Trước khi về Việt Nam, tôi nghĩ rằng, việc số hóa đang gặp khó khăn ở vấn đề chi phí. Nhưng sau thời gian tìm hiểu, tôi nhận ra rằng, chi phí đầu tư không phải là vấn đề lớn!
Tiến sĩ trẻ Lương Vũ Ngọc Duy, Giám đốc điều hành Zara Yerntex Co. Ltd, đồng thời là Phó giám đốc chương trình thạc sĩ – Viện John von Neumann chia sẻ như vậy tại chương trình ăn trưa làm việc do Câu lạc bộ doanh nghiệp dẫn đầu LBC tổ chức cuối tuần qua.
Với chủ đề “Doanh nghiệp làm gì để số hóa thành công”, chương trình đã thu hút hơn 30 lãnh đạo các doanh nghiệp là thành viên LBC và doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao.
Tại đây, tiến sĩ trẻ Lương Vũ Ngọc Duy, Giám đốc điều hành Zara Yerntex Co. Ltd, đồng thời là Phó giám đốc chương trình thạc sĩ – Viện John von Neumann đã chia sẻ nhiều nội dung liên quan đến chuyển đổi số.
Tiến sĩ Lương Vũ Ngọc Duy nói: Toàn cầu hóa hiện nay tỉ lệ lợi nhuận thấp, đòi hỏi các doanh nghiệp phải tối ưu hóa hoạt động sản xuất bằng cách số hóa chính lĩnh vực sản xuất kinh doanh của mình.
Với doanh nghiệp, nếu vận dụng và trang bị về chuyển đổi số sẽ cho ra những thông tin hữu ích cho việc hoạch định kế hoạch kinh doanh, bán hàng, thị trường. Và đặc biệt, những dữ liệu kinh doanh, qua công nghệ số sẽ dự báo một cách khoa học, chính xác những vấn đề thị trường cho doanh nghiệp…
Ngoài đảm nhiệm giám đốc điều hành Zara Yertex Co. Ltd, chương trình thạc sĩ – Viện John von Neumann, Lương Vũ Ngọc Duy còn kiêm luôn việc “phụ giúp” doanh nghiệp gia đình mình về chuyển đổi số trong ngành sợi, vải.
Theo anh Ngọc Duy, công ty về sợi của gia đình làm theo cách truyền thống, nên phải mất nhiều thời gian thuyết phục cha mẹ cho áp dụng chuyển đổi số. Sau khi cha mẹ đồng ý, Ngọc Duy yêu bắt đầu thống kê dữ liệu về chất lượng, sản lượng… sau đó tìm những điểm còn thiếu xót để tối ưu hóa, lắp đặt những cảm biến trong các dây chuyền sản xuất để thu về những dữ liệu cần thiết cho công việc…
“Trước khi về Việt Nam, tôi nghĩ rằng, việc số hóa đang gặp khó khăn ở vấn đề chi phí đầu tư và sử dụng các thiết bị công nghệ, kỹ thuật… phục vụ cho việc sản xuất kinh doanh còn cao”, anh Duy nói.
Nhưng sau thời gian tìm hiểu, vị tiến sĩ trẻ này nhận ra rằng, chi phí đầu tư không phải là vấn đề lớn. Bởi với sự phát triển không ngừng của khoa học kỹ thuật, công nghệ, chi phí đầu tư thiết bị ngày càng rẻ hơn.
“Khi nói chuyện với đối tác, bạn bè làm trong kinh doanh, đa phần cho rằng, nếu đầu tư vào thiết bị, công nghệ chuyển đổi số, việc sử dụng như thế nào mới là điều quan trọng”.
Theo Ngọc Duy, đây là những vấn đề về tư duy của người lãnh đạo, nói lên thực tế Việt Nam đang thiếu hụt nhân lực cho chuyển đổi số, nhất là về phân tích dữ liệu trong sản xuất kinh doanh.
“Nhiều khi các chủ doanh nghiệp biết, hoặc có kế hoạch cho số hóa, nhưng để tìm được nhân lực để hiện thực hóa ý tưởng đó thì rất khó khăn”, đó là thực tế tại Việt Nam, Ngọc Duy cho hay.
Để khắc phục điều này, theo anh Duy, người lãnh đạo cần mạnh dạn đẩy mạnh, khuyến khích những ý tưởng của người trẻ.
Mặt khác cần có sự chuyên môn hóa về phân tích dữ liệu tại các doanh nghiệp để phân tích, tìm hiểu thông tin phục vụ lợi ích việc chuyển đổi số.
Trần Quỳnh