Tiêu điểm:
Từ câu chuyện kim chi bị Lý Tử Thất cầm nhầm
Xuất khẩu kim chi của Hàn Quốc đạt mức cao kỷ lục trong năm ngoái. Hãng tin Yonhap dẫn số liệu của Hải quan Hàn Quốc cho thấy: Kim ngạch xuất khẩu của món “quốc hồn quốc túy” này đã đạt 144 triệu USD, tăng 37,6% so với năm 2019. Con số mới cũng phá vỡ kỷ lục lập vào năm 2012 là 106,61 triệu USD.
Kim chi Hàn Quốc đã được xuất khẩu sang gần 80 quốc gia. Nhật Bản là quốc gia nhập khẩu lớn nhất với kim ngạch nhập khẩu đạt 71,1 triệu USD năm ngoái, gần 50% tổng kim ngạch. Mỹ, Hồng Kông, Đài Loan và Úc là bốn thị trường lớn kế tiếp trong Top 5 thị trường kim chi Hàn Quốc. Đây là những nơi có cộng đồng Hàn kiều to lớn cũng như các trào lưu văn hóa và ẩm thực Hàn Quốc đã bén rễ.
Trong khi đó, kết quả khảo sát của Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Nông thôn Hàn Quốc công bố vào đầu tháng 1 vừa rồi cho thấy kim chi là món ăn Hàn Quốc được ưa chuộng nhất trên thế giới.
Làn sóng văn hóa, điện ảnh và âm nhạc Hàn Quốc lan rộng khắp nơi trong hai thập niên qua đã tạo nên sự yêu chuộng đó. Đó cũng là những nỗ lực của Hàn Quốc trong việc đề đạt lên Tổ chức văn hóa, khoa học và giáo dục Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận kimjang – công việc muối dưa cải hay làm kim chi – là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vào năm 2013.
Nhưng câu chuyện cầm nhầm di sản văn hóa hay xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ luôn xảy ra ở nền văn hóa chuyên xâm thực, lấy của người khác làm của mình.
Giữa tháng 1 vừa rồi, ngôi sao ẩm thực trên YouTube Lý Tử Thất đã gây ra cuộc tranh cãi nẩy lửa giữa cư dân mạng Hàn Quốc và Trung Quốc. Cô gái họ Lý đã dùng mô thức muối rau cải tương tự làm kim chi ở Hàn Quốc nhưng có hashtag “ẩm thực Trung Quốc”. Cuộc tranh cãi này buộc mọi người nhớ lại những bài báo của Hoàn Cầu Thời Báo khi cho rằng món paocai – bắp cải muối – phổ biến trong ẩm thực Tứ Xuyên.
Bắp cải muối không thể nào là kim chi, nhưng tờ báo dân tộc chủ nghĩa của Trung Quốc đã viện dẫn Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO) đã công nhận món này và xem đây là “tiêu chuẩn quốc tế cho ngành công nghiệp kim chi do Trung Quốc dẫn đầu”.
Vô tình hay hữu ý?
Nhưng đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc cố tình cầm nhầm các di sản văn hóa phi vật thể của các nước trong khu vực. Tháng 7/2020, cả Indonesia đã bùng giận khi hãng Tân Hoa Xã xem nghề dệt vải batik của Indonesia là nghề thủ công của các dân tộc ở Trung Quốc. Hãng tin nhà nước Trung Quốc không xin lỗi mà chỉ đăng lại định nghĩa vải batik. Cuối năm 2019 là sự việc các nhà thiết kế Trung Quốc đã gọi áo dài và nón lá Việt Nam là “phong cách Trung Quốc”. Năm ngoái, tại một cuộc thi sắc đẹp quốc tế Miss Earth 2020, thí sinh Jie Ding của Trung Quốc đã mặc áo dài Việt Nam trong phần thi thể hiện 5.000 năm văn hóa Trung Quốc.
Các cuộc xâm thực hay xâm lăng di sản văn hóa phi vật thể đang dồn dập và mạnh hơn trước. Các cuộc tranh cãi và đấu khẩu trên mạng chắc chắn sẽ tiếp diễn, nếu chủ sở hữu các di sản này không đủ mạnh, e dè và nhân nhượng trước những kẻ ăn cắp.
Bản tin thị trường
1/ Giá vàng miếng SJC đang ở mức 56,40- 56,95 triệu đồng/lượng, tăng tiếp 50.000 đồng/lượng ở chiều mua vào so với cuối tuần trước. Chênh lệch hai đầu là 550.000 đồng/lượng. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng trên sàn Kitco hiện đang được giao dịch ở mức 1.810,8 USD/ounce, giảm 4,4 USD, tương đương 0,24% so với chốt phiên trước.
2/ Xuất khẩu dệt may đã tăng trưởng 3,3%, da giày tăng đến 26,4% so với cùng kỳ năm 2020 ngay trong tháng đầu năm 2021. Theo đó, chỉ số sản xuất ngành dệt và chỉ số sản xuất trang phục lần lượt tăng 16,6% và 9,9% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, sản xuất vải dệt từ sợi tổng hợp và sợi nhân tạo ước đạt 92,4 triệu m2, tăng 20,4% so với cùng kỳ; quần áo mặc thường ước đạt 380,1 triệu cái, tăng 9,3%. Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc tháng 01 ước đạt 2,6 tỷ USD, tăng 3,3% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, Bộ Công Thương khuyến cáo đến nay trên thế giới, tình hình đại dịch vẫn diễn biến phức tạp. Thậm chí, tác động tiêu cực của đại dịch còn có thể kéo dài trong 1- 2 năm tới. Dự báo, năm 2021 vẫn là năm thị trường dệt may tiếp tục khó khăn, phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh trên thế giới.
3/ Với việc trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Dự án LG Display Hải Phòng cho Công ty TNHH LG Display Việt Nam Hải Phòng, tổng vốn đầu tư của cả dự án của LG nâng lên 3,25 tỷ USD, trở thành dự án đầu tư có vốn đầu tư nước ngoài cao nhất trên địa bàn thành phố Hải Phòng. Dự án dự kiến tháng 3/2021 sẽ bắt đầu triển khai và đến tháng 5/2021 sẽ chính thức đưa vào sản xuất. Khi sản xuất sẽ tuyển dụng thêm khoảng 5.000 lao động; giải quyết nhu cầu về nhà ở cho khoảng 10.000 công nhân và chuyên gia; hàng năm sẽ đóng góp khoảng 5 triệu USD cho ngân sách Nhà nước (thuế thu nhập cá nhân).
4/ Mới đây, chuyên trang về xe hơi Der Letzte (Đức) đưa tin, cơ quan quản lý phương tiện California (DMV California) đã hé lộ thông tin VinFast chính thức nhận được Chứng chỉ cho phép thử nghiệm xe tự lái (Autonomous Test Vehicle Permit) trên tất cả đường phố công cộng của bang California, Mỹ. Cùng lúc, trên website của Cơ quan quản lý phương tiện California (www.dmv.ca.gov) đưa tên Vingroup USA vào danh sách những đơn vị được phép thử nghiệm xe trên địa bàn bang California. Theo đó, VinFast của Việt Nam là công ty thứ 57 được cấp phép. Trong danh sách, còn có nhiều “ông lớn” trong lĩnh vực xe hơi và công nghệ như Apple, Tesla, BMW, Volkswagen…
5/ Giá Bitcoin đã bất ngờ xuyên thủng mức 40.000 USD/đồng. Tính từ đầu năm 2021 đến nay, đồng Bitcoin đã tăng giá trị 37,36%, nâng tổng giá trị vốn hóa thị trường lên 749,43 tỷ USD. Đà tăng của Bitcoin đã giúp tổng giá trị vốn hóa của thị trường tiền mã hóa đạt mức kỷ lục hơn 1.200 tỷ USD. Sau khi ông chủ Tesla đổi dòng tự mô tả trên Twitter thành “#Bitcoin” hôm 29/1, thì giá đồng tiền mã hóa này đã tăng dựng đứng từ mức hơn 32.000 USD lên 37.000 USD/đồng. Những động thái ủng hộ của ông chủ Tesla Elon Musk là lời nhắc nhở về nguồn sức mạnh to lớn từ các nhà đầu tư nhỏ lẻ đằng sau đồng tiền này.
6/ Bộ trưởng phụ trách triển khai công tác tiêm chủng vaccine của Anh Nadhim Zahawi cho biết nước này sẽ không áp dụng “hộ chiếu vaccine” phòng Covid-19, song người dân sẽ có thể xin xác nhận đã tiêm vaccine Covid-19 từ bác sĩ trong trường hợp họ cần đi tới các nước khác. Ý tưởng về “hộ chiếu vaccine” hay hộ chiếu tiêm chủng đã được một số doanh nghiệp, trong đó có Microsoft, Salesforce, Oracle,… và quốc gia trên thế giới đề cập đến. Israel gần đây cũng đã công bố “hộ chiếu xanh”, cho phép những người đã tiêm chủng có thể ăn trong nhà hàng, tham dự các sự kiện công cộng và đi lại tự do.
7/ Giám đốc kiêm Chủ tịch của Công ty dầu khí quốc gia Indonesia – PT Pertamina (Persero) Nicke Widyawati cho biết trong năm 2020, lợi nhuận của công ty này đã đạt 14.000 tỷ rupiah, tương đương 1 tỷ USD. Đây là kết quả của một số sáng kiến nhằm khôi phục hiệu suất trong năm 2020. Hiện Persero đang nỗ lực để tăng năng suất của các nhà máy lọc dầu và khí đốt ở thượng nguồn, kết hợp với cắt giảm 30% chi tiêu hoạt động và ưu tiên ngân sách đầu tư. Theo ông Nicke, trong suốt năm 2020, công ty đã phải chịu áp lực từ 3 cú sốc cùng một lúc. Đó là giá dầu thế giới thấp, nhu cầu yếu và và sự suy yếu của tỷ giá hối đoái đồng rupiah so với đồng USD. Thành công của Persero trong việc thu được lợi nhuận hơn 1 tỷ USD giữa bối cảnh đại dịch Covid-19 được coi là không thể tách rời khỏi chiến lược kinh doanh đúng đắn của công ty.
8/ Xuất khẩu than đá của Indonesia chỉ đạt 305,77 triệu tấn trong năm 2020, tương đương với 77,4% mức mục tiêu và giảm 32,7% so với năm 2019. Tổng sản lượng khai thác than đá của Indonesia đạt 557,54 triệu tấn, cao hơn mức mục tiêu 550 triệu tấn của chính phủ song thấp hơn mức 616,2 triệu tấn của năm 2019. Đây là lần đầu tiên xuất khẩu than đá của Indonesia sụt giảm kể từ năm 2015, xuất phát từ nhu cầu thấp, đặc biệt là từ Trung Quốc và Ấn Độ. Theo EMR, xuất khẩu than đá của Indonesia sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Ấn Độ và Đông Nam Á đã giảm tổng cộng 3,8 triệu tấn trong năm 2020 xuống còn 10,53 triệu tấn. Tổng lượng than xuất khẩu của Indonesia sang Ấn Độ giảm khoảng 13,29% xuống còn 9,13 triệu tấn do sự cạnh tranh ngày càng tăng của nguồn than đến từ Australia để né lệnh cấm của Trung Quốc.
9/ Thông qua chương trình “kết nối chứng khoán”, các nhà đầu tư Trung Quốc đại lục có thể mua cổ phiếu Hong Kong. Tuy nhiên, chương trình sẽ tạm dừng đến hết ngày 17/2 do kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Theo Bloomberg, việc đóng cửa chương trình kết nối sẽ triệt tiêu dòng vốn kỷ lục đã giúp thị trường chứng khoán Hong Kong có khởi đầu năm tốt nhất kể từ năm 1985. Các nhà đầu tư chứng khoán Hong Kong đang đứng trước câu hỏi là liệu thị trường trị giá 7.300 tỷ USD có thể trụ vững khi mất dòng tiền lớn nhất hay không. Hong Kong hiện là nơi tập trung ngày càng nhiều gã khổng lồ công nghệ và các đợt IPO (phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu) nóng.
Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA
Châu Á đầu tư và khai thác thực tế ảo cho ngành công nghiệp MICE