Trong khi hai nước Mỹ – Trung Quốc (TQ) xảy ra xung đột thương mại, những chuyên gia nghiên cứu của Việt Nam (VN) về 2 nước lại quá ít.
Trong buổi sinh hoạt mới đây với câu lạc bộ Doanh nghiệp dẫn đầu – LBC, tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh – Giám đốc Nghiên cứu chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng cho rằng: Trong khi hai nước Mỹ – Trung Quốc (TQ) xảy ra xung đột thương mại, những chuyên gia nghiên cứu của Việt Nam (VN) về 2 nước lại quá ít. Những chuyên gia VN biết về TQ cơ bản là qua báo chí, VN chưa có những kênh trực tiếp nói chuyện một cách bình đẳng với giới phân tích, hay các doanh nghiệp TQ…
Nói về cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ – TQ, tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh cho rằng, đây là sự va chạm tất yếu xảy ra giữa một cường quốc đang lên, muốn khẳng định vị thế của mình với một thế lực đã thống trị thế giới trong thời gian dài.
Đại chiến lược tìm vị thế số 1 của Trung Quốc
Theo tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, TQ có một đại chiến lược để tìm lại vị trí của mình trên trường quốc tế. Thể hiện ở nhiều mặt khác nhau.
Về mặt tiền tệ, TQ cố gắng để đồng nhân dân tệ trở thành đồng dự trữ quốc tế và sau đó trở thành đồng tiền có khả năng chuyển đổi.
Về chính sách, TQ đã thiết lập khoảng 500 tỉ USD với khoảng 30 ngân hàng Trung ương, điều này thách thức vai trò của IMF.
Dẫn chứng điều này, ông Vũ Thành Tự Anh nói:
“Trước đây vài năm, khi Pakistan xảy ra vấn đề, IMF chưa kịp làm gì thì TQ đã cung cấp gói 900 triệu USD cứu Pakistan”.
“Hay ngân hàng phát triển cơ sở hạ tầng châu Á, đó cũng hệ thống tài chính mới, là thách thức nhiều vị thế tài chính trước đây”.
Về địa chính trị, TQ vạch ra con đường tơ lụa của thế kỷ mới, đó là cuộc chơi do TQ sắp đặt để tạo ra địa vị về kinh tế.
Về mặt công nghệ, TQ có chương trình Made in China 2025. Đó là một tính toán lâu dài giữa TQ và các nền công nghiệp hàng đầu, qua đó đưa TQ trở thành một trong những quốc gia sáng tạo và sở hữu công nghệ mới nhất.
Có thể nói, TQ hiện nay không phải là người chấp nhận cuộc chơi mà họ là người thiết lập cuộc chơi.
Tổng kết lại, ông Vũ Thành Tự Anh cho rằng, gần như trong tất cả các lĩnh vực, TQ đều có những đại chiến lược trong lỗ lực cạnh tranh với Hoa Kỳ và phương Tây.
Chiến tranh thương mại là chỉ là “khúc dạo đầu”?
“Nếu những nhìn nhận trên đây là đúng thì cuộc chiến thương mại này chỉ là bước dạo đầu và là một phần trong toàn bộ cuộc đối đầu giữa TQ – Mỹ”, ông Vũ Thành Tự Anh nói.
“Nên các cuộc chiến này sẽ còn diễn biến cực kỳ phức tạp, cam go. Và VN đứng trước thách thức vô cùng lớn”.
Vị thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng cho rằng, thực tế, khi Mỹ áp thuế lên 250 tỉ USD hàng nhập khẩu từ TQ, trong số đó, các mặt hàng ảnh hưởng đến Việt Nam chỉ hơn 13 tỉ USD. Đó là khoản tiền không ít cũng chưa nhiều.
“Nếu nhìn ở một đại chiến lược, khi có xung đột Biển Đông, nơi là sân sau của TQ và là mặt tiền của VN, chuyện gì sẽ ảnh hưởng đến kinh tế, thương mại, và an ninh quốc phòng của Việt Nam?”, ông Tự Anh đặt câu hỏi.
Khi xung đột leo thang về thương mại, sẽ ảnh hưởng toàn diện đến kinh tế Việt Nam. Vì nhìn vào hoạt động thương mại, TQ và Mỹ là hai quốc gia chiếm hơn 50% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu VN.
“Nên ảnh hưởng ở đây không phải việc TQ bị cấm, bị đánh thuế, VN sẽ xuất khẩu sang Mỹ được bao nhiêu, đó là bài toán liên quan đến DN xuất khẩu trực tiếp, nhưng dưới góc độ quốc gia, chính sách đó là bài toán nhỏ”.
“Do đó, nếu VN ứng xử theo kiểu phản ứng thì không bao giờ đi xa được. VN phải nhìn một cách dài hạn, tổng thể và chiến lược thì mới tìm được lời giải”.
Cải cách kinh tế trên nguồn lực nội tại
Theo tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, hiện nay, độ mở cuả nền kinh tế VN là rất lớn, khoảng 200%. Trong các nền kinh tế thế giới thì VN là nền kinh tế thuộc nhóm 5 nước có độ mở lớn nhất thế giới.
Nếu tốc độ tăng trưởng thương mại toàn cầu giảm dưới tác động của cuộc chiến tranh Mỹ – TQ sẽ ảnh hưởng đến VN, lúc đó VN phải nhìn nhận lại sự phụ thuộc quá mức vào khu vực nước ngoài.
Ông Tự Anh nói, hơn 70% kim ngạch xuất khẩu VN do khu vực FDI, và gần 50% tổng giá trị sản xuất công nghiệp VN là FDI. Nếu chiến tranh thương mại nổ ra sẽ tác động không chỉ thương mại, mà còn di chuyển các dòng vốn, đầu tư, chứng khoán, tiền tệ…
“Nó buộc chúng ta phải nghĩ lại về tái cơ cấu kinh tế, không chỉ là cải cách ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước, đầu tư công… mà còn là cải cách tái cơ cấu sao cho không phụ thuộc nhiều vào nước ngoài, mà phải dựa nhiều trên nguồn lực nội tại”.
Do đó VN phải nuôi dưỡng nền kinh tế trong nước, nuôi dưỡng sức cầu trong nước.
“Và nếu Chính phủ không đồng hành cùng doanh nghiệp làm tái cơ cấu thì không bao giờ thành công”, tiến sĩ Tự Anh cho biết.
Nhìn vào Tổng thống Donald Trump để hành động
Ông Vũ Thành Tự Anh cho rằng, nhìn vào tổng thống Donald Trump và bộ máy, có những đặc điểm rất quan trọng. Đó là ngoại giao doanh nghiệp.
“Tổng thống Obama chú trọng vào ngoại giao đa phương và dưới các kênh chính thức, còn Tổng thống Donald Trump rất thích ngoại giao song phương và ngoại giao trực tiếp cùng doanh nghiệp.
Nên rất cần hiểu xem cách Donald Trump đang ứng xử như thế nào về song phương và doanh nghiệp, do đó vai trò của DN là rất lớn.