Môi trường startup của Việt Nam kém phát triển hơn các đối thủ trong vùng như Singapore hoặc Indonesia, nhưng chính quyền trung ương đang hướng tới thay đổi điều đó.

Khi nền tảng thương mại điện tử Sendo huy động được 50 triệu USD từ SoftBank và các nhà đầu tư nước ngoài khác, nó phản ánh hai xu hướng ở Việt Nam: doanh số bán hàng trực tuyến đang bùng nổ và lãi suất đang tăng ở một trong các nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất châu Á.

Là nền tảng thương mại cho các cá thể và doanh nghiệp nhỏ bán hàng, Sendo được hưởng lợi từ tăng trưởng doanh số trực tuyến hàng năm ở mức 30% tại Việt Nam trong mấy năm gần đây. Tốc độ tăng trưởng cao dự kiến sẽ tiếp tục ít nhất đến năm 2020, theo Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam.

Nguyễn Đắc Việt Dũng, chủ tịch Sendo, cho biết ông dự định huy động thêm tiền để tiếp tục phát triển. “Chúng tôi sẽ tìm kiếm một hoặc hai vòng huy động vốn trong năm năm tới,” ông nói với hãng tin Nikkei trong một cuộc trả lời phỏng vấn mới đây.

Môi trường startup của Việt Nam kém phát triển hơn các đối thủ trong vùng như Singapore hoặc Indonesia, nhưng chính quyền trung ương đang hướng tới thay đổi điều đó. Nhà nước đã thành lập ba khu công nghệ cao chính tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM, và đang đưa ra các ưu đãi cho việc phát triển các doanh nghiệp công nghệ cao mới – bao gồm việc khởi động một quỹ đầu tư khởi nghiệp 85 triệu USD trong năm nay.

TP.HCM đã khởi công xây dựng một vườn ươm dành cho các startup công nghệ địa phương tại Khu công nghệ cao Sài Gòn, nơi đóng trụ sở các công ty công nghệ khổng lồ như Intel và Samsung. Cơ sở này bao gồm một diện tích hơn 11.000m2, và các quan chức cho biết TP đã chi 90 triệu USD dành cho các chương trình khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong hai năm qua.

Việt Nam không có số liệu thống kê các startup, nhưng hãng tư vấn châu Á Dezan Shira & Associates cho biết 280 triệu USD đã được đầu tư vào 92 startup Việt Nam năm 2017. Theo trang tin Techsauce, có khoảng 3.000 startup hoạt động trong năm ngoái.

Đầu tư đang đến từ trong và ngoài Việt Nam. Tiki, một nền tảng thương mại điện tử khác, đã huy động được 54 triệu USD từ JD.com của Trung Quốc trong năm nay, tiếp theo 17 triệu USD từ công ty internet VNG năm 2016, và một số tiền không công bố từ CyberAgent Ventures, Seedcom và Sumitomo. Momo, một ứng dụng ví điện tử và thanh toán, đã nhận được 28 triệu USD từ Standard Chartered Private Equity và Goldman Sachs năm 2016.

IDG Ventures Vietnam là công ty vốn đầu tư mạo hiểm đầu tiên tập trung vào các startup công nghệ trong nước khi nó bắt đầu hoạt động vào năm 2004. Quỹ này quản lý 100 triệu USD và đã đầu tư cho khoảng 40 startup trong các lĩnh vực công nghệ, truyền thông và ngành tiêu dùng. Năm nay, VinaCapital, một quỹ đầu tư điều hành 1,8 tỷ USD tài sản, đã khai trương quỹ đầu tư mạo hiểm VinaCapital Ventures 100 triệu USD, một trong những nguồn quỹ địa phương lớn nhất. Tổng cộng, có khoảng 70 quỹ đầu tư mạo hiểm hoạt động ở Việt Nam, hơn 2/3 là từ hải ngoại.

Phần lớn hoạt động khởi nghiệp công nghệ ở Việt Nam tập trung vào công nghệ blockchain và tiền điện tử – bất chấp thực tế là đất nước vẫn chưa tạo ra một khung pháp lý cho các ngành đó sau một loạt các vụ bê bối.

Tháng tư, Việt Nam ở tâm điểm của một vụ gian lận lớn nhất trong lịch sử tiền điện tử, qua đó các nhà đầu tư cho biết họ bị đánh cắp đến 660 triệu USD qua các trò gian lận liên quan đến các dịch vụ cung ứng tiền ảo ban đầu. Chính quyền từ đó đã tỏ ra gay gắt đối với ngành này.

Nhưng nhiều công ty vẫn lạc quan về cơ hội của các doanh nghiệp có liên quan đến blockchain ở Việt Nam – bao gồm Nami Corp. Công ty này đang phát triển công nghệ AI và blockchain cho các hệ sinh thái đầu tư tài chính và các sản phẩm quản lý dịch vụ tài chính.

“Việt Nam thiếu một khung pháp lý cho tiền mật mã và các công nghệ có liên quan, có nghĩa là mọi người thường nhầm lẫn khi chúng tôi nói về Bitcoin, các đồng tiền điện tử và blockchain,” Giáp Văn Đại, 27 tuổi, đồng sáng lập viên của Nami, nói. “Phải mất bốn hoặc năm năm nữa trước khi công nghệ blockchain có thể được ứng dụng trong các cộng đồng doanh nghiệp địa phương, vì phải có thời gian để thị trường chấp nhận điều đó và các nhà chức trách đưa ra các quy định liên quan.”

Theo Đại, ngành blockchain ở Việt Nam sử dụng hoảng 2.000 người, tăng 30% trong năm 2017. Đa số họ tốt nghiệp ở nước ngoài và có kinh nghiệm phát triển các ứng dụng, dịch vụ tài chính và các sản phẩm khác ở các nước phát triển trong đó có Mỹ, Nhật và Singapore. “Những người trẻ rất nhiệt tình học hỏi và làm việc trong ngành công nghiệp mới,” Đại nói.

Trần Bích (theo Nikkei)