Ảnh minh họa: CNBC
Tiêu điểm
Việt Nam giãn cách, giá cà phê toàn cầu “leo thang”
Theo cơ quan xếp hạng tín dụng Fitch Solutions, các biện pháp giản cách xã hội để khiểm soát dịch bệnh Covid-19 của Việt Nam đã hạn chế nguồn cung cà phê toàn cầu, khiến giá cả của mặt hàng có thể vẫn sẽ ở mức “tương đối cao” cho đến năm 2022.
Được biết, Việt Nam, là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới, hiện đang phải chống chọi với đợt bùng phát tồi tệ nhất của Covid-19, kể từ khi đại dịch bắt đầu, và việc trung tâm xuất khẩu TP. HCM đã bị khóa chặt đã ảnh hưởng mạnh đến các hoạt động xuất khẩu cà phê và các hàng hóa khác ra nước ngoài.
Theo Reuters, trong tháng 8/2021, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đã giảm 8,7% so với tháng 7, xuống còn 111.697 tấn. Hơn thế nữa, 8 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã xuất khẩu 1,1 triệu tấn cà phê, thấp hơn 6,4% so với năm trước, nhưng doanh thu xuất khẩu lại tăng 2% lên khoảng 2 tỷ USD. Sụt giảm trong lượng xuất khẩu cà phê của Việt Nam và sản lượng của các nhà sản xuất hàng đầu khác đã thúc đẩy giá cà phê toàn cầu. Theo đó, giá cà phê Arabica kỳ hạn đã tăng khoảng 45,8% trong năm nay, trong khi giá cà phê Robusta kỳ hạn tăng 52,2%.
Theo Fitch Solutions cho biết, với việc các hạn chế để kiểm soát Covid-19 có thể sẽ sớm được dỡ bỏ dần dần, nên sự gián đoạn đối với hoạt động xuất khẩu cà phê của Việt Nam có thể sẽ chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn.
Việt Nam hiện đang đóng một vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu. Việc kiểm soát hoạt động đi lại và đóng cửa nhà máy để khống chế dịch bệnh đã ảnh hưởng nghiêm tọng đến hoạt động sản xuất và xuất khẩu của quốc gia, cùng với đó là nguồn cung cấp hàng hóa toàn cầu từ cà phê đến quần áo và chất bán dẫn. Theo đó, các hãng sản xuất đồ thể thao lớn như Nike, Under Armour và Lululemon; cũng như nhà sản xuất chip Samsung Electronics hiện đang nằm trong số các công ty toàn cầu đang phải đối mặt với sự gián đoạn tại Việt Nam.
Bản Tin Thị Trường
1/ Ngày 17/9, giá vàng miếng SJC tại Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn hiện vẫn đang ở mức 55,9 – 56,6 triệu đồng/lượng, giảm tới 750 ngàn đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với sáng qua. Chênh lệch giá mua vào và bán ra vẫn đang ở mức 700 ngàn đồng/lượng. Trong khi đó, Trên thị trường thế giới, giá vàng giao dịch trên sàn Kitco đang ở mức 1.757,1 USD/ounce, giảm tới 37 USD, tương đương 2% so với chốt phiên trước. Giá vàng tiếp tục giảm sâu trong bối cảnh đồng USD và lợi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ tăng khi số liệu mới công bố cho thấy doanh số bán lẻ tại Mỹ bất ngờ tăng trong tháng gần nhất.
2/ Theo Bộ Công Thương cho biết, Trung Quốc đã thông báo tạm dừng thông quan nhập khẩu đối với mặt hàng thanh long của Việt Nam qua khu vực Cầu phao tạm Đông Hưng, với lý do là phát hiện virus Covid-19 trên bao bì bọc quả thanh long và thùng các-tông đựng thanh long nhập khẩu từ Việt Nam. Theo thông báo của chính quyền Đông Hưng, sau 23h ngày 21/9, mặt hàng thanh long sẽ tự động được khôi phục thông quan nhập khẩu qua địa điểm này. Tuy nhiên, nếu tiếp tục phát hiện virus trên thanh long hoặc mặt hàng khác, cơ quan phòng chống dịch Covid-19 Đông Hưng sẽ gia hạn thời gian tạm dừng thông quan nhập khẩu thêm 1 tuần đối với mặt hàng đó. Nếu phát hiện 3 lần dương tính, mặt hàng đó sẽ bị tạm dừng thông quan 4 tuần.
Trung Quốc tạm dừng nhập thanh long tại 1 điểm xuất hàng ở Quảng Ninh. Ảnh: Vietnamnet
3/ Theo thống kê của Cơ quan quản lý ngoại thương Đài Loan (BOFT) cho thấy, 8 tháng đầu năm 2021, Đài Loan đã nhập trên 22.170 tấn trà từ 32 đối tác trên toàn thế giới. Trong đó, 53,29% là trà Việt Nam. Xét về giá trị xuất khẩu, trà Việt sang Đài Loan đạt 18,55 triệu USD, chiếm 30,59% tổng kim ngạch trà nước này nhập khẩu. Như vậy, so với cùng kỳ năm ngoái, trà Việt xuất khẩu sang Đài Loan đã tăng 9,73% về lượng và 9% về giá trị. Với tỷ trọng xuất khẩu lớn, Việt Nam hiện đang chiếm vị trí dẫn đầu trong top 37 quốc gia xuất khẩu mặt hàng này sang Đài Loan. Theo Hiệp hội chế biến trà Đài Loan, 56% trà nhập từ Việt Nam là các loại hồng trà; 33% là trà ô long và trà bao chủng, còn lại là trà xanh.
4/ Mới đây, ngân hàng Techcombank đã giành Giải thưởng quốc tế Stevie Awards, hạng mục ‘Nơi làm việc tốt nhất 2021 – ngành ngân hàng’. Được biết, đây là năm thứ 2 liên tiếp, Techcombank được vinh danh giải thưởng danh giá này, với lễ trao giải dự kiến được tổ chức trực tuyến tại New York vào ngày 17/11 tới. Giải thưởng Stevie Awards được thành lập từ năm 2002, từng được tạp chí New York Post (Mỹ) xem như là “Giải thưởng Oscar dành cho giới kinh doanh” và là giải thưởng “Uy tín nhất toàn cầu dành cho cộng đồng doanh nghiệp”. Tính đến nay, cúp Stevie Awards đã được trao tặng tại hơn 60 quốc gia, với hơn 1.000 chuyên gia hàng đầu thế giới ở nhiều lĩnh vực tham gia Hội đồng Giám khảo của chương trình.
5/ Theo Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), trong báo cáo tháng 8, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2021/2022 sẽ ở mức kỷ lục 507,5 triệu tấn (xay xát), tăng 1,4 triệu tấn so với dự báo trước đó và cũng cao hơn 1,6 triệu tấn so với niên vụ 2020/2021. Theo đó, USDA đã nâng dự báo về sản lượng gạo của Bangladesh, Brazil, Indonesia, Sri Lanka, Đài Loan (Trung Quốc) và Việt Nam, nhưng giảm đối với Cuba, Kazakhstan, Nga và Mỹ. Ngoài ra, lượng gạo tiêu thụ và thất thoát trên toàn cầu trong năm 2021/2022 dự kiến đạt mức kỷ lục 514,3 triệu tấn, tăng 0,3 triệu tấn so với dự báo tháng 7 và cũng tăng 7,6 triệu tấn so với niên vụ trước.
6/ Theo Reutes, doanh số bán lẻ của Mỹ đã bất ngờ tăng vọt trong tháng 8/2021 do lượng mua hàng trực tuyến và đồ nội thất tăng mạnh, bù lại cho sự sụt giảm liên tục của các đại lý xe hơi. Theo đó, doanh số bán lẻ ở Mỹ tăng 0,7% trong tháng 8/2021, con số này đặc biệt ấn tượng khi xếp cạnh dữ liệu của tháng 7/2021 khi doanh số bán lẻ suy giảm 1,8%. Nhìn chung, doanh số bán hàng ở Mỹ trong tháng vừa qua đã tăng 15,1% so với một năm trước và cao hơn nhiều so với mức trước đại dịch. Dự kiến, doanh số bán hàng trong tháng 8 có thể sẽ còn được thúc đẩy nhiều hơn nữa nhờ hoạt động mua sắm mùa tựu trường, và khoản tiền tín thuế trẻ em từ chính phủ, một phần trong đạo luật cứu trợ American Rescue Plan.
7/ Mới đây, Trung Quốc đã chính thức nộp đơn xin gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Được ký kết vào năm 2018, CPTPP là hiệp định thương mại tự do giữa 11 quốc gia, bao gồm Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, Singapore, New Zealand, Peru và Việt Nam. Được biết, 11 quốc gia thành viên CPTPP đại diện cho GDP trị giá khoảng 13,5 ngàn tỷ USD, tương đương 13,4% GDP toàn cầu. Điều này đã khiến CPTPP trở thành một trong những thỏa thuận thương mại lớn nhất thế giới.
8/ Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2021 của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) lên 5%, cao hơn mức dự báo 4,6% trước đó.
9/ Mới đây, Chính phủ Singapore đã thông báo sẽ đẩy mạnh thị trường chứng khoán trong nước và các công ty khởi nghiệp thông qua một gói các biện pháp hỗ trợ, trong nỗ lực đưa nước này trở thành một trung tâm tài chính ở châu Á. Theo đó, Chính phủ và Công ty đầu tư quốc gia Temasek sẽ thành lập một quỹ mới với số vốn ban đầu 1,5 tỷ SGD (1,1 tỷ USD) để cấp ngân sách cho hoạt động huy động vốn công khai và tài trợ cho các đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của các công ty có mức tăng trưởng cao. Bên cạnh đó, Hội đồng phát triển kinh tế (EDB) của Singapore sẽ khởi động một Quỹ IPO tăng trưởng (Growth IPO Fund) với ngân sách ban đầu 500 triệu SGD nhằm đầu tư vào các công ty sáng tạo công nghệ. Quỹ này sẽ hỗ trợ các công ty mở rộng hoạt động, hướng tới thực hiện IPO ở Singapore.
Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA