Các diễn giả tham gia chương trình tọa đàm về thực phẩm sạch tại Hội thảo “Từ ăn sạch đến sống xanh”

Dù trong thời kỳ nào thì người phụ nữ vẫn là người giữ lửa, là người quyết định bữa ăn cho gia đình. Chính vì vậy, các chương trình tuyên truyền An toàn thực phẩm có đối tượng chính là phụ nữ, bởi người phụ nữ là người quyết định chọn mua, bảo quản, chế biến và sử dụng thực phẩm an toàn. Chúng tôi đang khẩn trương xây dựng “Chợ truyền thống an toàn thực phẩm” để người dân được mua sản phẩm an toàn, nguồn gốc rõ ràng.

Đây là chia sẻ của bà Phạm Khánh Phong Lan – Trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM bên lề ngày hội “Từ ăn sạch đến sống xanh”, do hệ thống siêu thị VinCommerce kết hợp với Hội liên hiệp phụ nữ TP.HCM tổ chức tại Đầm Sen, TP.HCM vào ngày 13/12 vừa qua, thu hút hơn 1.000 phụ nữ đến từ 24 quận, huyện của TP.HCM tham gia.

Theo bà Phong Lan, quản lý vấn đề an toàn thực phẩm hiện nay còn gặp nhiều khó khăn nhưng yêu cầu quản lý nhà nước phải đảm bảo được an toàn thực phẩm đến tay người tiêu dùng. Chính vì thế, trong thời gian vừa qua, chiến lực của tổ chức này là bảo đảm an toàn thực phẩm từ nguồn cung ứng không chỉ từ các chợ đầu mối, chợ truyền thống, nguồn cung ứng cho các siêu thị mà còn phải đi về các tỉnh để tìm kiếm, kết nối. Vì thế mà thị trường TP.HCM đã có hơn 70% số nông sản thực phẩm tươi sống được cung ứng từ các tỉnh lân cận.

Khi đã đưa vào hệ thống, thì phải chia sẻ rất thật là hệ thống hiện đại của chúng ta chỉ mới chiếm có 30% thị phần mà thôi. Và đối với hệ thống siêu thị hiện đại thì đương nhiên vấn đề quản lý an toàn thực phẩm sẽ bài bản hơn, dễ dàng hơn với hệ thống quản lý chất lượng, hệ thống kiểm nghiệm hàng đêm, hàng tuần, hàng tháng cùng với trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước. Điều kiện bảo quản cũng tốt hơn. Nhưng với hơn 200 chợ truyền thống trên địa bàn thành phố, thì đây là một câu hỏi cực kỳ khó. Bà Phong Lan chia sẻ.

Với thói quen của người tiêu dùng là muốn tiện, đôi khi vẫn xem nhẹ vấn đề an toàn của thực phẩm. Chính vì vậy, trong mọi trường hợp thì BQL ATTP TP.HCM đã có những chương trình tuyên truyền, vận động để làm sao cho người dân về nơi chọn lựa để mua sản phẩm. BQL ATTP TP.HCM đang khẩn trương xây dựng để có “chợ truyền thống an toàn thực phẩm”, tập trung vào 3 tiêu chí.

Tiêu chí thứ nhất là bảo đảm vấn đề vệ sinh, ít ra phải có cải thiện và vấn đề này do Sở Công thương sẽ quản lý trực tiếp. Thứ 2 là “Ý thức của người bán hàng”. Người bán hàng được tập huấn, được trang bị những kiến thức về an toàn thực phẩm, có đủ sức khỏe và có trách nhiệm với nguồn thực phẩm nhập vào.

Vấn đề thứ 3 quan trọng nhất đó là “Nguồn gốc của thực phẩm”. Ở đây không chỉ có siêu thị thì mới có yêu cầu thực phẩm phải đảm bảo được nguồn gốc mà trong các chợ truyền thống cũng vậy. Chúng ta có nhiều cách để truy xuất được nguồn gốc của thực phẩm. Hiện đại thì chúng ta có mô hình vòng truy xuất của thịt heo, thịt gia cầm, trứng…

Bà Phong Lan khẳng định: Đối với những cách truyền thống, việc truy xuất nguồn gốc đã có sổ sách và hóa đơn mua bán và BQL ATTP TP.HCM đang tăng cường kiểm tra, kiểm soát vấn đề này. Việc xây dựng chợ truyền thống an toàn thực phẩm đang được thực hiện đồng loạt trên tất cả 24 quận huyện và bước đầu là chọn lựa một số chợ để làm thí điểm và sau đó nhân rộng. Năm 2019 sẽ thực hiện quyết liệt và có chế tài (xử phạt năng) với các trường hợp vi phạm.

Bà Phạm Khánh Phong Lan – Trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM chia sẻ về thực trạng xây thực phẩm sạch, chống thực phẩm bẩn tại Hội thảo “Từ ăn sạch đến sống xanh”

“Từ ăn sạch đến sống xanh” là sự kiện đầu tiên trong chuỗi hoạt động của hệ thống siêu thị VinCommerce và Hội liên hiệp phụ nữ TP.HCM  trong việc phối hợp nhằm tuyên truyền kiến thức về ăn sạch, sống xanh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và triển khai chương trình an sinh xã hội thiết thực giai đoạn 2018 – 2019.

Ngoài việc trưng bày hàng trăm mặt hàng nông sản, thực phẩm an toàn, ngày hội còn tổ chức hội thảo chuyên đề với nhiều diễn giả đến từ Hội Doanh nghiệp HVNCLC, Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM, Sở Công Thương, Trung tâm Dinh dưỡng thành phố…

Các chuyên gia, diễn giả tập trung chia sẻ những kiến thức nhằm nâng cao nhận thức của người dân, đồng thời mang đến nhiều thông tin bổ ích về an toàn vệ sinh thực phẩm, dinh dưỡng đúng cách, bảo vệ sức khoẻ cho bản thân và gia đình. Hội thảo cũng nhấn mạnh đến vai trò của nhà bán lẻ với Vệ sinh an toàn thực phẩm; cách phân biệt và lựa chọn thực phẩm sạch ở các chuỗi bán lẻ uy tín; doanh nghiệp HVNCLC xây dựng chuẩn chất – mang đến sản phẩm chất lượng, an toàn cho người dân…

Việc nâng cao cho người dân, nhất là phụ nữ TP.HCM nâng cao được sự hiểu biết về an toàn thực phẩm, chủ động lựa chọn thực phẩm an toàn cho gia đình thông qua các sự kiện như thế này là rất cần thiết. Đây là dịp họ được trang bị những kiến thức cơ bản và biết cách lựa chọn thực phẩm an toàn, hướng đến việc nâng cao chất lượng sống, chất lượng bữa ăn trong gia đình.

Anh Tuấn (Theo BSA)