Yếu tố công nghệ sẽ được ứng dụng mạnh mẽ trong năm 2020 để mang lại sự tiện lợi tối đa cho khách hàng.

Tăng trưởng chi tiêu tiêu dùng với nhiều tín hiệu khả quan những tháng cuối năm 2019, dự báo bức tranh đầy sôi động cho thị trường bán lẻ năm 2020. Trong khuôn khổ bài viết này, Thế Giới Hội Nhập sẽ đưa ra các đánh giá về xu hướng các nhà bán lẻ, xem họ sẽ dẫn dắt và thích nghi với thị trường như thế nào.

1. Đà tăng trưởng ổn định ở kênh truyền thống

Mặc dù có những lúc lên xuống trong năm năm qua, nhưng kênh truyền thống vẫn luôn giữ mức tăng trưởng trong dài hạn. Trong năm 2019, trong mười nhóm ngành hàng lớn nhất của tiêu dùng nhanh, kênh truyền thống vẫn giữ mức tăng trưởng ổn định từ 6 – 10%. Sự tăng trường khá đồng đều giữa các nhóm ngành hàng, cộng với việc bản thân kênh truyền thống năm rồi tăng trưởng mạnh ở nhóm các cửa hàng vừa và nhỏ (số liệu từ hầu hết các công ty nghiên cứu thị trường đều chứng minh thực tế này), khiến cho chúng ta có sơ sở vững chắc để tin rằng 2020 sẽ tiếp tục là một năm tăng trưởng tốt của kênh truyền thống.

Điểm sáng nhất của kênh truyền thống là nhóm các cửa hàng chuyên doanh và cửa hàng bách hoá lớn. Trong xu thế tiêu dùng mới, người dùng có xu hướng tìm kiếm các cửa hàng chuyên phục vụ đa dạng theo chiều sâu một số chủng loại sản phẩm đặc thù nào đó, đã kích thích nhiều mô hình chuyên doanh ra đời. Họ cực kỳ năng động trong việc cung ứng các sản phẩm có nguồn gốc (như nhập khẩu, hoặc xuất phát từ những nguồn “có giới hạn” nào đó), cùng với những dịch vụ bán hàng như đặt hàng qua mạng, giao hàng tận nhà… Sự chuyên nghiệp của các cửa hàng chuyên doanh chính là yếu tố quan trọng thu hút và giữ chân người mua hàng.

Với cửa hàng bách hoá, phong độ ổn định đến từ việc kênh này ngày càng giống… siêu thị mini. Họ cạnh tranh sòng phẳng với kênh bán hàng hiện đại về không gian mua sắm “tự phục vụ”, chủng loại hàng hoá đa dạng, sự tiện lợi trong lúc mua hàng, và một mức giá theo kiểu “lấy công làm lời”. Nhờ vậy, trong năm năm qua thì có ba năm, kênh bách hoá tăng trưởng cao hơn kênh hiện đại. Và trong “sử sách” bán lẻ, ai cũng biết xuất phát từ sự tăng trưởng mạnh mẽ vào các năm 2016 – 2018 của bách hoá, đã khiến hàng loạt nhà bán lẻ lớn tại Việt Nam đầu tư tiền bạc để phát triển kênh siêu thị nhỏ. Vì họ tin đây là xu hướng của bán lẻ hiện đại.

Bênh cạnh đó, đội ngũ chuyên giá tư vấn thị trường của Thế Giới Hội Nhập vốn đã và đang công tác tại các doanh nghiệp FMCG top 10 tại Việt Nam, cũng đồng nhận định rằng: các doanh nghiệp lớn hiện nay hầu hết đều có sự đầu tư chiến lược và lâu dài vào kênh bách hoá để bảo vệ thị phần. Chính điều này giúp kênh bách hoá tiếp tục là “điểm nóng” trên thị trường.

2. Kênh hiện đại tiếp tục cuộc trường chinh về “nông thôn”

Nhà bán lẻ lớn nhất Việt Nam hiện nay trong ngành hàng tiêu dùng nhanh là Saigon Co.op (SGC). Những ngày cuối năm 2019 họ đã khai trương hàng loạt siêu thị, phần nhiều trong số này nằm tại các tỉnh lẻ, thậm chí là tại khu vực thị trấn, thị xã nhỏ. Sự kiên trì và tấn công mạnh mẽ của SGC, kéo theo động thái của các nhà bán lẻ khác, hàng loạt kế hoạch khai trương siêu thị, siêu thị mini tại các khu vực tỉnh đã được công bố trong năm 2020. Hiện nay, rất dễ để tìm được một tỉnh nào đó không thuộc nhóm tám tỉnh, thành phố lớn nhất cả nước có từ ba siêu thị trở lên, chưa kể hàng hoạt siêu thị nhỏ khác nữa.

Tính theo thời gian hoàn vốn đầu tư, một siêu thị tại khu vực tỉnh sẽ dài hơn tại thành phố lớn khoảng hai năm, tỷ lệ lỗ trong ba năm đầu thường lớn, gánh nặng chi phí rất nặng cho các nhà bán lẻ. Tuy nhiên, họ đều chấp nhận vì những đánh giá lạc quan về xu hướng người tiêu dùng nông thôn, bán thành thị (sub-urban) sẽ ưa chuộng trải nghiệm mua sắm hiện đại, cũng như “bắt buộc” phải đi với đối thủ về nông thôn, nếu không muốn bị bỏ lại trong cuộc chơi mở siêu thị vốn cực kỳ tốn kém.

Để có thể tiếp tục tiến nhanh về nông thôn, các nhà bán lẻ sẽ đi với các mô hình gọn nhẹ, ngay cả nhóm siêu thị mô hình 1.500 – 3.000m2 sẽ là format phổ biến, bên cạnh đó, nhóm siêu thị mini cũng sẽ nằm trong ưu tiên chiến lược của các nhà bán lẻ để “đánh chiếm” các vị trí đắc địa tại các thị xã, thị trấn, nơi mà giá thuê vẫn còn khá “mềm”.

3. Tinh gọn và tinh chỉnh mô hình tại các thành phố lớn

Chia sẻ với Thế Giới Hội Nhập, giám đốc phát triển mô hình bán lẻ của một nhà bán lẻ lớn nói rằng: để đi về các tỉnh nhanh, chúng tôi phải “lấy thành thị để nuôi nông thôn”, nghĩa là các siêu thị đã mở trước đây phải hoạt động hết công suất và tìm kiếm lợi nhuận để đầu tư cho các siêu thị ở tỉnh. Để làm được như vậy, bắt buộc chúng tôi phải tinh gọn và tinh chỉnh các mô hình bán lẻ tại thành phố lớn, để giảm chi phí, gia tăng lợi nhuận hơn nữa. Không chỉ phục vụ cho chiến lược mở rộng, mà áp lực cạnh tranh khốc liệt từ đối thủ cạnh tranh cũng khiến cho các nhà bán lẻ phải không ngừng thay đổi, để không bị mất khách hàng. Đến nay, hầu như tất cả các khách hàng đều đi theo mô hình đa kênh (multi – channel), vừa có đại siêu thị (hypermarket), vừa có siêu thị (supermarket), siêu thị nhỏ (minimart) và cả cửa hàng tiện lợi (convenience stores – CVS). Một người tiêu dùng bình quân viếng thăm 6 – 7 kênh bán hàng/năm, nghĩa là nếu nhà bán lẻ nào đó không có nhiều mô hình, sẽ phải “chia sẻ” khách hàng hoặc mất luôn vào tay đối thủ. Rất có thể năm 2020, sẽ chứng kiến nhiều nhà bán lẻ sẽ hoàn thiện mô hình bán lẻ đa kênh tại các thành phố lớn. Họ sẽ đi song song hai việc: mở rộng mô hình và làm mọi cách để các mô hình hoà vốn nhanh hơn.

4. Trải nghiệm khách hàng tiếp tục được ưu tiên

Nhìn toàn bộ thị trường bán lẻ kênh hiện đại trong năm 2019 thì số lượng người mua hàng có tăng, tuy nhiên tăng là do có quá nhiều siêu thị mở mới, còn các siêu thị hiện có thì vẫn mất khách. Nếu việc mất khách này chỉ cho các điểm bán mới trong cùng một nhà bán lẻ thì cũng không có gì đáng lo, nhưng khi mất vào đối thủ và các kênh bán hàng khác, thì sẽ khiến các nhà bán lẻ ngồi trên đống lửa.

Hai lý do mất khách phổ biến là do khách hàng có xu hướng trải nghiệm mua sắm và yếu tố tiện lợi. Người mua hàng thường thích các trải nghiệm mới, do đó nếu các store hiện tại không có gì mới họ sẽ chuyển sang chỗ khác. Nếu chỗ khác đó đáp ứng tốt nhu cầu của họ, họ sẽ không quay lại chỗ cũ nữa. Do vậy, năm 2020 sẽ là năm ưu tiên cho trải nghiệm mua sắm tại điểm bán. Trải nghiệm này không đơn giản chỉ là khi họ bước chân vào store mà trước đó trên các kênh truyền thống online và sau đó khi họ kết thúc mua hàng, nhà bán lẻ phải có các giải pháp sáng tạo để phục vụ khách hàng. Trải nghiệm mua sắm “full trip” sẽ là yếu tố được quan tâm hàng đầu của kênh bán hàng hiện đại. Nhà bán lẻ thường không thể làm một mình, mà cần có sự hợp tác với các nhà cung cấp, những người đang nắm thương hiệu sản phẩm và ngân sách marketing, bán hàng.

5. Và ưu tiên số một vẫn là “sự tiện lợi”

Như có đề cập một chút ở các xu hướng trên, năm 2020 sẽ tiếp tục là một năm bùng nổ của xu hướng “ưa chuộng sự tiện lợi”, ở cả khía cạnh người mua hàng lẫn nhà bán lẻ. Tiện lợi là yếu tố số một trong việc một người mua hàng chọn một kênh bán hàng, khiến cho các nhà bán lẻ và nhà cung cấp phải chuyển hướng chiến lược đầu tư.

Sẽ không ngạc nhiên nếu năm 2020 kênh bán hàng minimart sẽ có mức tăng trưởng khoảng 50%, và kênh bách hoá sẽ giữ vững phong độ với mức tăng trưởng hai con số.

Không chỉ có thế, ngay cả trong những kênh như đại siêu thị, siêu thị sẽ chứng kiến nỗ lực của các nhà bán lẻ, nhà cung cấp làm sao cho mọi thứ tiện lợi nhất có thể cho khách hàng. Sẽ có sự cạnh tranh trên KPI – TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ THỜI GIAN MUA SẮM HIỆU QUẢ, tối thiểu hoá những khoảng “thời gian chết” của người mua trong store. Bạn sẽ không ngạc nhiên nếu như bước vào một siêu thị lớn scan barcode các sản phẩm muốn mua, sử dụng ví điện tử để thanh toán và đi về nhà tay không, sau vài tiếng hàng hoá sẽ được shipper giao tận nhà. Bạn vừa có trải nghiệm cầm, ngắm, thử sản phẩm, vừa không phải tốn công mang vác theo cách mua sắm truyền thống.

Yếu tố công nghệ sẽ được ứng dụng mạnh mẽ trong năm 2020 để mang lại sự tiện lợi tối đa cho khách hàng. Nhà bán lẻ sẽ tránh việc biến mình thành một công ty thương mại điện tử (vì không cạnh tranh lại các công ty thương mại điện tử thuần tuý khác), mà sẽ dùng công nghệ để tối ưu hoá các phương thức bán lẻ truyền thống.

Năm 2020, rất thú vị là một năm cuối của kế hoạch năm năm của nhiều doanh nghiệp bán lẻ, sản xuất, cũng là năm bản lề để tạo nền tảng trong thập kỷ mới. Cho nên, hứa hẹn sẽ có rất nhiều điểm thú vị và diễn biến đầy sôi động diễn ra trên thị trường. Hãy cùng chờ xem.

Phan Tường & nhóm chuyên gia (theo TGHN)