Tim Cook, CEO của Apple, tham quan một nhà máy sản xuất của Apple tại Trung Quốc. Ảnh: Caixin

Tiêu điểm

Trung Quốc ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trong chuỗi cung ứng Apple

Các nhà thầu Trung Quốc đang đảm trách các vai trò chính yếu trong chuỗi sản xuất dòng iPhone 13 của Apple trong năm nay. Đây là một chỉ dấu cho thấy thế mạnh cạnh tranh công nghệ của Trung Quốc vẫn tiếp tục gia tăng mặc cho các nỗ lực của Washington trong việc kềm chế tham vọng đại công nghệ của Bắc Kinh.

Hãng điện tử Luxshare Precision Industry sẽ bắt đầu cung ứng đến 3% sản lượng dòng iPhone 13 mới, giành các hợp đồng từ các đối thủ Đài Loan như Foxconn và Pegatron. Apple dự định sẽ sản xuất 90-95 triệu chiếc iPhone dòng mới từ nay đến tháng 1/2022.

Luxshare sẽ bắt đầu sản xuất dòng iPhone 13 Pro từ tháng 8 này. Đây là bước phát triển của hãng công nghệ Trung Quốc chưa từng sản xuất bất cứ chiếc iPhone nào. Bởi những nhà thầu mới trong chuỗi cung ứng của Apple phải bắt đầu từ những chiếc iPhone đời cũ. Năm ngoái, Luxshare đã mua lại hãng chế tạo camera Cowell của Hàn Quốc và hãng chế tạo khung kim loại Casetek của Đài Loan. Cả hai công ty này cũng sẽ cung cấp các linh kiện chính cho dòng iPhone mới – các nguồn tin nói với Nikkei Asia.

“Mặc dù Luxshare chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong sản xuất iPhone đời mới, chúng tôi không thể không cảnh giác. Nếu chúng tôi không thể tăng cường khả năng cạnh tranh của mình, sớm hay muộn thì họ sẽ là nhà cung ứng chính”, quản lý cấp cao của một hãng thầu đối thủ với Luxshare cho biết.

Apple xây dựng được chuỗi cung ứng hàng điện tử tiêu dùng lớn nhất thế giới, có năng lực sản xuất 200 triệu iPhone, 20 triệu MacBooks và hàng chục triệu AirPods mỗi năm. Tiêu chuẩn sản xuất rất cao của “nhà táo” đồng nghĩa là bất cứ công ty thuộc chuỗi cung ứng của họ đều lọt vao top xuất sắt trong ngành điện tử tiêu dùng.

Sự vươn lên của các nhà thầu Trung Quốc trong chuỗi cung ứng Apple buộc các hãng thầu đối thủ ở Mỹ, Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc trả giá đắt. Các đơn hàng bị teo lại, hoặc có công ty buộc phải từ rời bỏ cuộc chơi.

Trung Quốc hiện chiếm 51 trong tổng số 200 nhà thầu hàng đầu của Apple trong năm tài chính 2020 với các cơ sở sản xuất tại đại lục và đặc khu Hồng Kông – theo danh sách các nhà thầu Apple được hãng này công khai. Các chuỗi cung ứng của Trung Quốc cũng giúp Apple tăng số lượng ở các vệ tinh bên ngoài Trung Quốc.

Số nhà cung ứng của Apple tại Việt Nam cũng tăng lên 22 trong năm tài chính vừa rồi, so với con số 14 trong năm 2018 khi thương chiến Mỹ – Trung nổ ra. Bảy trong số này thuộc các sở hữu các công ty đặt tại Trung Quốc hay Hồng Kông. Trong số này có Luxshare Precision Industry và GoerTek chuyên sản xuất tai nghe không dây AirPod mở nhà máy tại Bắc Giang và Bắc Ninh trong năm 2020.

Khảo sát danh sách 22 nhà thầu Apple tại Việt Nam do BSA thực hiện cho thấy sự phân bố rải rác từ Bắc vào Nam: Cụm công nghiệp Bắc Ninh – Bắc Giang tập trung nhiều nhất với 9 công ty, gồm 5 Bắc Ninh và 4 ở Bắc Giang. Còn lại rải ra ở vùng phụ cận như Hà Nam, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc mỗi nơi 1. TP.HCM, Đồng Nai và Tiền Giang mỗi nơi có một nhà thầu. Riêng Hải Phòng, Đà Nẵng và Bình Dương có 2 nhà máy mỗi địa phương. Có tới 20 nhà thầu có duy nhất một nhà máy, trong đó có hai nhà thầu phụ có hai nhà máy tại hai địa phương. Đó là Foster Electric Company Ltd với nhà máy tại Đà Nẵng và Bình Dương và Murata Manufacturing Company Ltd có xưởng tại Đà Nẵng và Tiền Giang.

Samsung, LG và các nhà thầu phụ của họ tại Bắc Ninh và Bắc Giang cùng với nhà máy của Intel tại TP.HCM cũng là nhà cung ứng linh kiện cho các dây chuyền lắp ráp của Apple tại Việt Nam.

Bản Tin Thị Trường

1/ Giá vàng miếng SJC hiện đang ở mức 56,55 – 57,25 triệu đồng/lượng, quay đầu giảm 100.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra. Chênh lệch giá hai đầu vẫn giữ 700.000 đồng. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng giao dịch trên sàn Kitco đang ở mức 1.809,1 USD/ounce, giảm nhẹ 1,4 USD, tương đương 0,08% so với chốt phiên trước.

2/ Lo ngại bị đứt gãy nguồn cung hạt điều từ Việt Nam, Hiệp hội Công nghiệp Thực phẩm Mỹ (AFI) đã gửi thư đề nghị chính phủ Việt Nam ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động trong ngành nông nghiệp, trong đó có ngành điều để không xảy ra gián đoạt trong sản xuất, cung ứng hàng hóa. Được biết, Hiệp hội có khoảng 1.000 công ty thành viên với nòng cốt là những nhà nhập khẩu thực phẩm Mỹ và các đối tác nước ngoài xuất khẩu thực phẩm sang Mỹ. Một số doanh nghiệp Việt Nam đang là thành viên của AFI và nhiều thành viên AFI ở Mỹ đang nhập khẩu sản phẩm từ Việt Nam. Theo AFI, hạt điều là một mặt hàng đặc biệt quan trọng với nhiều thành viên. Do đó, AFI mong Chính phủ Việt Nam ưu tiên phân phối vaccine tới lao động, công nhân sản xuất nông nghiệp và chế biến thực phẩm ở Việt Nam, đặc biệt là ngành điều.

3/ Hai ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) trong quản lý dịch bệnh và đi chợ giúp dân vừa được Sở Khoa học và công nghệ TP.HCM chuyển giao cho 11 quận huyện trên địa bàn TP. HCM. Trước đó, các giải pháp này đã được chuyển giao sử dụng tại TP Thủ Đức trong hơn 1 tháng. Được biết, ứng dụng GIS quản lý dịch bệnh Covid-19 giúp quản lý về số ca nhiễm, điểm phong tỏa, vùng cách ly, cung cấp thông tin về địa điểm, địa chỉ lây nhiễm, sơ đồ lây nhiễm, điều trị, xét nghiệm… Trong khi ứng dụng mua sắm Covid-19 có thể trợ giúp người dân đi mua hàng, chợ trực tuyến trong tình hình dịch bệnh. Trong thời gian triển khai tại TP Thủ Đức, hệ thống có thể cập nhật dữ liệu hơn 400 chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi trong vùng, hiển thị danh mục hàng hóa, tìm đường đi đến địa điểm mua sắm…

4/ Infographic: Người Việt dùng Internet cho những mục đích gì?

Nguồn: TTXVN

5/ Theo Bộ NN&PTNT, sản xuất nông nghiệp ở các tỉnh Nam bộ đang gặp rất nhiều khó khăn do dịch Covid-19. Dự kiến 6 tháng cuối năm 2021, nguồn cung nông sản thực phẩm phục vụ xuất khẩu sẽ giảm mạnh. Dù nhu cầu thị trường vẫn rất lớn nhưng do dịch bệnh nên nhiều vùng nguyên liệu bị phong tỏa do giãn cách, việc thu hoạch và sản xuất bị ảnh hưởng, công suất tại các nhà máy chế biến thủy sản giảm còn 50%. Qúa trình kiểm tra thực tế cho thấy còn khá nhiều cơ sở giết mổ, nhà máy chế biến nông sản và thủy sản không đáp ứng được các điều kiện 3 tại chỗ vì chi phí quá lớn dẫn đến phải dừng hoạt động. Phần lớn cơ sở giết mổ và nhà máy chế biến, công nhân lao động chưa được tiêm vaccine, nên khi có ca nhiễm nhà máy phải đóng cửa.

6/ Thương vụ trị giá 40 tỷ USD để mua lại nhà thiết kế chip Arm có trụ sở tại Anh của Tập đoàn Nvidia đang ngày càng có nguy cơ đổ bể. Tháng 9 năm ngoái, Tập đoàn Nvidia, chuyên về phát triển bộ xử lý đồ họa (GPU) và công nghệ chipset cho các máy trạm, đã công bố mua lại nhà thiết kế chip Arm từ SoftBank với giá 40 tỷ USD. Đây là một trong những thương vụ thâu tóm lớn nhất trong lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn. Thỏa thuận này khiến nhiều tập đoàn lớn như Qualcomm, Microsoft, Google, Huawei cho rằng sẽ có hại cho ngành bán dẫn. Theo Bloomberg, các cơ quan quản lý cạnh tranh trên thế giới như Mỹ, Anh, Trung Quốc và châu Âu đã tuyên bố mở cuộc điều tra đối việc mua lại này. Theo thỏa thuận, một trong hai công ty có thể hủy bỏ thỏa thuận nếu không được chính phủ chấp thuận.

7/ Bộ Khoa học, Công nghệ thông tin và Truyền thông Hàn Quốc (MSIT) cho biết số lượng người dùng điện thoại thông minh sử dụng mạng di động 5G đã vượt 16 triệu vào tháng 6 vừa qua và tiếp tục tăng trong bối cảnh thiếu nguồn cung điện thoại 5G. Theo đó, số người dùng mạng 5G ở quốc gia này đã đạt 16,47 triệu thuê bao vào tháng 6 vừa qua, chiếm khoảng 23% trong tổng số 71,63 triệu thuê bao di động trên cả nước. MSIT dự báo số lượng đăng ký điện thoại sử dụng mạng 5G sẽ tăng với tốc độ nhanh hơn vào cuối năm nay, sau khi thị trường có thêm điện thoại 5G có thể gập mới của Samsung Electronics Co., cũng như iPhone mới của Apple.

8/ Trong quý kết thúc vào ngày 30/6, lợi nhuận hoạt động của Sony đã tăng lên 280,1 tỷ yen (2,57 tỷ USD), so với mức 221,7 tỷ yen đạt được cùng kỳ năm ngoái. Con số này tốt hơn so với dự đoán trung bình 207,96 tỷ yên từ 10 nhà phân tích do Refinitiv khảo sát. Nhờ đại dịch, nên nhu cầu mua sắm máy chơi game PlayStation 5 (PS5), TV, máy ảnh, và tiêu thụ các nội dung nhạc và phim gia tăng, Sony quyết định nâng dự báo lợi nhuận cho năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2022 lên 980 tỷ yen, từ 930 tỷ yen đưa ra trước đó. Sony đã hưởng lợi mạnh mẽ từ nhu cầu sắm máy chơi game PlayStation 5 khi mọi người ở nhà, mặc dù sự thiếu hụt chất bán dẫn có nghĩa là hãng này không thể sản xuất đủ máy chơi game để đáp ứng nhu cầu.

PS5 bày bán trong Bic Camera ở Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Reuters

9/ Facebook lại gây bão dư luận khi khóa tài khoản của các nhà nghiên cứu thuộc Dự án Theo dõi quảng cáo của Đại học New York (NYU, Mỹ) với lý do quan ngại về quyền riêng tư. Được biết, Facebook đã khóa các tài khoản của những nhà nghiên cứu thuộc dự án trên nhằm ngăn chặn việc thu thập và trích xuất dữ liệu trái phép cũng như bảo vệ quyền riêng tư của người dùng phù hợp với chương trình bảo mật của trang mạng xã hội này. Bên cạnh đó, Facebook cũng tuyên bố hành động này phù hợp với thỏa thuận đạt được năm 2019 với nhà chức trách Mỹ về quyền riêng tư của người dùng, sau vụ bê bối Cambridge Analytica, trong đó dữ liệu của người dùng đã bị thu thập nhằm mục đích quảng cáo chính trị.

Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA