Trái nhàu có tên khoa học là: Morinda citrifolia L. Loài cây thuộc họ: Cà phê (Rubiaceae). Tính dược: Hạ huyết áp, trị đau xương khớp.
Tại Việt Nam, nhàu mọc hoang nơi ẩm thấp và cũng được người dân trồng, nhiều nhất ở miền Nam. Một số tỉnh miền Trung (Quảng Bình, Quảng Trị, Huế…) và một số địa phương đồng bằng Bắc Bộ gần đây cũng xuất hiện loại cây này. Dân gian quen thuộc với loại cây này qua nhiều tên gọi khác: nhàu lớn, nhàu núi, nhàu rừng, cây ngao, cây giầu, cây dâu ấn… xuất xứ từ vùng nhiệt đới thuộc châu Á và châu Úc. Cây nhàu có tên khoa học là Morinda citrifolia, thuộc họ Rubiaceae.
Theo DS. Lê Kim Phụng, nước sắc trái nhàu rất hiệu nghiệm trên các rối loạn của hệ tiêu hóa (tiêu chảy, nhiễm giun đường ruột, buồn nôn…), các bệnh thuộc đường hô hấp, hệ tim mạch (bệnh tim, huyết áp, tiểu đường…) các bệnh ngoài da… Đặc biệt, nước sắc trái nhàu có tác dụng giảm đau rất tốt. Nghiên cứu của Đại học Metz ở Pháp cho thấy kết quả giảm đau của nhàu khoảng 75% so với sulfat morphin, kháng viêm nhờ thành phần flavonoid có chứa trong loại trái này.
Theo TS. DS. Lê Thị Hồng Anh (Thầy thuốc ưu tú, hội Đông y Việt Nam), một số nghiên cứu bước đầu cũng ghi nhận dịch trái nhàu có chứa selenium, damnacanthal – là những chất có hoạt tính sinh học cao, có khả năng ức chế một số tế bào ung thư. Việt Nam và một số nước như Hàn Quốc, Nhật Bản… đã dùng trái nhàu phơi hoặc sấy khô làm trà uống. Lá nhàu giã nát đắp vết thương, mụn nhọt, sắc uống chữa tiêu chảy và lỵ, sốt…
Dược tính lành nhưng nhàu có vị nhẫn, lá hơi chát, mùi khai mạnh, thuộc loại khó dùng. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhàu được biết đến rộng rãi hơn khi tham gia vào lĩnh vực ẩm thực, đóng vai trò nguyên liệu, gia vị làm nên những món ăn bổ dưỡng. Do có vị đắng nên lá nhàu lớn không được dùng ăn sống, nhưng với đọt lá nhàu non thì có thể làm rau ăn sống.
Dân gian hay nấu chín lá nhàu ở các dạng: luộc (để giảm bớt vị đắng), xào (với các loại thịt ếch, nhái, trâu, bò…) hay chưng, hấp (lá nhàu làm chất độn để hấp với thịt, cá), đặc biệt gói với thịt bằm và hấp với nước cốt dừa rất thơm.
Dùng lá nhàu nấu canh lươn ăn cũng rất bổ dưỡng. Đặc biệt, những dược tính ưu việt của trái nhàu đã được các đầu bếp nghiên cứu, chế biến nên nhiều món ăn đặc sắc, bổ dưỡng không chỉ dùng trong bữa ăn gia đình mà còn mang vào thực đơn kinh doanh của nhà hàng.
Các đầu bếp thậm chí còn sáng tạo ra một thực đơn mà, tất cả các món đều lấy nguyên liệu từ cây nhàu như: Chả cá lá nhàu, gỏi đọt nhàu mắm rò, cá chình um lá nhàu ăn kèm bún, bò cuốn lá nhàu với sốt trái nhàu ăn kèm rau củ…
Theo kinh nghiêm dân gian, lá nhàu kết hợp với thủy sản dùng để bồi dưỡng sức khỏe, bổ gân cốt, trị đau lưng và nhức mỏi. Chẳng hạn như món chả cá lá nhàu, nguyên liệu chỉ cần lá nhàu xắt nhuyễn rồi quết chung với chả cá, món ăn lấy vị mới lạ. Hay với món cá chình um lá nhàu và bò cuốn lá nhàu, các đầu bếp cũng dùng lá nhàu nhưng bỏ gân lớn ở giữa, chỉ lấy phần hai bên, trụng sơ và thực hiện các công đoạn chế biến bình thường, kết hợp với kinh nghiệm nêm nếm, nhiều món ăn từ nhàu đã được giới thiệu không chỉ ngon, mà còn bổ dưỡng.
Mặc dù có nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng theo DS. Phụng: “Cần hiểu đúng và cẩn thận khi sử dụng bởi trái nhàu có mùi khó chịu, người không quen có thể bị nôn mửa. Ăn hay uống dịch trái quá liều có thể bị rối loạn hệ tiêu hóa, dị ứng da, nổi mẩn ngứa, nhức đầu…”.
Trái nhàu có tác dụng nhuận tràng nhẹ, vì thế nên ăn sau bữa ăn, lúc no, không nên dùng khi còn đói có thể gây cồn cào ruột.
Theo TNO-Chiếc Thìa Vàng
Chia sẻ
Bài trướcCây lưỡi rồng
Bài kế tiếpNhân sâm