Đại dịch COVID19 với các biến thể khác nhau đã gây ra thiệt hại to lớn cho nước ta. Trong đó, đại dịch cũng gây thiệt hai nặng nề cho cộng đồng doanh nghiệp và lực lượng lao động làm công ăn lương. Thiệt hại kinh tế ước lên tới 37 tỷ USD, nhưng đáng chú ý là nông nghiệp đã vững vàng phát huy vai trò bệ đỡ của nền kinh tế trong khi các ngành nhà hàng, khách sạn, hàng không… bị thiệt hại nặng nhất. Đại dịch còn làm đứt gãy các chuỗi giá trị, tác động mạnh đến các ngành công nghiệp phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên, phụ liệu từ bên ngoài.
Điều đáng mừng là xuất khẩu vẫn tăng, chủ trương đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế đã phát huy tác dụng tích cực, đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục vào Việt Nam và chưa có doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nào dời bỏ vị trí của họ ở nước ta.
Chính phủ đã có những gói cứu trợ đầu tiên nhưng quy mô quá nhỏ, việc triển khai còn chậm vì những thủ tục hành chính, giấy tờ, chứng từ phiền phức nên chưa kịp thời bao quát đầy đủ các đối tượng rất cần được giúp đỡ. Dịch bệnh cũng tăng cường tình đoàn kết, tương trợ của đồng bào cả nước, lực lượng y tế cả nước đã đến những điểm nóng để cứu chữa với tinh thần làm việc quên mình, hy sinh cao cả. Bây giờ là thời điểm để kịp thời có gói cứu trợ đủ mạnh để phục hồi nền kinh tế.
Phục hồi kinh tế đòi hỏi những nỗ lực lớn, toàn diện để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, cải cách thể chế, tái cơ cấu nền kinh tế, thực hiện có hiệu quả chuyển đổi số và Cách mạng công nghiệp 4.0.
Đại dịch đã làm thay đổi nhu cầu tiêu dùng, thói quen của người dân trên thế giới, thương mại điện tử, mua hàng qua mạng đã làm giảm số người đi siêu thị. Du lịch trên những du thuyền xa hoa nhiều tháng trên biển nay đã vắng khách vì nguy cơ bị lây lan dịch bệnh.
Cái gì đúng cho ngày hôm qua có thể không còn thích hợp đối với ngày hôm nay và ngày mai, cải cách, tái cơ cấu cho phù hợp với thay đổi của thế giới là đòi hỏi đối với mỗi người chúng ta. Khám bệnh qua mạng đã phát triển mạnh, chính phủ điện tử, công dân số, xã hội số… đã hình thành và đang tiếp tục phát triển năng động. Chúng ta phải nắm bắt các xu hướng đó, chủ động cải cách, tái cơ cấu và chuyển đổi số để không bị tụt hậu.
Đã xuất hiện những điển hình tích cực kết nối trang trại với khách hàng, siêu thị, kết nối doanh nghiệp với khách hàng qua biên giới. Song, thách thức kết nối 800.000 doanh nghiệp tư nhân, 5 triệu hộ gia đình kinh doanh ở các thành phố và 5 triệu hộ nông dân là rất lớn, đòi hỏi sự vào cuộc của tất cả các ngành, các cấp, sự trợ giúp của nhà nước đối với các doanh nhân. Kết nối, chuyển đổi số phải là mệnh lệnh thôi thúc hành động thiết thực, hiệu quả để không bị tụt hậu so với các nền kinh tế trong khu vực và thế giới.
Nếu thực hiện có kết quả ngăn chặn dịch bệnh và chuyển đổi toàn diện, có hiệu quả, hồi phục kinh tế có thể theo hình chữ U, bị giảm sút trong đại dịch, không dừng lại dưới đáy quá lâu và hồi phục, tăng trưởng GDP năm 2021 có thể đạt 2,1-2,2% và năm 2022 có thể hướng tới mục tiêu tăng trưởng GDP 5 – 6%.
Ngoài ra cần nâng cao giá trị gia tăng trong các sản phẩm công nghiệp, sản phẩm xuất khẩu, nâng cao tỷ lệ chế biến, chế tác các sản phẩm nông lâm thủy hải sản. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đẩy mạnh cải cách thể chế, thực hiện công khai minh bạch trong hoạt động của bộ máy quản lý, nhất là công khai thu – chi ngân sách, ngăn chặn tệ nạn lãng phí, lạm dụng công quỹ.
VAI TRÒ CỦA CEO
Để thực hiện những thay đổi bước ngoặt, có tính chất nhảy vọt như vậy, vai trò của CEO có vai trò quyết định. CEO cần tập hợp những chuyên gia cần thiết để phân tích nhu cầu đã thay đổi của nền kinh tế, phát hiện những yêu cầu và cơ hội mới, làm rõ mặt mạnh, yếu cơ hội và thách thức của doanh nghiệp và có chương trình hành động. Phải có chiến lược thu hút người tài, mạnh dạn chấp nhận những cái mới để chuyển mạnh sang kinh tế số, chính phủ điện tử và kết nối xuyên biên giới. Điều quan trọng là phải dám nghĩ, dám làm, dám chấp nhận từ bỏ những cái cũ lỗi thời, mạnh dạn thử nghiệm cái mới và thay đổi để đi đến thành công.
NGÂN HÀ ghi