(Cafenews)- Còn vài tháng nữa cậu nhóc nhà mình bước chân vào Phổ thông trung học. Các trường ở Mỹ, bậc học này bắt đầu từ lớp 9- có lẽ tâm sinh lý học trò bắt đầu có sự thay đổi, trưởng thành ở tuổi này, nên người ta phân cấp sớm hơn so với ở Việt Nam 1 năm.
Bữa nay nhà trường tổ chức một ngày giới thiệu về trường mới, đón tiếp học trò cùng phụ huynh lên tham quan, tìm hiểu, chọn lựa những môn mà học trò thích học trong năm học mới- cũng có nghĩa, nó có thể đi theo mỗi người đến suốt cuộc đời.
Sảnh đường chính hiện ra như một… khu hội chợ, với những “gian hàng”- mỗi “gian hàng” là một… môn học. Với thầy cô phụ trách, các bạn tình nguyện viên đứng phát tờ rơi, giới thiệu hình ảnh, đưa các thông tin, tư vấn tận tình, thậm chí cả… dụ khị, thuyết phục các học trò chọn môn ấy để đưa vào học phần của mình.
Tuốt tuột, từ hàng không vũ trụ, khảo cổ, trí tuệ nhân tạo, cho đến vẽ vời, may vá, nấu nướng… thậm chí có cả môn học… chăm sóc em bé, lái xe và cả môn quân sự, dành cho những bạn lựa chọn đường binh nghiệp sau này.
Mỗi môn học mang một giá trị điểm số nhất định, để học trò lựa chọn, nếu theo học nó sẽ được cộng vào số điểm tổng kết khi ra trường. Các trường đại học sẽ dùng số điểm ấy để nhận các học sinh lên học sau này.
Mỗi học trò phải bảo đảm một số môn học nhất định, tuy nhiên có quyền chọn theo hướng mình thích, mình muốn, mình đam mê. Số còn lại… khỏi học, vì nó không phục vụ gì cho đường hướng tương lai mà mình chọn. Với nhiều học trò, ý định chưa rõ ràng, có thể “lê la” qua hết các “gian hàng”, nghe thuyết trình, giới thiệu, “dụ khị”, để lựa chọn sau.
Chính vì vậy, mỗi môn học, để hút học trò, họ dùng đủ thứ hình thức “tiếp thị” cực kỳ dễ thương.
Ví dụ, môn tiếng Pháp, có nguyên một anh chàng ôm tấm bảng, đứng lên bàn nhún nhảy, thu hút sự chú ý. Có một chi tiết thú vị, học ngoại ngữ ở đây không phải là học… từ mới, ngữ pháp, mà là học về văn hóa, du lịch, ẩm thực… nói chung là học mọi thứ về đất nước ấy.
Thông qua quá trình học, bằng cách coi phim, nấu nướng, tham quan… giáo viên của môn ngoại ngữ ấy sẽ nói chuyện cùng học trò và cái ngoại ngữ ấy tự nhiên thấm sang học trò, một cách tự nhiên nhất, đồng thời lại học được đủ thứ liên quan.
Và tất nhiên, những môn học chán òm, giáo điều, chẳng giúp ích gì cho ai sẽ chẳng được học trò chọn lựa và nó sẽ tự bị đào thải.
Nhìn cậu con trai đi giữa những “gian hàng”, mình chỉ ước sao được… trẻ lại, được ngay năm sau bước chân vào ngôi trường như… đã từng coi trên phim ảnh này. Những năm tháng đẹp nhất của cuộc đời con, đang mở ra trước mặt. Hãy tận hưởng và nỗ lực con trai nghe!
Nguyễn Danh Lam