba là phát biểu của Phát biểu của ông Kayzad Namdarian, Lãnh sự Kinh tế, Tổng Lãnh sự quán Australia tại TP.HCM
Những chia sẻ này đã khẳng định tầm quan trọng của Mekong Connect là diễn đàn liên kết cấp vùng, kết nối các ý tưởng, nguồn lực và sáng kiến phát triển, không chỉ cho khu vực ĐBSCL mà còn cho nền kinh tế quốc gia nói chung.
Một điểm nhấn đặc biệt của phiên toàn thể là phần báo cáo tổng kết chuỗi các hoạt động “Tiền Mekong Connect 2024” qua video trình chiếu, ghi nhận chuỗi hoạt động công phu, ý nghĩa. Từ khảo sát hành vi tiêu dùng xanh, hội thảo chuyên đề, cho đến các chương trình huấn luyện kỹ năng và họp báo, các hoạt động đã tạo tiền đề quan trọng cho Diễn đàn năm nay, lan tỏa thông điệp hành động mạnh mẽ và cụ thể.
Tọa đàm 1: Nguồn vốn đầu tư cho liên kết bền vững
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu chuyển dịch, vấn đề huy động nguồn vốn xanh, bền vững trở thành tâm điểm của phiên thảo luận. Với sự điều phối của ông Nguyễn Tuấn Quỳnh, Giám đốc Điều hành, Go Global Holdings, Các diễn giả hàng đầu như chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, đại diện quỹ đầu tư Tael Partners và tổ chức tư vấn quốc tế Clickable Impact, cùng các nhà đầu tư từ Accelebator Singapore đã đưa ra những phân tích sâu sắc và giải pháp cụ thể. Thảo luận xoay quanh các cơ chế huy động tài chính, đầu tư có trách nhiệm và các gói hỗ trợ phát triển cho doanh nghiệp và địa phương, mở ra cơ hội hợp tác và kết nối hiệu quả giữa nhà đầu tư và các dự án tiềm năng tại vùng ĐBSCL.
Tọa đàm 2: Nguồn nhân lực cho phát triển bền vững
Nguồn nhân lực chất lượng cao là nền tảng quan trọng để hiện thực hóa các chiến lược phát triển vùng. Tại phiên thảo luận này, Với sự điều phối của Ông Trần Vũ Nguyên, Nhà Sáng lập và Giảng viên chính, AI Education; các chuyên gia đến từ Đại học An Giang, Tập đoàn Thiên Long, Tập đoàn TalentNet, GEARS Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Trung Quốc CESS và các tổ chức giáo dục đã cùng chia sẻ các mô hình đào tạo nhân lực bài bản, phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Đặc biệt, các ý kiến nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết trong việc phát triển nhân lực ngành bán dẫn, công nghệ cao và chuyển đổi số – những lĩnh vực mũi nhọn giúp ĐBSCL và TP.HCM nắm bắt cơ hội trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Ra mắt CLB Doanh nông xanh 3 miền
Một sự kiện mang tính biểu tượng của Mekong Connect 2024 là Lễ ra mắt Câu lạc bộ Doanh nông xanh 3 miền. Đây là bước ngoặt quan trọng trong hành trình 10 năm của chương trình Khởi nghiệp Xanh, thể hiện cam kết đồng hành và hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển bền vững. CLB không chỉ là nơi kết nối mà còn là trung tâm thúc đẩy những sáng kiến đổi mới sáng tạo, góp phần nâng tầm giá trị nông nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Ký kết thỏa thuận hợp tác
5 chương trình thỏa thuận hợp tác được ký kết tại Mekong Connect 2024
Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa các địa phương là một trong những điểm nhấn quan trọng của Diễn đàn Mekong Connect 2024. Đây không chỉ là minh chứng cho tinh thần liên kết vùng chặt chẽ giữa TP.HCM và các tỉnh ĐBSCL, mà còn mở ra nhiều cơ hội hợp tác thiết thực trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại và công nghệ. Các thỏa thuận lần này tập trung vào việc phát huy nội lực địa phương, khai thác bền vững tài nguyên bản địa và nâng cao chuỗi giá trị nông sản trong bối cảnh mới, tạo nền tảng vững chắc để các địa phương cùng nhau phát triển, thích ứng với biến đổi khí hậu và gia tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.
Tổng kết Diễn đàn Mekong Connect 2024
Mekong Connect 2024: Toàn văn phát biểu của ông Dương Ngọc Hải, Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM
“Qua một ngày làm việc nghiêm túc, tập trung, Diễn đàn Mekong Connect lần thứ 09 đã đạt được kết quả kỳ vọng, với 2 phiên tập trung thảo luận các vấn đề thách thức, phân tích các điểm nghẽn xoay quanh chủ đề huy động nguồn vốn và nguồn nhân lực chất lượng cao, từ đó có những góc nhìn mới để cùng nhau đề xuất các giải pháp duy trì sự liên kết và phát triển bền vững, tạo động lực để xây dựng một nền kinh tế năng động, thích ứng với những biến động toàn cầu như hiện nay.
Diễn đàn Mekong Connect 2024 năm nay đã thực sự gắn kết được nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, các Doanh nghiệp và người dân, tạo điều kiện, động lực thuận lợi cho TP.HCM và các tỉnh, thành ĐBSCL hình thành liên kết chuỗi giá trị, định hướng cho doanh nghiệp, nông dân nắm bắt xu hướng thị trường, ứng dụng công nghệ để kết nối chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng, đẩy mạnh thương mại hóa nông sản và tăng cường hội nhập thị trường quốc tế. Qua đó, định hướng được những giải pháp lớn cho năm 2025, là năm tăng tốc, bứt phá, tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức, phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch 05 năm giai đoạn 2021-2025″ – ông Hải Dương Ngọc Hải nhấn mạnh.
Giới thiệu địa phương đăng cai Mekong Connect 2025: Vĩnh Long
Khép lại Diễn đàn Mekong Connect 2024, Ban Tổ chức đã chính thức giới thiệu và trao quyền đăng cai tổ chức Diễn đàn Mekong Connect 2025 cho tỉnh Vĩnh Long. Với vai trò là một địa phương năng động và giàu tiềm năng tại Đồng bằng sông Cửu Long, Vĩnh Long hứa hẹn sẽ tiếp tục kế thừa và phát huy những giá trị của Mekong Connect, tạo nên một sân chơi kết nối và thúc đẩy hợp tác phát triển bền vững cho cả khu vực.
————–
Diễn đàn Mekong Connect 2024 với những cam kết mạnh mẽ và định hướng hành động rõ ràng. Các ý kiến từ lãnh đạo, chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp đã làm nổi bật tầm quan trọng của liên kết vùng, thúc đẩy kinh tế xanh và nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu hóa. Mekong Connect 2024 không chỉ là một diễn đàn thảo luận mà còn là nền tảng hành động thực tiễn, tạo động lực mới để các tỉnh thành ĐBSCL, TP.HCM và cả nước cùng hợp tác, phát huy tiềm năng tài nguyên bản địa và hướng tới một tương lai phát triển bền vững, thích ứng với thách thức mới. Đây là lời khẳng định mạnh mẽ về tinh thần kết nối, hợp tác và đổi mới – những giá trị cốt lõi đã làm nên thành công của Mekong Connect qua nhiều năm.
LỜI CÁM ƠN
Cám ơn các đơn vị, cá nhân, doanh nghiệp… đã đồng hành cùng Mekong Connect 2024
Để Diễn đàn Mekong Connect 2024 diễn ra thành công, Hội DN HVNCLC và Trung tâm BSA – thường trực cơ quan điều phối diễn đàn, xin gửi lời cảm ơn các đến:
-
Các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đã tư vấn, cố vấn cho diễn đàn
-
Cám ơn các tổ chức, doanh nghiệp đã tài trợ cho cho các hoạt động tại sự kiện. Sự đóng góp của quý doanh nghiệp, đơn vị không chỉ góp phần vào việc tổ chức sự kiện mà còn thể hiện tinh thần trách nhiệm và cam kết cùng xây dựng một khu vực ĐBSCL và TP.HCM phát triển bền vững, đổi mới và kết nối sâu rộng.
-
Cảm ơn sự hỗ trợ, chia sẻ và giúp đỡ từ rất nhiều đơn vị, cá nhân và doanh nghiệp khác. Bằng nhiều cách thức khác nhau, tất cả đã chung tay đóng góp để tạo nên thành công của Diễn đàn. Đây là minh chứng cho tinh thần liên kết, đồng hành và trách nhiệm vì sự phát triển chung của vùng.