Trong khi với Thái Lan, có 23 loại nông sản được nhập chính ngạch vào thị trường đông dân nhất thế giới này.
Thông tin trên được ông Nguyễn Lâm Viên – Phó chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao – Tổng giám đốc Vinamit cho biết tại Hội thảo Xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc do Hội này tổ chức tại TP.HCM hôm 28/3.
Trung Quốc thiếu nhiều mặt hàng Việt Nam thừa
8 loại nông sản Việt được vào chính ngạch tại thị trường Trung Quốc gồm: Xoài, nhãn, chuối, dưa hấu, chôm chôm, vải, mít, thanh long. Theo ông Viên, mỗi doanh nghiệp Việt cần phải lên tiếng, các hiệp hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần sớm lên tiếng để Chính phủ đàm phán với các cơ quan chức năng Trung Quốc nhằm tăng loại nông sản vào thị trường này.
Ngoài ra, ông Viên cũng tiết lộ, thị trường Trung Quốc đang có nhu cầu rất lớn các nông sản: khoai, bí, dừa… Trong khi Việt Nam thừa nhiều, nhưng vì không nằm trong danh sách được phép nhập chính ngạch, nên vẫn vào con đường tiểu ngạch không bền vững và giá thành thấp. “Những sản phẩm liên quan đến trái cây, nông sản, chăn nuôi của Việt Nam, chúng ta cần nỗ lực có những đàm phán cụ thể với phía thị trường lớn này để cơ hội nông sản Việt vào Trung Quốc bằng đường chính ngạch ngày một nhiều hơn”, ông Lâm Viên nhấn mạnh.
Cần can thiệp cấp Chính phủ
Thực tế, trong thời gian qua, tỷ lệ hàng xuất khẩu Việt Nam vào thị trường đông dân nhất thế giới bằng con đường chính ngạch vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng và nhu cầu. Ngoài ra, những yêu cầu của thị trường ngày càng khắt khe hơn về chất lượng, truy xuất nguồn gốc, bao bì đóng gói, an toàn thực phẩm… khiến nhiều mặt hàng Việt vốn quen xuất tiểu ngạch sang thị trường này không đáp ứng được.
Chia sẻ tại hội thảo, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cho hay, nông sản Việt đang chịu sự cạnh tranh dữ dội về giá cả, chất lượng, thương hiệu, hình thức bao bì sản phẩm… tại thị trường này so với sản phẩm cùng loại của Thái, Malaysia, Trung Quốc… Nhiều chuyên gia và doanh nghiệp trong ngành nông sản, thủy sản cho rằng, các bộ ngành và Chính phủ cần có động thái can thiệp để các cơ quan chức năng Trung Quốc cùng ngồi lại với phía Việt Nam, tính toán và tăng danh mục loại nông, thủy sản được nhập chính ngạch vào Trung Quốc.
Về nhóm hàng thủy, hải sản, theo ông Trương Đình Hòe, Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản, tầng lớp trung lưu Trung Quốc đang tăng mạnh nhu cầu mua thủy, hải sản đánh bắt tự nhiên. Năm 2019, cơ hội rất lớn cho thủy sản Việt Nam vào Trung Quốc bằng đường chính ngạch do nước này đang giảm mạnh diện tích nuôi trồng thủy sản, thuế nhập khẩu đang được điều chỉnh có lợi cho doanh nghiệp Việt. Bên cạnh đó, tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm lại được siết chặt hơn.
Tuy nhiên, ông Hòe khuyên doanh nghiệp nên tập trung nâng cao chất lượng để xuất chính ngạch sẽ tốt hơn nhiều về giá lẫn tính bền vững. Ngoài ra, vị này cũng cảnh báo tình trạng xuất khẩu thủy sản bằng đường bộ mà không cần xin chứng thư chất lượng có thể tạo ra những hệ lụy về chất lượng sản phẩm cũng như hình ảnh sản phẩm thủy, hải sản Việt rất lớn. “Cần thực hiện quản lý chất lượng thông qua việc cấp và kiểm tra Chứng thư chất lượng trước khi xuất khẩu hàng đi Trung Quốc”, ông Hòe khuyến cáo.
Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đạt 8,3 tỷ USD, trong khi 5 năm trước đó, năm 2013 chỉ đạt 1,2 tỷ USD.
Theo Nguyên Nga/Thanh Niên