TS Nguyễn Văn Kiền (trái) và anh Tư lúa mùa ở Châu Thành, Kiên Giang.
Suốt thời gian giãn cách xã hội trong hai năm Covid, từ Úc TS Nguyễn Văn Kiền – nhà sáng lập kiêm Giám đốc Mekong Organics – đã tổ chức 61 phiên học (3 giờ/buổi) về sản xuất, chứng nhận, thương mại nông sản phẩm hữu cơ cho nông dân, hợp tác xã, startup… qua Zoom.
– Lần này về nước ông nhận thấy gì từ những học viên vượt qua những trở ngại để được học về nền nông nghiệp hữu cơ (NNHC)?
– 620 người tham gia, trong đó có 260 học viên chính thức. Chúng tôi cũng đã tổ chức bốn diễn đàn kết nối giao thương cho doanh nghiệp Việt Nam & Úc mua bán nông sản phẩm hữu cơ qua nền tảng Zoom. Khi về Việt Nam, tôi rất mừng khi chứng kiến nhiều học viên có cái nhìn khá toàn diện về NNHC như HTX Tấn Đạt (Vũng Liêm, Vĩnh Long), Trang trại Ếch Ộp (Long Xuyên, An Giang), Lúa Mùa Tư Việt (Làng Cù Là, Kiên Giang), HTX Trí Lực (Thới Bình, Cà Mau), Abavina ở Cần Thơ, Rơm Vàng ở Hội An, hệ thống PGS hữu cơ Lương Sơn – Hòa Bình đang phát triển lúa hữu cơ rất tốt.
– Mekong Organics Platform cũng có những thay đổi để thúc đẩy đào tạo nhân lực?
– Mekong Organics Platform thành lập năm 2017 trên nền tảng web, ban đầu mục đích kết nối, chia sẻ thông tin về NNHC giữa Úc – Việt cũng như với các nước khu vực Mekong. Tới năm 2019, khi tín hiệu tốt, được nhiều người ủng hộ thì Công ty TNHH Mekong Organics ra đời, có trụ sở tại Canberra (Úc) do tôi làm Giám đốc.
Với sự tài trợ của chính phủ Úc, dự án “Thúc đẩy chứng nhận thương mại thực phẩm hữu cơ giữa Australia và Việt Nam” được Mekong Organics thực hiện từ tháng 7/2021 đến tháng 6/2022, gồm 3 phần: đào tạo (OFPCT), diễn đàn hợp tác thương mại hữu cơ Việt- Úc (AVOFT) và diễn đàn thương mại trực tuyến (AVOBT). Dự án đã mở ra cơ hội thay đổi tư duy canh tác, gia tăng chất xám, tạo nền móng vững chãi cho hệ sinh thái NNHC ở Việt Nam.
Dự án sẽ tiến hành đào tạo cho ngành NNHC Việt Nam, với dự kiến ban đầu là 200 thành viên tham gia, gồm: nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp, nhân viên chính phủ, hiệp hội và phụ nữ ở Việt Nam về sản xuất, chứng nhận và thương mại thực phẩm hữu cơ sử dụng kinh nghiệm từ ngành nông nghiệp hữu cơ Úc và Việt Nam, với mục đích mở rộng thương mại song phương trong lĩnh vực này. Với 37 phiên học trực tuyến, bốn diễn đàn thương mại hữu cơ Úc-Việt với 24 doanh nghiệp từ hai nước tham dự. Khóa học cũng nghiên cứu 24 trường hợp điển hình thực tế đi sâu vào kỹ thuật canh tác hữu cơ, chứng nhận hữu cơ, chế biến, tiếp thị và kinh doanh quốc tế thực phẩm hữu cơ do chuyên gia hai nước trình bày..
Quá bất ngờ, khi triển khai thực tế thì lượng học viên lên con số 620 người và hơn 20.000 lượt xem trên Youtube: Mekong Organics, và hàng chục ngàn người like và xem trên trang fan page của Mekong Organics.

TS Nguyễn Văn Kiền

– So với Úc, thách thức nào từ thực trạng sản xuất hữu cơ ở Việt Nam?
– Theo tôi, thách thức lớn nhất hiện nay là chúng ta chưa xây dựng được hệ sinh thái cho ngành NNHC tại Việt Nam đủ mạnh. NNHC không chỉ hiểu là kỹ thuật nuôi trồng hay dùng phân hữu cơ thay phân hóa học mà là một chuỗi, một hệ thống cả một ngành hàng. Ở Úc người ta gọi là Organic Agriculture Industry (ngành công nghiệp nông nghiệp hữu cơ), có sản xuất – chế biến – thị trường- phân phối- tiêu thụ, cũng như có công nghiệp phụ trợ, yếu tố đầu vào, tiêu chuẩn đánh giá… Tiêu chuẩn, hệ thống chứng nhận của Việt Nam còn chưa theo kịp thế giới, chưa được thế giới công nhận tương đồng. Nền nông nghiệp chúng ta đã áp dụng nông nghiệp hóa chất một thời gian rất dài. Nhiều người dân tôi gặp hoặc trao đổi qua mạng xã hội còn nhận thức khá mơ hồ về NNHC. Người sản xuất còn ít tiếp cận được với NNHC. Tôi đi gặp nhiều nơi, có khi họ “khoe” mình có chứng nhận VietGAP, bón chút đỉnh phân hữu cơ là đã làm nông hữu cơ rồi! Đây là một sự nhầm lẫn!
– Làm thế nào để sản xuất hữu cơ trở thành sự minh chứng cho chuyển đổi?
– Việt Nam có Nghị định của Chính phủ về kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh… Tại COP26, Việt Nam cam kết giảm phát thải ròng về bằng 0 vào năm 2050, giảm 30% lượng phát thải khí metan gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030. Các mô hình kinh tế, tư duy đổi mới này sẽ giúp Việt Nam đạt được các cam kết của mình.Điều quan trọng nhất là từ ý tưởng phải đi đến các hành động thật cụ thể và xuyên suốt.
Để sản xuất hữu cơ trở thành sự minh chứng chuyển đổi, cần tập trung vấn đề sau: 1/Xây dựng được hệ sinh thái NNHC; 2/Có các cơ chế chính sách cụ thể hỗ trợ cho sản xuất hữu cơ (đặc biệt là hỗ trợ người sản xuất trong giai đoạn chuyển đổi); 3/Hỗ trợ ngành công nghiệp phụ trợ/đầu vào; 4/ Sản xuất hữu cơ bắt buộc phải theo tiêu chuẩn; 5/ Đào tạo về kiến thức, kỹ năng, nhận thức cho cả người sản xuất, bên tiêu thụ như Doanh nghiệp, và cả nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng nữa.
Con người hiểu về hữu cơ là yếu tố rất quan trọng chuyển đổi NNHC, nhưng nguồn lực này còn khiêm tốn. Ở Úc, để hiểu thị trường, Liên đoàn Quốc tế về NNHC – IFOAM (International Federation of Organic Agriculture Movements) có báo cáo các nghiên cứu về hiện trạng sản xuất và thương mại sản phẩm NNHC thường niên. Từ đó, nhà sản xuất và nhà nhập khẩu, phân phối hình dung được “cái bánh” NNHC. Có những công ty như Australian Organic Limited hay các Hiệp hội nghiên cứu về nông nghiệp bền vững Úc, như NASAA thực hiện các nghiên cứu thị trường cho ngành NNHC Úc. Các kết quả nghiên cứu được thương mại hóa đến mọi người có nhu cầu.Năm 2019, tôi có mua quyển ebook về NNHC ở Úc giá 2000 đô la Úc để tham khảo.
Ở Việt Nam, nhiều người muốn học nhưng không biết học ở đâu.Câu chuyện đào tạo nguồn nhân lực là cấp bách nhất. Hiện nay, mọi người nói về chuyển đổi số – công cụ giúp giảm lao động, minh bạch hóa quy trình sản xuất, lưu trữ, chia sẻ thông tin đến người tiêu dùng dễ dàng hơn. Tuy nhiên, đối với nhà nông, việc áp dụng công nghệ số cần phải đào tạo thật công phu thì họ mới làm được.
– Dự án của Mekong Organics trong tương lai sẽ như thế nào?
– Hiện nay, các viện, trường cũng như một số Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ở các tỉnh ĐBSCL đặt vấn đề đào tạo nguồn lực nông nghiệp hữu cơ cho địa phương họ, và kết nối với thị trường Úc và Âu châu.
Trước mắt, chúng tôi giúp phát triển các dự án điển hình như xây dựng đề án phát triển mô hình làng hữu cơ ở xã Trí Lực (huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau), xây dựng khu thực nghiệm, vườn rau hữu cơ ở Đại học Đồng Tháp; xây dựng đề án bảo tồn sếu đầu đỏ gắn với NNHC tại Vườn Quốc gia Tràm Chim -Đồng Tháp; đào tạo 10 hộ nông dân trồng rau hữu cơ (Châu Thành, Kiên Giang); phát triển nhân rộng NNHC cho TP Hội An, đào tạo nhân lực cho khoa Nông nghiệp – ĐH Bạc Liêu, ĐH Nông Lâm – Huế, Sở NN &PTNT tỉnh An Giang… Mekong Organics đang xem xét đánh giá sắp xếp thứ tự ưu tiên theo lộ trình để tham gia các chương trình mà địa phương đã đề nghị.
Ở Úc nhiều nhà nông sản xuất nông sản phẩm hữu cơ theo đơn đặt hàng của các siêu thị, của các nhà phân phối. Người nông dân Úc trồng rau hữu cơ tại địa phương (local) tự xây dựng được lượng khách hàng thường xuyên tại khu vực, từng luống rau theo đơn đặt hàng của thân chủ. Ví dụ ông bạn Peter Randall của tôi, trồng được vài trăm tấn lúa hữu cơ/năm, nhưng chỉ 1 DN tại Melbourne đặt hàng ông 1-2 ngàn tấn gạo hữu cơ để làm thực phẩm cho trẻ em.
Người dân có thói quen trồng rau tại vườn nhà hoặc tại cộng đồng hữu cơ – ở đó người dân được chia sẻ kiến thức và sản phẩm họ làm ra, không cần phải chứng nhận gì cả. Họ phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm hữu cơ rất đa dạng, có phiên chợ cuối tuần (chợ farm) để người mua và người bán có dịp trao đổi với nhau về sản phẩm mình làm ra, từ đó tăng lòng tin với nhau và trở thành sợi dây kết nối hoàn hảo. Nhiều người tiêu dùng đến thăm các trang trại của nông dân làm hữu cơ và trải nghiệm tại chỗ.Các siêu thị trưng bày riêng một góc hàng hữu cơ, các cửa hàng bán lẻ, các cửa hàng cà phê, chợ cuối tuần ở Úc phát triển rất mạnh. Dọc trên các con đường đại lộ, có các cửa hàng/ điểm dừng chân chuyên bán thức ăn nhanh organic. Sản phẩm hữu cơ được tiêu thụ nhiều hơn, giá mặt hàng hữu cơ ít biến động, trong khi giá các mặt hàng không chứng nhận luôn dao động. Nhu cầu của người dân Úc đối với các sản phẩm hữu cơ đang tăng mạnh với doanh số đạt trên 1,9 tỷ USD tại thị trường nội địa.
Ngọc Bích – Vân Anh (TGHN)