Ngày 28.2, tại TP.HCM, Hội DN HVNCLC đã tổ chức buổi tọa đàm “Hiệp định EVFTA, tác động của dịch COVID 19 tới kinh tế thế giới và Việt Nam” với phần trình bày của TS Lê Đăng Doanh, nguyên là Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương. Đây là một trong những nỗ lực của Hội với mong muốn cung cấp thêm nhiều thông tin kinh tế – thị trường đến doanh nghiệp và phóng viên kinh tế.

Chúng tôi xin giới thiệu những ý chính trong phần trình bày của TS Lê Đăng Doanh

VỀ HIỆP ĐỊNH EVFTA

Đây là hiệp định có mức cam kết cao nhất Việt Nam từng ký kết, mở ra cơ hội to lớn cho thương mại và cải cách thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Một số sản phẩm như dệt may, giày dép, nông hải sản được hưởng lợi nhiều nhất vì hiện nay thuế nhập khẩu khá cao sẽ đưa về 0% khi EVFTA có hiệu lực. Ví dụ hàng dệt may đang phải chịu thuế từ 7 – 17%, khi thuế về 0% thì xuất khẩu của Việt Nam vào EU có thể tăng thêm 1,54 tỷ USD năm 2023 và 5,82 tỷ USD năm 2028 (so với không có EVFTA).

-Thương mại hàng hóa

Đối với xuất khẩu của Việt Nam, ngay khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 07 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%. Hàm lượng nội địa và nguồn gốc xuất sứ nguyên, phụ liệu phải bảo đảm (hạt điều, đồ gỗ, dệt may, da giày…)

Như vậy, có thể nói gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn. Cho đến nay, đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho ta trong các hiệp định FTA đã được ký kết. Lợi ích này đặc biệt có ý nghĩa khi EU liên tục là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của ta hiện nay.

Đối với hàng xuất khẩu của EU, Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực với 48,5% số dòng thuế (chiếm 64,5% kim ngạch nhập khẩu). Tiếp đó, sau 7 năm, 91,8% số dòng thuế tương đương 97,1% kim ngạch xuất khẩu từ EU được Việt Nam xóa bỏ thuế nhập khẩu. Sau 10 năm, mức xóa bỏ thuế quan là khoảng 98,3% số dòng thuế (chiếm 99,8% kim ngạch nhập khẩu). Đối với khoảng 1,7% số dòng thuế còn lại của EU, ta áp dụng lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu dài hơn 10 năm hoặc áp dụng hạn ngạch thuế quan theo cam kết WTO.

Các nội dung khác liên quan tới thương mại hàng hóa: Việt Nam và EU cũng thống nhất các nội dung liên quan tới thủ tục hải quan, SPS, TBT, phòng vệ thương mại, v.v, tạo khuôn khổ pháp lý để hai bên hợp tác, tạo thuận lợi cho xuất khẩu, nhập khẩu của các doanh nghiệp.

-Thương mại hàng hóa, nông sản

Riêng mặt hàng nông sản chỉ đạt kim ngạch xuất khẩu 2,73 tỷ USD, giảm 7,3% so với năm 2017. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu nông sản sang EU chiếm đến 15,3% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam.

Cơ hội lớn đối với nhóm nông sản, lâm sản, thủy sản nhiệt đới Việt Nam như gạo, đường, thịt lợn, thịt gia súc, gia cầm, trái cây, cao su, tiêu, điều, cà phê, đồ gỗ… do được hưởng ưu đãi ngay từ những năm đầu tiên.

Phải thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về rào cản kỹ thuật cũng như vệ sinh an toàn thực phẩm đã được cam kết trong EVFTA. Nông dân phải chuyển hướng sang canh tác bền vững, đạt chứng nhận quốc tế; có sự phối hợp và kết nối chặt chẽ giữa các doanh nghiệp trong nước với nhau và giữa doanh nghiệp trong nước với các nhà phân phối tại EU, từ đó làm gia tăng giá trị nông sản xuất khẩu.

EU đã quy định mức giới hạn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (MRLs) được sử dụng trong và trên các sản phẩm thực phẩm. Đối với các sản phẩm rau quả tươi, doanh nghiệp phải tuân thủ chặt chẽ theo các quy định về MRLs và ngăn ngừa tình trạng nhiễm vi khuẩn là những điều kiện tiên quyết khi muốn thâm nhập thị trường EU.

-Sở hữu trí tuệ

Cam kết về sở hữu trí tuệ gồm cam kết về bản quyền, phát minh, sáng chế, cam kết liên quan tới dược phẩm và chỉ dẫn địa lý, v.v.

Về cơ bản, các cam kết về sở hữu trí tuệ của Việt Nam là phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành. Một số nét chính trong các cam kết sở hữu trí tuệ như sau:

– Về chỉ dẫn địa lý, khi Hiệp định có hiệu lực, Việt Nam sẽ bảo hộ trên 160 chỉ dẫn địa lý của EU (bao gồm 27 thành viên) và EU sẽ bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam. Các chỉ dẫn địa lý của Việt Nam đều liên quan tới nông sản, thực phẩm, tạo điều kiện cho một số chủng loại nông sản của Việt Nam xây dựng và khẳng định thương hiệu của mình tại thị trường EU.

– Về nhãn hiệu: Hai bên cam kết áp dụng thủ tục đăng ký thuận lợi, minh bạch, bao gồm việc phải có cơ sở dữ liệu điện tử về đơn nhãn hiệu đã được công bố và nhãn hiệu đã được đăng ký để công chúng tiếp cận, đồng thời cho phép chấm dứt hiệu lực nhãn hiệu đã đăng ký nhưng không sử dụng một cách thực sự trong vòng 5 năm.

– Về thực thi: Hiệp định có quy định về biện pháp kiểm soát tại biên giới đối với hàng xuất khẩu nghi ngờ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

-Tối huệ quốc (MFN)

Cam kết về nguyên tắc tối huệ quốc trong Hiệp định này đảm bảo dành cho các tổ chức, cá nhân của EU được hưởng những lợi ích về tiêu chuẩn bảo hộ cao không chỉ với các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ theo Hiệp định của WTO về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPs) mà còn cả các đối tượng khác của quyền sở hữu trí tuệ trong các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia (như Hiệp định CPTPP).

-Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN)

Quy định về DNNN trong Hiệp định EVFTA nhằm tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Cam kết cũng tính đến vai trò quan trọng của các DNNN trong việc thực hiện các mục tiêu chính sách công, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an ninh – quốc phòng. Bởi vậy, Hiệp định EVFTA chỉ điều chỉnh hoạt động thương mại của các doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu hoặc kiểm soát và doanh nghiệp độc quyền có quy mô hoạt động thương mại đủ lớn đến mức có ý nghĩa trong cạnh tranh.

Các nghĩa vụ chính của Chương DNNN là: (i) hoạt động theo cơ chế thị trường, nghĩa là doanh nghiệp có quyền tự quyết định trong hoạt động kinh doanh và không có sự can thiệp hành chính của Nhà nước, ngoại trừ trường hợp thực hiện mục tiêu chính sách công; (ii) không có sự phân biệt đối xử trong mua bán hàng hóa, dịch vụ đối với những ngành, lĩnh vực đã mở cửa; (iii) minh bạch hóa các thông tin cơ bản của doanh nghiệp phù hợp với quy định của pháp luật về doanh nghiệp.

-Thương mại điện tử

Để phát triển thương mại điện tử giữa Việt Nam và EU, hai bên cam kết không đánh thuế nhập khẩu đối với giao dịch điện tử. Hai bên cũng cam kết hợp tác thông qua việc duy trì đối thoại về các vấn đề quản lý được đặt ra trong thương mại điện tử, bao gồm:

– Trách nhiệm của các nhà cung cấp dịch vụ trung gian trong việc truyền dẫn hay lưu trữ thông tin;

– Ứng xử với các hình thức liên lạc điện tử trong thương mại không được sự cho phép của người nhận (như thư điện tử chào hàng, quảng cáo…);

– Bảo vệ người tiêu dùng khi tham gia giao dịch điện tử.

Hai bên cũng sẽ hợp tác trao đổi thông tin về quy định pháp luật trong nước và các vấn đề thực thi liên quan.

-Minh bạch hóa

Xuất phát từ thực tiễn môi trường pháp lý trong nước có ảnh hưởng lớn đến thương mại, Hiệp định EVFTA dành một chương riêng về minh bạch hóa với các yêu cầu chung nhất để đảm bảo một môi trường pháp lý hiệu quả và có thể dự đoán được cho các chủ thể kinh tế, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

-Thương mại và phát triển bền vững

Hai bên khẳng định cam kết theo đuổi phát triển bền vững, bao gồm phát triển kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường. Về vấn đề lao động, với tư cách là thành viên của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), hai bên cam kết tôn trọng, thúc đẩy và thực hiện Tuyên bố 1998 của ILO về những nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động, bao gồm việc thúc đẩy phê chuẩn và thực thi có hiệu quả các Công ước cơ bản của ILO. Ngoài ra, hai bên cũng nhất trí tăng cường hợp tác thông qua cơ chế chia sẻ thông tin và kinh nghiệm về thúc đẩy việc phê chuẩn và thực thi các công ước về lao động và môi trường trong một số lĩnh vực như biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học, quản lý rừng bền vững và thương mại lâm sản…

-Hiệp định IPA

Hai bên cam kết sẽ dành đối xử quốc gia và đối xử tối huệ quốc với đầu tư của nhà đầu tư của Bên kia, với một số ngoại lệ, cũng như sự đối xử công bằng, thỏa đáng, bảo hộ an toàn và đầy đủ, cho phép tự do chuyển vốn và lợi nhuận từ đầu tư ra nước ngoài, cam kết không trưng thu, quốc hữu hóa tài sản của nhà đầu tư mà không có bồi thường thỏa đáng, cam kết bồi thường thiệt hại phù hợp cho nhà đầu tư của bên kia tương tự như nhà đầu tư trong nước hoặc của bên thứ ba trong trường hợp bị thiệt hại do chiến tranh, bạo loạn, v.v…

Trong trường hợp có tranh chấp phát sinh giữa một Bên và nhà đầu tư của Bên kia, hai bên thống nhất ưu tiên giải quyết tranh chấp một cách thiện chí thông qua đàm phán và hòa giải. Trong trường hợp không thể giải quyết tranh chấp thông quan tham vấn và hòa giải thì mới sử dụng đến cơ chế giải quyết tranh chấp được quy định cụ thể trong Hiệp định này.

-Thương mại dịch vụ và đầu tư

Cam kết của Việt Nam và EU về thương mại dịch vụ đầu tư nhằm tạo ra một môi trường đầu tư cởi mở, thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp hai bên. Cam kết của Việt Nam có đi xa hơn cam kết trong WTO. Cam kết của EU cao hơn trong cam kết trong WTO và tương đương với mức cam kết cao nhất của EU trong những Hiệp định FTA gần đây của EU.

Các lĩnh vực mà Việt Nam cam kết thuận lợi cho các nhà đầu tư EU gồm một số dịch vụ chuyên môn, dịch vụ tài chính, dịch vụ viễn thông, dịch vụ vận tải, dịch vụ phân phối. Hai bên cũng đưa ra cam kết về đối xử quốc gia trong lĩnh vực đầu tư, đồng thời thảo luận về nội dung giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và nhà nước.

-Một số nét chính trong các cam kết một số ngành dịch vụ như sau:

– Dịch vụ ngân hàng: Trong vòng 05 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, Việt Nam cam kết sẽ xem xét thuận lợi việc cho phép các tổ chức tín dụng EU nâng mức nắm giữ của phía nước ngoài lên 49% vốn điều lệ trong 02 ngân hàng thương mại cổ phần của Việt Nam. Tuy nhiên, cam kết này không áp dụng với 04 ngân hàng thương mại cổ phần mà nhà nước đang nắm cổ phần chi phối là BIDV, Vietinbank, Vietcombank và Agribank.

-Dịch vụ bảo hiểm: Việt Nam cam kết cho phép nhượng tái bảo hiểm qua biên giới, cam kết dịch vụ bảo hiểm y tế tự nguyện theo luật Việt Nam. Riêng đối với yêu cầu cho phép thành lập chi nhánh công ty tái bảo hiểm, ta chỉ cho phép sau một giai đoạn quá độ.

– Dịch vụ viễn thông: Ta chấp nhận mức cam kết tương đương trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Đặc biệt đối với dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng không có hạ tầng mạng, ta cho phép EU được lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài sau một giai đoạn quá độ.

– Dịch vụ phân phối: Ta đồng ý bỏ yêu cầu kiểm tra nhu cầu kinh tế sau 05 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, tuy nhiên ta bảo lưu quyền thực hiện quy hoạch hệ thống phân phối trên cơ sở không phân biệt đối xử.

Ta cũng đồng ý không phân biệt đối xử trong sản xuất, nhập khẩu và phân phối rượu, cho phép các doanh nghiệp EU được bảo lưu điều kiện hoạt động theo các giấy phép hiện hành và chỉ cần một giấy phép để thực hiện các hoạt động nhập khẩu, phân phối, bán buôn và bán lẻ.

-Mua sắm của Chính phủ

Việt Nam và EU thống nhất các nội dung tương đương với Hiệp định mua sắm của Chính phủ (GPA) của WTO. Với một số nghĩa vụ như đấu thầu qua mạng, thiết lập cổng thông tin điện tử để đăng tải thông tin đấu thầu, v.v,

Việt Nam có lộ trình để thực hiện. EU cũng cam kết dành hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam để thực thi các nghĩa vụ này. Về diện cam kết, ta cam kết mở cửa mua sắm của các Bộ, ngành trung ương, một số đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng (đối với các hàng hóa và dịch vụ mua sắm thông thường không phục vụ mục tiêu an ninh – quốc phòng), thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Tập đoàn điện lực Việt Nam, Tổng công ty đường sắt Việt Nam, 34 bệnh viện thuộc Bộ Y tế, Đại học quốc gia Hà Nội, Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và một số Viện thuộc trung ương. Về ngưỡng mở cửa thị trường, ta có lộ trình 15 năm để mở cửa dần các hoạt động mua sắm. Việt Nam bảo lưu có thời hạn quyền dành riêng một tỷ lệ nhất định giá trị các gói thầu cho nhà thầu, hàng hóa, dịch vụ và lao động trong nước trong vòng 18 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.

Đối với dược phẩm, Việt Nam cam kết cho phép các doanh nghiệp EU được tham gia đấu thầu mua sắm dược phẩm của Bộ Y tế và bệnh viện công trực thuộc Bộ Y tế với một số điều kiện và lộ trình nhất định.

-Doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội, nâng cao năng lực cạnh tranh

Nắm vững các nội dung EVFTA có liên quan đến sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp, phân tích SWOT (Mạnh-Yếu-Cơ hội-Thách thức). Xây dựng chương trình hành động, nghiên cứu thị trường EU. Hợp tác với doanh nghiệp, Viện, Trường để triển khai Chương trình hành động, đầu tư vào khoa học-công nghệ, xây dựng thương hiệu, nâng cao nguồn nhân lực…

Hợp tác với các đối tác EU, tham gia chuỗi giá trị, tiến tới hợp tác dài hạn ổn định.

-TÁC ĐỘNG CỦA DỊCH BỆNH COVID-19: TRONG “NGUY” LUÔN CÓ “CƠ” CHO DOANH NGHIỆP

Theo TS Lê Đăng Doanh, dịch bệnh đang làm kinh tế Việt Nam bị thiệt hại nhiều mặt, nhất là các ngành hàng xuất nhập khẩu, dệt may, da giày, đồ gỗ, du lịch, hàng không, đường sắt… Chuỗi giá trị bị đứt gãy khi nguyên phụ liệu đầu vào từ Trung Quốc.

Không chỉ Trung Quốc, những đối tác lớn của Việt Nam là Nhật Bản, Hàn Quốc… hiện nay cũng đang bị dịch Covid-19 ảnh hưởng, nên doanh nghiệp Việt Nam ‘lãnh đủ”.

Tiêu biểu như ngành dệt may, có đến 60% các linh kiện từ vải đến cái cúc áo, sợi chỉ, cây kim… đều nhập từ Trung Quốc

“Doanh nghiệp Trung Quốc cung ứng giá rẻ, nhanh, linh hoạt… cho doanh nghiệp Việt. Khi mất thị trường này, ngành dệt may trở thành một trong những ngành nhiều rủi ro ngất. Dự báo cuối tháng 3 này nhiều đơn vị ngành may sẽ hết vật tư nguyên liệu sản xuất”, TS Doanh nhận định.

Từ đây, TS Doanh cho rằng, doanh nghiệp phải thay đổi, tái cơ cấu sản xuất, tìm thêm thị trường, tìm nguồn nguyên liệu mới, đối tác mới, tránh “bỏ trứng cùng một giỏ”. Bên cạnh đó, cũng cần chuyển sang số hóa, thương mại điện tử…

“Như doanh nhân Kao Siêu Lực với bánh mì thanh long, bánh mì thanh long nhân sầu riêng không chỉ là chia sẻ, giải cứu nông sản mà có thể tạo ra sản phẩm đạt chuẩn để xuất khẩu”, TS Lê Đăng Doanh nói.

Mới đây, cũng tại TPHCM, bạn trẻ Lê Duy Toàn, giám đốc công ty thực phẩm Duy Anh cũng từ cuộc “giải cứu” thanh long, dưa hấu mà đưa ra thị trường nhiều dòng sản phẩm, bún, bánh tráng, phở… từ thanh long, dưa hấu. Những sản phẩm này đã xuất sang nhiều thị trường khó tính ở Hàn Quốc, Nhật Bản.  Có thể nói, từ những “nguy” trong kinh tế nhưng nếu doanh nghiệp biết đầu tư, kiên trì, sáng tạo sẽ tìm ra cho mình những “cơ hội” để phát triển đột phá một cách mạnh mẽ trong mùa dịch bệnh.

Theo TS Doanh, Chính phủ cần những giải pháp trong ngắn hạn để hỗ trợ doanh nghiệp trong lúc khó khăn này, như giảm lãi suất ngân hàng, giãn nộp thuế, hỗ trợ một số ngành đang gặp khó khăn nhất…

Có mặt tại chương trình, bà Trần Thị Giang Thủy, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư thương mại Thái Bình,  thông tin: Công ty có hai mảng kinh doanh chính là thương mại xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Cuba và đầu tư nhà máy sản xuất tại Cuba.

Đối với lĩnh vực kinh doanh thương mại, công ty chưa chịu tác động lớn vì hàng hóa đầu vào không mua từ Trung Quốc mà mua từ hơn 200 doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam và các thị trường khác như Braxin, Mexico, Hàn Quốc, Indonesia…

Tuy vậy, công ty vẫn bị ảnh hưởng như việc giao hàng chậm từ các đơn vị sản xuất có nguyên vật liệu đầu vào xuất xứ Trung Quốc. Riêng với nhà máy sản xuất tả lót và băng vệ sinh tại Cuba chịu tác động rất lớn vì 50% nguyên vật liệu sản xuất có xuất xứ từ Trung Quốc.

Còn bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN HVNCLC, cho hay, Hội đã làm việc với nhiều doanh nghiệp thành viên để nắm rõ tình hình của doanh nghiệp, từ đó có những biện pháp, kiến nghị với các cơ quan chức năng.

“Đến làm việc tại công ty nhựa Duy Tân, lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết không mua nguyên liệu từ Trung Quốc mà nhập từ Hàn Quốc và một số thị trường khác nên chưa bị ảnh hưởng từ dịch bệnh. Nhưng đến giờ, Hàn Quốc cũng đang bị tác động mạnh từ dịch nên đơn vị này đang rất lo”, bà Hạnh nói.

Tác động từ dịch bệnh không chỉ là thiếu nguyên liệu, đơn hàng cho sản xuất mà cả đầu ra cũng ảnh hưởng khi nhu cầu trên thị trường sụt giảm mạnh.

Bà Vũ Kim Hạnh, cho biết thêm, tới đây sẽ tổ chức những buổi gặp gỡ giữa các doanh nghiệp, để các doanh nghiệp lớn chia sẻ cho doanh nghiệp nhỏ, người khởi nghiệp kinh nghiệm, kết nối, tìm giải pháp ứng phó.