Các chuyên gia thảo luận về cơ hội cho Việt Nam tại hội thảo “Từ thương mại Mỹ – Trung, đến EVFTA: Doanh nghiệp Việt Nam tận dụng cơ hội như thế nào?” do hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, câu lạc bộ doanh nghiệp dẫn đầu – LBC tổ chức tại TP.HCM, vào giữa tháng 7 vừa qua.

Lợi thế quốc gia xuất khẩu

Tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần chủ động tranh thủ lợi thế đang mở ra để thực hiện công cuộc đổi mới lần hai, nhằm tiến nhanh và xa hơn. Quan trọng nhất, Việt Nam phải có các sản phẩm “Made by Vietnam” chứ không phải “Made in Vietnam” như hiện nay. Bởi trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung leo thang và hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) vừa được ký, Việt Nam nổi lên là một trong những quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất. Xung đột thương mại giữa hai cường quốc có khả năng đẩy dòng vốn đầu tư sang Việt Nam, nhưng cũng có thể tác động tiêu cực đến hàng xuất khẩu.

TS Vũ Thành Tự Anh, giám đốc trường Chính sách công và quản lý Fulbright, thành viên tổ tư vấn của Thủ tướng cho biết, thương chiến Mỹ – Trung làm suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu, trong đó có khu vực châu Á. Đồng thời, làm suy giảm dòng vốn FDI toàn cầu và kỳ vọng của doanh nghiệp Trung Quốc và Ấn Độ. Riêng tại Việt Nam, kỳ vọng của doanh nghiệp có phần lạc quan hơn, do những tín hiệu tích cực từ EVFTA và hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Bên cạnh đó, thương chiến Mỹ – Trung đang chuyển sang chiến tranh công nghệ, tăng cường các hạn chế của Mỹ đối với đầu tư của những công ty Trung Quốc, và ngược lại. Năm 2018, cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung chưa có sự tác động đáng kể, nhưng từ đầu năm 2019 đến nay đã bắt đầu nhận thấy rõ những tác động đến nền kinh tế toàn cầu và từng quốc gia. Dự báo năm 2020 sẽ tác động mạnh mẽ hơn nữa đối với thị trường thương mại toàn cầu.

Đối với Việt Nam, tác động chủ yếu từ yếu tố cơ cấu hàng hoá Trung Quốc bị áp thuế. Nếu không có hàng hoá Trung Quốc “quá cảnh” sang Việt Nam xuất khẩu đi, thì tác động chỉ ở mức vừa phải. Tính đến nay, Việt Nam tuy nằm trong nhóm “có vấn đề”, nhưng chưa rơi vào tầm ngắm của Mỹ trong cuộc chiến thương mại. Về ngắn hạn, Việt Nam sẽ tăng xuất khẩu sang thị trường Mỹ, nhưng dự báo không có đột biến lớn. Tuy nhiên, Việt Nam có thể bị thiệt hại về xuất khẩu sang Trung Quốc và hứng chịu làn sóng nhập khẩu từ Trung Quốc sang Việt Nam. Các sản phẩm cùng mã với hàng Trung Quốc của Việt Nam xuất sang Mỹ có giá trị 13 tỷ USD. Trong đó, có thể kể đến gỗ nội thất 36,7%; nông thuỷ sản 19,4%; thiết bị điện, điện tử 13,5%; túi xách 8,8%…

Còn về trung hạn, Việt Nam có thể đón đầu làn sóng điều chỉnh đầu tư ra khỏi Trung Quốc, nhất là trong những ngành thiết bị cơ khí, điện – điện tử… là những ngành bị trừng phạt.Trung Quốc cũng có khả năng trở thành quốc gia đăng ký FDI lớn nhất ở Việt Nam. Mặc dù vậy, điều quan trọng không phải là thu hút vốn đầu tư, có thêm nhà máy… mà là làm sao tiếp cận và hấp dẫn được chuỗi cung ứng toàn cầu từ Trung Quốc sang Việt Nam, mới là chiến lược quan trọng. Đặc biệt, số liệu FDI sáu tháng năm 2019 của Việt Nam giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái, đây là dấu hiệu không hoàn toàn lạc quan, và cho thấy chưa có tín hiệu dòng đầu tư từ Trung Quốc đang đổ vào Việt Nam.

Yêu cầu tái cơ cấu thị trường

Lâu nay, tái cơ cấu kinh tế thường được cho là các cải cách về ngân hàng, đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước… nhưng bối cảnh hiện nay đòi hỏi nền kinh tế Việt Nam cần hướng đến mục tiêu dựa nhiều hơn vào nội lực bên trong, bằng việc nuôi dưỡng sức cầu trong nước, xây dựng nội lực doanh nghiệp. Chiến lược tái cơ cấu nền kinh tế phải được sự đồng thuận và hậu thuẫn của cộng đồng doanh nghiệp nội địa – lực lượng tiên phong nuôi dưỡng sức cầu trong nước và củng cố năng lực về sức cung.

Theo ông Nestor Sherbey, chuyên gia của Liên minh tạo thuận lợi thương mại toàn cầu (GTFA), hàng nông thuỷ sản, rau củ, quả… của Việt Nam xuất sang Mỹ chủ yếu có nguồn gốc xuất xứ từ Việt Nam. Nhưng những sản phẩm thiết bị cơ khí, điện – điện tử… được cấu thành từ nhiều linh kiện, thiết bị khác nhau, nên cần chứng minh, công khai trong hồ sơ xuất nhập khẩu hàng hoá vào Mỹ. Hải quan Mỹ sẽ không chỉ xem xét chứng nhận của Việt Nam, mà cơ quan này có phương pháp kiểm tra, giám sát riêng. Do đó, doanh nghiệp Việt Nam phải minh bạch hồ sơ xuất nhập khẩu để không bị trừng phạt. “Nếu bị Hải quan Mỹ và cơ quan bảo vệ biên giới Mỹ đưa vào danh sách đen, doanh nghiệp cũng khó xuất nhập khẩu hàng hoá sang những thị trường khác”, ông nói.

EVFTA và bài toán xuất xứ

Liên quan đến EVFTA, bà Magdalena Krakowiak, phó chủ tịch hiệp hội Doanh nghiệp Trung và Đông Âu tại Việt Nam chỉ ra rằng, bên cạnh những cơ hội, Việt Nam cũng đối mặt với những thách thức đáng kể, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đơn cử, trong ngành dệt may có thể kể đến vấn đề nâng cấp chuỗi cung ứng, nhằm được công nhận nguồn gốc xuất xứ tại Việt Nam. Trong đó, từ khâu vải bắt buộc phải từ Việt Nam, cũng như các giai đoạn may, cắt… cũng đòi hỏi sản xuất tại Việt Nam. Ngoài ra, Việt Nam có thể nhập khẩu nguồn nguyên vật liệu từ những quốc gia có FTA với Việt Nam hoặc EU, mới được thị trường EU công nhận nguồn gốc xuất xứ sản phẩm.

Phân tích cụ thể thêm ở ngành lương thực thực phẩm, bà Magdalena Krakowiak cho biết, EVFTA đặt ra yêu cầu doanh nghiệp Việt Nam tăng cường xây dựng và quảng bá thương hiệu hàng hoá. Đối với những sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu, doanh nghiệp chủ động cải thiện khâu sản xuất chế biến, đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế. Theo bà Magdalena Krakowiak, thị trường EU có xu hướng trả giá cao hơn cho những sản phẩm xanh – sạch, bảo vệ môi trường – cơ hội cho nông sản, thuỷ hải sản, rau củ, quả của Việt Nam… Một vấn đề cần chú trọng nữa, Việt Nam không còn là quốc gia có chi phí lao động rẻ, lợi thế so sánh sẽ tập trung vào năng suất lao động, nhưng năng suất lao động Việt Nam đang có tỷ lệ thấp hơn các quốc gia trong khu vực. Do đó, đây cũng là vấn đề Việt Nam cần cải thiện, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa cần tăng đào tạo nguồn nhân lực, sử dụng lao động theo đúng quy định đã cam kết trong EVFTA.

Sáu tháng đầu năm 2019, Việt Nam tăng xuất khẩu sang Mỹ 6% so cùng kỳ, một kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên, sau thương chiến Mỹ – Trung, Hải quan Mỹ càng theo dõi và kiểm tra gắt gao, thậm chí có thể mở cuộc tổng điều tra để xác định xuất xứ hàng hoá. Việt Nam là một trong những quốc gia vốn được ưu tiên xuất nhập khẩu vào thị trường Mỹ, nhưng hiện nay hàng hoá Việt Nam cũng như các quốc gia khác đều bị thực hiện quy trình kiểm tra nguồn gốc xuất xứ như nhau. Song song đó, Mỹ có nhu cầu nhập khẩu hàng hoá từ Việt Nam, nhưng doanh nghiệp cần đảm bảo hàng hoá xuất khẩu được xây dựng thương hiệu Việt Nam mới nhận được ưu đãi và tận dụng lợi thế.

M.Phương (theo TGHN)