Thị trường thương mại điện tử ở Việt Nam đang tăng trưởng trung bình 24% mỗi năm, được dự báo sẽ đạt 10 tỷ USD giá trị vào năm 2020.
Cùng với đó, công nghệ số ở Việt Nam hiện nay ứng dụng cho thương mại hàng hoá nhiều hơn, trong đó xuất khẩu hàng Việt có tiềm năng rất lớn để phát triển, nhất là kết nối với thị trường toàn cầu.
Tiềm năng
Tính tới hiện tại, Việt Nam mới có 11% doanh nghiệp tham gia sàn thương mại điện tử; 35% doanh nghiệp thiết lập quan hệ đối tác với nước ngoài thông qua online. Tuy nhiên, trong tổng số 700.000 doanh nghiệp đối tác của Amazon.com trên toàn cầu, chỉ có khoảng 200 doanh nghiệp từ Việt Nam. Theo ông Lê Hải Bình, phó chủ tịch hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, hiện nay Việt Nam đã ký nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có nội dung về thương mại điện tử. Nhưng trên thực tế số lượng doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào thương mại điện tử quốc tế còn rất hạn chế so với các quốc gia khác. Doanh nghiệp thương mại Việt Nam vẫn đang ưu tiên kinh doanh theo phương thức truyền thống, giao dịch trực tiếp với đối tác; nên hạn chế phát triển thị trường mới, tốn nhiều chi phí cho hoạt động quảng bá, hội chợ. Trong khi đó, xu thế của các nước đang phát triển là ưu tiên chọn xuất khẩu thông qua thương mại điện tử, như các trang bán hàng trực tuyến, để tiết giảm chi phí và tăng hiệu quả. Đây cũng là phương thức mở rộng thị trường phù hợp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Ghi nhận thực tế, hiện nhiều sàn thương mại điện tử lớn của thế giới là Alibaba.com, Amazon.com… đã tiếp cận và thâm nhập mạnh hơn vào Việt Nam. Bà Selina Xie, quản lý thị trường của Alibaba.com tại Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam có thể xuất khẩu toàn cầu thông qua nền tảng thương mại điện tử. Cụ thể, thông qua Alibaba.com, doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội quảng bá sản phẩm tới 260 triệu nhà mua hàng trên thế giới tại hơn 190 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đây cũng là thời cơ cho doanh nghiệp Việt Nam, khi Alibaba.com xác định Việt Nam là một trong những thị trường lớn nhất của Alibaba tại châu Á, và cũng là một trong mười quốc gia hàng đầu về xuất khẩu các mặt hàng may mặc, da giày, hải sản, thủ công mỹ nghệ…
Đơn cử, Việt Nam có nhiều tiềm năng trao đổi thương mại hàng hoá thông qua nền tảng thương mại điện tử với thị trường Na Uy. Bởi cơ cấu hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam và Na Uy không cạnh tranh, mà mang tính bổ sung qua lại cho nhau. Na Uy cũng là thị trường có sức mua cao, và là thành viên của khối Mậu dịch tự do châu Âu (EFTA, gồm bốn nước Thuỵ Sĩ, Na Uy, Iceland, Liechtenstein). Ngày càng có nhiều doanh nghiệp Na Uy đến tìm kiếm cơ hội hợp tác, kinh doanh tại Việt Nam trong các lĩnh vực như thuỷ sản, nông sản, dệt may… Vì vậy, Việt Nam và Na Uy có tiềm năng phát triển thương mại lớn, nếu cộng đồng doanh nghiệp hai bên khai thác hiệu quả nhiều kênh xuất nhập khẩu, trong đó có thương mại diện tử. Tương tự, cơ hội đẩy mạnh thương mại hàng hoá và đầu tư vào thị trường Canada đang rộng mở đối với các doanh nghiệp, nhà đầu tư Việt Nam sau khi hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực. Hay thống kê các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Ba Lan, có thể thấy hiện thị trường này cũng đang có nhu cầu nhập khẩu từ Việt Nam những mặt hàng như gạo, nông sản, dầu ăn, thực phẩm hữu cơ, sản phẩm tốt cho sức khoẻ…
Công cụ tiếp cận thị trường toàn cầu
Thương mại điện tử là công cụ kinh doanh không thể thiếu đối với doanh nghiệp thế giới nói chung và doanh nghiệp Việt Nam nói riêng, trong bối cảnh hội nhập và làn sóng cách mạng công nghệ 4.0 lan rộng trên toàn cầu như hiện nay.
Thương mại điện tử không bị ảnh hưởng bởi khoảng cách địa lý, không phân biệt nhà cung cấp nhỏ hay lớn; hiện diện trên toàn cầu cho nhà cung cấp, lựa chọn toàn cầu cho khách hàng. Mặc dù vậy, để việc phát triển thương mại điện tử quốc tế một cách bền vững, doanh nghiệp phải chú trọng đến chất lượng sản phẩm, đáp ứng các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc hàng hoá, trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường, cũng như đạo đức kinh doanh. Thêm vào đó, doanh nghiệp cần phải thiết lập quan hệ đối tác với các nhà nhập khẩu, phân phối và các hệ thống bán lẻ quy mô lớn ở nước ngoài, để phát triển mạng lưới và khai thác tối đa tiềm năng của thị trường. Doanh nghiệp nên bắt đầu kinh doanh quốc tế thông qua thương mại điện tử, ngay cả khi doanh nghiệp đã có khách hàng đều đặn. Vì thống kê cho thấy, các nhà nhập khẩu quốc tế thường tìm kiếm nguồn cung cấp hàng hoá trong thời đại số thông qua kênh thương mại điện tử, điều này hoàn toàn khác với các nhà mua hàng truyền thống.
Ngoài ra, thương mại điện tử cũng là công cụ hiệu quả giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa vươn ra thế giới, thông qua kênh xuất khẩu trực tuyến.Theo bà Selina Xie, việc bán hàng qua các sàn thương mại điện tử cũng là một trong những cách nhanh nhất để doanh nghiệp có thể xây dựng thương hiệu riêng.Từ đó, doanh nghiệp có điều kiện thuận lợi đưa hàng xuất khẩu ra toàn cầu, mở rộng kinh doanh… nhưng không phải tốn kém nhiều chi phí đầu tư, cắt giảm nhà mua hàng trung gian.
Cụ thể, thông qua kênh Alibaba.com, giá trị hàng xuất khẩu từ doanh nghiệp Việt Nam có thể tăng nhiều hơn, nhất là khi doanh nghiệp nhỏ và vừa có cơ hội tham gia xuất khẩu trực tiếp. Việc Alibaba.com hợp tác với sàn thương mại điện tử Việt Nam, không nằm ngoài mục tiêu hỗ trợ, đào tạo các kỹ năng, kiến thức về thương mại điện tử xuyên biên giới, nâng cao năng lực chào hàng trực tuyến cho doanh nghiệp có tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam.
M. Phương (theo TGHN)