Con đường đi tới tự động hóa và sử dụng robot vào sản xuất của Minh Long không phải do “nhìn xa trông rộng”, đón đầu xu hướng mà là bước đi mang tính lựa chọn.
Ông Lý Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty Gốm sứ Minh Long, lần đầu tiên công khai kể chuyện ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất tại CEO Forum 2018 chủ đề: “Lướt trên cơ hội hay chìm trong thách thức” do Hội doanh nhân trẻ TP HCM (YBA) tổ chức ngày 24-10.
Theo ông Minh, con đường đi tới tự động hóa và sử dụng robot vào sản xuất của Minh Long không phải do “nhìn xa trông rộng”, đón đầu xu hướng mà là bước đi mang tính lựa chọn.
Từ năm 1996, Minh Long đã nhập máy móc thiết bị tự động hóa về nhưng tự động hóa cục bộ trên từng máy một. Đến năm 2004,chi phí tiền lương tăng lên rất cao, giá gas cũng tăng cao, công ty đứng trước khó khăn là tới không xong, lui không được. Minh Long đầu tư trang thiết bị rất hiện đại của Đức nên không thể bán sản phẩm ra thị trường với giá thấp. Lúc đó ban giám đốc công ty đã quyết định tạo đột phá bằng cách đầu tư lớn vào công nghệ. Chính nhờ ứng dụng thành công công nghệ nung 1 lần mà Minh Long có ngày hôm nay.
“Công nghệ cũ 400 người làm việc, công nghệ mới còn 150 người, tự động hóa còn 15 người làm việc và đến nay gần như không còn con người. Quy trình sản xuất từ 1 cục đất ra sản phẩm hoàn chỉnh của Minh Long mất khoảng 20 giờ, nhanh gấp 3-4 lần so với các nhà sản xuất gốm sứ khác trên thế giới” – ông Minh cho biết.
Ông Minh nói nếu muốn tự động hóa doanh nghiệp phải có giải pháp kỹ thuật phù hợp. Nếu không sẽ rất rủi ro vì chi phí đầu tư rất cao.
Sự đột phá trong sản xuất mang lại hiệu quả lớn nhưng cũng thách thức lớn. Chẳng hạn, công suất tăng gấp 3-4 lần, vậy tốc độ bán hàng có theo kịp tốc độ sản xuất không? Sản lượng 1 ngày ra mấy chục ngàn sản phẩm, sản lượng lớn quá tiêu thụ thế nào? Máy tự động, sản xuất hàng loạt nên phải có kế hoạch, hiểu thị trường và chuẩn bị từ xa chứ nếu không sẽ đau đầu vì tự động hóa.
Bản thân Minh Long từng gặp khó khăn trong việc tìm người vận hành công nghệ. Khi chuyển toàn bộ quy trình sản xuất qua tự động, bộ phận kỹ thuật của các nhà cung cấp máy sang lắp ráp dây chuyền, vận hành thử hệ thống thì chúng tôi đã tuyển 70-80 chục nhân sự được đào tạo qua trường lớp cùng tham gia học việc từ khâu lắp ráp đến vận hành với các chuyên gia nước ngoài trong vòng 8 tháng.
“Khi nhận chuyển giao và tự vận hành, chúng tôi chia số người này ra làm 3 nhóm để làm việc 3 ca nhưng trong 3 tháng đầu, không người nào làm được vì họ không biết về chuyên môn ngành gốm sứ dù biết về kỹ thuật số, vận hành máy, điện… Cuối cùng chúng tôi phải chọn trong xưởng ra 9 người có chuyên môn để học vận hành máy. 2 tháng sau thì nhà máy vận hành suôn sẻ” – ông Minh kể.
Theo Người Lao Động