Truyền thông quốc tế đổ về Quảng Ngãi đưa tin lễ tưởng niệm “50 năm thảm sát Mỹ Lai”

3590
Nhiều nhà báo của các kênh truyền hình nổi tiếng thế giới tác nghiệp ở khu chứng tích Sơn Mỹ, nơi xảy ra vụ thảm sát Mỹ Lai. Ảnh: Minh Hoàng.

(Cafenews)- Nhiều kênh truyền hình, hãng thông tấn nổi tiếng quốc tế của Pháp, Anh, Mỹ, Đức, Nhật Bản… đăng ký tác nghiệp báo chí nhân lễ tưởng niệm 50 năm vụ thảm sát Mỹ Lai (Quảng Ngãi).

Sáng 13/3, lãnh đạo Sở Ngoại vụ Quảng Ngãi, cho biết nhiều kênh truyền hình, hãng thông tấn nổi tiếng quốc tế đăng ký tác nghiệp báo chí sự kiện tưởng niệm 50 năm vụ thảm sát Mỹ Lai. Số lượng đoàn và nhà báo đến tác nghiệp tăng hơn gấp đôi so với dịp 40 năm.

Theo đó, nhiều văn phòng thường trú của các hãng tin như Reuters (Anh), AFP (Pháp), AP (Mỹ), The Yomiuri Simbun, The Asahi Shinbun, Truyền hình NHK, báo Akahata, Phân xã Kyodo News (Nhật Bản) tại Hà Nội; Thông tấn DPA, kênh truyền hình Đức ZDF, báo Frankfuter Allgemeine Zeitung (Đức); báo RIA (Nga), Hãng VVTH Al – Jazeera (Quatar)… cử hàng chục nhà báo đến Quảng Ngãi tác nghiệp.

Ông Phan Văn Đỗ, đại diện Tổ chức Madison Quakers Inc. (Mỹ) tại Việt Nam, cho hay khác với nhiều năm trước, năm nay có ông Ronald Haeberle, tác giả bộ ảnh vụ thảm sát Mỹ Lai cùng một số cựu binh, giáo viên nghỉ hưu, thợ máy (quốc tịch Mỹ) yêu chuộng hòa bình đến dự lễ tưởng niệm.

Dịp này, ông Gerard Boivineau, cựu Tổng Lãnh sự Pháp cùng phu nhân; nghệ sĩ nhân dân Trà Giang, hoa hậu Ngọc Hân cùng nhiều thành viên Quỹ hòa bình Mỹ Lai cũng về dự.

Ông Nguyễn Minh Trí, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi, chia sẻ lễ tưởng niệm 50 năm vụ thảm sát Mỹ Lai là dịp để ôn lại quá khứ đau thương, mất mát to lớn của nhân dân Việt Nam nói chung và Quảng Ngãi trong chiến tranh.

“Nhìn lại quá khứ cũng là để kêu gọi mọi người chung tay xây dựng thế giới hòa bình. Đây cũng là dịp giới thiệu, quảng bá hình ảnh, con người Quảng Ngãi đến với bạn bè quốc tế về nghị lực vượt qua mất mát, vươn lên từ mảnh đất đau thương hồi sinh, phát triển”, ông Trí nói.

50 năm trước, một trung đội Mỹ tràn vào làng Sơn Mỹ. Trong sáng 16/3/1968, họ đã sát hại 504 thường dân vô tội, hầu hết là phụ nữ và trẻ em. Đến tháng 11/1969, vụ thảm sát mới được đăng tải trên các tạp chí Time, Life và Newsweek. Tin tức về vụ thảm sát hâm nóng thêm phong trào phản đối chiến tranh ở Việt Nam.

Minh Hoàng


Theo Zing