Lên thăm một trang trại trồng rau trên sân thượng một chung cư rất cao ở Singapore, khi đưa điện thoại lên chụp ảnh rừng cải xanh mơn mởn, bất giác tôi chợt nhớ câu ca dao mà mẹ tôi thường ru cháu ngoại: “Gió đưa cây cải vể trời/ Rau răm ở lại chịu lời đắng cay…”
Chắc phải cả một trận “cuồng phong” mới đủ để đưa từng ấy lá cải của một không gian trang trại mênh mông bát ngát về trời?
Có thấy đất đai gì đâu?
Vậy mà cách đây vài tuần, Facebook tràn ngập bài chế giễu ông Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp với câu nhạo là ông chủ trương “làm nông không cần đất”. Tôi không thấy kỳ lạ về câu nói của ông. Dù vậy tôi cũng cạy cục đi tìm nguồn trích dẫn (đã bị bóc tách ra một câu trơ trọi đứt đầu đứt đuôi để phê phán). Thì ra ngữ cảnh của câu đó là trong một bài trình bày trước quốc hội (phiên chất vấn), ông nói:
“…Tuy nhiên, có một doanh nghiệp nói với tôi rằng chúng ta đang sống ở thời đại công nghiệp 4.0, người ta làm nông nghiệp cũng chưa chắc người ta cần đất. Thí dụ như Uber và Grab, người ta không sở hữu một chiếc xe nào hết nhưng người ta vẫn kinh doanh vận tải; vẫn kinh doanh lưu trú được nhưng người ta không cần đầu tư và sở hữu bất kỳ một khách sạn nào hết – đó là Airbnb.
Tức là một nền kinh tế kết nối và nền kinh tế chia sẻ. Tôi nghĩ rằng ngoài mong mỏi của chúng ta rất nhiều là chúng ta tập trung đất đai hoặc tích tụ đất đai để quy mô sản xuất lớn hơn để chúng ta có những vùng nông nghiệp công nghệ cao lớn hơn thì chúng ta vẫn có những phương thức để tập trung đất đai mềm thích ứng với từng điều kiện ở từng địa phương…”.

Trang trại rau xanh trên sân thượng một chung cư ở Singapore. Ảnh: Tư liệu

Như anh Phan Thanh Hiếu nhà ở Bình Chánh đã trồng rau khí canh tức bằng mô hình 20 trụ đứng khí canh trên rau xà lách trên sân thượng 50m2 nhà mình. Anh mua trụ với giá 2 triệu đồng một trụ. Cây lớn được nhờ môi trường không khí có chứa các giọt dinh dưỡng, dưới dạng sương mù. Mỗi trụ rau cho tổng cộng đến 8kg rau. 
Trong trụ khí canh, nước dinh dưỡng được dẫn lên cao, phun dạng hơi sương xuống dưới, cung cấp dinh dưỡng cho rễ cây, nuôi cây lớn nhanh, tốt hơn nhiều so với bình thường. Mô hình này hiện dần trở nên thông dụng hơn ở TP.HCM, Hà Nội, Đà Lạt…
Lại có quốc gia coi việc trồng trọt, chăn nuôi không cần đất là chiến lược đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm: Singapore.

Góc sân thượng trồng rau khí canh của gia đình anh Phan Thanh Hiếu ở TP.HCM. Ảnh: Thanh Hiếu

Chiến lược nông nghiệp đô thị, làm nông không cần đất
Singapore có một mục tiêu ngắn gọn khá nổi tiếng là 30-30. Tức là năm 2030 thì lượng lương thực, thực phẩm trồng trong nước – bao gồm trên trời (trên mái nhà chung cư cao tầng hay bãi đỗ xe trên cao – sẽ đạt được 30% nhu cầu của dân đảo. Hiện nay, đảo quốc này phải nhập 90% thực phẩm tươi từ nước ngoài. Nông nghiệp đô thị là một cách tuyệt vời để họ tận dụng không gian cho nông nghiệp khi mà đất đai dưới đất không đủ đáp ứng cho trồng trọt, chăn nuôi..
Goh Wee Hou, Giám đốc Ban Chiến lược Cung cấp Thực phẩm tại Cơ quan Lương thực Singapore cho biết: “Mục tiêu này đã cân nhắc đến quỹ đất nhà cửa đô thị sẵn có để sản xuất rau, trứng và cá  bằng những tiến bộ công nghệ và đổi mới”.  Bên cạnh đó, các protein thay thế như thịt có nguồn gốc từ thực vật và được nuôi trong phòng thí nghiệm cũng có thể đóng góp vào mục tiêu “30-30”. Năm 2020, đã có 238 trang trại được cấp phép ở Singapore.
Các trang trại trồng rau đèn LED nhiều tầng và hệ thống nuôi trồng thủy sản tuần hoàn có thể sản xuất nhiều rau và cá gấp 10 đến 15 lần so với các trang trại thông thường. Hiện nay, nông nghiệp đô thị ở Singapore bao gồm ba cách trồng trọt:
Một trang trại đô thị đầu tiên ở Singapore sử dụng phương pháp thủy canh là Citiponics nằm trên đỉnh bãi đậu xe nhiều tầng ở quận Ang Mo Kio. Hệ thống sân thượng thẳng đứng Citiponics cho năng suất cao gấp 4 lần so với canh tác thông thường. Ngoài ra, người ta lắp đặt các trang trại đô thị vào các tòa nhà hiện có thành các trang trại thẳng đứng như bên trong nhà của Sustenir. Công ty Sustenir Agricultural đã tạo các trang trại thẳng đứng rời để lắp vào các tòa nhà sẵn, cả các tòa nhà văn phòng. Giá bán sản phẩm của Sustenir Agricultural chỉ bằng 30% so với giá nhập khẩu tương đương.
Cách trồng rau củ thứ ba là xây dựng nhà kính cho các trang trại đô thị ở vùng khí hậu nhiệt đới như trang trại Natsuki’s Garden ở sân một trường học  cũ. Nhà kính được thiết kế tùy chỉnh cho khí hậu nhiệt đới để không khí lưu thông tốt hơn, đạt năng suất 60-80 kg thực phẩm mỗi mét vuông.
Chính phủ đã chuẩn bị một ngân quỹ trị giá 60 triệu đô la tài trợ cho nhiều doanh nghiệp agritech dạng này.

Đèn LED trồng rau của Công ty bóng đèn phích nước Rạng Đông. Công ty thành công trong việc sản xuất nhiều loại đèn LED trồng hoa, rau trái như hoa cúc, cải, thanh long… Ảnh: Rạng Đông

Công nghiệp chăn nuôi cũng không cần đất
Một chương trình nổi tiếng khác của Singapore là sản xuất thịt nuôi cấy trong phòng thí nghiệm. Công việc này vẫn còn gặp nhiều thách thức như phải sử dụng huyết thanh động vật trong quá trình sản xuất và chi phí môi trường nuôi cấy cao. Tiến sĩ Ng Say Kong, Nhà khoa học chính cũng là giám đốc chương trình này (tên là CRISP Meats) cho biết hiện đang giải quyết các thách thức này  bằng việc phân lập và lập hồ sơ các dòng tế bào rồi phát triển các quy trình sinh học mới và môi trường nuôi trồng không chứa huyết thanh động vật.
Công nghệ tiên tiến đang được thay thế: phân tích multi-omics để xác định nhu cầu trao đổi chất của các tế bào từ nhiều loài khác nhau để tăng tốc độ phát triển của chúng, đồng thời sử dụng trí tuệ nhân tạo và kỹ thuật của mô hình học máy (AI/ML) để tăng tốc quá trình sản xuất thịt từ tế bào (cell-based). Hiện nay chương trình này hợp tác với các công ty thịt được nuôi cấy, giúp họ phát triển nhiều định dạng sản phẩm rất đa dạng như thịt băm (cốm và chả) đến thịt cắt nguyên miếng như bít tết và các miếng thịt thái mỏng.
Mười sáu (16) phòng thí nghiệm từ A * STAR, Viện Công nghệ Singapore và Đại học Quốc gia Singapore cũng đang tham gia chương trình CRISP Meats, tập trung vào hải sản, cá và các giống gà cao cấp.
Để khuyến khích việc sản xuất loại thịt từ phòng thí nghiệm này, hồi tháng 12/2020 Cơ quan Thực phẩm Singapore đã phê duyệt việc bán thịt gà nuôi cấy đầu tiên trên thế giới.
Như vậy câu ca dao của xứ mình mà bà ngoại của con tôi hay ru cháu, gió đưa cây cải về trời… nay đã thành hiện thực, không chỉ cải mà còn nuôi cá, thịt gà, thịt bò nữa cũng đều không cần đất để đào ao, chăn thả.
Chỉ là hơi khó khi muốn đưa mấy thứ bò, gà, trứng, cá vào câu thơ lục bát để hát mà thôi.

Kim Hạnh (theo TGHN)