Tiêu điểm:

Việt Nam có được nguồn cung 110 triệu liều vaccine trong năm 2021

Việt Nam sẽ có được 31 triệu liều vaccine của tổ hợp Pfizer – BioNTech trong năm nay – trang mạng của Bộ Y tế Việt Nam thông báo. Tổng cộng, Việt Nam đã có nguồn cung 110 triệu liều vaccine trong năm 2021. Ngoài 30 triệu liều của Pfizer – BioNTech, Việt Nam sẽ có tổng cộng 68,9 triệu liều từ hãng dược AstraZeneca, gồm 30 triệu liều ký trực tiếp và 38,9 triệu liều thông qua chương trình Covax Facility.

Bộ Y tế cũng đang thương thảo với các hãng vaccine như Moderna và Johnson & Johnson của Mỹ, CureVac NV của Đức, Sputnik V của Nga, và Sinopharm của Trung Quốc để bảo đảm nguồn cung.

Bộ Y tế nói cho đến hôm 13/5, Việt Nam đã tiêm ngừa tổng cộng 959.182 người trên khắp 63 tỉnh thành với vaccine của hãng AstraZeneca.

Như vậy, sau hơn hai tháng tính từ thời điểm ngày 8/3 khi Việt Nam chính thức bắt đầu chiến dịch tiêm chủng, tỷ lệ tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 của Việt Nam chỉ đạt khoảng 1% dân số và phân tán rất mỏng ở khắp nơi. Như vậy, Việt Nam là nước có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất trong nhóm sáu nền kinh tế lớn của Đông Nam Á – thường được gọi là ASEAN6.

Các nhà phân tích cho rằng Việt Nam khó có thể đạt được mục tiêu miễn dịch cộng đồng từ giữa năm 2022 như dự đoán với tỷ lệ tiêm chủng ở người trưởng thành đạt 70 – 80%. Hệ quả là việc mở cửa biên giới của Việt Nam cho đến hết năm 2022 vẫn sẽ là “rất mù mờ”.

Việt Nam đang đàm phán để có thể tự sản xuất Sputnik V của Nga và vaccine của tổ hợp Pfizer – BioNTech tại Việt Nam. Việc sản xuất nội địa các loại vaccine nhượng quyền sẽ được thực hiện trong năm 2022.

Tuy vậy, cơ sở sản xuất của Pfizer – BioNTech tại Việt Nam có thể sớm nhất là đến năm 2023 bởi khó có thể việc nhượng quyền sản xuất vaccine của tổ hợp này lại đi trước việc khai trương đại bản doanh của BioNTech ở Singapore – theo hãng tin Bloomberg dự kiến sớm nhất là trong năm 2023.

Nhà máy của hãng dược Đức tại Singapore có thể sản xuất hàng trăm triệu liều vaccine mRNA mỗi năm, tùy thuộc vào loại vaccine cụ thể. Nhà máy này sẽ cho phép BioNTech mở rộng quy mô sản xuất vaccine cho Đông Nam Á nhằm đối phó các đe dọa của đại dịch trong tương lai.

Tín hiệu vui nhất trong tuần này là vaccine liều đôi Nanocovax của Việt Nam bắt đầu giai đoạn thử nghiệm cuối trên 10.000 người. Dự kiến việc này sẽ hoàn tất vào tháng 8 hay tháng 9 tới.

Hãng chế tạo Nanogen nói Nanocovax đã được phê chuẩn sử dụng trong tình trạng khẩn cấp vào tháng 5 vừa rồi theo yêu cầu của chính phủ. Nanogen đang cân nhắc tiến hành thử nghiệm lâm sàng tại Philippines, Bangladesh và nhiều nước khác.

Nhà máy của Nanogen ở TP.HCM có thể sản xuất 70 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 mỗi năm. Năng lực có thể tăng lên 120 triệu liều nếu cần. Giá của vaccine liều đôi này khoảng 5 USD.

Theo trang Sức khỏe & Đời sống thuộc Bộ Y tế hôm 14/5, Cục quản lý Dược vừa có công văn gửi các doanh nghiệp, tổ chức có khả năng mua, nhập khẩu, bảo quản, phân phối vaccine phòng Covid-19, yêu cầu báo cáo về năng lực trong cung ứng, bảo quản vaccine phòng Covid-19. Các loại vaccine ngừa Covid-19  đã được cấp phép sử dụng trên thế giới đến nay có điều kiện bảo quản ở nhiệt độ khác nhau. Chẳng hạn, vaccine Pfizer đòi hỏi nhiệt độ âm cực sâu từ -80oC đến -60oC; vaccine của Moderna từ -50oC đến -15oC; vaccine của Johnson&Johnson từ -25oC đến -15oC; Sputnik V là dưới 18oC; vaccine của AstraZeneca ở nhiệt độ thường trong tủ lạnh 2 – 8oC. Sức khỏe & Đời sống nói năng lực bảo quản vaccine ở nhiệt độ âm cực sâu như dưới -18oC tại Việt Nam hiện còn hạn chế.

Bản Tin Thị Trường

1/ Giá vàng miếng SJC đang ở mức 55,8 – 56,15 triệu đồng/lượng, tăng trở lại 100.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra. Mức chênh lệch hai đầu giữ nguyên 350.000 đồng/lượng như những ngày trước. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng giao dịch trên sàn Kitco hiện đang ở mức 1.823,4 USD/ounce, tăng 8 USD/ounce, tương đương 0,44% giá trị so với chốt phiên trước. Đây là phiên tăng đầu tiên trong ba phiên gần đây của kim loại quý.

2/ Trong khi giá bán các sản phẩm chăn nuôi giảm, giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng đã khiến người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn, thua lỗ. Dự kiến giá thức ăn chăn nuôi (TACN) sẽ còn tiếp tục tăng lên trong thời gian tới do giá nguyên liệu trên thế giới vẫn có xu hướng tăng lên. Với giá TACN quyết định tới 65 – 70% giá thành sản xuất, nhiều chuyên gia nông nghiệp cho rằng cơ quan quản lý cần có những giải pháp căn cơ để đảm bảo ổn định chăn nuôi. Nếu không, tình trạng nông dân bỏ đàn, giảm đàn sẽ xảy ra và nguy cơ sẽ thiếu thịt trong những tháng cuối năm. Chịu tác động lớn nhất của đợt tăng giá TACN là những người nuôi gà. Sau khi thua lỗ suốt một năm 2020 bởi giá gà xuống thấp, có thời điểm còn 15.000 đồng/kg, trong khi giá thành chăn nuôi lên tới 27.000 đồng/kg.

3/ Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, cộng dồn 4 tháng đầu năm 2021, khối lượng nhập khẩu điều thô đã đạt 1.151.469 tấn, trị giá 1,835 tỷ USD, so với cùng kỳ năm 2020 tăng tới 286,9% về lượng và tăng 313% về trị giá. So về giá trị nhập khẩu thì lượng ngoại tệ Việt Nam bỏ ra để mua điều thô trong 4 tháng đầu năm nay đã cao hơn lượng ngoại tệ mua điều thô trong năm 2020. Lý giải về tình hình nhập khẩu điều thô tăng đột biến trong 4 tháng đầu năm 2021, Phó Tổng Thư ký Vinacas cho rằng do nhu cầu chế biến của các nhà máy tăng nên các doanh nghiệp điều tăng nhập khẩu điều thô, vì muốn tăng xuất khẩu nhân điều đã qua chế biến thì doanh nghiệp phải tăng nhập điều thô.

Campuchia, Tanzania và Bờ Biển Ngà là ba thị trường cung cấp hạt điều cho Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2021.

4/ Theo Cục Bảo vệ thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Nhật Bản đã ủy quyền việc giám sát khử trùng vải thiều xuất khẩu sang thị trường này cho cơ quan kiểm dịch thực vật phía Việt Nam. Được biết, khi nào có hàng hóa xuất khẩu đi Nhật Bản, Cục Bảo vệ thực vật sẽ cử lực lượng kiểm dịch về địa phương để hỗ trợ, phối hợp. Thời gian vừa qua, Cục Bảo vệ thực vật đã đi kiểm tra và đánh giá 2 cơ sở xử lý vải thiều xuất khẩu sang Nhật Bản. Ngoài các cơ sở đã được công nhận ở Bắc Giang thì vụ vải năm nay sẽ có thêm 2 cơ sở tại Hải Dương. Hiện, tất cả các cơ sở đều đã sẵn sàng khử trùng vải thiều phục vụ xuất khẩu sang Nhật Bản. Các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói… ở các địa phương đều đã sẵn sàng chuẩn bị xuất khẩu vải sang các thị trường.

5/ Theo báo cáo của UBND TP. HCM, dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhưng trong 4 tháng đầu năm, tình hình kinh tế xã hội có nhiều dấu hiệu tích cực, trong đó du lịch nội địa vẫn tăng trưởng khá. Phó Giám đốc Sở Du lịch Bùi Thị Ngọc Hiếu cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2021 lượng khách nội địa đến thành phố ước đạt 6,16 triệu lượt khách. Tổng thu bốn tháng ước đạt 29.710 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh tại nhiều quốc gia vẫn có chiều hướng phức tạp nên không có khách quốc tế đến Thành phố Hồ Chí Minh.

6/ Trong thị trường tiền mã hoá, Binance là một sàn giao dịch lớn nhất thế giới. Công ty Binance Holdings Ltd được vận hành bởi CEO Changpeng Zhao cùng đội ngũ phát triển. Theo Bloomberg, Bộ Tư pháp Mỹ và Sở Thuế vụ nước này hiện đang điều tra về hành vi trốn thuế và rửa tiền của Binance. Các quan chức Mỹ lo ngại rằng tiền mã hoá đang được sử dụng để che giấu các giao dịch bất hợp pháp, bao gồm cả trộm cắp, buôn bán ma tuý. Cuộc điều tra này được diễn ra sau khi cơ quan tài chính BaFin của Đức cảnh báo rằng sàn giao dịch Binance có nguy cơ bị phạt vì không cung cấp dữ liệu của các nhà đầu tư.

7/ Một ngày sau tuyên bố của ông chủ Tesla Elon Musk về việc “nghỉ chơi” tiền ảo Bitcoin vì gây hại cho môi trường, thì thị trường tiền ảo đã chìm sâu vào cơn mất tiền. Theo dữ liệu từ Coinmarketcap, vốn hoá thị trường các loại tiền ảo bị quét sạch 365,85 tỉ USD. Đồng Bitcoin có thời điểm rớt xuống còn 48.500 USD, lần đầu tiên xuống dưới 50.000 USD kể từ ngày 24-4. Đồng tiền Ethereum vừa lần đầu tiên vượt mốc 4.000 USD đã phải quay đầu giảm giá trước sức ép thị trường, xuống còn 3.835 USD. Đồng Bitcoin Cash giảm 6% giá trị còn 1.249 USD, đồng Litecoin giảm 5% giá trị, xuống giá 313 USD. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh cho biết, những người đang đầu tư vào tiền ảo nên chuẩn bị tâm thế mất hết tiền vì tiền điện tử không có giá trị nội tại.

8/ Cơ quan chống độc quyền của Italy cho biết cơ quan này đã phạt Google hơn 100 triệu euro (120 triệu USD) vì lạm dụng vị thế trên thị trường khi loại một ứng dụng điện thoại thông minh của đối thủ. Theo đó, cơ quan này cho biết đã phát hiện Google, sở hữu hệ điều hành Android và cửa hàng ứng dụng Google Play vốn đang chiếm lĩnh thị trường Italy, đã chặn một ứng dụng Enel X dành cho người dùng xe điện. Với việc không tích hợp ứng dụng Enel X Italia vào Android Auto, thì Google đã hạn chế không công bằng khả năng tiếp cận của người dùng đối với ứng dụng Enel X Italia khi họ lái xe và sạc điện cho xe. Cơ quan này nêu rõ hành động của Google đã diễn ra hơn 2 năm qua và nếu tiếp tục, điều này có thể tước đoạt cơ hội của Enel X Italia gây dựng một lượng lớn người dùng trong bối cảnh doanh số bán xe điện tăng mạnh.

9/ Liên đoàn bóng đá Argentina AFA đã thông báo rằng “Albiceleste” sẽ là đội tuyển bóng đá quốc gia đầu tiên trên thế giới sử dụng “Fan Tokens” (tài sản mã hóa dành cho người hâm mộ) phát hành bởi Socios.com, nền tảng giao dịch tài sản kỹ thuật số trong lĩnh vực thể thao lớn nhất thế giới hiện nay. Theo Chủ tịch AFA, thì liên đoàn mong muốn tạo ra thu nhập cao hơn cho nền bóng đá nước nhà, cùng với đó là phát triển các đơn vị kinh doanh mới và tăng cường sự hiện diện thương mại của đội tuyển bóng đá quốc gia trên phạm vi toàn cầu. Hiện tại, trên thế giới, các câu lạc bộ bóng đá Barcelona của Tây Ban Nha, Paris Saint-Germain của Pháp, Manchester City của Anh, Juventus và AC Milan của Italy, và Independiente của Argentina là một số đội bóng cũng đã hợp tác với Socios.com trong việc phát hành “Fan Tokens”.

10/ Hãng xe hơi Nhật Bản Toyota cho biết, lợi nhuận của họ tăng gần gấp đôi so với năm ngoái, bất chấp tình trạng thiếu chip và đại dịch Covid-19. Theo đó, lợi nhuận của họ đã tăng 10%, đạt 2,25 ngàn tỷ yên (20,6 tỷ USD) tính đến tháng 3, tăng từ 2,04 ngàn tỷ yên so với năm trước, đánh bại dự báo hàng năm của chính hãng. Tính đến tháng 3 năm 2022, công ty hiện dự báo lợi nhuận ròng hàng năm sẽ là 2,3 ngàn tỷ yên (21 tỷ USD), tăng 2,4%. Toyota là một trong những nhà sản xuất ít bị ảnh hưởng nhất bởi tình trạng thiếu chip xử lý máy tính trên toàn cầu. Trong một tuyên bố, công ty cho biết họ đã học cách ứng phó với các cuộc khủng hoảng, đặc biệt là khuyến khích hành động nhanh chóng trên thực địa, học hỏi kinh nghiệm trong những cuộc khủng hoảng.

Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA

Bản tin hội nhập, ngày 6/5 – 12/5/2021