Tiêu điểm:
Việt Nam đạt miễn dịch cộng đồng từ giữa năm 2022
Dự kiến Việt Nam sẽ có ít nhất 5 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 từ ngày 28/2 sắp tới. Và với các chiến dịch chuẩn bị tiêm vaccine hiện nay, Economist Intelligence Unit dự đoán Việt Nam sẽ cơ bản đạt được miễn dịch cộng đồng vào giữa năm 2022, sau khi 60-70% dân số được tiêm đầy đủ hai mũi vaccine ngừa Covid-19.
Cục Quản lý Dược thuộc Bộ Y tế đã chấp thuận cho Công ty TNHH AstraZeneca Việt Nam nhập khẩu 204.000 liều vaccine ngừa Covid-19 AstraZeneca để phòng chống dịch. Vaccine ngừa Covid-19 này do SK Bioscience Co Limited-Hàn Quốc sản xuất.
Vaccine của AstraZeneca là vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên được phê duyệt nhập khẩu có điều kiện vào Việt Nam. Đây là vaccine do Công ty dược AstraZeneca phối hợp với Đại học Oxford (Anh) nghiên cứu, phát triển. Hiện vaccine này đã được cấp phép lưu hành một năm hoặc nhập khẩu có điều kiện tại Philippines, Thái Lan, Anh, Việt Nam và một số quốc gia khác. Dự kiến, ngày 28/2, lô vaccine đầu tiên này sẽ về đến Việt Nam.
Đồng thời, khoảng 4,8 – 8,2 triệu liều vaccine miễn phí của COVAX cũng dự kiến sẽ về đến Việt Nam từ cuối tháng 2. Như vậy, đợt đầu tiên Việt Nam có ít nhất 5 triệu liều vaccine.
Theo Trung tâm phát triển sức khỏe toàn cầu Duke (DGHIC), Việt Nam hiện đang đàm phán với nhiều đối tác để có được 150 triệu liều vaccine. Bên cạnh đó, Việt Nam có thể nhận được trước 30 triệu liều từ AstraZeneca trong năm nay thông qua một tập đoàn tư nhân của Việt Nam. Hiện Việt Nam cũng có hai vaccine ứng viên do các hãng dược trong nước nghiên cứu và dự kiến sẽ được đưa ra sử dụng rộng rãi từ đầu năm 2022.
Trong khi đó, theo ghi nhận của trang Our World in Data, Israel hiện dẫn đầu thế giới về tỷ lệ tiêm vaccine: 80% đã tiêm mũi thứ nhất và khoảng 30% đã tiêm mũi thứ hai.
Bản Tin Thị Trường
1/ Giá vàng miếng SJC đang ở mức 56,30- 56,80 triệu đồng/lượng, giảm tiếp 50.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 100.000 đồng/lượng chiều bán ra so với hôm trước, chênh lệch hai đầu ở mức 500.000 đồng. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng trên sàn Kitco hiện đang được giao dịch ở mức 1.780,7 USD/ounce, giảm 12,8 USD/ounce, tương đương 0,71% so với chốt phiên trước.
2/ Cục Phòng vệ thương mại vừa nhận được thông tin về việc Ủy ban chống bán phá giá Indonesia (KADI) công bố Kết luận điều tra cuối cùng trong vụ việc điều tra chống bán phá giá đối với tôn lạnh có xuất xứ từ Việt Nam và Trung Quốc. Cụ thể hàng hóa bị điều tra là thép mã hợp kim nhôm kẽm (hay còn gọi là tôn lạnh). Ủy ban chống bán phá giá Indonesia cho rằng hàng hóa bị điều tra đã bán phá giá và gây ra thiệt hại đáng kể cho các ngành sản xuất tôn lạnh nội địa của Indonesia. Do đó, Cơ quan này đã quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá từ 3,01 – 49,2% đối với Việt Nam và từ 3,07 – 55,43% đối với Trung Quốc. Một số hãng thép của Việt Nam bị áp thuế chống bán phá giá tương đối thấp như Tôn Đông Á (3,01%), Tôn Hoa Sen (5,34%).
3/ Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú (MPC) đã nhận được quyết định huỷ việc áp thuế chống bán phá giá với tôm Ấn Độ lên sản phẩm tôm xuất khẩu từ Minh Phú vào Mỹ từ Cơ quan Hải quan nước này (CBP). Theo đó, Minh Phú sẽ tiếp tục xuất khẩu tôm đông lạnh vào Mỹ mà không chịu thêm bất kỳ loại thế chống phá giá nào và được hoàn lại các khoản thuế chống phá giá đã tạm nộp theo quyết định trước đó. Trước đó vào 13/10, CBP thông báo có đủ bằng chứng cho thấy MSeafood Corporation, thuộc Minh Phú, vi phạm luật thương mại nước này khi sử dụng tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu từ Ấn Độ để tránh thuế bán phá giá của Mỹ. Theo báo cáo tài chính công ty mẹ, năm ngoái Minh Phú ghi nhận doanh thu xấp xỉ 9.340 tỷ đồng và lãi trước thuế gần 600 tỷ đồng.
4/ Nhật Bản hiện đang đứng đầu trong danh sách tiêu thụ thủy sản của Việt Nam trong tháng 1/2021, chiếm 18,4% trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước, đạt 112,25 triệu USD. Theo đó, Việt Nam là thị trường cung cấp thủy sản lớn thứ 3 cho Nhật Bản, đạt 133,49 nghìn tấn với trị giá 118,16 tỷ Yên, giảm 12% về lượng và giảm 11,2% về trị giá so với năm 2019. Thị phần thủy sản của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Nhật Bản trong năm 2020 giảm nếu tính theo lượng nhưng tăng khi tính theo trị giá so với năm 2019, chiếm 7% về lượng và 8,5% về trị giá.
5/ Trong dịp Tết Tân Sửu 2021, hàng hóa của Việt Nam được xuất khẩu sang 80 thị trường trên thế giới. Trong đó, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất, đạt trị giá 189 triệu USD, chiếm 26% tổng trị giá xuất khẩu. Thống kê cộng dồn của Tổng cục Hải quan từ đầu năm đến hết 16/2/2021, tổng trị giá XNK hàng hóa của cả nước sơ bộ đạt 74,5 tỷ USD, tăng 31% so với cùng thời gian năm 2020. Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, cân thương mại hàng hóa Việt Nam thặng dư (xuất siêu) lên đến 2,6 tỷ USD. Trong dịp Tết Tân Sửu 2021, hàng hóa của nước ta đã được XK sang 80 thị trường trên thế giới. Trong đó, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu (XK) lớn nhất, đạt trị giá 189 triệu USD, chiếm 26% tổng trị giá XK. Tiếp theo là các thị trường: Mỹ với 152 triệu USD (chiếm 21%), Hàn Quốc với 67 triệu USD (chiếm 9%).
6/ Sau Bao bì Biên Hòa, Tập đoàn SCG (Thái Lan) đã tiếp tục mua tiếp 70% cổ phần của Nhựa Duy Tân, một trong những doanh nghiệp chuyên sản xuất bao bì nhựa cứng. Trong văn bản gửi tới Sở giao dịch chứng khoán Thái Lan (SET), SCG Packaging (SCGP) thông báo việc ký thỏa thuận mua 70% cổ phần của Công ty Sản xuất Nhựa Duy Tân. Giao dịch đã được thực hiện thông qua công ty con của SCGP và các chi tiết cụ thể sẽ được công bố giữa năm 2021. Bangkok Post cho biết, thương vụ này nằm trong kế hoạch đầu tư 10 tỷ baht (tương đương 334 triệu USD), nhằm mở rộng lĩnh vực kinh doanh tại Việt Nam, thị trường đang có nhu cầu lớn và tiếp tục gia tăng về các sản phẩm bao bì nhựa. Khoản đầu tư 10 tỷ baht này cũng là một phần của ngân sách đầu tư 20 tỷ baht mà SCGP công bố vào tháng trước cho các kế hoạch mở rộng kinh doanh.
7/ Saudi Arabia đã đảo ngược chính sách trước thềm cuộc gặp của liên minh các nước sản xuất năng lượng vào tháng sau. Các quy định về nâng sản lượng dầu sẽ chưa được áp dụng chính thức cho tới tháng 4/2021. Theo đó, Saudi Arabia đã có kế hoạch tăng sản lượng dầu trong những tháng tới, như vậy xu thế chính sách năng lượng của nước này đã đảo ngược.Động thái chính sách này dự kiến sẽ được đưa ra khi mà niềm tin vào quá trình phục hồi của giá dầu đang lớn dần. Trong tuần vừa qua, giá dầu đã trở lại ngưỡng cao chưa từng thấy tính từ đại dịch Covid-19 vào đầu năm 2020 và gây tổn hại đến nhu cầu dầu toàn cầu. Giá dầu Brent, loại dầu chuẩn của thế giới, đã chạm mức 64USD/thùng. Giá dầu WTI, loại dầu chính của Mỹ, đã vượt mốc 60USD/thùng.
8/ Vốn hóa của Fast Retailing, công ty mẹ Uniqlo, hiện đã đạt 10.890 tỷ yên (hơn 103 tỷ USD) trên sàn chứng khoán Nhật Bản, giúp họ trở thành hãng thời trang giá trị nhất thế giới. Giá cổ phiếu hãng bán lẻ thời trang Nhật Bản đã tăng đều đặn từ tháng 8 năm ngoái. Đây là lần đầu tiên Fast Retailing vượt Inditex, công ty mẹ Zara. Tính đến tháng 11/2020, Fast Retailing vận hành 2.298 cửa hàng Uniqlo trên khắp thế giới. 60% các cửa hàng nằm ở châu Á, đã trừ Nhật Bản. Dù vậy, nếu tính theo doanh thu, Fast Retailing vẫn ở vị trí thứ 3, với khoảng 2.000 tỷ yên (18,9 tỷ USD) cho năm tài chính trước. Inditex dẫn đầu với 28,2 tỷ euro (34,1 tỷ USD). Trong khi đó, H&M của Thụy Điển đứng thứ 2 với 187 tỷ kronor (22,5 tỷ USD).
9/ Facebook đã thông báo sẽ hạn chế việc chia sẻ các nội dung tin tức ở Australia. Động thái này cho thấy quyết định từ chối tuân thủ quy định mới vốn yêu cầu các gã khổng lồ công nghệ phải chia sẻ lợi nhuận với các tập đoàn truyền thông ở Australia. Năm ngoái, dự luật có tên là Luật Đàm phán truyền thông được Chính phủ Australia đưa ra đã làm dấy lên cuộc tranh cãi gay gắt giữa Google, Facebook và các hãng truyền thông báo chí Australia. Dự luật này yêu cầu hai gã khổng lồ công nghệ phải thương lượng trả phí cho các hãng báo chí để sử dụng nội dung tin tức trên các nền tảng của mình, kể cả trong phần kết quả tìm kiếm. Động thái mới nhất này của Facebook là trái ngược với Google, tập đoàn trước đó thông báo đã dàn xếp được các thỏa thuận với những tập đoàn truyền thông của Australia, trong đó có News Corp.
Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA