Ngày 12/11, tại TP.HCM, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, Trung tâm BSA tổ chức tọa đàm: “Phá vỡ bí ẩn kinh tế tuần hoàn”. Đây là sự kiện bên lề hướng đến Diễn đàn Mekong Connect 2022, với chủ đề “Chủ động nâng chất lượng liên kết, tích hợp để phát triển bền vững” sẽ diễn ra trong hai ngày 23 và 24/11/2022 tại Cần Thơ.
Chia sẻ tại tọa đàm trên, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Quân – Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn, Đại học Quốc gia TP.HCM cho biết, kinh tế tuần hoàn đang được xem là công cụ, cách tiếp cận để hướng tới mục tiêu để phát triển bền vững. Bởi việc phát triển kinh tế hiện nay luôn có những tác động tiêu cực nhất định đến môi trường và đời sống con người, nên càng ngày càng nhiều nước hướng đến kinh tế tuần hoàn để hỗ trợ cân bằng phát triển hài hòa giữa kinh tế và môi trường.
“Việc phát triển kinh tế tuần hoàn giúp phá vỡ cách kết nối cũ như trên, tạo nên mô hình vừa phát triển kinh tế mà không gây ô nhiễm môi trường. Nó giúp cho tái sinh về con người, văn hóa…”, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Quân nói.
Còn theo bà Trần Hoàng Phú Xuân – Giám đốc Công ty CP Kết nối thời trang Faslink, quá trình phát triển kinh tế tuần hoàn đang nhanh chóng, lan rộng, và có nhiều nền tảng để doanh nghiệp thực hiện quá trình này.
Bà Xuân kể, Faslink đưa ra quá trình phát triển kinh tế tuần hoàn cách nay sáu năm, và đang được nhiều lợi ích từ việc nghiên cứu thực hành mô hình kinh tế tuần hoàn này.
Bà Xuân dẫn chứng : “Đơn giản như với những gì ngành khác không dùng nữa sẽ là nguyên liệu đầu vào cho chúng tôi, những sản phẩm sợi từ bã cà phê, được kết hợp cùng nhựa tái chế tạo ra áo, vớ, mũ, … và chúng tôi đã thương mại hóa ngay trong năm dịch đầu tiên thành công, khi bán được 3 triệu sản phẩm ở thị trường Việt Nam. Hay năm đầu tiên bán được 200.000 áo sơ mi làm từ bã cà phê”.
Những sản phẩm quần, áo, vớ, mũ,… của bà Xuân mang đến giới thiệu tại tọa đàm được làm từ bã cà phê và nhựa tái chế
Để thành công trong việc tái sinh những thứ “vứt đi này”, theo bà Xuân, ngoài vấn đề liên quan về ý tưởng, sáng tạo, thì quan trọng hơn cần đầu tư cho công nghệ sản xuất. Vì công nghệ sẽ giúp sản phẩm bảo toàn được những tính năng vượt trội của bã cà phê, nhất là tính năng khử mùi…
“Cầm trên tay những chiếc vớ từ bã cà phê, bà Xuân cho biết, nó đã được thử nghiệm, chứng nhận bởi những đơn vị độc lập. Và không chỉ bã cà phê, Faslink còn có những sản phẩm từ sợi sen…”, Bà Phú Xuân nói.
Trong khi đó, là một doanh nghiệp vùng ĐBSCL, nơi có thế mạnh về lúa gạo, ông Phạm Minh Thiện, CEO Công ty TNHH Thanh Bình, chia sẻ về những việc mình đã và đang làm, rằng:
“Tôi đầu tư một khu đất ở vùng Tân Hồng để làm lúa, loại lúa này không cần phân bón hay chăm chút khi canh tác, điều này làm giảm chi phí canh tác, giảm ô nhiễm cho đất, … Lúa làm không phân không thuốc bán giá cao hơn, nhất là dầu cám, nấm, trấu… Trong khi gạo ăn dở, nhưng khai thác theo chuỗi giá trị kinh tế tuần hoàn thì có giá trị cao từ những sản phẩm sau và trước gạo.
Giá trị cao như nào, ông Thiện cho hay, “Tôi đang làm lần lượt từng loại trong chuỗi giá trị sản phẩm từ cây lúa, trấu viên thì tiềm năng xuất khẩu dùng làm chất đốt trong công nghiệp, dân dụng. Trong khi đó, dầu cám, cám trích ly đã có các đối tác từ Nhật rất quan tâm. Những sản phẩm khác là bột gạo, bã bột gạo thì các doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi rất cần.
“Như vậy, hạt gạo không phải có giá trị lớn nhất trong chuỗi sản phẩm từ cây lúa, mà ở những thứ sau nó”, CEO Phạm Minh Thiện nói.
Nhận xét về chuỗi giá trị trên của ông Phạm Minh Thiện, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Quân cho rằng, nguồn thực phẩm chăn nuôi đang là rào cản rất lớn cho ngành này, vì phải nhập nhiều, thiếu nguyên liệu, nếu doanh nghiệp lấy được bã bột gạo làm cho ngành chế biến thức ăn chăn nuôi được thì đó là điều rất tốt.
“Cách làm này được xem là nền tảng của nông nghiệp tái sinh. Giá trị tái sinh là giá trị lớn mà không dễ làm được”, tiến sĩ Quân nói.
CEO Phạm Minh Thiện cho biết thêm, tấm để làm bột là gạo thường (loại gạo thơm, dẻo làm không được) do vậy, giống IR 50404 phù hợp với loại này. Giống này thời gian sinh trưởng ngắn, hơn 80 ngày, có khả năng chống chịu sâu bệnh, ngã đổ, nên tôi đầu tư khu đất ở vùng Tân Hồng để làm.
Chia sẻ về kinh nghiệm, theo đuổi xu thế kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững trong việc phát triển sản phẩm, quá trình canh tác đều dựa trên đặc điểm của địa phương. Cụ thể như Trà Vinh là một tỉnh giáp biển, có những vùng đất bị ngập mặn….Thu nhập của người nông dân trồng dừa bị sụt giảm do năng suất cây trồng này bị ảnh hưởng do biến đổi khí hậu. Vì vậy, Sokfarm đã chuyển đổi những vùng chỉ trồng dừa lấy trái này sang trồng dừa thu mật hoa dừa, hoặc vừa thu trái và mật hoa dừa…, góp phần tăng thu nhập gấp 5 lần cho người nông dân so với trước đó.
Nói về chứng nhận liên quan đến sự bền vững, Phạm Đình Ngãi chia sẻ thêm rằng, 2021 Mật hoa dừa Sokfarm là doanh nghiệp duy nhất tại Việt Nam được nhận “Giải thưởng ASEAN Business Awards hạng mục Inclusive Business – Doanh nghiệp phát triển toàn diện”.
Ngãi lý giải, bởi Sokfarm bao trùm cả một vùng miền, phát huy ngành nghề truyền thống của đồng bào dân tộc, giải quyết công ăn việc làm.
“Nhưng quan trọng hơn, còn phù hợp với tương lai về phát triển tiêu dùng bền vững, biến đổi khí hậu, tiêu dùng xanh… khi hiện nay thế giới đang ưu tiên dùng những sản phẩm từ đường tự nhiên và dầu khoáng cao trong sản phẩm. Thực tế trong dịch Covid-19 những sản phẩm của Sokfarm được nhiều người đã dùng trong mùa dịch tin tưởng vì có nhiều dưỡng chất…Hiện nay, mật hoa dừa Sokfarm đã đạt được những chứng nhận hữu cơ vào các thị trường Mỹ, EU, và Nhật Bản”, Ngãi cho biết.