Dân số Hồi giáo toàn cầu gần chiếm 1/4 dân số thế giới với mức tiêu thụ 2.300 tỷ USD/năm, dự báo sẽ tăng lên mức 7.700 USD vào năm 2030

Tổ chức NHO-QSCert (thuộc công ty TNHH NHONHO – đơn vị chuyên đánh giá, cấp chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế cho hàng hoá Việt Nam) và RSD Management Solution (Malaysia) vừa hợp tác thành lập trung tâm chứng nhận HALAL Việt Nam – Malaysia tại Cần Thơ.

Đây cũng là trung tâm cấp chứng nhận HALAL đầu tiên ở ĐBSCL, với kỳ vọng “mở đường” cho hàng nông sản vào thị trường Trung Đông với 1,8 tỷ dân.

Halal theo ngôn ngữ Ả Rập có nghĩa là “hợp pháp” hoặc “được phép dùng”. Đối lập với Halal là Haram, nghĩa là “trái luật” hoặc “bị cấm”. Đối với các sản phẩm không xác định được Halal hay Haram (đặc biệt là các sản phẩm thực phẩm có qua sơ chế/chế biến/ bảo quản), thì người Hồi giáo sẽ không sử dụng (sản phẩm Mushbooh: nghi ngờ). Người Hồi giáo chỉ sử dụng các sản phẩm Halal.

Chứng nhận HALAL là quá trình xem xét, đánh giá độc lập, khách quan để xác nhận/ công nhận theo chuẩn mực quốc tế cho sản phẩm/dịch vụ có trách nhiệm. Những sản phẩm/dịch vụ cụ thể được đánh giá không sử dụng các thành phần Haram và điều kiện sản xuất/cung cấp dịch vụ đáp ứng yêu cầu của luật Shari’ah và tiêu chuẩn HALAL.

Dân số Hồi giáo toàn cầu chiếm gần 1/4 dân số thế giới với mức tiêu thụ 2.300 tỷ USD/năm, dự báo tăng lên 7.700 tỷ USD vào năm 2030. Trong đó, nhu cầu tiêu thụ gạo trên 4,3 tỷ USD, cà phê, trà, cao cao trên 10 tỷ USD, rau quả trái cây trên 26 tỷ USD, đường, mật ong 26,7 tỷ USD… Ít nhất 20 sản phẩm ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có thể xuất khẩu nếu được chứng nhận HALAL.

“Năm 2016, kim ngạch xuất khẩu sang Trung Đông đạt 12 tỷ USD, và đến năm 2018 giá trị kim ngạch đã tăng lên 14 tỷ USD – cho thấy tiềm năng thị trường này rất lớn”, ông Hoàng Bá Nghị, CEO công ty TNHH NHONHO, cho biết.

Theo NHONHO, hiện nay, nhiều quốc gia ở khu vực Trung Đông có xu hướng nhập khẩu hàng Việt Nam, nhất là những sản phẩm rau, củ quả, thuỷ hải sản. Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu hàng nông sản sang thị trường này đang gặp rào cản về chứng nhận HALAL. Do đó, sau khi thành lập, trung tâm chứng nhận HALAL Việt Nam – Malaysia tại Cần Thơ sẽ cấp chứng nhận và hỗ trợ thực hành HALAL cho các doanh nghiệp có nhu cầu, để có thể xuất khẩu hàng hoá sang các quốc gia theo đạo Hồi.

Và trung tâm này đã cấp chứng nhận HALAL cho ba doanh nghiệp Việt, là: công ty TNHH MTV sản xuất thương mại Đinh Gia Foods, công ty TNHH thực phẩm VICADA (TP Cần Thơ), công ty TNHH Depaco (tỉnh Đồng Nai). Trước đó, nhiều công ty như: Orion Vina, Vinamilk, Nestlé Vietnam, Cai Lan Oils and Fats Industries, công ty dầu thực vật Tường An, công ty thuỷ sản Minh Phú… đã nhận được chứng nhận HALAL. Nhưng, đó là con số rất nhỏ, so với số đông doanh nghiệp chuyên làm hàng xuất nhập khẩu tại ĐBSCL, nói riêng và tại Việt Nam nói chung chưa có HALAL.

Thủ tục cấp chứng nhận Halal gồm:

1/         Chứng nhận dăng ký kinh doanh.

2/         Chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATVSTP.

3/         Sản phẩm có công bố/tự công bố chất lượng sản phẩm.

4/         Quy trình sản xuất GMP; nếu doanh nghiệp có HACCP thì sẽ dễ dàng hơn.

5/         Tất cả những gì liên quan đến sản xuất, không có dính tới cồn và thịt heo.

6/         Doanh nghiệp có nhân viên học xong khoá học về nhận thức HALAL.Chi phí khoảng 30 triệu đồng (nếu có thêm chi phí tư vấn thì thêm khoảng 10 triệu).

Hiện nay, trung tâm HALAL tại Cần Thơ (lầu 5 toà nhà STS Tower số 11 B đại lộ Hoà Bình, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) đang giảm giá dịch vụ để khích lệ doanh nghiệp.

Thời gian khoảng một tuần sau khi có đầy đủ các yêu cầu của hồ sơ, NHONHO sẽ lập đoàn kiểm tra thực tế nếu đạt yêu cầu, hẹn thời gian nhận chứng nhận và được quyền sử dụng logo HALAL (một năm).

Theo TGHN