Tại Nhật Bản, Hàn Quốc có những mô hình về “mỗi làng một sản phẩm” được xây dựng và làm cho nhiều vùng đất nghèo của họ phát triển vượt bậc.

Trong một hội thảo mới đây với chủ đề: “Nâng cao sức cạnh tranh trong ngành thực phẩm thông qua tiêu chuẩn và thương hiệu” tổ chức tại TP.HCM, ông Phạm Xuân Đà, Cục trưởng Cục công tác phía Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ đưa ra mô hình “mỗi làng một sản phẩm”.

Cùng với việc chia sẻ những kinh nghiệm phát triển sản phẩm của Nhật Bản, Hàn Quốc, Israel, ông Đà kỳ vọng sẽ thay đổi thái độ của người dân về xây dựng tiêu chuẩn, chất lượng cho nông sản.

Theo ông Phạm Xuân Đà, việc thực hiện các tiêu chuẩn chất lượng mà doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân Việt Nam đang áp dụng hiện nay, từ VietGAP, GlobalGAP, Organic… đang chưa hiệu quả, khó tiếp cận cho người làm.

ông Phạm Xuân Đà, Cục trưởng Cục công tác phía Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ

Tại Nhật Bản, Hàn Quốc có những mô hình về “mỗi làng một sản phẩm” được xây dựng và làm cho nhiều vùng đất nghèo của họ phát triển vượt bậc.

Ông Đà dẫn chứng: tại Hàn Quốc, sâm rất nổi tiếng, nhưng người làm trực tiếp không phải là nhà khoa học, doanh nghiệp lớn, mà là nông dân, họ có nhiều vùng trồng sâm, mỗi vùng như thế họ có những trung tâm nghiên cứu(khoảng 2.000 hộ), ở đây, tất cả mọi sản phẩm nhân sâm đều được nghiên cứu kỹ lưỡng. Sau đó họ làm theo kiểu “cầm tay chỉ việc” cho nông dân, người nông dân nhờ đó mà biết làm, họ tạo nhiều việc làm, thu nhập cao cho nông dân…

Hàn Quốc xây dựng sản phẩm sâm và thường xuyên có những Lễ hội lớn về sâm để thu hút khách du lịch, các đối tác…

Hay tại Hungary với sản phẩm rượu vang Tokaji cũng được phát triển theo kiểu từ một địa phương như thế.

Còn Nhật Bản, họ cũng có chương trình hỗ trợ nông dân rất tốt ở các vùng nông thôn, chương trình “mỗi làng một sản phẩm” của họ, họ dùng tiêu chuẩn hóa để xây dựng những sản phẩm ở thôn, làng lên thành sản phẩm lưu hành được trên toàn nước Nhật.

Từ những bài học trên, ông Phạm Xuân Đà cho rằng, mỗi địa phương Việt Nam hãy chọn cho mình một vài sản phẩm có lợi thế nhất, nổi tiếng. Sau đó, sẽ có một đơn vị đứng ra hướng dẫn người dân xây dựng quy trình sản xuất, từ cách chọn giống, kỹ thuật nuôi trồng, bao tiêu đầu ra…

“Làm việc này sẽ tạo thói quen sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng cho nông dân, giúp nông dân thay đổi nhận thức và hành vi làm nông nghiệp của mình”, ông Phạm Xuân Đà nói.

Thực tế, ông Đà cho biết, mới đây, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ký kết thỏa thuận với Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao về chương trình hợp tác hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp xây dựng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm.

Nói về những nội dung này, chủ tịch Hội DN HVNCLC, bà Vũ Kim Hạnh, cho biết vấn đề lớn nhất trong dự án này là làm thế nào để hỗ trợ nông dân xây dựng tiêu chuẩn chất lượng với chi phí thấp nhất, hợp lý nhất.

Bà Vũ Kim Hạnh dự tính, Hội DN HVNCLC sẽ phối hợp với các tỉnh, thành mà cụ thể là các Sở Khoa học và Công nghệ, Sở NN&PTNT hỗ trợ khoảng 1/3 chi phí về tài chính để nông dân xây dựng tiêu chuẩn. Ngoài ra, Hội cũng sẽ phối hợp với nhiều đơn vị tổ chức các khóa tập huấn, tư vấn cho nông dân.

“Khoảng thời gian 2 năm làm tiêu chuẩn chất lượng chuẩn hội nhập, doanh nghiệp Việt vẫn bị chê là “2S” (tức là làm sơ sài – PV). Nhiều doanh nghiệp đạt các chứng nhận tiêu chuẩn nhưng sau một thời gian lại không giữ được chuẩn và thiếu ổn định. Vì vậy, cần phải có những hoạt động mạnh mẽ hơn để thay đổi nhận thức của người dân”- bà Hạnh nói.

Mới đây, Bộ khoa học và Công nghệ và Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao đã ký kết thỏa thuận khung chương trình “Hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp làm tiêu chuẩn”. Mục đích của thỏa thuận này là giúp nông dân và doanh nghiệp thay đổi tư duy và cả hành vi phù hợp với thông lệ sản xuất kinh doanh theo tiêu chuẩn quốc tế.

Bản thỏa thuận khung tập trung đến việc tư vấn, huấn luyện hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng tiêu chuẩn, xây dựng nhận thức và kiến thức nền về tiêu chuẩn; tư vấn xây dựng tiêu chuẩn cũng như kết nối, hỗ trợ truyền thông cho nông dân và doanh nghiệp. Cuối cùng là hỗ trợ đổi mới công nghệ, thương mại hóa sản phẩm…

Theo BSA