Tại Việt Nam, truy xuất nguồn gốc là một hoạt động còn khá mới, song đã và đang được triển khai nhanh chóng.

(Cafenews)-Vấn đề truy xuất nguồn gốc là tính trung thực của dữ liệu, nhưng thực tế vẫn chưa được đảm bảo toàn diện trong quá trình vận hành hệ thống truy xuất nguồn gốc.

Đó là chia sẻ của bà Đặng Thị Phương Ninh, Giám đốc Công ty Phát triển kinh tế duyên hải (COFIDEC) tại hội thảo “Truy xuất nguồn gốc hàng hóa góp phần tạo thuận lợi thương mại”, tổ chức sáng 24/8.

Theo bà Ninh, nguyên nhân của vấn đề này nằm ở thời điểm phát sinh dữ liệu và ghi nhận diễn ra không đồng thời và cách thức lưu trữ truyền thống bằng hồ sơ, do đó dễ phát sinh nhầm lẫn, thay đổi thông tin. Hệ quả là các khách hàng nhập khẩu lẫn doanh nghiệp trong nước phải tiêu tốn rất nhiều công sức và tài chính để kiểm soát hệ thống truy xuất nguồn gốc truyền thống.

Tại Việt Nam, truy xuất nguồn gốc là một hoạt động còn khá mới, song đã và đang được triển khai nhanh chóng. Việc sử dụng tem truy xuất nguồn gốc trên các sản phẩm, hàng hóa ngày càng trở nên phổ biến, người tiêu dùng và các bên liên quan có thể truy xuất thông tin nhanh chóng, chính xác, qua đó nâng cao niềm tin của người tiêu dùng vào các sản phẩm có gắn tem truy xuất nguồn gốc.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, doanh nghiệp và người tiêu dùng hiện nay chưa hiểu hết ý nghĩa của truy xuất nguồn gốc, chưa hiểu đúng bản chất của truy xuất nguồn gốc. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn gặp nhiều khó khăn trong việc tự nghiên cứu, xây dựng, triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc cho từng sản phẩm, nhóm sản phẩm ngành hàng cụ thể.

Cũng theo bà Ninh, truy xuất nguồn gốc là yêu cầu quan trọng mang tính bắt  buộc khi xuất khẩu nông sản và thủy sản vào thị trường các nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Canada, Mỹ, EU…

“Hiện tại, các sản phẩm nông – thủy sản từ Việt Nam đang xuất khẩu ra thế giới với số lượng ngày càng nhiều, do đó truy xuất nguồn gốc là yếu tố nền tảng quan trọng để tạo ra một chuỗi cung ứng an toàn, từ đó hình tành sự an tâm, tin tưởng và trung thành của khách hàng nhập khẩu với các sản phẩm và uy tín thương hiệu của doanh nghiệp”, bà Ninh chia sẻ.

Cách mạng 4.0 bùng nổ với nhiều công nghệ tiên tiến và tính ứng dụng thực tiễn cao như công nghệ đám mây, blokchain kết hợp với các thiết bị phần cứng và chip điều khiển ngày càng trở nên nhỏ hơn nhưng lại mạnh mẽ hơn. Với những ưu điểm vượt trội đó, việc ứng dụng các thành quản của cách mạng 4.0 vào vấn đề truy xuất nguồn gốc nói riêng và mọi mặt đời sống xã hội nói chung sẽ trở thành xu thế của thời đại.

Tại Việt Nam, một mẫu hình tiêu biểu của mô hình truy xuất nguồn gốc hiện đại này đã và đang được áp dụng thành công tại TP.HCM là chương trình truy xuất nguồn gốc điện tử thịt lợn theo Đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt lợn do Sở Công Thương phối hợp với công ty TNHH chế tạo máy và dịch vụ công nghệ cao TE thực hiện.

“Do đó, định hướng thực hiện truy xuất nguồn gốc điện tử đối với các mặt hàng nông sản như rau, củ, quả và các mặt hàng thủy sản như tôm, cá rất cần dược thực hiện sớm”, bà Ninh đề xuất.

Theo Nguyễn Việt/DĐDN