Giống nho mẫu đơn bán tại các siêu thị Nhật Bản có giá tới 60 đô la Mỹ mỗi nhánh. Nhưng khi Hàn Quốc nhân giống được, giá nho mẫu đơn trồng tại Hàn Quốc chỉ còn 30% giá ở Nhật Bản. Ảnh: Nikkei Asia
Các loại trái cây đắt tiền đang bán chạy ở các chợ và siêu thị Hàn Quốc, đặc biệt dịp Tết Trung thu năm nay. Nông dân nước này đang chuyển sang canh tác các loại cây ăn trái mới cho lợi nhuận cao hơn như nho mẫu đơn của Nhật Bản, xoài, thanh long… Cuộc chuyển đối này gặp sự phản đối mạnh mẽ của Nhật Bản và cũng đặt lại các vấn đề về trồng và xuất khẩu thanh long tại Việt Nam.
Giống nho Nhật hút hàng dù đắt gấp ba
Theo chuỗi trung tâm thương mại Shinsegae, đơn đặt hàng đối với hộp quà tặng lễ Chuseok (Trung thu) – gồm các loại xoài da đỏ sậm và nho mẫu đơn đã tăng 27% so với năm 2020. Doanh số tăng gần 6 lần so với tỷ lệ tăng trưởng chỉ 4,7% của các loại trái cây khác.
Thơm và ngọt, giống nho xanh không hạt Shine Muscat do các trang trại Nhật Bản phát triển, được bán với giá đắt hơn nhiều so với nho bình thường. Trên trang bán hàng trực tuyến của chuỗi siêu thị E-mart, một hộp nho 2,5 ký chỉ có ba chùm được bán với giá 66.600 won, gần 1,3 triệu đồng. Trong khi đó, một hộp 3 ký loại nho Campbell thượng hạng trồng ở Sangju, tỉnh Gyeongsang chỉ bán được 19.500 won, tức 375.000 đồng, tức loại nho mẫu đơn đắt hơn 30%.
Dù cho giá cao, nho mẫu đơn vẫn chiếm đến 53,6% tổng doanh số nho của E-mart từ tháng 8-2020 đến tháng 4 năm nay, tăng 22 điểm phần trăm so với cùng giai đoạn năm trước đó. E-mart dự báo tỷ lệ này sẽ tăng lên 70% trong năm nay.
“Nho này đắt tiền, nhưng tôi mua thường xuyên bởi con trai rất thích. Tôi mong giá sẽ giảm”, Kim Eun-ha, một bà nội trợ ở Seongnam, tỉnh Gyeonggi nói.
Do nhu cầu loại nho này tăng, diện tích trồng giống Shine Muscat cũng gia tăng. Korea Times trích số liệu Bộ Nông nghiệp Hàn Quốc cho thấy diện tích trồng giống nho của Nhật Bản đã lên đến 3.579 hec ta trong năm nay, gần như gấp đôi con số 1.867 hec ta của năm 2019.
Nông dân xứ kim chi cũng bắt đầu trồng nhiều hơn giống xoài có lớp vỏ màu đỏ đậm, có vị ngọt hơn các giống xoài thường. Tại chợ thực phẩm SSG, một trái xoài đỏ đậm nặng 300 gram từ đảo Jeju có giá đến 19.800 won, tức 380.000 đồng. Tức giá một ký xoài này cũng tương đương nho mẫu đơn.
“Tôi sẽ chọn chỉ một trái xoài đỏ hơn là vài trái xoài vàng bình thường. Vị xoài đỏ hoàn toàn khác biệt”, nhân viên văn phòng Ha Hyun-ju ở Busan cho biết. Cô cũng nói rằng cô thích các loại trái cây nhiệt đới và cận nhiệt đới, bởi chúng gợi nhớ các kỳ nghỉ hè tuyệt vời ở Đông Nam Á trước khi dịch Covid bùng phát.
Chuyển đổi phương thức canh tác
Chính quyền địa phương cũng đang khuyến khích và hỗ trợ nông dân trồng các loại trái cây nhiệt đới để tăng thu nhập. Theo Cơ quan phát triển nông thôn, diện tích trồng trái cây cận nhiệt đới đạt 170 hec ta trong năm 2019, tăng 50% so với năm 2017. Xoài và chanh dây dẫn đầu về diện tích trồng, kế đến là chuối và thanh long.
Các loại trái cây này hiện có thể trồng ở Hàn Quốc do nhiệt độ đang ấm dần. Nếu nhiệt độ trái đất vẫn ấm dần như tốc độ tăng hiện nay, 62,3% diện tích trồng trọt của Hàn Quốc sẽ thành đất trồng vùng cận nhiệt đới vào năm 2080.
Một trang trại trồng thử nghiệm thanh long ở hạt Yeongdong, tỉnh Bắc Chung Cheong trong năm 2018. Nông dân Hàn Quốc đang chuyển sang trồng các loại trái cây nhiệt đới có giá trị cao như xoài, thanh long, chanh dây và chuối. Ảnh: Korea Times
Nhà nghiên cứu Choi Seong-tae tại Công ty dịch vụ nghiên cứu nông nghiệp tỉnh Gyeongsangnam cho rằng trái cây cận nhiệt đới trồng ở Hàn Quốc có lợi thế cạnh tranh so với trái cây cùng loại nhập khẩu.
“Trái cây nhập phải tuân theo quy trình kiểm dịch và xử lý nhiệt hơi nước VHT. Trước đó, nông dân ở nước xuất khẩu sẽ thu hoạch lúc trái chưa chín hẳn, bởi cần có thời gian để vận chuyển đến Hàn Quốc. Tuy nhiên, các trang trại tại Hàn Quốc lại có thể chờ đến khi trái cây chín mùi tự nhiên. Vì thế, khi trái cây nhập đến thị trường địa phương, chất lượng sẽ không như lúc mới hái ở nước xuất khẩu”, Choi phân tích.
Tuy nhiên, sự chuyển đổi sang trồng các loại cây ăn trái đắt tiền lại khiến nhiều chuyên gia lo lắng. Họ lý giải rằng người tiêu dùng chỉ thích các loại trái cây thường có thể thấy giá leo thang bởi nguồn cung các loại này bị giảm do nhà nông đã chuyển qua trồng các loại trái đắt tiền. Chẳng hạn, diện tích táo đã suy giảm trong liên tiếp ba năm qua. Tương tự như vậy, diện tích trồng lê cũng theo chiều giảm trong 20 năm qua.
“Giá bán và doanh số các loại nho mẫu đơn sẽ tiếp tục tăng tại các trung tâm thương mại và các kênh bán lẻ trái cây thượng hạng. Điều này có nghĩa là các loại trái cây sang chảnh sẽ không thể dành cho người lao động. Tôi nghĩ chúng ta đang trải qua sự phân cực trong tiêu dùng, tức là hố cách biệt giàu nghèo trong xã hội Hàn Quốc ngày càng nới rộng”, giáo sư ngành khoa học hành vi tiêu dùng Lee Eun-hee của Đại học Inha nhận xét.
Đối diện với các cáo buộc “ăn cắp giống”
Nhưng các trang trại Hàn Quốc cũng như Trung Quốc đang đối diện với các cáo buộc “ăn cắp giống từ Nhật Bản. Nikkei Asia đã nói rằng các trang trại nho ở hai nước trên đang hưởng lợi từ “ăn cắp” giống loại nho thượng hạng của Nhật Bản.
Giá trị xuất khẩu nho mẫu đơn của Hàn Quốc gấp 5 lần so với Nhật Bản, trong khi đó các trang trại trồng loại nho này ở Trung Quốc có diện tích hơn 40 lần so với đất trồng nho Shine Muscat ở xứ hoa anh đào.
Các quy định mới về bảo vệ nguồn gien quý cây trồng bắt đầu có hiệu lực tại Nhật Bản từ tháng 4 vừa rồi. Luật cấm đưa hạt giống hay cây con của bất cứ loại cây trồng hay trái cây nào đã đăng ký với Bộ Nông nghiệp ra khỏi lãnh thổ Nhật Bản. Nhưng thực thi luật để bảo vệ lợi ích của ngành nông nghiệp Nhật Bản vẫn còn là thách thức.
Năm 2016, Bộ Nông nghiệp nhận ra rằng cây con của giống nho Shine Muscat đã bị lén “xuất khẩu” và trồng ở bên ngoài Nhật Bản. Việc thiếu cơ sở pháp lý để ngăn chặn các hành động như vậy đã khiến quyền lợi của Nhật Bản bị thiệt hại, trong khi đó sản xuất và xuất khẩu của các đối thủ vẫn gia tăng.
Hàn Quốc đã vượt Nhật Bản về sản lượng xuất khẩu trong năm 2019. Trong bốn tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu nho của Hàn Quốc đạt 800 triệu yên – khoảng 7,27 triệu USD,  tăng 50% so với cùng kỳ, với giống nho mẫu đơn chiếm đến 90% giá trị. Trong khi đó, xuất khẩu nho mẫu đơn của Nhật Bản chỉ đạt 147 triệu yên.
Trung Quốc và Hàn Quốc là hai điểm đến chính của nạn buôn lậu hạt giống và cây con từ Nhật Bản – theo Hiệp hội Sáng tạo công nghệ nông, lâm và ngư nghiệp Nhật Bản (JATAFF).
Diện tích trồng nho Shine Muscat ở Nhật Bản chỉ ở mức 1.200 ha, so với con số 1.800 ha của Hàn Quốc và 53.000 ha ở Trung Quốc. Một cuộc điều tra năm 2020 của JATAFF cho thấy nông sản của trên 30 trang trại Nhật Bản đã bị “ăn cắp” giống và trồng rộng rãi ở nước ngoài, trong đó có cả giống dâu và các giống cam chanh thượng hạng của vùng Shizuoka.
Luật mới vào tháng 4 vừa rồi quy định phạt tiền và tù giam với những ai vi phạm luật chống buôn lậu cây giống, nhưng tình trạng vi phạm không thuyên giảm. Một khi hạt giống và cây con được đưa lậu ra khỏi Nhật Bản, mọi thứ xem như mất vết.
Nhật Bản đặt mục tiêu xuất khẩu nông sản đạt 2.000 tỉ yen vào năm 2025 và tăng lên 5.000 tỉ yen trong năm 2030. Nhưng hiện mục tiêu đạt 1.000 tỉ yen trong năm 2019 đã không thể thực hiện khi nạn ăn cắp ở hai nước láng giềng vẫn tái diễn.
———————————————————————————————————————————————————————–
Bài học đắt giá khi Việt Nam mất độc quyền cây thanh long.
Xuất xứ từ Nam Mỹ, cây thanh long phát triển tốt với điều kiện thổ nhưỡng Việt Nam và trở thành loại trái cây xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. “Thế mà giờ đây, Trung Quốc, Đài Loan và Thái Lan đã phát triển được trái thanh long có giá trị cao hơn từ nguồn giống của Việt Nam. Trong khi Việt Nam sản xuất dư thừa và có lúc đổ cho bò ăn thì thật đau lòng…”, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan thường nhắc khi trao đổi với chúng tôi về phát triển thị trường nông sản.
Bà kể thập niên 1990, người Đài Loan rất quan tâm trái thanh long đỏ vùng Bình Thuận bởi “màu đẹp, vị ngon và lạ với họ”. Trong khi đó, người Việt hoàn toàn không ý thức mình có nguồn giống cây trồng quý, và quý ở đây là được định nghĩa là “sản lượng ít nhưng chất lượng cực cao”.
Thanh long được nhân giống, phần lớn là loại ruột trắng, ở hàng chục tỉnh thành, chất lượng tỉnh nào cũng ngang ngang nhau, không có sự nổi bật bởi ngành nông nghiệp quan niệm “đây là cây xóa đói giảm nghèo”. Vì thế, người dùng trong nước không thể phân biệt đâu là thanh long từ Bình Thuận hay từ Long An, Tiền Giang hay từ các tỉnh ở phía Bắc.
Hơn nữa, người Việt cũng không quan tâm bảo vệ nguồn giống quý. “Chúng ta quá khờ dại khi đến đâu cũng nói đây là giống quý nhưng dễ trồng. Có những lúc, các chuyến chuyên cơ của phái đoàn nước ngoài tràn ngập thanh long Việt Nam và những đoạn giống. Họ mang về và chúng ta cũng không ý thức bảo vệ nguồn giống”, bà Lan kể.
———————————————————————————————————————————————————————–
Theo KTSG