Xuất khẩu bằng đường biển (chính ngạch) từ Việt Nam sang Trung Quốc đang ngày càng thuận lợi hơn và chi phí rẻ hơn so với trước. Năm 2019 sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp mở rộng xuất khẩu bằng đường biển vào các thành phố lớn của Trung Quốc, qua đó tăng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sản xuất và chế biến ở Việt Nam xuất khẩu nông sản, thủy sản sang Trung Quốc phải tuân thủ các yêu cầu có liên quan về tiêu chuẩn, luật pháp và các quy định bắt buộc của quốc gia này. Đây là những chia sẻ của các chuyên gia, diễn giả tại hội thảo “Đẩy mạnh xuất khẩu nông sản – thủy sản chính ngạch sang Trung Quốc”, do Hội DN HVNCLC cùng với Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang tổ chức vào chiều 5/3 tại TP.Long Xuyên.
Tham dự Hội thảo có lãnh đạo các tỉnh An Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Cần Thơ và hơn 100 doanh nghiệp của tỉnh An Giang, doanh nghiệp hội viên HVNCLC.
Tại hội thảo, các chuyên gia, diễn giả khái quát bức tranh toàn cảnh xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc. Theo đó, khi Trung Quốc siết chặt kiểm soát an toàn thực phẩm và thương mại tiểu ngạch sẽ vừa là thách thức, vừa là cơ hội cho doanh nghiệp Việt.
Muốn xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc, doanh nghiệp cần thực hiện quản lý chất lượng; nắm bắt thông tin về nhu cầu và quy định thị trường đặc biệt khu vực xuất khẩu biên giới… Song song đó, khi làm ăn chính ngạch với Trung Quốc, doanh nghiệp cần lưu ý tất cả thủ tục đăng ký thực hiện cho sản phẩm xuất khẩu và cả bao bì sản phẩm…
Ông Trương Đình Hòe – Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam Vasep cho rằng, từ năm 2013, Trung Quốc trở thành thị trường nhập khẩu lớn thứ 4 của thủy sản Việt Nam. Đây là thị trường có mức tăng trưởng nhập khẩu ổn định hơn so với các quốc gia khác . Thương mại điện tử phát triển mạnh ở Trung Quốc và thủy sản cũng là một mặt hàng đang xuất hiện ngày càng nhiều trên các trang bán hàng online.
Đặc biệt, xuất khẩu bằng đường biển từ Việt Nam sang Trung Quốc ngày càng thuận lợi, chí phí rẻ hơn so với trước. Do đó, 2019 sẽ là năm mang lại nhiều cơ hội để các doanh nghiệp mở rộng xuất khẩu chính ngạch vào các thành phố lớn của Trung Quốc.
Theo đại diện của Vasep, Trung Quốc đang siết chặt kiểm tra ATTP và thương mại tiểu ngạch. Đây chính là cơ hội để sản phẩm nông sản, thủy sản Việt Nam nâng cao chất lượng và số lượng xuất khẩu chính ngạch, giữ vững uy tín và hình ảnh trên thị trường. Bên cạnh đó, thuế nhập khẩu vào thị trường này đang được điều chỉnh theo hướng tích cực cho xuất khẩu chính ngạch.
Như vậy, riêng với ngành thủy sản, đây có thể nói là cơ hội tốt, việc xuất khẩu sang thị trường đông dân nhất thế giới này có thể hồi phục mạnh khi chất lượng sản phẩm được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, để bền vững, thủy sản Việt Nam cần thực hiện quản lý chất lượng thông qua việc cấp và kiểm tra Chứng thư chất lượng trước khi xuất sang Trung Quốc. Bởi vì tình trạng xuất khẩu thủy sản bằng đường bộ (không cần xin chứng thư chất lượng), có thể tạo ra những hệ lụy về chất lượng sản phẩm cũng như hình ảnh sản phẩm thủy sản Việt Nam.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần có các biện pháp, nhằm cập nhật và thông báo kịp thời những thay đổi về chính sách nhập khẩu hàng thủy sản qua đường biên của Trung Quốc. Nếu không được cập nhật thường xuyên có thể gây khó khăn cho kế hoạch xuất khẩu. Trong khi đó, doanh nghiệp cần nắm bắt thông tin thường xuyên về nhu cầu, quy định của thị trường đặc biệt là khu vực xuất khẩu biên giới.
Hội thảo đi sâu về những nội dung nông sản làm ăn chính ngạch với Trung Quốc- những vấn đề lưu ý; xuất khẩu chính ngạch đi Trung Quốc; bài học từ các nước đang phát triển như Malaysia, Myanmar khi chinh phục thị trường này. Cùng với đó, tại bàn tròn thảo luận các đại biểu làm rõ nhiều nội dung về những thay đổi, đòi hỏi của thị trường Trung Quốc; câu chuyện xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc với các góc nhìn.
Một số hình ảnh tại hội thảo:
Tuấn Anh