Tương ớt Con Gà khiến nhiều đối thủ phải kiêng nể ngay trên đất Mỹ

4158

Mới đây tờ SCMP cho biết vì tương ớt “Con Gà” Sriracha rất được ưa chuộng ở Mỹ, nên đối thủ Thaitheparos PCL (Thái Lan) phải tính đường rời thị trường này để xoay qua Trung Quốc.

Tương ớt “Con Gà” là sản phẩm của ông David Trần, một triệu phú người Mỹ gốc Việt 73 tuổi, sống ở thành phố Los Angeles. Ông đã lập Công ty thực phẩm Huy Fong, và công ty hiện kiểm soát 9,9% thị trường tương ớt trị giá 1,55 tỷ USD của Mỹ, theo Bloomberg. Còn theo tờ South China Morning Post (SCMP), thị trường tương ớt ở Mỹ có giá trị 700 triệu USD hồi năm 2018.

Nhà máy Huy Fong ở Irwindale, California, cách trung tâm Los Angeles hơn 32km. Nơi đây sản xuất hàng trăm nghìn chai tương ớt Sriracha mỗi ngày. Nhà máy hoạt động 16 tiếng mỗi ngày, hầu hết các ngày trong tuần và sử dụng hơn 45 triệu tấn ớt mỗi năm.

Ông David Trần cho biết ông quyết chế món tương ớt cay để thỏa mãn khẩu vị của đồng hương Việt đông đảo ở Los Angeles: “Chúng tôi khởi nghiệp năm 1983 vì chúng tôi thích tương ớt cay tươi”, và kể về lần đầu tiên sản xuất tương bằng tay trong một cái xô. Ông kiếm được 2.300 USD vào tháng đầu tiên, bằng cách bán sản phẩm trên chiếc xe tải màu xanh sơn hình con gà trống, biểu tượng này được chọn vì ông sinh năm Dậu.

Tương ớt của ông David Trần dùng ớt đỏ jalapenos có màu đỏ tươi của Mỹ, trộn tỏi, giấm cất và ớt được chiết vào một chai nhựa với nắp màu xanh lá cây và logo hình con gà in trên thân chai. Ông cho biết những quy định nông nghiệp khắt khe ở Mỹ giúp sản phẩm của ông đạt tiêu chuẩn “an toàn để ăn”.

Từ việc bán cho các nhà hàng châu Á ở Los Angeles, tương ớt “Con Gà” của Huy Fong trở thành một hiện tượng quốc gia. Ông David Trần được gọi là “ông vua tương ớt Sriracha tại Mỹ”.

Anna Amir, nhà phân tích của IBISWorld nhận định: “Mọi người biết đến nó bằng cách truyền miệng. Điều đó tạo ra góc độ độc đáo cho Huy Fong so với những đơn vị khác vốn quảng cáo rất nhiều”.

Du khách nước ngoài thử dùng tương ớt “Con Gà” và sản phẩm Thái Lan – Ảnh : SCMP

“Con Gà” là “tiêu chuẩn vàng”

Điều bất thường là ông David Trần không bao giờ quảng cáo sản phẩm, nên các đối thủ là các hãng gia vị lớn như Tabasco, Frank, Red Hot và Heinz không chỉ “sao chép” tương ớt của ông, mà còn đặt tên cho sản phẩm của họ là Sriracha.

Ông David Trần không nghĩ đấy là bỏ lỡ cơ hội, nói đấy là cách quảng cáo miễn phí cho một công ty không bao giờ có kinh phí tiếp thị như Huy Fong. Ông nói: “Nhiều người muốn nhảy vào ăn ké. Các luật sư tìm đến đề nghị bào chữa và kiện nhưng tôi nói ‘cứ để họ làm”.

Ông sẵn sàng chào đón những đơn vị mới, vì nhu cầu tương ớt Sriracha của người Mỹ là chưa có điểm dừng: “Tôi không bao giờ lo lắng về việc họ bán nhiều hay ít vì chúng tôi quá bận rộn. Tôi không thể tạo ra đủ sản phẩm để đáp ứng nhu cầu. Vì vậy, hãy để họ làm và cùng phục vụ người tiêu dùng”.

Ông David Trần còn tự hào về sự nổi tiếng của sản phẩm, nên ngày ngày ông lên mạng Internet tìm tương ớt Sriracha “nhái”, vì cho rằng sự thưởng thức sẽ khiến người tiêu dùng càng thêm ưng “hàng gốc” vừa cay vừa ngọt của ông.

Các đối thủ của ông Trần phải gãi đầu gãi tai, như Tony Simmons, tổng giám đốc công ty McIlhenny Co (sản xuất tương ớt Tabasco ở Mỹ) nói tương ớt “Con Gà”  là “tiêu chuẩn vàng” của tất cả các loại tương ớt kiểu Sriracha.

Hiện những chai tương ớt “Con Gà” màu đỏ và nắp màu xanh lá cây cũng đã có  mặt ở các quầy tiệm tại Việt Nam, xuất hiện trong nhiều bữa ăn ở Việt Nam. Năm 2016, Tổng thống Mỹ Barack Obama từng chấm tương này trong tô bún thịt nướng, khi ông cùng đầu bếp Anthony Bourdain ăn trong một nhà hàng ở Hà Nội.

Báo Los Angeles Times ghi nhận tương ớt “Con Gà” được bán ở những tiệm tạp hóa ở TP.HCM, cạnh tranh với tương cà chua Heinz. Người của các tiệm cho biết: “Rất nhiều người Việt thích tương ớt Sriracha Mỹ vì ngon và thơm hơn sản phẩm của Thái Lan”.

Tương ớt Con Gà chào bán ở Việt Nam

Thaitherapos quay về Trung Quốc

Người ta nói rằng ông David Trần đặt tên cho tương ớt “Con Gà” là Sriracha, một phiên bản của tương ớt Si Racha vốn có nguồn gốc ở thị trấn duyên hải  Si Racha thuộc tỉnh Chonburi của Thái Lan. Trang web của công ty Thaitheparos (Thái Lan) nêu bà Thanom Chakkapak, một phụ nữ sống ở thị trấn này là người đầu tiên tạo ra công thức gốc làm tương ớt Sriracha.

Bancha Winyarat, phó chủ tịch của Thaitheparos (một công ty niêm yết có giá trị khoảng 251 triệu USD), kể cha ông đã mua công thức làm tương ớt của bà Thanom vào năm 1984 để sản xuất tương ớt hiệu Sriraja Panich, tức sau sản phẩm  “Con Gà” của ông David Trần, người nói chưa bao giờ dùng thử tương ớt Sriraja Panich. Hầu hết người Mỹ cũng không biết đến thương hiệu Thái Lan này.

Các chai tương ớt Sriraja Panich được sản xuất ở một vùng ngoại ô thủ đô Bangkok (Thái Lan), và theo SCMP, cách đây vài năm, ông Bancha phát hiện tương ớt  Sriraja Panich bị làm giả được bán ở Trung Quốc. Nên nay công ty không chú ý thị trường Mỹ nữa, quyết nhắm vào Trung Quốc và phần còn lại của châu Á.

Ông Bancha nói: “Thị trường Mỹ đã quen với sản phẩm của Huy Fong”, và chi phí tiếp thị cao, cùng việc Cục Quản lý lương thực – dược phẩm Mỹ tăng kiểm soát mạnh các sản phẩm Thái càng khiến Thaitherapos khó mà xâm nhập thị trường Mỹ.

Năm 2018, cuộc khủng hoảng thương hiệu của Thaitherapos ở Mỹ đã khiến công ty phải đổi kiểu dáng Sriraja Panich, và Bancha còn tính đổi công thức, vốn dùng ớt cayenne ở miền bắc và trung Thái Lan để xâm nhập thị trường, nhưng rồi ông đổi ý. Hồi đầu tháng 4, ông Bancha, 33 tuổi, nói với Bloomberg: “Chỉ cần chiếm được 1% thị phần tương ớt tại Mỹ thì với chúng tôi đã là rất lớn”.

Công ty của ông David Trần thống trị thị trường Mỹ, nhất là vùng bờ biển phía tây, nên Thaitherapos dạt qua phía đông, nơi mà ông Bancha nhắm vào cộng đồng gốc Á ở Boston, Chicago và New York.

Ông nói những khó khăn trên không có ở Trung Quốc, nơi mà thị trường tương ớt trị giá 1 tỷ USD hồi năm 2018, theo đánh giá của công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor International.

Trung Quốc và Hong Kong là một trong những thị trường xuất khẩu chính của Thaitherapos, riêng năm ngoái tăng 20% lợi nhuận lên 19 triệu bath (591.612 USD) tức là một nửa tổng nguồn thu của công ty, một nửa còn lại từ doanh số bán ở Úc, Đông Nam Á, Ấn Độ, châu Âu và Mỹ.

Ông Bancha nói muốn kiếm được 30 triệu bath từ việc bán sản phẩm ở Trung Quốc trong năm 2019, đồng thời cho biết sẽ không bán tương ớt Sriraja Panich ở Việt Nam do hàng rào thuế quan. Công ty sẽ chú trọng xuất khẩu sang Philippines, nơi ngày càng có nhiều nhà hàng ăn Thái. Ông cũng tính chuyện xuất hàng qua Indonesia, nơi không có nhiều nhu cầu sử dụng tương ớt.

Kim Linh (theo TGHN)