Ảnh minh họa. Nguồn: Global Times

Tiêu điểm

Trung Quốc sẽ sử dụng vaccine Pfizer/BioNTech cho mũi tiêm nhắc lại

Trung Quốc đang có kế hoạch dùng vaccine Pfizer/BioNTech để tiêm nhắc lại cho những ai đã được tiêm đầy đủ hai liều vaccine của hai hãng dược Sinovac và Sinopharm. Mũi tiêm tăng cường có thể sẽ được miễn phí – theo trang tin tài chính và kinh doanh Caixin.

Hiện các cơ quan quản lý dược Trung Quốc đã thông qua phê duyệt của hội đồng chuyên gia đối với vaccine công nghệ mã thông tin di truyền (mRNA) do liên doanh Fosun Pharma – BioNTech sản xuất. Vaccine của liên doanh đang chờ phê duyệt chính thức của Bộ Y tế Trung Quốc.

Như vậy, đây là lần đầu tiên chính phủ Trung Quốc chính thức thừa nhận hiệu quả của hai loại vaccine ngừa Covid do các hãng dược trong nước sản xuất là kém hơn sản phẩm cùng loại của phương Tây, đặc biệt là vaccine của các hãng dược Mỹ.

Trong cuộc họp cổ đông hôm 15/7, Chủ tịch Fosun Wu Yifang thông báo rằng kế hoạch thông báo trước đó không thay đổi và liên doanh Fosun – BioNTech sẽ bắt đầu sản xuất thử nghiệm vaccine vào cuối tháng 8/2021.

Chủ tịch Wu cũng cho biết nhà máy ở Thượng Hải sẽ đạt năng suất 1 tỷ liều vaccine Covid-19 vào cuối năm nay. Với năng lực từ các nhà máy thuộc Fosun, công suất hàng tháng có thể mở rộng lên 100-200 triệu liều, tức 1,2-2,4 tỷ liều mỗi năm.

Trước đó, tháng 5/2021, Fosun và BioNTech công bố kế hoạch lập cơ sở ở Thượng Hải để sản xuất vắc xin công nghệ mRNA có tên Comirnaty, còn được gọi là BNT162b2. Liên doanh này được thiết lập vào đầu năm 2020 để nhập vaccine vào Trung Quốc. Tháng 6 vừa rồi, Fosun cho biết việc lắp đặt các dây chuyền sản xuất tại nhà máy Thượng Hải sẽ hoàn tất cuối thắng 8.

Theo Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, tính đến ngày 1/7 nước này đã tiêm hơn 1,2 tỷ liều vaccine, chủ yếu là vaccine bất hoạt do Sinovac và Sinopharm sản xuất có hiệu quả thấp hơn các loại vaccine khác.

Sinovac có hiệu quả trên 50%, trong khi Sinopharm đạt 71% trong việc ngừa Covid-19. Hai hãng dược này đã sản xuất tổng cộng 2,9 tỷ liều vaccine trên toàn cầu, trong khi đó các hãng dược khác chỉ sản xuất hơn 600 triệu. Trung Quốc cũng đóng góp 500 triệu liều vaccine cho chương trình COVAX nhằm phân bổ vaccine đến các nước thiếu điều kiện tiếp cận vaccine.

Trong khi đó, giá vaccine Trung Quốc tại thị trường và giá xuất khẩu cũng khá khác nhau. Chẳng hạn giá vaccine Vero Cell của Sinopham bán ở thị trường nội địa là 30 USD/liều. Nhưng giá bán cho Mông Cổ chỉ 15 USD/liều và còn Argentina bị “chặt đẹp” 40 USD/liều. Mức giá này ngang với vaccine của Moderna và đắt hơn hàng của Pfizer / BioNTech.

Nhiều nước sử dụng vaccine Sinovac và Sinopharm đang chứng kiến các ca tái nhiễm ở người đã tiêm đầy đủ khoảng 4-6 tháng sau tiêm.

Thái Lan đã chính thức xác nhận rằng vaccine của Trung Quốc sẽ giảm dần mức độ bảo vệ sau sáu tháng tiêm. Một nghiên cứu khoa học của Bộ Y tế Thái Lan nói mức độ kháng thể chỉ còn 30-40% ở những người đã tiêm đầy đủ hai mũi vaccine của Sinovac sau sáu tháng. Hơn 600 người trong tổng số 670.000 nhân viên y tế tiêm đầy đủ từ tháng 2 đã bị nhiễm Covid. Đã có hai ca tử vong.

Tại Indonesia, số y tá và bác sỹ nhiễm Covid-19 lên đến 350 người dù đã tiêm đầy đủ vaccine Sinovac. Nhiều người đã thiệt mạng.

Indonesia và Thái Lan đang xúc tiến kế hoạch dùng vaccine Pfizer để tiêm mũi tăng cường cho người đã tiêm vaccine Trung Quốc. Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Bahrain đã dùng vaccine của Pfizer tiêm mũi nhắc lại từ tháng 6 vừa rồi.

Bản Tin Thị Trường

1/ Giá vàng miếng SJC đang ở mức 56,75 – 57,5 triệu đồng/lượng, giảm trở lại 100.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra. Chênh lệch giá hai đầu vẫn giữ 750.000 đồng. Đây là phiên giảm đầu tiên trong ba phiên gần đây của giá vàng trong nước. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng giao trên Kitco hiện đang ở mức 1.827 USD/ounce, giảm nhẹ 0,3 USD, tương đương 0,02% so với chốt phiên trước.

2/ Theo Cục Xuất nhập khẩu, Việt Nam hiện là thị trường cung cấp chuối lớn thứ 6 cho Hàn Quốc trong 5 tháng đầu năm 2021, đạt 2.900 tấn, trị giá 2,3 triệu USD, tăng 13,6% về lượng, tăng 48,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Giá chuối nhập khẩu bình quân từ Việt Nam ở mức thấp, đạt 791,6 USD/tấn. Tỷ trọng nhập khẩu từ Việt Nam chiếm 1,9% tổng lượng chuối nhập khẩu của Hàn Quốc. Việt Nam có nhiều lợi thế tăng thị phần tại thị trường Hàn Quốc, do có ưu thế thuế quan nhập khẩu thấp nhờ được hưởng lợi từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA). Tuy nhiên, trái chuối của Việt Nam phải cạnh tranh với trái chuối Philippines – thị trường cung cấp chuối lớn nhất cho Hàn Quốc. Do đó, để nâng cao thị phần trái chuối tại Hàn Quốc, Việt Nam phải tuân thủ quy định hệ thống danh mục thuốc bảo vệ thực vật mới của Hàn Quốc (viết tắt PLS), áp dụng từ năm 2019.

Hàn Quốc tăng nhập khẩu trái chuối từ thị trường Việt Nam. Ảnh: Internet

3/ Theo Cục Quản lý chất lượng nông sản và thủy sản, trong 5 tháng đầu năm 2021, có 15 lô hàng tôm bị cơ quan có thẩm quyền nước nhập khẩu cảnh báo, giảm 11% so với cùng kỳ năm 2020. Được biết, tính đến nay, cả nước có 406 cơ sở chế biên tôm nuôi được thẩm định, chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm và có tên trong danh sách được phép xuất nhập khẩu vào các quốc gia, vùng lãnh thổ có yêu cầu lập danh sách như EU, Trung Quốc, Hàn Quốc… Trong năm 2020, Cục đã tổ chức thẩm định điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm đối với 232 lượt cơ sở. Cũng trong 5 tháng đầu năm nay, 4 tỉnh trọng điểm là Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang đã tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định phòng, chống tạp chất trong tôm. Kết quả, phát hiện 36 cơ sở vi phạm với tổng số tiền xử phạt là 455 triệu đồng.

4/ Công suất phòng của các khách sạn ở TP.HCM bỗng dưng được cải thiện đáng kể sau một ngày, khi các doanh nghiệp ráo riết tìm nơi lưu trú cho nhân viên, đáp ứng phương án ‘1 cung đường, 2 địa điểm’ theo yêu cầu chống dịch của UBND TP. Theo đó, không chỉ khách sạn 3-4 sao, nhiều khách sạn 5 sao cũng được các doanh nghiệp thuê cho hàng trăm nhân viên ở trong thời gian ít nhất hai tuần tới. Sở Du lịch TP.HCM cho biết đã ghi nhận các khách sạn trong một ngày có công suất tăng vọt khi đón nhân viên của những doanh nghiệp trong những khu công nghiệp, khu chế xuất đến ở để đảm bảo phương án duy trì sản xuất an toàn theo quy định của UBND TP.HCM.

5/ Theo báo cáo thị trường smartphone quý 2/2021 của Canalys, Xiaomi đã vươn lên vị trí thứ 2 trên toàn cầu với 17% thị phần và tăng trưởng 83% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt qua Apple. Theo đó, Apple gần như hiện đang “dậm chân tại chỗ” khi chỉ tăng trưởng 1% trong năm vừa qua, chiếm 14% thị phần smartphone toàn cầu. Thậm chí, mục tiêu tiếp theo của Xiaomi là vượt qua Samsung để trở thành nhà cung cấp điện thoại thông minh lớn nhất thế giới. Được biết, Xiaomi hiện đang có nhiều sự chuyển đổi trong mô hình kinh doanh với các sáng kiến như hợp nhất các kênh đối tác cũng như công tác quản lý tại các thị trường mở. Nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ của Xiaomi tại nhiều thị trường quốc tế là động lực cho sự vươn lên của hãng này.

Cụ thể, Xiaomi tăng trưởng 300% so với thời điểm năm ngoái tại châu Mỹ Latinh, 150% ở Châu Phi và 50% ở Tây Âu.

6/ Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) đã quyết định hạ dự báo tăng trưởng của nền kinh tế nước này do lo ngại về các tác động kéo dài của đại dịch Covid-19, nhưng vẫn giữ nguyên chính sách tiền tệ siêu lỏng để hỗ trợ cho nền kinh tế. Theo đó, BOJ đã hạ dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nhật Bản trong tài khóa 2021 (bắt đầu từ 4/2021) xuống còn 3,8%, giảm 0,2 điểm phần trăm so với dự báo trước đó, nhưng lại nâng dự báo tăng trưởng trong tài khóa 2022 từ 2,4% lên 2,7%. Bên cạnh đó, BOJ cũng nâng dự báo về mức tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cơ bản từ 0,1% trong dự báo trước đó lên 0,6%. Tuy nhiên, BOJ cũng đã quyết định duy trì lãi suất ngắn hạn ở mức âm 0,1% và lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm ở mức khoảng 0% nhằm duy trì lãi suất cho vay thấp đối với các công ty và hộ gia đình.

7/ Inforgraphic: Ngân hàng Goldman Sachs vừa hạ dự báo tăng trưởng của một số nền kinh tế lớn tại Đông Nam Á trong bối cảnh khu vực này đang trải qua đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 mới.

8/ TSMC không còn duy trì tập trung sản xuất tại Đài Loan mà muốn đầu tư ra nhiều thị trường trọng tâm trong thời gian tới. Tập đoàn sản xuất chất bán dẫn Đài Loan TSMC xác nhận rằng đang để mắt đến địa điểm sản xuất chip đầu tiên tại Nhật Bản. Giám đốc điều hành của TSMC, cho biết tập đoàn này hiện đang thẩm định xây dựng một nhà máy chip tại Nhật Bản, có thể ở tỉnh Kumamoto, để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng từ Sony và các khách hàng lớn khác. Đây được cho là động thái của TSMC để chiều lòng chính quyền Nhật Bản, đang rất khát khao xây dựng lại nền công nghiệp chip. Nhật Bản hiện sở hữu 84 nhà máy sản xuất chip bán dẫn, nhiều hơn Đài Loan 8 nhà máy và nhiều gấp 4 lần Hàn Quốc. Nhật Bản cũng từng là quốc gia thống trị về chip bán dẫn, nhưng đến năm 2020, đất nước Mặt trời mọc phải nhập khẩu 64% lượng chip bán dẫn để phục vụ cho nhu cầu sản xuất trong nước.

9/ GDP quý 2 của Trung Quốc thấp hơn một chút so với kỳ vọng, nhưng doanh số bán lẻ và sản xuất công nghiệp tăng nhanh hơn dự báo. Theo đó, tổng sản phẩm quốc nội tăng 7,9% trong quý vừa qua so với một năm trước, nhưng thấp hơn dự đoán 8,1% của Reuters. Tăng trưởng doanh số bán lẻ đã tụt hậu so với tăng trưởng của nền kinh tế nói chung và bỏ lỡ kỳ vọng của các nhà phân tích trong hai tháng đầu quý 2. Tuy nhiên, đến tháng 6, doanh số bán lẻ tăng 12,1%, cao hơn mức dự báo 11% của Reuters. Quyết định cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đã có hiệu lực, báo hiệu những lo ngại về tốc độ tăng trưởng chậm lại. Theo đó, việc cắt giảm dự kiến sẽ giải phóng khoảng 1.000 tỷ nhân dân tệ (tương đương 154 tỷ USD) vào nền kinh tế.

10/ Ủy ban An toàn sản phẩm tiêu dùng (CPSC) cho biết đã kiện Amazon để buộc tập đoàn bán lẻ thu hồi hàng trăm ngàn sản phẩm độc hại đã phân phối trên nền tảng Amazon.com. Theo CPSC, với tư cách là nhà phân phối các sản phẩm nói trên, Amazon phải có trách nhiệm pháp lý trong việc thu hồi các sản phẩm có nguy cơ làm bị thương hay gây tử vong cho người tiêu dùng. Theo Reuters, trong số này có 24.000 máy dò carbon monoxide không hoạt động, gần 400.000 máy sấy tóc không có biện pháp chống sốc và rò điện, và “vô số” quần áo ngủ trẻ em không đạt tiêu chuẩn an toàn dệt may. Amazon cho biết đã bỏ phần lớn các sản phẩm được CPSP đề cập khỏi kho hàng và hoàn tiền đầy đủ cho khách hàng.

Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA