Tối ngày 18/9, gần 400 doanh nghiệp, doanh nhân, người khởi nghiệp… tham dự một hội nghị trực tuyến, về chủ đề: “Hai giải pháp tái kích hoạt sản xuất”, do Câu lạc bộ Doanh nghiệp dẫn đầu (LBC), Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao tổ chức.
Chia sẻ và trả lời các câu hỏi của cộng đồng doanh nghiệp là hai diễn già, ông Phạm Phú Ngọc Trai – Chủ tịch công ty Tư vấn kinh doanh Hội nhập toàn cầu (GIBC), nguyên là Chủ tịch Câu lạc bộ LBC, và Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ – Chủ tịch HĐQT Rynan Technologies, hiện là Chủ tịch Câu lạc bộ LBC.
Hai diễn giả mang đến những giải pháp khác nhau giúp doanh nghiệp an toàn, yên tâm sản xuất kinh doanh trong tình hình dịch.
5 giải pháp từ ông Phạm Phú Ngọc Trai
Để doanh nghiệp quay lại sản xuất an toàn, hiệu quả, ông Phạm Phú Ngọc Trai – Chủ tịch GIBCs đề xuất 5 hướng giải pháp.
Ông Phạm Phú Ngọc Trai – Chủ tịch công ty Tư vấn kinh doanh Hội nhập toàn cầu (GIBC) chia sẻ trong buổi trực tuyến với doanh nghiệp
Thứ nhất, vấn đề phân bổ vắc xin về địa phương hiện nay hãy để doanh nghiệp tiếp cận chủ động thông qua việc đăng ký với các đầu mối hay các đơn vị dịch vụ. Doanh nghiệp sẽ tự tính toán bộ phận lao động nào cần phải ưu tiên tiêm mũi 2 để tái sản xuất.
Thứ hai, cần để doanh nghiệp chủ động tổ chức y tế tại chỗ, tự chủ việc sàng lọc, xét nghiệm, chăm sóc F0… Doanh nghiệp có thể kết hợp với các dịch vụ y tế tư nhân.
Thứ ba, trao thêm sự chủ động cho doanh nghiệp, hỗ trợ họ thay vì kiểm soát, can thiệp. Đơn cử như với người đã tiêm 2 mũi vắc xin, hoặc 1 mũi được cấp mã QR để đi lại. Cần có sự liên thông dữ liệu, để doanh nghiệp tự khai báo được những ai đủ điều kiện, lộ trình di chuyển vào hệ thống nhà nước.
“Việc đi lại của người lao động nếu đáp ứng các tiêu chí, doanh nghiệp chủ động khai báo sẽ thuận lợi hơn. Cần chọn phương án rủi ro thấp, không nên chọn phương án không rủi ro khi thực tế triển khai không như mong muốn”, ông Phạm Phú Ngọc Trai cho biết.
Thứ tư, tiếp tục các chính sách an sinh, hỗ trợ người lao động. Cần có sự hỗ trợ từ ngân sách, quỹ BHXH, công đoàn… chi đến từng doanh nghiệp để chi trả ngay cho người lao động đang sản xuất, người lao động bị ngừng việc… để doanh nghiệp giữ chân được người lao động khi chuẩn bị quay lại sản xuất.
Thứ năm, việc hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp cần được quan tâm. Cần phải giảm các nghĩa vụ về thuế, phí; cần Nhà nước chi quỹ công đoàn để không thu các quỹ này; cung tiền cho các ngân hàng thương mại để khoanh nợ, giảm lãi suất mạnh hơn nữa.
Thông tin thêm về vấn đề người lao động, ông Phạm Phú Ngọc Trai cho biết, gần đây có những quan ngại về các đơn hàng cho thị trường khó tính vì không có lao động đạt yêu cầu, nên mất thị trường.
Trong chiến lược sắp tới, vị chủ tịch GIBC cho hay, doanh nghiệp cần tận dụng năng lực quản lý của nhà nước và quản trị của doanh nghiệp để giảm bớt thiệt hại, rủi ro.
Ông Phạm Phú Ngọc Trai cũng cho rằng, các chỉ thị của Nhà nước trong giai đoạn này khi đưa ra cần có sự trao đổi với doanh nghiệp, trước khi ban hành, tránh những bất cập, khó khăn.
Giảm chi phí xét nghiệm qua phương pháp CNOK
Từ tỉnh Trà Vinh, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ – Chủ tịch HĐQT RYNAN Technologies, Chủ tịch Câu lạc bộ LBC chia sẻ về phương pháp CNOK
Chia sẻ tại hội nghị, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ – Chủ tịch HĐQT RYNAN Technologies, Chủ tịch Câu lạc bộ LBC nói về phương thức lấy mẫu xét nghiệm CNOK, giúp doanh nghiệp giảm bớt chi phí xét nghiệm – vấn đề tốn nhiều tiền bạc của doanh nghiệp hiện nay.
Thực tế hiện nay, vấn đề xét nghiệm Covid-19 cho người lao động là một bài toán khó đối với nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh bởi chi phí giá kit cao, mật độ xét nghiệm dày gây tốn kém.
Tiến sĩ Mỹ nói, “công ty tôi hiện nay có 350 nhân viên đang thực hiện 3 tại chỗ”, mỗi lần xét nghiệm mất hơn nửa ngày, tốn 60 triệu đồng/lần và 240 triệu đồng/tháng. Nhưng với phương thức lấy mẫu xét nghiệm CNOK, mỗi tháng công ty chỉ tốn khoảng 72,8 triệu đồng. Nếu thực hiện xét nghiệm dùng mẫu gộp hai (một kit test cho hai người) thì chi phí xét nghiệm mỗi tháng còn lại là 36,4 triệu đồng.
Vậy giải pháp CNOK là gì:  Đó là phương thức lấy mẫu xét nghiệm dựa trên toán học xác suất thống kê.
Trong đó, C là chính xác, N là nhanh chóng, O là ổn định tâm lý người lao động và K là kinh tế, giúp phát hiện nhanh chóng và tương đối chính xác người bị nhiễm Covid-19 trong nhà máy.
Theo ông Mỹ, đây là giải pháp giúp doanh nghiệp đang hoạt động theo phương án “3 tại chỗ” và “1 cung đường 2 điểm đến” phát hiện nhanh với độ chính xác tương đối cao và doanh nghiệp không phải dừng sản xuất để thực hiện.
Doanh nghiệp có nhiều nhân viên sẽ chia thành những phân tổ. Mỗi ngày nhân viên đại diện phân tổ sẽ được xét nghiệm, cứ thế xoay vòng lần lượt từng người. Như vậy sẽ tiết kiệm được chi phí xét nghiệm cho doanh nghiệp.
Lý giải cụ thể về doanh nghiệp mình, theo tiến sĩ Mỹ, với công ty 350 người sẽ chia thành 13 phân tổ, trong đó có 12 phân tổ với 28 người. Phân tổ còn lại gồm 14 người có mức độ lây nhiễm cao như bảo vệ và tài xế. Theo đó, mỗi nhân viên chỉ cần xét nghiệm 2 lần trong 28 ngày theo mẫu gộp 2. Chi phí cho xét nghiệm theo phương thức này là 72,8 triệu đồng/tháng thay vì 146 triệu đồng/tháng như trước.
Với doanh nghiệp nhỏ với 15 lao động thì chỉ cần xét nghiệm 1 người/ngày. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần có giám sát nhiệt độ ngay từ vòng ngoài để kịp thời đưa lao động có dấu hiệu sốt đi xét nghiệm…
Trần Quỳnh