Hàng đầu: Ông Dương Anh Đức, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM (trái) và ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ KHCN (phải) trao Chứng nhận HVNCLC 2020-2021 cho DN
Sáng 12/6, tại Khách sạn Sofitel Saigon plaza (17 – Lê Duẩn – Q.1, TP.HCM), Hội DN.HVNCLC đã tổ chức trang trọng Lễ trao chứng nhận HVNCLC 2020-2021 cho các DN khu vực phía Nam. Đến dự buổi lễ, có:

-Ông Dương Anh Đức, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM

-Ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ KHCN

-Ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch VCCI kiêm Giám đốc VCCI-HCM

-Ông Huỳnh Minh Tú, Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM

-Bà Trần Thị Phương Hoa, Phó Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM

-Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Cục trưởng Cục công tác phía Nam Bộ KHCN

-Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM 

-Ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM

-Ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nghiệp dẫn đầu LBC

-Ông Trương Tiến Dũng, Phó chủ tịch thường trực Hội Lương thực Thực phẩm TP. HCM

-Bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch (AFT)

-Ông Frank Weiand, Technical director USAID LinkSME

-Bà Nguyễn Phi Vân, Chuyên gia thương hiệu và nhượng quyền…

Cùng hơn 50 cơ quan thông tấn báo chí.
Phát biểu khai mạc buổi lễ, Thứ trưởng Bộ KHCN Bùi Thế Duy đã đánh giá rất cao những nỗ lực của Hội DN.HVNCLC cũng như cộng đồng DN.HVNCLC trong suốt 24 năm qua. Theo đó, Logo HVNCLC không chỉ được NTD trong nước tin tưởng, đón nhận, mà NTD trong khu vực như Campuchia, Lào… cũng coi là một bảo chứng chất lượng để tìm mua sản phẩm hàng Việt.
Về dự án HVNCLC-Chuẩn hội nhập mà Hội và Bộ KHCN đã và đang nỗ lực triển khai, Thứ trường Bùi Thế Duy đánh giá đây là bước đi chủ động, đúng hướng và mang tính đón đầu cao khi Việt Nam vừa ký kết EVFTA cũng như các Hiệp định thương mại tự do khác. Đó là cách làm kết hợp giữa chủ quan và khách quan, dựa trên tiêu chuẩn. Đường đi là đã chuyển từ cách làm truyền thống hơn 20 năm qua – chỉ chú ý thị trường, chưa xem xét về chất liệu, chiều sâu kỹ thuật – thì bây giờ đã chú ý đến yêu tố kỹ thuật làm nên chất lượng vật lý của sản phẩm. 
Bộ Chuẩn hội nhập của HVNCLC như đề cập ở trên đã tiếp cận một cách toàn diện hơn, cả đầu ra và đầu vào. Trước NTD lựa chọn sản phẩm ở đầu ra, không thể biết các yếu tố kỹ thuật. Nay, chương trình này giúp tạo hệ thống tiêu chuẩn hài hoà hơn, thành phẩm gắn kết cùng với yếu tố nguyên liệu, sản xuất, kỷ luật.
“Không chỉ cho NTD trong nước được sử dụng các sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, mà cả NTD nước ngoài cũng biết đến và sử dụng các sản phẩm chất lượng, giá trị của Việt Nam”, Thứ trường Bộ KHCN Bùi Thế Duy nói.
Tại Buổi lễ, bên cạnh việc báo cáo của Hội DN.HVNCLC về kết quả cuộc điều tra – khảo sát NTD bình chọn HVNCLC 2020-2021, kết quả khảo sát nhanh về những thay đổi thói quen tiêu dùng sau Covid-19, giao lưu với 3 doanh nhân đã có những nỗ lực, sáng tạo để sản xuất, kinh doanh, tham gia các hoạt động cộng đồng trong thời gian giãn cách vừa qua, là phần báo cáo chi tiết của Kantar World Panel về tác động của Covid – 19 lên người tiêu dùng Việt Nam.

Theo Kantar, dịch Covid-19 đã có những tác động ban đầu vào đầu tháng 2/2020 (sau Tết Nguyên Đán), nghiêm trọng hơn vào tháng 3 và dần được kiểm soát vào tháng 4 khi lệnh giãn cách xã hội được thực hiện. Theo đó, hành vi, thói quen của NTD cũng có những thay đổi đáng kể.

Chẳng hạn, mức độ xem tivi của người dân tăng lên đáng kể từ cuối tháng 2, mức độ sử dụng Internet cũng tăng nhiều trong thời gian này. Instagram và TikTok là 2 mạng xã hội phổ biến xếp sau Facebook, đặc biệt là đối với nhóm NTD trẻ.

Về mua sắm – tiêu dùng, theo khảo sát, chi tiêu cho nhóm hàng tiêu dùng nhanh FMCG tăng trưởng 2 con số trong 4 tháng đầu năm 2020, đặc biệt ở khu vực thành thị. Giỏ hàng “mùa dịch” được nạp đầy với ba nhóm chính: thực phẩm cần thiết/tiện lợi, các sản phẩm vệ sinh và sản phẩm giúp tăng cường sức khỏe.

Ngoài ra, với các chiến dịch #stayhome, những mặt hàng liên quan đến nhu cầu kết nối, các nhu cầu xã hội như đồ ăn vặt, các sản phẩm giúp đơn giản hóa việc nấu ăn, sản phẩm chăm sóc cá nhân cũng cho thấy sự tăng trưởng tích cực. Và khi có nhiều thời gian ở nhà hơn, NTD cũng chi tiêu cho các mặt hàng thuộc về thói quen như kẹo, cà phê,… đặc biệt là người dân thành thị.

Các mô hình bán lẻ mới nổi bao gồm siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi và mua sắm trực tuyến đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng FMCG. Trong đó, mua sắm trực tuyến được đánh giá cao ở tính tiện lợi và “hạn chế tiếp xúc”, siêu thị mini được chọn do vị trí gần nhà cho các nhu cầu cơ bản trong một khoảng thời gian ngắn. Đối với các kênh Siêu thị & Đại siêu thị, số giao dịch diễn ra tăng đáng kể trước khi lệnh giãn cách và được dự đoán sẽ còn tiếp diễn và dần về lại mức bình thường khi nhu cầu dự trữ hàng giảm.

Có hay không “bình thường mới” hậu Covid-19?

Người dân toàn cầu thể hiện mối quan tâm ngày càng lớn về tác động nặng nề và kéo dài của COVID. Trong khi đó ở Việt Nam, mọi người đang dần trở nên lạc quan hơn. Tuy nhiên, qua đại dịch, thu nhập của người Việt ít nhiều bị ảnh hưởng, giá cả hàng hóa do đó cũng trở thành vấn đề nhạy cảm hơn. Sự khác biệt về vùng miền hay giai đoạn cuộc sống cũng ảnh hưởng đến mức độ nhạy cảm về tình hình hiện tại. Do đó, sẽ có sự thay đổi trong mô hình tăng trưởng FMCG, tùy thuộc vào bản chất của thương hiệu và ngành hàng, cũng như khác biệt về địa lý và nhân khẩu học.

Một số hình ảnh tại buổi lễ trao Chứng nhận HVNCLC 2020-2021
Ban tổ chức tặng hoa cho các tài trợ Lễ trao Chứng nhận HVNCLC 2020-2021
Ba doanh nhân được mời giao lưu tại lễ trao Chứng nhận HVNCLC 2020-2021
Ông Kao Siêu Lực, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Bánh kẹo Á Châu – ABC Bakery
Ông Lương Vạn Vinh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hóa mỹ phẩm Mỹ Hảo
Ông Lê Duy Toàn, Giám đốc công ty TNHH xuất nhập khẩu thực phẩm Duy Anh
Hội DN.HVNCLC