Thông tin từ cuộc khảo sát Người tiêu dùng bình chọn HVNCLC 2023 cho thấy, nhóm DN mới đạt tỷ lệ bầu chọn lần đầu (mới nổi) là các DN có mạng lưới phân phối khá tốt, tập trung vào nhóm thực phẩm, cung ứng các sản phẩm tiêu biểu trên thị trường (DN đạt OCOP 4* – 5*, hoặc DN đã áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng trong thực hành sản xuất).

Danh sách chính thức 519 DN HVNCLC 2023

Ngành hàng có số doanh nghiệp (DN) đạt đủ tỷ lệ bình chọn cao nhất là ngành thực phẩm khô, đồ ăn liền; kế đến là ngành nước chấm, gia vị; ngành đạt tỷ lệ bình chọn thấp nhất là ngành dụng cụ làm đẹp.
Số lượng DN đạt đủ tỷ lệ người tiêu dùng (NTD) bình chọn gần tương đương với kết quả khảo sát HVNCLC 2022 (677 DN so với 689 DN năm 2022). Số lượng DN tạm thời rời khỏi danh sách chính thức năm nay ít hơn so với năm trước (55 DN so với 95 DN).
Trong số 519 DN HVNCLC 2023, có: 32 DN đạt danh hiệu HVNCLC 27 năm liên tiếp – cũng là 27 năm chương trình HVNCLC được tổ chức; 41 DN lần đầu được bình chọn; 132 DN HVNCLC – Chuẩn hội nhập đạt HVNCLC do người tiêu dùng bình chọn.
Dấu ấn của Cộng đồng DN HVNCLC 2023 đã giải quyết việc làm: 341.560 lao động full-time (toàn thời gian); 28.791 lao động part-time (bán thời gian).
Thị trường hàng tiêu dùng Việt Nam đang dần phát triển thực sự về chiều sâu. Người tiêu dùng không chỉ coi trọng các yếu tố rất cơ bản như chất lượng cảm nhận, độ bền, giá cả, mà các yếu tố như an toàn sử dụng, sản phẩm tươi ngon, thông tin về thành phần dinh dưỡng, nguồn gốc – xuất xứ, hay công dụng/ tính năng sản phẩm, hoặc sản phẩm đạt chứng nhận chất lượng,.. là các yếu tố rất được NTD quan tâm, đặc biệt đối với sản phẩm nhóm ngành thực phẩm, đồ uống.
Một số người tiêu dùng còn sẵn sàng chi trả tăng thêm cho sản phẩm có các ưu điểm vượt trội như truy xuất được nguồn gốc, đạt các tiêu chuẩn chất lượng hay thân thiện môi trường (nhãn xanh),… Nhu cầu sử dụng các sản phẩm vì sức khỏe, sản phẩm “xanh” “sạch” và có tính “bền vững” ít tác động tới môi trường là một xu hướng nổi bật hiện nay.
Cuộc khảo sát cũng cho thấy, các kênh bán lẻ truyền thống vẫn chiếm ưu thế, đặc biệt là cửa hàng chuyên/cửa hàng tạp phẩm/đại lý trong việc cung ứng hầu hết các loại sản phẩm tiêu dùng do những hấp lực về chất lượng, giá cả, đặc biệt là sự thuận tiện hay sự thân thiện của người bán. Tuy nhiên, vẫn có xu hướng chuyển dịch “cơ học” khách hàng từ chợ truyền thống hay các tiệm tạp hóa nhỏ lẻ sang các kênh bán lẻ hiện đại (gia tăng độ phủ) ở các đô thị; kênh bán lẻ hiện đại đang cho thấy có hấp lực đối với người tiêu dùng mua sắm sản phẩm nhóm hàng tiêu dùng nhanh (FMCG).
Mua sắm đa kênh đang là xu hướng thịnh hành hiện nay cũng như trong tương lai. NTD hiện nay lựa chọn mua sắm thông qua sự kết hợp giữa phương thức truyền thống và kỹ thuật số, NTD tham khảo thông tin sản phẩm qua các kênh trực tuyến nhưng lại muốn trải nghiệm mua sắm trực tiếp tại các siêu thị hay cửa hàng. Trong đó, xu hướng mua online không còn “bùng nổ mang tính độc tôn” như thời điểm dịch Covid 19 bùng phát, nhưng vẫn cho thấy mức độ rất phổ biến, đặc biệt với giới tiêu dùng trẻ. Cùng với sự thâm nhập ngày càng tăng của điện thoại thông minh, thiết bị di động và dịch vụ Internet, sự phát triển của thương mại điện tử, bán hàng online vẫn sẽ là một xu hướng tất yếu.
Trước một thị trường có nhiều biến đổi, thay đổi, bức tranh kinh tế theo đó cũng có thêm và bớt đi những gam màu. Đặc biệt, ở thời điểm 2023 này, các trào lưu mới của thế giới đang xoáy mạnh, bao trùm ba yếu tố chính: (1) Công nghệ thông tin, kỹ thuật số phát triển và ảnh hưởng tới cung cầu lao động. (2) Tác động của đại dịch và (3) Những biến động về quan hệ kinh tế chính trị thế giới, trong đó có cuộc chiến tranh Nga – Ukraine. Các trào lưu mới này đã gây tác động kinh tế xã hội thế giới, như rủi ro đứt gãy chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị, dẫn tới mức cầu lao động bị giảm, đặc biệt là lao động tương đối giản đơn. Các hãng đại công nghệ (Big Tech) đã tạo nên làn sóng các công ty mới, phát triển nhanh như Facebook, Apple, Amazon, Netflix, Google. Nhóm này gọi chung là FAANG. Tuy nhiên, các yếu tố địa chính trị và địa kinh tế từ cuối tháng 2.2022 đến nay đã làm xuất hiện nhóm công ty FAANG thế hệ mới, hay FAANG 2.0. mà trong đó nông nghiệp (Agriculture) có vai trò quan trọng hơn trước.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh thế giới với nguồn tài nguyên cạn kiệt, ô nhiễm môi trường gia tăng, biến đổi khí hậu đang ngày một xấu… nên hầu hết các báo cáo, nghiên cứu… đều nhận định: Kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là xu hướng tất yếu trong thời gian tới. Các xu hướng đó sẽ chi phối và thúc đẩy việc phát triển kinh tế phải đảm bảo cho các nguồn lực tự nhiên được tiết kiệm, phát huy hiệu quả, đủ khả năng đáp ứng nhu cầu cả về số lượng và môi trường sống trong tương lai. Cùng với đó, là “Thói quen tiêu dùng” đã thay đổi lớn sau đại dịch.
Báo cáo của các công ty nghiên cứu thị trường gần đây chỉ ra rằng phần lớn người tiêu dùng sẵn sàng chi trả nhiều tiền cho sản phẩm cam kết “xanh”, “sạch” được sản xuất từ nguyên liệu thân thiện với môi trường. Nhiều người cho biết họ ưu tiên mua các thực phẩm Organic, Bio Organic, thực phẩm không biến đổi gen,…vì áp dụng theo cách nuôi trồng truyền thống, không gây hại đến môi trường… Người tiêu dùng đang ngày càng ý thức hơn sự liên quan giữa sức khỏe và hệ sinh thái xung quanh!
Trước tình trạng thực phẩm kém chất lượng, hàng giả tràn lan trên thị trường, NTD đang dần khắt khe hơn trong sự lựa chọn của mình. Đặc biệt, sau giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát, ý thức về việc nâng cao sức khỏe của NTD ngày càng cao. Xu hướng lựa chọn thực phẩm an toàn, có nguồn gốc tự nhiên, thân thiện với môi trường trở nên phổ biến và trở thành một xu hướng mới trong lựa chọn của NTD. Thực phẩm sạch, an toàn và được kiểm chứng đạt các tiêu chuẩn chất lượng hoặc đạt chứng nhận hữu cơ đang là lựa chọn hàng đầu được nhiều gia đình hướng đến.
Kết quả khảo sát về “mức độ người tiêu dùng sẵn sàng chi trả tăng thêm cho các sản phẩm” cho thấy: NTD sẵn sàng chi tăng thêm đối với các sản phẩm có các ưu điểm như truy xuất được nguồn gốc, có thành phần tốt cho sức khỏe, được nhiều người tin dùng hay sản phẩm đạt các chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng, chứng nhận hữu cơ, và được sản xuất từ các nguyên liệu  thân thiện với môi trường.
Thực trạng hàng giả, hàng nhái là vấn đề NTD lo ngại nhất khi mua dùng sản phẩm. Kết quả khảo sát cũng cho thấy NTD hiện nay vẫn rất lo ngại về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, trong đó 43% số người được khảo sát lo ngại doanh nghiệp sử dụng chất cấm trong sản xuất và bảo quản, hay sử dụng nguyên liệu không đảm bảo chất lượng để sản xuất.
Ghi nhận đánh giá từ hệ thống phân phối cho thấy đa số người bán đánh giá sản phẩm của DN đạt HVNCLC được nhiều người mua (80%), có thương hiệu uy tín (60%), sản phẩm đa dạng chủng loại (47%) hay giá bán cạnh tranh (39%). Đặc biệt, có trên 50% đánh giá DN có nhiều sản phẩm mới hoặc được cải tiến trong năm qua. Đây là tín hiệu đáng mừng, sự ghi nhận của các điểm bán lẻ là động lực để cộng đồng DN HVNCLC nỗ lực hơn nữa trong việc đáp ứng nhu cầu thị trường và mong đợi của người tiêu dùng.
Hội DN HVNCLC