TP.HCM phải là đầu tàu trong phát triển kinh tế xanh. Kinh tế xanh đã trở thành xu hướng phát triển mới, khi doanh nghiệp bước vào cạnh tranh toàn cầu và tham gia chuỗi giá trị trong bối cảnh mới.
Ngày 18/4/2023, Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM phối hợp Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp tổ chức buổi tọa đàm khoa học “Xây dựng và Phát triển kinh tế xanh tại TP.HCM”.
Theo TS. Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM, xu thế phát triển kinh tế xanh toàn cầu và khu vực ngày càng trở nên quen thuộc và phổ biến, từ các nước như Singapore, Thái Lan, đến Campuchia, Bangladesh…
Tiến sĩ Vũ cho biết, riêng đối với TP.HCM, những câu hỏi quan trọng mà Thủ tướng Chính phủ đặt ra trong chuyến công tác mới nhất tại TP.HCM vào ngày 16/4/2023 vừa qua, rằng “Liệu động lực tăng trưởng của thành phố đã tới hạn chưa? Đâu là những không gian phát triển mới của TP.HCM?”
“Tọa đàm được tổ chức trong bối cảnh đâu là kinh tế xanh. Chuyển đổi xanh là không gian phát triển mới. Và nếu có, chúng ta cần phải làm gì. Đặc biệt, TP.HCM đang trình Quốc hội phê duyệt một nghị quyết về cơ chế đặc thù phát triển kinh tế thành phố, tương đương luật. Nghị quyết có 6 trụ cột liên quan trực tiếp đến phát triển kinh tế xanh,” TS. Vũ nhấn mạnh.
Bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp (BSA), thực tế khi làm việc với các doanh nghiệp, ngày nào cũng đề cập đến “kinh tế xanh”, “chuyển đổi xanh”, “phát triển bền vững”, “biến đổi khí hậu” và cả khái niệm “doanh nhân xanh”.
“Đổi mới sáng tạo trong giai đoạn hiện nay vẫn đi đến cái đích cuối cùng là kinh tế xanh. Đó gần như con đường phải đi trong những ngày tháng sắp tới. Nhiều doanh nghiệp cho đến nay vẫn chưa có hợp đồng xuất khẩu mới. Rõ ràng, chúng ta dù có né tránh hay không quan tâm, biến đổi khí hậu và tất cả những tác động của nền kinh tế xanh đang ảnh hưởng đến đời sống kinh tế trên thế giới và cả Việt Nam. Nếu chúng ta vẫn dùng các công nghệ cũ, bước chầm chậm, không cần gấp gáp, chúng ta sẽ thấy rõ tác hại của sự chậm trễ này,” bà Vũ Kim Hạnh khẳng định.
Theo TS. Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM chia sẻ tại sự kiện
Bên cạnh những phân tích tình hình và nhu cầu cần xây dựng và phát triển kinh tế xanh tại TP.HCM, tại buổi tọa đàm, các chuyên gia nhấn mạnh, chúng ta phải bắt đầu hình thành nhận thức là phát triển xanh, nhất là các nhóm ngành chiếm tỷ trọng kinh tế lớn như ngành dệt may, ngành da giày, chế biến gỗ… đến lúc phải tìm hiểu sâu về kinh tế xanh và vai trò của nó trong đời sống để phát triển bền vững hơn.
“Kinh tế xanh không còn là khái niệm khoa học Doanh nghiệp phải nghĩ kinh tế xanh là vũ khí cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu. Đơn cử như Bangladesh đã tiến hành xanh hóa các nhà máy. Đến nay, Bangladesh đã có 100 nhà máy xanh và 500 nhà máy đang được Hội đồng Xanh Thế giới kiểm định,” bà Vũ Kim Hạnh chia sẻ.
Công thức phát triển kinh tế xanh hiện nay là môi trường, tăng năng lượng mới và giảm khí thải carbon. Dự kiến, đến năm 2030, chúng ta cần tới 30 tỷ USD tiếp cận và làm những việc để xây dựng nền kinh tế xanh. Con số đó không nhỏ, hiện nay, nhà nước chỉ có thể đầu tư khoảng 30% cho kinh tế xanh; còn lại 70% là của thành phần kinh tế tư nhân và của các tổ chức quốc tế.
Theo An Quý (Khoa học Phổ thông)